Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Bertrand Rusell bàn về hạnh phúc

 

BERTRAND RUSELL BÀN VỀ HẠNH PHÚC

BERTRAND RUSSELL trả lời phỏng vấn Woodrow Wyatt)   (trích)

.

Thưa Huân tước Russell, cụ có vẻ là một người sung sướng. Cụ vẫn sung sướng từ hồi nào tới giờ chứ?

BERTRAND RUSSELL: Tôi có những hồi sung sướng, những hồi khổ sở. May mắn cho tôi là càng về già các hồi sung sướng của tôi càng kéo dài thêm.

.

Cụ nghĩ sao về tất cả những thuật sống lâu và sung sướng mà người ta gởi cho một người đó?

B.R: Sống lâu là vấn đề y khoa; tôi biết gì đâu mà dám bàn tới. Tôi nhận được một đống giấy lộn cao ngất của các vị sáng tác ra các phương pháp đó. Theo họ thì tôi chỉ việc uống thuốc của họ là tóc tôi sẽ đen lại. Nhưng này, tôi tự hỏi tôi, tóc đen lại thì tôi có thích không: là vì tóc tôi càng bạc bao nhiêu thì thiên hạ lại càng tin lời tôi nói bấy nhiêu.

------

BERTRAND RUSSELL (1872 – 1970) sinh trong một gia đình quý tộc. Ông là nhà triết học, lôgíc học, toán học, xã hội học và chính luận kiệt xuất của thế kỷ XX, người đoạt giải thưởng Nobel về văn chương (1954). Ông là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, những tư tưởng triết học của ông vẫn luôn là đề tài được nhiều học giả trên thế giới tiếp tục nghiên cứu.

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Tác động của truyền thông mạng xã hội đến bộ não của thanh thiếu niên.

 

Tác động của truyền thông mạng xã hội đến bộ não của thanh thiếu niên.

.

Những phát hiện từ một nghiên cứu ở Trường Đại học California, Los Angeles (UCLA) đã làm sáng tỏ tác động của truyền thông mạng xã hội đến bộ não của thanh thiếu niên.

Một nghiên cứu đã cho thấy các mạch não vốn được kích hoạt bằng cách ăn sô-cô-la và giành tiền thưởng, nay cũng được kích hoạt khi họ nhận được số lượng “like” khủng cho ảnh của mình trên mạng xã hội.

.

“Khi những thiếu niên này nhìn thấy bức ảnh của mình nhận được lượng “like” lớn, chúng tôi quan sát được mức độ hoạt động rộng khắp trên nhiều vùng của não bộ” – Lauren Sherman, người chủ trì thí nghiệm, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm não đồ và Trung tâm truyền thông số trẻ em thuộc UCLA nói. Mạch tưởng thưởng này được cho là đặc biệt nhạy cảm trong thời kỳ thanh thiếu niên.

.

Vì vậy, khi những người tham gia nhìn thấy lượng “like” lớn trên các bức ảnh của mình, cùng lúc đó các nhà nghiên cứu cũng quan sát được sự kích hoạt các vùng não liên quan đến xã hội và sự chú ý thị giác.

Khi quyết định xem có nên “like” một bức ảnh hay không, những người tham gia bị ảnh hưởng mạnh bởi số lượng “like” mà bức ảnh đang có.

Kết quả là khi họ nhìn thấy bức ảnh có nhiều “like”, họ có xu hướng rõ ràng yêu thích bức ảnh đó hơn khi nó ít “like”.

Các bạn trẻ phản ứng khác đi với thông tin khi họ tin rằng nó đã được xác nhận bởi những người đi trước, dù đó chỉ là những người xa lạ.

.

Nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí Psychological Science.

.

Mirella Dapretto, giáo sư ngành tâm thần học và nghiên cứu hành vi sinh học tại Học viện thần kinh học và hành vi con người Semel thuộc UCLA cho biết, trong đời sống thực của các bạn trẻ, ảnh hưởng từ bạn bè thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa. “Trong nghiên cứu, đây chỉ là nhóm người xa lạ với họ, nhưng họ vẫn thuận theo sự ảnh hưởng bên ngoài. Sự dễ dàng tuân phục đã biểu thị rõ ràng ở cả diễn biến trong não lẫn việc họ chọn click nút like. Chúng ta có thể đoán chắc được rằng hiệu ứng này sẽ còn rõ ràng hơn nữa ngoài đời thật, khi mà các bạn trẻ nhìn vào lượng “like” từ những người quan trọng với họ.”

.

Các bậc phụ huynh có nên lo ngại truyền thông mạng xã hội? Các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng như các dạng truyền thông khác, truyền thông mạng xã hội có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

.

“Nhiều thanh thiếu niên kết bạn với những người mà họ chưa hiểu rõ trên mạng, các bậc phụ huynh cần để tâm đến trường hợp này”, Dapretto nói. “Điều đó mở ra khả năng đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi những người lạ với nhiều nguy cơ khác nhau.”

.

“Cha mẹ thường biết những người bạn thân nhất của con cái, nhưng khi chúng có đến hàng trăm bạn bè, cha mẹ không thể biết được những người đó cụ thể là những ai”. Đó là nhận định của Patricia Greenfield, người đồng nghiên cứu và cũng là Giám đốc Trung tâm truyền thông số trẻ em của UCLA.

Tuy nhiên, Sherman cũng chỉ ra những lợi ích khả dĩ của mạng xã hội: “Nếu những người bạn có biểu hiện và hành vi tốt đẹp, trẻ cũng sẽ ghi nhận và được ảnh hưởng theo hướng tích cực.

.

Điều quan trọng là các phụ huynh phải luôn biết rõ trẻ tương tác với ai qua mạng, hay bạn của trẻ đang đăng tải và yêu thích thông tin gì. Thêm nữa, các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng cá tính riêng của trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của người khác. Dữ kiện chúng ta có hiện nay hoàn toàn củng cố nhận định này.”

.

Ảnh hưởng giữa những người cùng tuổi để hòa nhập với nhau đã tồn tại từ lâu, nhưng những ái “like” trên mạng lại hoàn toàn là câu chuyện khác. Sherman giải thích: “Trước đây, các bạn trẻ tự có đánh giá của mình về cách phản ứng của những người xung quanh, nhưng giờ đây, chỉ nút like là đủ.”

.

Các bạn trẻ tham gia thí nghiệm được xem những bức ảnh “an toàn” – gồm những bức ảnh về đồ ăn, hoặc những người bạn – và cả những bức ảnh “nguy hiểm” – gồm thuốc lá, rượu và cả người mặc đồ khiêu khích.

So với khi nhìn những bức ảnh “an toàn”, khi nhìn các bức ảnh “nguy hiểm”, vùng não liên kết với khả năng “kiểm soát nhận thức” và “kiềm chế đáp ứng” các bạn trẻ, bao gồm vỏ não phía trước, các võ não trước trán song song và vỏ não bên, trở nên ít hoạt động hơn hẳn.

.

“Các vùng não này chịu trách nhiệm cho việc đưa ra quyết định, ngăn cản chúng ta tham gia vào một hoạt động cụ thể, hoặc quyết định cho phép chúng ta bắt tay hành động” Dapretto cho biết. “Những bức ảnh “nguy hiểm” có vẻ như đã làm giảm hoạt động của khu vực kiềm chế, làm giảm cơ chế phòng vệ của trẻ”.

Dịch: Minh Hùng

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

 

Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Krishnamurti : Giáo dục hiện nay đã cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi, nó ngày càng dìm ta lún sâu vào trạng thái hỗn loạn và hủy hoại.

Có vẻ như đó là một hệ thống đã rũ bỏ điều gì đó thuộc về bản chất cuộc sống. Cha mẹ, những người thầy luôn có một lý tưởng để khuôn đúc con cái, học trò, dù lý tưởng đó có tinh vi và được đánh bóng đến đâu thì triết lý giáo dục tôn thờ lý tưởng sẽ luôn thiếu vắng tình yêu và thấu hiểu đích thực.

Ông nhấn mạnh: thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ, vì thế nhiệm vụ của nhà trường là giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình chứ không chỉ đơn thuần là nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­---------------

Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) là một trong những tư tưởng gia quan trọng bậc nhất của thế kỷ XX, một đạo sư được nhiều người mến mộ. Trong phần lớn cuộc đời mình, những gì ông nói và viết giành được cả sự quan tâm lẫn gây tranh cãi. Những quan sát và tri kiến của ông về tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc, truyền thống, tổ chức và giáo dục thường trái ngược với những quy ước đương thời. Đặc biệt, tư tưởng của ông về giáo dục rất cấp tiến và từng bị bác bỏ hoặc bị cho là không thực tế. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ Krishnamurti luôn nhấn mạnh giáo dục như một hoạt động thiêng liêng trong thời đại mà hầu hết mọi người coi đó là một quá trình chuẩn bị để thành công trong thế giới thế tục.