Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Đại học không thể chỉ nhắm một chiều: chiều kinh tế

 

Bà hiệu trưởng trường đại học harvard, Drew Gilpin Faust

Đại học không thể chỉ nhắm một chiều: chiều kinh tế

Cái đầu un đúc trong đại học là cái đầu thực dụng? Sự thật mà khoa học nhắm đến như lẽ sống biến mất trong đầu các ông khoa học gia, thay thế bằng những cái bằng sáng chế đẻ ra tiền? Văn hóa đâu có đẻ ra tiền, vậy văn hóa biến mất trong đại học? Mỗi người đi học là tư bản gia của chính mình, vậy đâu là những giá trị, những trách nhiệm xã hội của đại học?


Trong bài viết, tôi có nêu lên một tác phẩm của đại triết gia Đức, Kant, tương đối ít người biết hơn các tác phẩm trứ danh khác, nhan đề là “Xung đột giữa các phân khoa”. Hơn hai trăm năm sau, không ngờ quyển sách trở nên thời sự. Tôi xin nhắc lại ý chính trong tác phẩm của Kant để các bạn nào chưa có thì giờ đọc bài của tôi có thể theo dõi câu chuyện.


Kant nhắc lại sự thành hình của đại học Âu châu hồi thế kỷ XIII dưới sự kiểm soát của nhà thờ. Ba phân khoa nằm trên thượng đẳng: Thần học, Luật học, Y học. Tại sao Thần học nằm chót vót cao nhất? Bởi vì môn này cho phép chính quyền ảnh hưởng “mạnh nhất, sâu nhất” trên dân chúng, cho phép chính quyền đi tận vào trong “sâu thẳm của tư tưởng và của ý muốn kín đáo nhất của thần dân”. Tại sao Luật học, tại sao Y học? Không có luật, làm sao chính quyền cầm được dây cương điều khiển cỗ xa xã hội? Không có ý học, dân chúng ốm yếu bệnh tật thì ai phục vụ tốt cho nhà vua?


Ông Kant chấp nhận cái trật tự đẳng cấp ấy vì ông ma lanh. Ông nói” thôi được, tôi nhận. Vậy thì cái gì hạ đẳng thì chính quyền đâu cần phải nắm? Trong các môn hạ đẳng ấy có văn chương, khoa học, toán thuần túy và tất nhiên triết lý. Chính quyền đã lo lắng với lý trí ở trên cao rồi, còn cái thứ hạ đẳng này hãy giao cho lý trí riêng của các nhà thông thái. Nghĩa là cho bọn trí thức rởm như chúng ta đây. Vì là hạ đẳng, chính quyền cứ để cho các phân khoa ấy “độc lập với mệnh lệnh của chính quyền trong việc giảng dạy”, cho chúng nó cứ rong ruổi đi tìm “lợi ích của khoa học”, nghĩa là Sự Thật.


Thế rồi ông Kant bắt qua nghề của chàng: môn triết lý. Ông nói: phân khoa triết là “nơi mà lý trí phải có quyền nói một cách công khai”, phải có “tự do, không phải để ra lệnh mà là để phán đoán mọi mệnh lệnh”. Nó là hạ đẳng, có gì mà phải sợ! Ông nói thêm, luôn luôn với một luận lý không thế bắt bẻ được: chính vì chính quyền không tìm nơi các phân khoa ấy chút ảnh hưởng trực tiếp gì trên dân chúng, nên lý trí mới được tự do phát triển theo luật riêng của nó, mới hoạt động dưới một quan tâm duy nhấtquan tâm về sự thật.


Triết lý chính là cái môn trau dồi lý trí như thế, nó không làm cái gì khác hơn là suy tư, và nó không suy tư cái gì khác hơn là sự thật. Bởi vậy, nó mới gán cho nó cái mỹ hiệu “nữ hoàng của các khoa học”. Khoa học là để đi tìm sự thật, và nó dẫn đầu vì đã được t6i luyện trau dồi lý trí như thế. Hiểu như vậy thì tất cả các môn học đều phải đặt dưới sự giám sát của nó, nghĩa là giám sát của sự thật. Và sự thật ở đây không phải là độc tôn, độc hữu, vì lý trí đặt trên nền tảng tự dotự do tư tưởng, tự do phán đoán.

Chắc các anh chị đã thấy cái ma lanh của Kant. Triết lý là ở hạ cấp hạ đẳng. Nhưng nó dựa trên lý trí, mà lý trí là chiều hướng đi tới của lịch sử Âu châu: cho nên nó sẽ hạ bệ Thần họcthượng đẳng. Và sự thực đã diễn ra như vậy.


Nhưng quan tâm của Kant không phải chỉ là truất phế Thần học. Ông muôn phân hóa Triết đem đến cho các phân khoa khác một kiến thức phụ trội, giúp các phân khoa khác thoát khỏi cái đầu óc thực dụng vốn là đầu óc của các trường chuyên nghiệp.

Chính cái quan tâm đó làm quyển sách của Kant cứ là thời sự cho đến ngày nay. Bởi vì đào tạo là gì trong đại học? Đào tạo thế nào? Đào tạo chuyên viên hay là đào tạo một cái đầu? Kiến thức chỉ là kiến thức chuyên ngành hay kiến thức phải còn là kiến thức tổng quát, kiến thức suy tư?


Ngày nay, không còn ai nghĩ nữa rằng triết lý có thể làm chức năng mà Kant đã giao phó cho nó, nhưng cái chức năng ấy vẫn là thời sự của đại học. Hãy xem đại học Mỹ: tại sao sinh viên phải học 4 năm ở undergraduate? Tại sao ông nha sĩ phải học gì cho lâu vậy, thay vì đào tạo ông thợ bẻ răng cho nhanh? Lý tưởng của đại học không phải là biến tất cả thành thợ, thành chuyên viên. Đại học không thể tách rời lý thuyếtthực tiễn, nghiên cứuđào tạo, nghiên cứu thuần túynghiên cứu thực dụng. Đó là lý tưởng của một nhà giáo dục lẫy lừng, người Đức, Humboldt, hậu duệ tinh thần của Kant, mà đại học Âu Mỹ vẫn còn lưu ảnh hưởng.


Đại học đào tạo cái gì? Humboldt trả lời: đào tạo con người. Tại sao? Tại vì con người không thể là con người nếu khôngtự do, mà muốn học tự do thì cứ xem khoa học làm khoa học: khoa học đi tìm sự thật chứ không tìm cái gì khác. Đại học là chỗ dạy cho sinh viên tinh thần khoa học, và tinh thần ấy phải áp dụng cho tất cả các môn. Mà tinh thần khoa học là gì? Là suy luận, là phán đoán, là phê phán. Cái đó, tất cả ai vào đại học đều phải học, không phân biệt ngành nghề.


Tại sao tôi đem chuyện Kant và Humboldt ra nói ở đây, sau khi trình bày khuynh hướng đại học hàng hóa? Tại vì tôi chấp nhận khuynh hướng ấy như một mũi tên mà lịch sử bắn đi, không gì cưỡng lại được. Không gì cưỡng lại được làn sóng kinh tế toàn cầu hóa và thương mại hóa đại học.


Không gì cưỡng lại được nhu cầu hiệu quả để cạnh tranh giữa các đại học, trong nước và ngoài nước. Nhưng chính vì không gì cưỡng lại được mà ta, chúng ta ở đây, phải cưỡng. Bởi vì đại học không thể chỉ nhắm một chiều: chiều kinh tế. Đại học có những chức năng khác, mang ý nghĩa khác.


Tôi đã kết thúc bài viết của tôi bằng diễn văn của bà Hiệu trưởng Đại học Harvard. Harvard là một đại học tư, lại là một ngôi trường tư ở Mỹ, pháo đài của tự do chủ nghĩa. Nhưng bà hiệu trưởng Faust nói gì? Nói rằng tinh hoa của đại học nằm ở chỗ đại học chỉ chịu trách nhiệm với quá khứ và tương lai của dân tộc, chứ không nhắm vào những mục tiêu thực tiễn mươi, mười lăm năm trước mắt, chuyện ấy vớ vẩn.


Nhắm vào quá khứ là phải hiểu gia tài của cha ông để lại. Như vậy mới hiểu rằng mình là ai, từ đâu đến, đi về đâu. Nhắm vào tương lai, nghĩa là phải biết thay đổi: kiến thức là thay đổi, thay đổi thường xuyên. Bởi vậy, bà nói, đại học là chỗ thách thức với bất cứ ai dám nói rằng mình nắm sự thật không chối cãi trong tay. Tôi có ngửi thấy mùi tiền bạc gì đâu trong suốt diễn văn của bà?


Tôi nghĩ rằng, đại học chúng ta, nếu xứng đáng tầm cỡ đại học, chắc chắn sẽ đứng trước hai luận lý trái ngược: luận lý của đại học thị trường và luận lý của đại học cổ điển. Quan điểm của tôi là duy trì sự căng thẳng giữa hai khuynh hướng, xem sự căng thẳng đó cũng như là bản chất của đại học, bởi vì đại học phải là mảnh đất của va chạm, không có va chạm thì không có tranh luận, mà không có tranh luận thì không có trí thức, không có văn hóa. Không có tranh luận thì chúng ta chỉ đào tạo ra những cái đầu khô, những cái đầu sẵn sàng làm nô lệ cho mọi thế lực, trong đó có thế lực của đồng tiền.


Các anh chị cho phép tôi thú thật một điều. Trong suốt cuộc đời dạy học của tôi ở nước ngoài, tôi không vui, bởi vì tôi có cảm tưởng tôi là người bán chữ, sinh viên trước mặt tôi là những người mua chữ. Tôi được đào tạo từ nhỏ trong luân lý đạo đức của cha tôi, giáo viên tiểu học kiểu mẫu, rằng người dạy học không phải là người cầm cái cần câu cơm. Đại học, đối với tôi, và tôi nghĩ là đối với chúng ta, vẫn còn là nơi để học làm người, làm người tự do, làm người Việt Nam.


Trích bài Giáo dục hàng hoá hay công ích?

Cao Huy Thuần

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

Đôi khi biết ít hơn lại tốt hơn

Có đôi lúc trong cuộc đời, nhân tính không bằng trời tính, hãy cùng nghiền ngẫm 2 câu chuyện sau để tìm ra được triết lý sống cực kỳ dễ hiểu nhưng chúng ta luôn vô tình ngó lơ.

Câu chuyện thứ 1: Cận thị đôi khi lại… tốt

Hai người cùng lúc bị rơi xuống dòng nước xiết, một người cận thị nặng, người còn lại có thị giác tinh anh. Dù đã ra sức vật lộn để bảo toàn mạng sống nhưng giữa dòng nước xoáy dữ dội, chỉ trong chốc lát, cả hai đều rơi vào tình cảnh sức cùng lực kiệt.



Trong lúc nguy cấp ấy, người tinh mắt hơn nhìn thấy đằng xa có con thuyền nhỏ đang di chuyển về phía họ trước tiên, kẻ cận thị còn lại phát hiện muộn hơn vì chỉ nhìn thấy mờ mờ ảo ảo nhưng mừng rỡ khi “bắt” được tia hi vọng mong manh.

Hai người hò nhau lấy hết sức bơi về phía con thuyền nhỏ ấy. Bơi được mấy hồi thì người tinh mắt bỗng chững lại, vì anh ta bấy giờ đã nhìn được rõ, hóa ra đó không phải là con thuyền nhỏ mà chỉ là một khúc gỗ mục!

Nhưng khi ấy, người cận thị vẫn chưa nhận ra điều gì, tiếp tục gắng sức bơi thật nhanh. Khi bơi đến gần “con thuyền nhỏ” theo đúng thỏa thuận với người kia, anh ta mới nhận ra, đây rốt cục chỉ là khúc gỗ mục. May mắn thay, người cận thị đã cách bờ rất gần, chỉ cần bơi vài sải tay nữa là thoát nạn.

Đáng tiếc, người tinh mắt cuối cùng lại mất mạng giữa dòng nước xiết vì bỏ cuộc giữa chừng bởi anh ta đã nhìn mọi thứ quá rõ ràng và càng thêm tuyệt vọng vì sợ hãi.


Câu chuyện thứ 2: Ung thư bỏ qua người điếc

Hai người ung thư nọ nhập viện một ngày, cả hai đều mắc phải cùng một căn bệnh quái ác. Một người thính giác tốt hơn đã nghe lỏm được trong câu chuyện của các vị bác sĩ rằng, cả hai sẽ chỉ sống được không quá 3 tháng nữa.


Người còn lại bị lãng tai không nghe thấy gì hoặc chỉ nghe thấy bập bõm một đôi từ, kể cả khi bác sĩ khéo léo nói chuyện trực tiếp, báo tin dữ cho anh ta. Nhưng lạ thay, người điếc này đã sống sót không những qua hạn tử 3 tháng mà bác sĩ tuyên bố, thậm chí hơn 2 năm sau anh ta vẫn khỏe mạnh không kém gì người thường.

 

* Bài học cuộc sống:

Cuộc sống luôn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị, qua câu chuyện, chúng ta rút ra được những triết lý nhân sinh đơn giản sau:


Đôi khi biết ít hơn lại tốt hơn là thông tuệ nhiều mặt, có những lúc nhanh nhẹn tinh anh không bù lại được với kẻ thua thiệt hơn người. Thậm chí, có những thời điểm, người khù khờ lại chiến thắng kẻ thông thái.

Đó cũng chính là khái niệm “mù mờ” mà người đời hay nhắc tới. Đừng lúc nào cũng nhìn nhận mọi thứ quá rõ ràng, đôi khi những thứ mù mờ lại khiến bạn nỗ lực hết mình và đạt được những thành quả không ai ngờ tới.


Cuộc sống lúc nào cũng đầy ắp những khoảnh khắc mờ mờ ảo ảo, niềm vui và hạnh phúc cũng luôn ấn giấu đằng sau sự mù mờ ấy. Nếu bạn muốn mọi thứ quá rõ ràng và rạch ròi, thì e rằng, dù là chút ít lạc thú và niềm tin cũng chẳng thể nào níu kéo được.