Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Luôn vượt lên chính mình

 

CÁCH XỬ LÝ ĐÚNG ĐẮN TRƯỚC THÀNH CÔNG LÀ LUÔN VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH


Nhà tâm lý học đồng thời là bác sĩ chữa trị tâm lý nổi tiếng Elen. C. Kathura đã nêu một dẫn chứng trong tác phẩm của bà mang tựa đề: "Dốc toàn lực, dùng tiến thủ để chiến thắng lầm lạc”.


Vào thời điểm ba giờ sáng sau ngày phát giải thưởng điện ảnh Oscar bà bị giật mình tỉnh giấc vì một hồi chuông gọi cửa, người vừa đoạt giải Oscar hôm qua là Claws bước vào phòng vừa khóc vừa phân trần rằng: "Tôi tự mình biết rõ tôi không xứng đáng với giải thưởng này vì thực ra tôi chưa giành được thành tích như thế, rồi thiên hạ sẽ nhanh chóng biết rằng tôi chẳng qua chỉ là một kẻ mạo danh mà thôi". Claws cho rằng thành tích của cô chẳng qua nhờ gặp may về mặt thời gian, địa điểm, và nhờ có người thực sự có tài năng nâng đỡ, cô ta không tin rằng giải Oscar là kết quả quá trình rèn luyện phấn đấu lâu dài của mình, mặc dù thực tế đã được các đồng sự bình chọn một cách công khai công bằng và xác nhận rằng về chuyên môn và sáng tạo nghệ thuật cô xứng đáng xếp đầu bảng, chỉ có bản thân cô không tin vào điều này mà thôi.

.

Trong khi chữa chạy cho các bệnh nhân tâm thần Kathura nhận thấy rằng, có một nam diễn viên vũ ba lê nổi tiếng có một tật rất lạ là cứ cách một khoảng thời gian nhất định, anh lại nổi một cơn cáu giận đúng vào ngày có chương trình biểu diễn, anh ném tung đôi giày khiêu vũ đang đi trên chân, bỏ cơm không ăn, sau đó lục tìm trong số 250 đôi giày hiện có mà không thể tìm được một đôi đi vừa chân mình, còn có một ngôi sao ca nhạc, khi sắp sửa bước ra sân khấu bỗng cảm thấy ngứa rát trong cổ họng, một vận động viên thể thao, cứ qua mỗi giai đoạn luyện tập lại bị đau cột sống, ảnh hưởng tới thành tích thi đấu.

.

Kathura nhận định rằng, những triệu chứng có phần lạ lùng đó đều do nguyên nhân bức xúc bởi sức ép thành công gây ra vướng mắc về mặt tâm lý, ngoài ra thành công còn dẫn đến tâm trạng tiêu cực tự cao hợm hĩnh. Một nhà tâm lý học đã tiến hành trắc nghiệm đối với 43 người đoạt giải Nobel, đưa đến kết luận, trước khi nhận giải, trung bình hàng năm mỗi người phát biểu 5 - 9 bài luận văn học thuật, nhưng sau khi nhận giải, trung bình chỉ còn phát biểu 4 bài luận văn, hoặc một số nhà hoạt động chính trị sau khi giành được một loạt thành công, do quá tự tin dẫn đến một số sơ suất nghiêm trọng, hoặc có nhà văn sau khi xuất bản hai, ba tác phẩm gây tiếng vang lớn, thì lại cho ra đời những tác phẩm lá cải, thậm chí không sáng tác được gì thêm, có thể do nhiều lý do, nhưng trong đó phải kể đến một nguyên nhân quan trọng là cách xử lý đúng đắn trước thành công.

.

Chỉ có những ai biết vượt qua chính mình, thì mới có khả năng vươn tới những thành công mới vĩ đại hơn. Ví dụ như Einstein, vinh dự càng lớn ông càng cảm thấy mình dốt nát, ông ví vốn kiến thức của mình như một mảnh vườn, vườn càng rộng thì những khoảng bỏ hoang càng nhiều, ông quan niệm khoa học không có giới hạn, học tập phấn đấu cũng không có giới hạn, cả xã hội loài người đang tiến lên không ngừng vì luôn cảm thấy không thỏa mãn với hiện trạng.

.

Luật sư nổi tiếng Williams đã nói: "Theo tôi cách định nghĩa từ "thành công" hay "thắng lợi" tức là phát huy hết mức sức mạnh tiềm tàng về mặt thể lực, trí lực và tinh thần, tình cảm của con người, bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực nào, hễ ai đạt đến tầm cỡ đó, thì coi như đã thành công".

.

Theo cách giả thích của Williams, cho dù bạn đạt được thành tích khả quan, nhưng thỏa mãn dừng lại, ngủ quên trong niềm vinh quang, thì bạn vẫn chưa xứng đáng là người thành công, Người thành công chân chính sẽ tiếp tục nỗ lực để giành được thành tựu lớn hơn nữa, không sống với thành công trong quá khứ, ngủ say trong ánh hào quang, đừng để thành tựu hôm qua cản đường tiến bước hôm nay. Cuộc sống không ngừng chảy, và không ngừng vượt lên chính mình, chứ không dừng lại khi đã thực hiện mục đích là có thành công.

.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Có thể nói cuộc đời chính là quá trình tự vượt qua chính mình, người nào có khả năng vượt qua chính mình, thì mới hy vọng gặt hái thành công.

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Câu chuyện ngồi tù khám lớn Sài gòn

 

 Ảnh Khám lớn (Maison Centrale de Saigon), những năm 1920

 

Câu chuyện ngồi tù khám lớn Sài Gòn

 

Tôi (GS Trần Văn Giàu) qua cửa Khám Lớn* (khám lớn sài gòn Số 1, ở Ðường Lagrandière – nay là đường Lý Tự Trọng Quận1).lần đầu tiên vào giữa năm 1930, sau khi trong số mấy trăm sinh viên và lao động Việt Nam biểu tình trước điện Elysée (dinh Tổng thống Pháp) đòi thả chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái, mười chín người bọn tôi bị bắt giam rồi bị trục xuất về nước.

.

Lần thứ hai tôi vào Khám năm 1933 về tội “vô gia cư”. Tội “vô gia cư” là cái quái gì? (Ai đi làm “cách mạng chuyên nghiệp” cũng có những nơi tạm trú, hai, ba, năm, bảy nơi; nhưng lần đó Pháp nó khảo mãi, tôi khai là tôi ở trên xuồng ba lá rày đây mai đó trên sông rạch, không có nhà ở; trong mình tôi không có tài liệu cách mạng, chỉ có một cái giấy thuế thân của người khác, cho nên, lần này, theo pháp luật toà chỉ có thể kêu án tôi về tội “vô gia cư”). Và, lần thứ ba, tôi vào Khám Lớn năm 1935, lãnh án năm năm tù; lần này tôi ở đủ cho đến 1940.

.

“Biệt thự S”, khám nhỏ trong Khám Lớn

Cổng sắt hai lớp, có một đội cai ngục tây và mã tà nam túc trực. Chính giữa sân trong, một lầu chuông cao nhìn xuống toàn bộ các buồng có cửa song sắt chứa nổi một ngàn tù nhân. Suốt gần tám mươi năm chưa nghe nói có một người tù nào trốn khỏi Khám Lớn. Năm 1916, nghĩa quân Thiên địa hội của Nguyễn Hữu Trí (1) đông mấy trăm người vũ trang bằng gươm dao, búa tạ, chày vồ, không phá nổi cửa khám, tường khám nhằm giải thoát “hoàng đế” Phan Xích Long và chính trị phạm, rốt cuộc phải rút lui thất bại.

.

Khám Lớn vững chắc lắm. Vậy mà từ năm 1937, chính quyền thực dân thấy cần phải xây thêm một cái khám nhỏ riêng biệt trong vòng thành của cái Khám Lớn; khám nhỏ đó, Tây gọi là Bâtiment S; S là “spécial”, đặc biệt, chúng tôi gọi là “biệt thự S”, để nhốt riêng vài ba bốn người tù chính trị mà chúng cho là nguy hiểm đặc biệt, trong số đó có tôi.

.

Tây sợ chúng tôi cưa song sắt, khoét vách tường, vượt ngục chăng? – Không phải! Có ai vượt nổi Khám Lớn bao giờ? Vậy mà phải xây riêng một khám nhỏ trong Khám Lớn vì lẽ gì? – Vì lẽ rất đơn giản là: từ ngày chính phủ Mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Paris, toà án Sài Gòn nói chung không xử án chính trị nặng lắm như trước: thường nhất là ba tháng, sáu tháng, một, hai năm tù đối với những người biểu tình, bãi công, làm báo. Anh chị em ta vào Khám Lớn đông lắm, từng tốp, từng tốp, vào ít lâu lại ra, ra vào như đi chợ, như đi học.

.

Trong Khám Lớn lúc này, tù “cố cựu” rất ít: hầu hết chính trị phạm của thời 1930-1935, đã được chính phủ Mặt trận bình dân “ân xá”; số được ân xá có hàng trăm, hàng ngàn, từng đợt, từng đợt. Tôi “lọt sổ” hoài; tôi được Tây xếp gọi lên cho hay “không được ân xá” đâu đến ba lần, không phải do tôi làm đơn mà do đoàn thể, do trạng sư. Nhưng tôi không thất vọng; không thất vọng vì chưa hề hy vọng được ân xá.

.

Mình vào tù đến bốn lần thì Tây nó biết chắc mình sẽ có ngày vào tù lần thứ năm. Anh Tôn Đức Thắng lãnh án hai mươi năm khổ sai, bốn lần nặng hơn mình, vậy mà ai nghe nói anh ấy có hy vọng gì đâu để mà thất vọng? Vả lại tù Khám Lớn Sài Gòn được bạn bè, gia đình thăm viếng mỗi tuần một lần, quà bánh, báo chí có đủ; nhất là ở tù mà vẫn có công tác cách mạng sôi nổi thì an tâm quá đi chớ!

.

Công tác của tôi là huấn luyện tù nhân mới vào và sắp ra, họ đông tới hàng trăm, thường xuyên là hàng mấy chục. Trường Khám Lớn có nhiều giảng viên kinh nghiệm, lý luận, trình độ khá cao. Tụi tôi tổ chức ba bậc huấn luyện lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động sơ, trung và cao. Vô tù thành ra đi vào trường học chính trị. Trường học được mở liên tục mà khỏi phải mướn nhà, khỏi phải nuôi cơm. “Kinh tế” biết mấy. Khám Lớn góp phần đào tạo hàng trăm cán bộ cho các đoàn thể cách mạng ở bên ngoài. Tôi lúc ấy là “Chủ tịch hội đồng giáo sư đỏ”.

.

Tôi viết xong trên mười đầu sách; đều là “sách giáo khoa”; sách được giấu trong tường; đục tường lấy ra một cục gạch thì có một tủ sách. Cơm nước xong, cửa Khám đóng lại, thì lấy sách ra đọc. Sàn xi măng là bảng đen, gạch vụn là phấn; một số Thầy Chú dám bí mật đem giấy bút cho chúng tôi.

.

Bài vở viết ra được đánh morse từ khám nam ở trên xuống khám nữ ngay ở dưới. Đánh morse thì nằm sấp để tai sát sàn, lấy một bù lon quấn vải gõ vào sàn, khám dưới nghe được, chép lại, “phát hành” đi các khám cũng bằng cách đó. Ngoài công tác liên lạc chính thức thì chuyên viên morse khám nam, anh Nguyễn Hữu Thế*, và chuyên viên morse khám nữ, chị Đinh Thị Tiếu, nói gì với nhau, có trời mà biết, chỉ biết rằng, ra tù, hai cô cậu thành vợ, thành chồng với nhau.

.

* Nguyễn Hữu Thế, giáo học, bị kết án 7 năm tù (1935-1942), 10 năm quản thúc.

Trích hồi ký Trần Văn Giàu


Phán xét

Ảnh minh họa: trích đoạn tác phẩm Phán xét cuối cùng của họa sỹ Hieronymus Bosch, sáng tác khoảng sau 1482. 

Phán xét

Ưa phán xét là một thói quen gây nhức nhối đeo bám con người, mà khi nhắc đến chúng ta khó tránh sự ngần ngại – bởi để nói về người khác cũng chính là tự cảnh tỉnh bản thân mình – và càng không thể tùy tiện.


Một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất nước Anh, Nam tước Alfred Tennyson (1809-1892): “Chúng ta chẳng thể tử tế với nhau ở nơi đây, dù chỉ trong một giờ. Chúng ta thì thầm, chỉ trỏ, cười khẽ mỉa mai trước nỗi tủi thẹn của anh em đồng loại; dù nhìn như thế nào, loài người chúng ta cũng là giống loài nhỏ mọn”.


Chắc chắn chẳng ai muốn bị phán xét, nhưng tiếc thay, ưa thích phán xét lại dường như là một thuộc tính khá phổ biến, có nguồn gốc từ dục vọng của con người. Mặt khác, con người sinh ra lại vốn không hoàn hảo, cũng như không thể làm vừa lòng tất cả, chưa kể còn lòng ghen ghét-đố kỵ…, bởi vậy câu chuyện phán xét giữa con người với nhau trở nên như “cơm bữa”. Vì thế mà Albert Camus (1913-1960)-nhà văn đoạt giải Nobel, triết gia, nhà báo người Pháp đã khẳng định: “Đừng đợi sự phán xét cuối cùng. Ngày nào nó cũng đến”.


John Ronald Reuel Tolkien (1892-1973)- nhà văn, thi sĩ, triết gia và giảng viên đại học người Anh, còn cảnh báo về một thực trạng trớ trêu rằng: “Nhiều người đang sống đáng phải chết. Và một số người đã chết đáng được sống. Anh có thể trao điều đó cho họ không? Vậy đừng quá vội vã phán xét ai phải chết. Bởi ngay cả người sáng suốt nhất cũng không thể thấy hết mọi mặt. Do vậy việc biểu đạt những phán xét, trong nhiều trường hợp, cần phải được ràng buộc bởi những trách nhiệm lớn lao, cũng như con người cần phải bị trừng phạt đích đáng, trước những phán xét sai lầm-tội lỗi của mình.


Nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ- Dale Breckenridge Carnegie (1888-1955) đã khẳng định: “Thậm chí ngay cả Chúa cũng không phán xét một người chừng nào còn chưa tới ngày cuối cùng của anh ta, vậy tại sao bạn và tôi lại làm như vậy chứ”? Còn thiền sư nổi tiếng Ajahn Chah (1918-1992)- Thái Lan, đã nhắc nhở các phật tử rằng: “Đức Phật dạy chúng ta hãy xét đoán chính mình mà đừng xét đoán kẻ khác, dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa. Đức Phật chỉ cho ta con đường và nói: “Chân lý là như vậy đó”. Tâm ta có được như vậy không?”.  


Quả thật, việc kiềm chế ham muốn phán xét người khác, chỉ tự khách quan xét đoán chính mình là một trong những mỹ đức cao cả mà con người cần hướng tới, trong cuộc sống này. Nhưng điều ấy khó vô cùng. Albert Camus nhận xét rằng: “Người ta vội vã phán xét người khác để tránh chính mình bị phán xét”. Như vậy, từ nỗi sợ hãi hay hèn nhát mà người ta cũng có thể trở thành kẻ phán xét.


Nhưng ngược lại, phải chăng con người cũng cần phải chủ động học cách chung sống với những lời phán xét, một cách tích cực? Và có lẽ lời khuyến cáo của Henry James (1843-1916)-tác giả, nhà phê bình văn học người Anh gốc Mỹ nổi tiếng rất đáng để lưu tâm: “Đừng chú trọng bất cứ điều gì và bất cứ ai nói với bạn về bất cứ người nào khác. Hãy tự mình đánh giá tất cả mọi người và tất cả mọi chuyện”. Nhưng để hành xử được như thế, cũng như để thoát khỏi cái ầm ĩ của những lời phán xét, con người cần phải có tư duy độc lập, cũng như cần phải thoát khỏi cái “tâm lý bầy đàn”.


Con người cá nhân, luôn khao khát tự do. Nhưng rõ ràng, cũng như động vật sống theo bầy, con người không thể thoát ra khỏi cộng đồng. Không những thế, mỗi con người, trong sự tồn tại và phát triển của mình, còn cần phải được đặt cùng với sự tồn tại và phát triển của người khác, của cộng đồng. Mặt khác, ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân, hoàn toàn phụ thuộc vào việc thoát ra khỏi cái Tôi đến đâu và mang cái nghĩa cao cả ở mức độ nào. Vì thế, mỗi cá nhân, từ lúc sinh ra đã luôn cần phải được răn dạy, giáo dục. Để không những chỉ biết hành xử đúng mực và tỉnh táo trong cái thế giới của những phán xét, mà còn cần phải hướng tới: sự tha thứ, lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông.


Lời nhắn gửi rất đáng ghi nhớ của Ernest Miller Hemingway (1899-1961)-một tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn, nhà báo người Mỹ nổi tiếng: Là người viết, bạn không nên phán xét, mà nên thấu hiểu”.


Theo Tia Sáng