Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Sự xuất hiện thực phẩm hữu cơ

 

Sự xuất hiện thực phẩm hữu cơ

Thực phẩm hữu cơ hay còn được biết đến rộng rãi với cái tên "thực phẩm Organic", không tự dưng xuất hiện mà xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ rất khắt khe của người tiêu dùng. Nếu như thị trường Việt Nam từng chao đảo vì vấn nạn thực phẩm bẩn cách đây vài năm thì người tiêu dùng ở các nước phát triển đã phải trải qua giai đoạn tồi tệ này từ hơn 100 năm trước, khi Mỹ và các nước châu Âu bắt đầu thực hiện công nghiệp hoá. 

Chính thời kỳ đó tình trạng thực phẩm bẩn còn kinh hoàng hơn rất nhiều những gì chúng ta biết. Với sự chuyển mình từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp, các mô hình trang trại mở thân thiện đều trở thành các nhà máy sản xuất khép kín, không cho người tiêu dùng tiếp cận tận mắt quy trình sản xuất. Cũng từ đây, chuỗi cung ứng thực phẩm dần mất đi sự minh bạch và lành mạnh vốn có. 

Hơn một nửa thực phẩm ở Mỹ cuối thế kỉ 19 được xét nghiệm là thực phẩm giả. Hàn the được sử dụng tràn lan, bột mì bị trộn lẫn với cám ngô, rau củ được ngâm CuSO4 để tạo màu xanh, thịt lợn được bảo quản bằng formaldehyde, sữa được pha với phấn và thạch cao, rượu và cafe chứa đầy chì, mật ong giả hoành hành tới mức bỏ xác ong vào sản phẩm trở thành phương pháp quảng cáo hữu hiệu để chứng minh là mật ong.. thật. Đó là kết quả khi các nhà sản xuất bỏ qua yếu tố chất lượng và minh bạch để nhắm tới năng suất và lợi nhuận.


Sự xuất hiện thực phẩm hữu cơ

Phong trào canh tác hữu cơ phát sinh vào những năm 1940 để đáp ứng với công nghiệp hoá của nông nghiệp. là kết quả của các ấn phẩm như cuốn sách The Living Soil năm 1943 và Trồng trọt và làm vườn vì sức khỏe hay bệnh tật (Farming and Gardening for Health or Disease) năm 1945.


Nông nghiệp hữu cơ đạt đến mức độ phổ biến khiêm tốn ở Hoa Kỳ vào những năm 1950. Đến những năm 1970, sự quan tâm đến thực phẩm hữu cơ tăng lên cùng với sự gia tăng của phong trào môi trường, và cũng bị thúc đẩy bởi những nỗi sợ về sức khỏe liên quan đến thực phẩm như những lo ngại về chất điều tiết sinh trưởng B-9 (Daminozide) nảy sinh vào giữa những năm 1980.

Theo công bố của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), thực phẩm hữu cơ được kiểm soát nghiêm ngặt và có giấy chứng nhận. Tại Việt Nam chúng được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận, dưới sự chứng nhận của PGS Việt Nam (Participatory Guarantee System - hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ Việt Nam).

Holbrook cho biết thực phẩm hữu cơ không được sử dụng hócmôn hay dùng thuốc hóa học để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời cũng không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen.

Theo J.I Rodale thì thực phẩm hữu cơ là nông sản không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, chúng lớn lên bằng phân bón tự nhiên (phân xanh và phân ủ) và không sử dụng hóa chất, hay phụ gia và chất bảo quản.

Đối với thực phẩm hữu cơ, để có được chứng nhận organic, các nhà nông nghiệp phải tuân theo quy định rất nghiêm ngặt của USDA với việc không dùng bất kì loại hóa chất nhân tạo nào. Thay vào đó là những phương pháp bảo vệ cây trồng tự nhiên như sử dụng phân xanh, phân ủ, hay thiên địch cũng như chỉ sử dụng phương pháp sinh học để luân, xen canh cho cây trồng luôn nhận đầy đủ chất dinh dưỡng.

Trong quá trình chế biến, thực phẩm hữu cơ nói “không” hoàn toàn với các chất nhân tạo cũng như các loại dung môi công nghiệp hay chiếu xạ, chỉ sử dụng nguyên liệu hữu cơ để chế biến ra thành phẩm.

Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông.


Ở Việt Nam, khái niệm thực phẩm hữu cơ Organic không còn mới mẻ nhưng nó chưa được biết đến rộng rãi và mọi người cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của nó đối với đời sống và sức khỏe. và không ít người vẫn nhầm lẫn cho rằng: thực phẩm hửu cơ và thực phẩm sạch cũng như nhau.

.

Theo quy định, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic sẽ được gắn nhãn “Certified Organic Foods”. Chứng nhận này được gắn trên sản phẩm khi và chỉ khi sản phẩm đó: không chứa hormone, không chứa thuốc trừ cỏ, không chứa phân bón hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng, không có hương liệu, phẩm màu và chất bảo quản. Tất cả các thực phẩm Organic đều chịu sự kiểm soát liên tục, gắt gao từ khâu đầu đến khâu cuối cùng.

Và những thực phẩm được gắn mác hữu cơ Organic phải được kiểm soát và kiểm nghiệm bởi các tổ chức có thẩm quyền và uy tín về lĩnh vực này.

 

Trên thế giới có nhiều tổ chức đưa ra các tiêu chí khác nhau để chứng nhận một sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Ví dụ như chúng ta có chứng chỉ USDA của Mỹ chia sản phẩm hữu cơ thành 4 nhóm chính là: 

·        - True Organic: 100% thành phần từ hữu cơ.

·        - Sản phẩm hữu cơ: 95% thành phần hữu cơ trở lên.

·        - Sản phẩm được làm với thành phần hữu cơ: 70% - 94% thành phần hữu cơ.

·        - Sản phẩm có thành phần hữu cơ: 70% thành phần hữu cơ trở xuống.

Chứng chỉ NASAA của Úc quy định về việc các sản phẩm không sử dụng các thành phần hóa học lẫn hữu cơ có chứa chất gây biến đổi gene ở người. Chứng chỉ này thường áp dụng với các sản phẩm làm đẹp như mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm,...

Ở Việt Nam thực phẩm hữu cơ chưa được bày bán rộng rãi, thường chỉ có ở các cửa hàng chuyên bán thực phẩm hữu cơ.

Nếu bạn quan tâm nhiều đến sức khỏe, muốn sử dụng thực phẩm hữu cơ không chứa hóa chất, phụ gia, bạn có thể chọn mua thực phẩm hữu cơ ở các cửa hàng uy tín hoặc tự thực hiện trồng rau, nuôi gà vịt tại nhà.

Trong điều kiện ô nhiễm môi trường nặng nề ở Việt Nam do đó việc sử dụng thực phẩm hữu cơ (organic) lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết nhất là đối với người cao tuổi sức đề kháng giảm so với các nhóm tuổi khác. Hệ miễn dịch của người cao tuổi hoạt động kém.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Nền giáo dục khai phóng là gì

  

 Thomas Huxley (hình chụp vào khoảng năm 1890), một trong những người cổ vũ cho giáo dục khai phóng.

Nền giáo dục khai phóng là gì

.

Trước tiên chúng ta hãy làm rõ nghĩa của khái niệm môn học khai phóng và giáo dục khai phóng(1). Các môn học khai phóng, theo truyền thống, đều nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, những năng lực trí tuệ và trí tưởng tượng mà không có chúng thì ta không thể hoàn tất được một công việc trí tuệ nào. Giáo dục khai phóng không bị trói buộc vào những môn học nào đó, kiểu như triết học, lịch sử, văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, và những môn được gọi là “khoa học nhân văn” khác.

.

Theo truyền thống khai phóng, các môn khoa học, kiểu như toán và vật lý, được coi như có tính khai phóng như nhau, nghĩa là, đều có khả năng phát triển năng lực trí tuệ như nhau.

.

Truyền thống khai phóng có từ chương trình giảng dạy thời Trung Cổ. Nó bao gồm hai phần. Phần đầu, tam khoa, bao gồm Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Luận lý. Nó dạy nghệ thuật đọc và viết, nghệ thuật nghe và nói, và nghệ thuật tư duy hợp lý.

.

Phần còn lại, cao đẳng tứ khoa, bao gồm Số học, Hình học, Thiên văn học, và âm nhạc (không phải loại âm nhạc có thể nghe được rõ ràng, mà là nhạc học được hình dung như một môn toán học). Nó dạy nghệ thuật quan sát, tính toán, và đo lường làm thế nào để hiểu khía cạnh định lượng của mọi vật. Dĩ nhiên là ngày nay chúng ta sẽ thêm vào nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội nữa. Đấy là những gì đã được thực hiện qua nhiều nỗ lực hiện đại khác nhau nhằm cách tân nền giáo dục khai phóng.

.

Nền giáo dục khai phóng, bao gồm tất cả các môn học truyền thống cũng như những ngành khoa học mới hơn, là rất quan yếu cho việc phát triển những nhà khoa học hàng đầu. Không có nó, chúng ta chỉ có thể đào tạo những nhà kỹ thuật, những người không thể hiểu những nguyên lý cơ bản đằng sau những vận động mà họ thực hiện. Chúng ta hầu như không thể mong chờ những người máy tinh xảo như thế tạo ra những phát kiến quan trọng mới mẻ nào. Một chương trình chỉ đơn thuần huấn luyện kỹ thuật có lẽ sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ đối với ngành khoa học cơ bản.

.

Mối quan hệ giữa nền giáo dục khai phóng với sự sáng tạo trong khoa học không chỉ là sự võ đoán. Lịch sử đã chứng minh rằng các nhà khoa học vĩ đại người Đức thế kỷ 19 đều có nền móng vững chắc về nghệ thuật khai phóng. Tất cả họ đều trải qua một nền giáo dục khai phóng bao gồm tiếng Hy Lạp, La tinh, Luận lý, Triết học, và Lịch sử, cộng thêm Toán, Vật lý, và những môn khoa học khác. Thực tế, cho tới ngày hôm nay, đây là sự chuẩn bị học vấn cho các nhà khoa học châu Âu. Einstein (2), Bohr (3), Fermi (4) và những nhà khoa học hiện đại vĩ đại khác đều phát triển không chỉ nhờ việc học ngành kỹ thuật của mình, mà còn nhờ vào nền giáo dục khai phóng.

.

Tuy nhiên mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ.

.

Mục đích hàng đầu của nó không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào. Nó sản sinh ra những công dân có thể sử dụng quyền tự do chính trị của họ một cách có trách nhiệm. Nó phát triển những con người trí thức có thể sử dụng thời gian rỗi của họ một cách hữu ích. Nó là một nền giáo dục cho tất cả những người tự do, dù họ có ý định trở thành nhà khoa học hay không.

.

Vấn đề giáo dục là làm thế nào để sản sinh ra những con người tự do, chứ không phải một đám những nhà kỹ thuật được đào tạo mà không có tri thức. Chỉ có nền học vấn khai phóng tốt nhất mới có thể hoàn tất được điều này. Nó phải bao gồm tất cả môn học nhân văn cũng như toán học và khoa học. Nó phải loại trừ việc chỉ đơn thuần đào tạo kỹ thuật và ngành nghề.

 

 


(1) Các môn học khai phóng (liberal arts) có gốc Latinh là artes liberales, các môn học cho người tự do (liberi), phân biệt với artes servilles, các môn học thấp hơn. Đó là các môn trong tam khoa và cao đẳng tứ khoa nói trên. Thời nay, đó là tên gọi các môn học ở đại học, gồm văn, triết, ngôn ngữ, sử, giáo trình về các môn khoa học được dùng để phân biệt với các môn kỹ thuật học chuyên nghiệp. Liberal arts có thể hiểu là các nghệ thuật (hoặc môn học) làm người tự do. Chúng tôi dịch là môn học khai phóng vì dựa theo mục tiêu của các môn học này. Còn “nền giáo dục khai phóng” (liberal education) là việc giáo dục các môn học khai phóng, phân biệt với giáo dục nghề chuyên môn.
(2) Albert Einstein (1879 - 1955): nhà vật lý người Mỹ gốc Đức. Thuyết tương đối rộng của ông tạo ra một cuộc cách mạng trong tư tưởng khoa học và tạo lập nền tổng lý thuyết cho sự khám phá năng lực ngyên tử du sau này. Ông đoạt giải Nobel về vật lý năm 1921.
(3) Niels Bohr (1885 - 1962): nhà vật lý Đan Mạch. Ông đoạt giải Nobel về vật lý năm 1922 nhờ công trình về thuyết lượng tử. Ông tham gia vào chương trình phát triển bom nguyên tử tại Mỹ trong Thế chiến II.
(4) Enrico Fermi (1901 - 1954): nhà vô lý người Mỹ gốc Ý. Ông đoạt giải Noel về vật lý năm 1938 nhờ công trình về vật lý hạt nhân và sự phản ứng phân rã hạt nhân.

Nguồn: Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại - NXB Văn hóa thông tin


Nhìn lại vấn đề giáo dục

 

Nhìn lại vấn đề giáo dục 

 

Chúng ta đừng cầu xin nền giáo dục phải thay đổi, cơ chế phải thay đổi, mà hãy chủ động kiểm soát bằng tư duy "thay đổi đến từ tôi". Mahama Gadhi từng nói: "Bạn hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời". Để chuyển từ nghề "bán than" (than thở, than vãn) sang nghề "bán hy vọng", bán niềm tin, bán hạnh phúc, bán thành công thì con người phải ý thức được 2 thay đổi: (1) Thay đổi đến từ tôi; và (2) Tuy không thay đổi được hướng gió nhưng tôi có thể điều chỉnh được cánh buồm nằm trong tay tôi.

.

Nhiệm vụ của giáo dục không phải là lựa chọn thay cho người khác hay khuyên bảo họ hay nhào nặn họ, mà chính là tiếp sức cho họ để họ biết cách tự lực khai phóng chính mình, tự thay đổi mình theo cách của họ để trở thành con người mà họ muốn, sống cuộc đời mà họ mơ. Điều sâu xa nhất của giáo dục khai phóng chính là giáo dục nhân bản mà thôi. Lâu nay nhiều khi cái từ "khai phóng" bị "loạn", trong khi bản chất chính là giáo dục nhân bản. Nhân là người, bản là gốc.

.

Lấy con người làm gốc, cụ thể, lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của người học làm gốc chứ không phải lấy áp đặt của mình làm gốc. Về mặt rộng hơn, nền giáo dục quốc gia cũng phải lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của người học, người dạy làm trọng. Chứ không phải áp đặt hay nhào nặn, nhồi sọ - vì như thế không những không nhân bản mà còn phi nhân.

.

Trích Báo Dân Việt, nhân dịp 20/11/2020 với Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung