Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

Giáo dục Giá trị bản thân cho trẻ

 

Trẻ sẽ tự tin về năng lực và an toàn về mặt cảm xúc  

Giá trị bản thân - Điều phần lớn các bậc cha mẹ Việt “quên" giáo dục trẻ

Để hoàn thành mọi thứ cho bản thân trong cuộc sống, chúng ta phát triển năng lực bản thân hay năng lực tự thân. Theo cách gọi của nhà trị liệu tâm lý Nathaniel Branden, đó là sự tự tin vào giá trị bản thân để tự bảo vệ mình, đối mặt với những thách thức của cuộc sống bằng chính nguồn lực của mình, tồn tại và phát triển trong thế giới với sự độc lập ngày càng lớn.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ Việt chưa tìm thấy phương pháp giáo dục đúng đắn cho con cái, bởi vậy, thay vì dẫn dắt trẻ tìm thấy giá trị của bản thân, họ lại áp đặt, tạo nên sự phụ thuộc và những tính cách “nguy hại". 


Phụ thuộc vào sự phán xét của người khác  

Nhiều cha mẹ, một cách vô thức, coi sự phụ thuộc về vật chất và tinh thần của con cái như một đòn bẩy cảm xúc để điều khiển chúng tuân theo hành vi họ mong muốn. Họ thường sử dụng lời khen ngợi (bao gồm cả phần thưởng khi họ công nhận và hài lòng về hành vi của con) và quở trách (bao gồm cả những hình phạt biểu thị sự không hài lòng với hành vi của con).

Do đó, thay vì phát triển năng lực bản thân, hình thành nhân sinh quan đúng đắn và độc lập, những đứa trẻ trở nên “nghiện” những lời khen ngợi và coi chúng là sự bảo đảm về mặt cảm xúc và khả năng. Ngược lại, chúng xem những lời quở trách là nguồn gốc của sự sợ hãi cũng như đánh giá tiêu cực về năng lực bản thân mình.

Dần dần, đứa trẻ mải mê đuổi theo lời khen ngợi của người lớn. Mỗi lần khen ngợi sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng trong giây lát; bởi vì nó báo hiệu rằng, ít nhất là trong lúc này, đứa trẻ có sự ủng hộ của người lớn. 

Những đứa trẻ có cha mẹ hay thao túng và kiểm soát con cái sẽ dễ dàng trải nghiệm thực tế: sự ủng hộ này không cố định. Cha mẹ có thể rút lại lời khen bất cứ lúc nào, hoặc thậm chí đổi từ khen sang không tán thành hoặc thờ ơ. Vì vậy, những lần khen ngợi đó không có tác động tích cực, sâu sắc cho nhân cách và sự phát triển của trẻ. Chẳng bao lâu, nỗi sợ hãi của những đứa trẻ lại xuất hiện, và chúng bắt đầu lúng túng vì không biết đâu là giá trị thực sự chúng nên theo đuổi. 

Đối với một đứa trẻ được nuôi nấng trong môi trường như vậy, năng lực tự thân và tính độc lập của chúng bị cản trở. Đứa trẻ trở nên phụ thuộc vào sự phán xét của người khác, đặc biệt là những người có quyền. Chúng không thể tự khám phá, nghiền ngẫm và vui mừng với mong muốn thật của bản thân hay năng lực mới của chính mình. Chúng chỉ chú trọng đến tinh thần bản thân khi bị người khác nhận xét.


Theo đuổi sự phù phiếm

Không chỉ phụ thuộc vào nhân sinh quan của người khác, một đứa trẻ không được giáo dục tốt về giá trị của bản thân sẽ chạy theo sự phù phiếm khi chúng trưởng thành. Chúng tạo nên sự an tâm về mặt cảm xúc bằng cách xây dựng một vẻ ngoài “hào nhoáng" và một cuộc sống “thành tích".

Cụ thể là, chúng sẽ cố gắng ăn mặc thật hợp thời, chạy theo những xu hướng hiện đại “cool ngầu", luôn thích nói về những thành tựu của mình và ưa thích người khác nể phục. Chúng háo hức tìm kiếm lời khen trong công việc, lượt thích trên Facebook, v.v. Tồi tệ hơn, để chứng tỏ bản thân, chúng có thể sa ngã, bị cám dỗ bởi những tệ nạn xã hội.

Khi không đạt được sự công nhận như kì vọng, chúng phát triển tâm lý tiêu cực về sự cạnh tranh và tính kiêu ngạo. Theo thời gian, thói quen không tốt này sẽ dẫn đến một trạng thái “trống rỗng" về tinh thần, một sự yếu đuối của nội tâm khi đối diện với những thử thách và biến cố của cuộc sống.

Thay vì để trẻ trưởng thành trong sự bất an, bất cần, lo lắng, hãy dạy trẻ cách xây dựng giá trị của bản thân. Từ đó, chúng sẽ thấy tự tin về năng lực và an toàn về mặt cảm xúc. 

Tạo ra sự độc lập, không phải sự phụ thuộc  

Người Mỹ có một quan niệm rằng: Khi con ngã, hãy để đứa trẻ tự tìm cách đứng lên. Với họ, đây là cách tốt nhất để rèn cho trẻ tính độc lập và kỹ năng sống giúp chúng ứng phó với những việc xảy ra xung quanh mình. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, con không nên dựa dẫm vào cha mẹ mà phải đứng lên bằng đôi chân của mình. Đó là điều mà bố mẹ muốn truyền dạy cho con.

Cha mẹ không nên áp đặt quan niệm đúng sai của mình vào trẻ, mà hãy giáo dục chúng tự khám phá bản thân và có một cái nhìn rộng mở về thế giới xung quanh. Hãy hỏi và lắng nghe con nhiều hơn thay vì ra lệnh và yêu cầu con làm theo. Giao tiếp đúng cách với trẻ sẽ khiến chúng thoải mái là chính mình và phát triển tính cách tự tin khi trưởng thành. 

Và cuối cùng, điều khó nhất là hãy dạy trẻ cách tận hưởng những niềm vui nội tại để phát triển năng lực tự thân, như tiếp xúc với thiên nhiên, vui đùa và khám phá thế giới động vật. Hãy dạy chúng tìm thấy niềm vui trong mọi việc mình làm, tự chủ theo đuổi thành công để có được hạnh phúc lâu bền mà không vì mục đích gây ấn tượng tích cực với người khác trong thời gian ngắn.

Những lời khen chê có thể là một công cụ để giáo dục trẻ, nhưng không nên là mục tiêu quan trọng nhất hay phản ánh quan điểm duy nhất về thế giới. Hãy tạo ra sự độc lập, giáo dục chúng về giá trị bản thân, thay vì để trẻ phụ thuộc vào bạn về cả tình yêu, sự nghiệp và lối sống. 

Nếu bạn làm được điều này, có nghĩa là bạn đã hoàn thành phân nửa nghĩa vụ của một người cha, người mẹ.


Họ từ chối sự thật để giữ lại cho bản thân một niềm tin.

 

Bức ảnh một đàn sói đang xếp thành hàng dài lầm lũi tiến về phía trước được chia sẻ rất nhiều. 

 

Không phải vì nó đẹp, mà vì bức ảnh đó ẩn chứa một giá trị nhân văn sâu sắc.

Người ta viết: Đây là một đàn sói di chuyển theo hàng vô cùng trật tự. 3 con đi đầu là 3 con yếu và già nhất. Chúng đi phía trước để ổn định tốc độ.

5 con tiếp theo là những con mạnh nhất, giàu sức chiến đấu nhất. Chúng có nhiệm vụ đề phong bất trắc xảy ra. Con đi cuối là con đầu đàn.

Câu chuyện ám chỉ lãnh đạo phải là người đi cuối quan sát và định hướng. Người già nên được nhường nhịn, còn đám trẻ khỏe thì phải gánh vác, bao bọc cho cả đội.

Một bức ảnh đẹp, một thông điệp đẹp là quá đủ lý do để người ta chia sẻ nó, coi đó là một điểm tựa tinh thần để bấu víu.

Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của bức ảnh mới ngã ngửa, sự thật không phải như vậy.

Đây là bức ảnh có tên "wolf pack walking" được nhiếp ảnh gia David Attenborough chụp năm 2011.

Con đi đầu là một con sói cái và cũng chính là con đầu đàn, chứ không phải con sói già yếu gì cả. Điều này được khẳng định trong một bài viết trên trang Benvironment (…as the wolf pack is led by the alpha FEMALE…).

25 con sói xếp hàng hàng dài không phải để bao bọc, che chở cho nhau. Thật ra chúng đang đi săn bò rừng. Bò rừng to hơn chó sói gấp nhiều lần nên sói thường đi theo nhóm đông để săn cho dễ.

Vấn đề là dù sự thật về bức ảnh đã được công khai, người ta vẫn muốn tin vào ý nghĩa nhân văn trước đó. Họ từ chối sự thật để giữ lại cho bản thân một niềm tin.

Qua câu chuyện trên, thật ra xã hội có nhân văn hay không do cách nhìn của con người cả. Có những câu chuyện bản chất hoàn toàn bình thường, nhưng được khoác lên vỏ bọc nhân văn, ý nghĩa, truyền cảm hứng và con người lựa chọn để tin.

Có những câu chuyện thật sự thú vị, nhưng qua góc nhìn của người lệch lạc, bi quan, trở thành những điều xấu xí. Cũng là do chúng ta tự chọn để tin.