Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Nhà bác học và người lái đò

NHÀ BÁC HỌC VÀ NGƯỜI LÁI ĐÒ

 

Một hôm, có một nhà bác học ngồi trên một con thuyền qua sông. Ngồi không, cảm thấy buồn chán, nhà bác học bèn nói chuyện với người chèo thuyền. Ông ta ngẩng cao đầu, kiêu ngạo hỏi:


– Anh có nghiên cứu triết học không? Đó là thứ học vấn cần thiết nhất trên thế giới đấy!
Im lặng một hồi lâu, người chèo thuyền trả lời một cách ngượng ngập:
– Tôi suốt ngày chỉ biết chèo thuyền, không có thời gian nghiên cứu triết học.
– Như vậy là anh đã lãng phí mất một nửa cuộc đời rồi – nhà bác học nói. Nói xong ông ta quay mặt ra ngoài, ngắm nhìn sông nước, không nói chuyện với người chèo thuyền nữa.


Nào ngờ, một lúc sau, trời nổi giông bão, con thuyền nhỏ bị lật, cả nhà bác học và người chèo thuyền đều bị rơi xuống nước.
– Ông có biết bơi không? – Người lái thuyền hét lớn, hỏi nhà bác học.
Lúc này nhà bác học đã bị chìm đến cổ, lập cập trả lời:
– Không biết!
– Vậy thì ông đã lãng phí cả cuộc đời mình rồi! – người chèo thuyền nói

Con ngựa của Plato

 

CON NGỰA CỦA PLATO

Plato, cũng là một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp (428 – 348 TCN), là một học trò của Socrates. Ông thường dạy học trò bằng phương pháp thảo luận.

Một hôm, Plato cùng Socrates dẫn vài học trò rời thành Athen tới bờ biển Aegean như một hoạt động ngoại khóa. Họ ngồi quanh một hòn đá ở bên và cùng tranh luận xem một con ngựa đực trưởng thành có chính xác bao nhiêu chiếc răng.

Glaucon nói vì miệng con ngựa nhỏ như thế nên rõ ràng nó không thể có quá 15 chiếc răng được.

"Thật vô lý, bất kỳ kẻ ngốc nào cũng thấy con ngựa có một cái hàm rất dài nên nó phải có 42 chiếc răng", Thrasymachus hét lên.

Nhưng rồi lại có một người khác tên là Aristophanes phản đối. Theo Aristophanes, vì mỗi 1 con ngựa mất 23 phút để nhai hết một bó cỏ khô, nên hẳn là nó phải có 23 chiếc răng.

Cuộc thảo luận bắt đầu căng thẳng hơn vì không ai chịu ai. Bản thân Plato thì nghĩ con ngựa có tới 82 chiếc răng vì ông đã từng nhìn thấy một hình vẽ con ngựa trên hang động. Tuy nhiên ông không đưa ra ý kiến của mình.

Đến lúc này, người lặng im suốt từ đầu đến cuối cuộc tranh luận là Socrates mới cất lời. Socrates bảo thay vì tiếp tục cuộc tranh cãi dường như không có hồi kết này, họ nên đi ra chỗ buộc đám ngựa đã đưa họ tới đây, mở miệng của chúng ra mà đếm là xong.

Cả nhóm học trò của Plato lúc này mới há hốc miệng, ngạc nhiên trước đáp án đơn giản, bất ngờ mà hết sức khôn ngoan từ người thầy của thầy mình.

Lời bình: Đôi khi những đáp án cho những vấn đề hóc búa trong cuộc sống lại xuất hiện một cách vô cùng đơn giản, nếu bạn để ý và quan sát xung quanh. Ngoài ra, câu chuyện còn đề cao tính thực tế. Thực tế luôn có ý nghĩa thiết thực hơn mọi lý thuyết.