Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Biết đủ là cuộc đời hạnh phúc

 

Biết đủ là cuộc đời hạnh phúc

Đời người chỉ có thể ngủ một giường, ở một gian phòng, dù nhiều hơn nữa đều là để nhìn chơi. Nhân sinh trên đời, quả thật không cần quá nhiều, đừng quá coi trọng vật chất, bởi vì tất cả cuối cùng đều phải trả lại cho thế giới này! Chi bằng xem nhiều sách, ở bên cạnh người thân, yêu mến bạn bè bên cạnh, làm cho thế giới này bởi vì có tấm lòng yêu thương của bạn mà trở nên càng tốt đẹp.

 

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Buông bỏ sự oán giận và chọn sự tha thứ

Chìa khóa của hạnh phúc: Buông bỏ sự oán giận và chọn sự tha thứ

Người chấp nhận tha thứ sẽ tránh được sự hận thù khổ đau, là con người đáng kính và dễ thương trong mắt người khác. Tha thứ không phải là chuyện dễ làm. Khi ta đã bị làm hại, bị tổn thương, bị phản bội, bỏ rơi hay bóc lột, thì sự tha thứ dường như là việc không thể thực hiện. Tuy nhiên, trừ khi ta tìm được cách nào đó để tha thứ cho người, nếu không ta sẽ chôn giữ ân hận và sợ hãi trong tim mãi mãi.

Thử tưởng tượng thế giới này sẽ ra sao nếu sự tha thứ không có mặt, chúng ta sẽ như thế nào nếu mọi người đều giữ chặt mọi tổn thương, mọi bất mãn, mọi sân hận. Nếu ta cứ giữ mọi thứ đó trong tâm, không chịu buông bỏ, thì cuộc sống sẽ khốn khổ thế nào.

Không biết tha thứ là ta phải mang theo mình những khổ đau của quá khứ. Như Jack Kornfield đã nói, “Tha thứ là xóa bỏ mọi hy vọng, làm cho quá khứ tốt hơn”. Trong ý nghĩa đó tha thứ không phải là cho người khác mà là cho mối liên hệ của ta đối với quá khứ. Khi bắt đầu khởi lên lòng tha thứ, đó chính là sự khởi đầu cho bản thân ta.

Việc thực hành không phải là cố tạo ra một nụ cười trên gương mặt, rồi nói, “Không sao. Tôi không quan tâm”. Đó không phải là một nỗ lực giả tạo để đè nén nỗi đau hay phớt lờ nó. Để có thể đi đến chỗ tha thứ, đôi khi ta phải trải qua một quá trình bao gồm sự đau đớn, giận dữ, buồn tủi, và mất mát. Sự tha thứ là một quá trình sâu sắc, cần phải được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong tâm ta. Nó bao gồm cái đau, bao gồm sự uất nghẹn. Dần dần với thời gian, nó sẽ đưa đến sự tự do của việc thực sự tha thứ.

Nếu ta chân thành nhìn lại cuộc đời mình, ta có thể thấy những nỗi sầu muộn, khổ đau đã đưa đến các sai phạm của bản thân. Chúng ta không chỉ là nạn nhân; đôi khi chúng ta cũng là người tạo tác. Ta cũng cần được tha thứ. Bằng cách đó, cuối cùng ta có thể đem lòng tha thứ cho bản thân và chôn niềm đau vào trái tim bi mẫn. Không có sự tha thứ, khoan dung đó, ta sẽ sống trong cô lập, trong lưu đày.

Khi bạn thực hành tha thứ hãy cảm nhận sự buông tha dầu ít hay nhiều trong tâm bạn. Không sao nếu như bạn chưa sẵn sàng để tha thứ, đôi khi quá trình đi đến tha thứ xuyên suốt cả một đời người. Bạn có thể làm điều đó khi đúng thời và theo cách của bạn. Sự tha thứ là thái độ cởi mở, phóng khoáng, bao dung, không phải là thứ tình cảm mà ta tạo lập ra nơi thâm tâm.

Nhẹ nhàng buông xả để nhẹ nhàng thảnh thơi hay cố chấp nắm giữ để khổ đau đều do chính ta quyết định.