Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Oprah đàm đạo với Thiền sư Nhất Hạnh

 

Oprah đàm đạo với Thiền sư Nhất Hạnh

Oprah Winfrey là một phụ nữ danh tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất trên quần chúng ở Hoa Kỳ. Có người cho rằng Oprah có quyền lực mạnh bằng hay hơn 100 nghị sĩ, dân biểu Mỹ.

Cô đã là tỷ phú da đen đầu tiên và duy nhất trên thế giới (trong các năm 2004-2006). Sanh ra trong nghèo khó và trải qua nhiều thảm kịch khi còn trẻ,

Năm 1998, hàng ngày có khoảng 14 triệu người Mỹ xem chương trình truyền hình của cô. Cũng thời gian này, Oprah đổi hướng, làm các show chú trọng tới các vấn đề văn chương, tâm linh và giáo dục. 

Thầy Nhất Hạnh đã dẫn theo một nhóm nam và nữ tu sĩ từ Làng Mai đến để tham dự cuộc trò chuyện và đã cùng chụp ảnh với chúng tôi và cuối cùng đã hát chung một bản nhạc rất nhẹ nhàng bình an : “Chúng ta là lá của một thân cây, chúng ta là những đợt sóng của một đại dương, đã đến lúc mà chúng ta phải đến và sống với nhau như cùng một cơ thể.”

Nội dung buổi tọa đàm :

- Thầy Thích nhất Hạnh bước vào cuộc đời tu tập

- Thầy Nhất Hạnh định nghĩa về hạnh phúc và tiết lộ cách nào để đạt tới hạnh phúc

- Tại sao khổ đau quan trọng thế và làm sao để chữa lành nó?

- Khi thiền quán ta tập bốn câu thần chú của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Sau đây là bài phỏng vấn Thiền sư Nhất Hạnh, người mà cô được đặc cách phỏng vấn vào tháng 9, 2009 tại Nữu Ước, khi thiền sư tới đó hoằng pháp:

Cô Oprah: Cám ơn thầy đã cho chúng tôi hân hạnh trò chuyện với thầy. Chỉ cần sự hiện diện của thầy là chúng tôi đã cảm thấy bớt bức xúc quýnh quáng nhiều lắm, so với những gì xảy ra từ sáng đến giờ. Quả thực như là có một vùng ánh sáng thật bình an đang toát ra quấn lấy thầy. Lúc nào thầy cũng có vẻ an bình tròn đầy như vậy sao ?

TS Nhất Hạnh: Đó là sự thực tập của tôi. Và tôi luyện cách sống như vậy mỗi phút giây để có thể giữ sự bình an trong tôi suốt ngày.

Cô Oprah: Bởi vì mình sẽ không thể cho người khác cái gì mà mình không có phải không thưa thiền sư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, đúng vậy.

Cô Oprah: Tôi biết rõ là thầy được sinh ra ở Việt Nam năm 1926. Thầy có thể chia sẻ cho chúng tôi một kỷ niệm nào tuyệt vời nhất trong thời ấu thơ không ?

TS Nhất Hạnh: Đó là ngày tôi thấy được hình ảnh của Đức Phật trong một tờ tạp chí.

Cô Oprah: Hồi ấy thầy mấy tuổi ?

TS Nhất Hạnh: Tôi lên 7 hay 8 gì đó. Phật ngồi trên cỏ, thật bình an và mỉm cười. Tôi rất cảm kích, bởi vì quanh tôi không ai được như vậy. Vì thế tôi đã mong được như ngài. Và tôi đã nuôi dưỡng ước mong đó cho tới năm tôi 16 tuổi khi tôi xin được cha mẹ tôi để đi tu và tôi được quy y, thọ giới.

Cô Oprah: Ba mẹ thầy có khuyến khích thầy không ?

TS Nhất Hạnh: Ban đầu thì hơi miễn cưỡng vì họ nghĩ là cuộc sống của một nhà tu cực khổ và nhiều khó khăn.

Cô Oprah: Ở tuổi 16 thầy có biết cuộc đời sẽ như thế nào không ?

TS Nhất Hạnh: Không nhiều lắm. Tôi chỉ biết là trong tôi có một khát khao lớn. Cảm tưởng rằng mình sẽ không bao giờ hạnh phúc được nếu không là thầy tu. Người đời thường gọi đó là tâm ban đầu – sự khát khao sâu sắc mà một người có thể có. Và tôi có thể nói là cho tới bây giờ cái tâm ban đầu đó vẫn còn sống mạnh mẽ trong tôi.

Cô Oprah: Đó là cái mà thiên hạ gọi là sự đam mê. Đó cũng là cách tôi cảm nhận về công việc tôi đang làm hàng ngày. Khi có đam mê như thế thì mình vẫn cảm thấy thoải mái khi làm việc dù không ai trả tiền cho mình.

TS Nhất Hạnh: Và ta thích thú làm việc đó.

Cô Oprah: Vậy là thầy thích thú hành động theo cái tâm ban đầu đó. Chúng ta thử nhắc lại khi thầy vừa mới bước tới Bắc Mỹ lần đầu nhé. Thầy đã học ở Viện Đại Học Princeton phải không? Là một ông thầy tu Việt Nam, cái gì khó khăn nhất với thầy để có thể làm bạn được với sinh viên (Hoa Kỳ) ? Thầy có cảm thấy cô đơn không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, đại học Princeton giống như một tu viện. Thời đó chỉ có nam sinh viên và không có lấy một người Việt sống ở vùng lân cận và cũng không có nhiều ở Hoa Kỳ. Sáu tháng liền tôi không thể chuyện trò với ai bằng tiếng Việt. Nhưng khu làng đại học rất đẹp. Và cái gì cũng mới đối với tôi – cây cỏ chim chóc, và cả thức ăn nữa. Mùa tuyết đầu tiên của tôi là ở tại đây, và lần đầu tiên tôi dùng máy sưởi. Mùa thu đầu tiên của tôi cũng ở Princeton.

Cô Oprah: Khi lá bắt đầu đổi màu.

TS Nhất Hạnh: Vâng, ở Việt Nam chúng tôi không hề thấy được cảnh huy hoàng ấy của mùa thu.

Cô Oprah: Thời đó thầy vẫn mặc áo thầy tu chứ ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Khỏi phải lo đi mua áo phải không ạ ? Lúc nào cũng chỉ mặc cái áo thầy tu ư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Thầy có áo nào khác vào những dịp khác không ?

TS Nhất Hạnh: Chúng tôi có áo để làm lễ gọi là y, màu cam. Chỉ có thế. Chúng tôi cảm thấy rất thoải mái khi mặc những y áo ấy. Và chúng đã vui vẻ nhắc nhở rằng chúng tôi là thầy tu.

Cô Oprah: Thầy tu là sao thưa thầy ?

TS Nhất Hạnh: Là thầy tu là để có được nhiều thì giờ tu tập, để chuyển hóa những khó khăn và chữa lành được những nỗi khổ niềm đau của mình. Rồi sau đó mình mới biết cách giúp người khác chuyển hóa và trị liệu như mình.

Cô Oprah: Có phải là hầu hết các người tu đều được giác ngộ hay là đang tìm cách để sớm giác ngộ không ?

TS Nhất Hạnh: Giác ngộ lúc nào cũng có mặt đó. Một giác ngộ nhỏ, hai giác ngộ nhỏ … từ từ đưa tới giác ngộ lớn. Nếu cô thở và cô ý thức là cô đang sống – là cô đang tiếp xúc với cái mầu nhiệm của sự kiện mình vẫn đang còn sống – đó một loại giác ngộ. Nhiều người đang còn sống nhưng họ không ý thức và vì thế không tiếp xúc được sự mầu nhiệm là mình còn sống ấy.

Cô Oprah: Tôi biết chắc là thầy đã thấy rõ hết quanh thầy – tôi cũng cảm thấy mình có sai lầm ấy – vì sao lúc nào người ta cũng gắng làm xong việc thật nhanh để bắt kịp việc làm kế tiếp, hành động kế tiếp. Ở đất nước chúng tôi, con người rất bận rộn. Ngay cả trẻ con. Tôi có cảm tưởng như là rất ít người trong chúng ta làm được những gì thầy vừa nói, nghĩa là tiếp xúc với phép lạ mà mình đang được sống.

TS Nhất Hạnh: Đó là môi trường mà mọi người đang sống. Nhưng với sự thực tập, chúng ta vẫn có thể luôn giữ đựợc sự tỉnh giác trong phút giây hiện tại là mình đang may mắn còn sống. Với chánh niệm, ta có thể định tâm trong phút giây hiện tại để có thể tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt trong giây phút đó. Chúng ta có thể sống rất hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây. Có rất nhiều điều kiện đang có mặt bây giờ và tại đây – nhiều hơn là bạn tưởng, để bạn có thể hạnh phúc liền tức thì. Bạn không cần chạy về tương lai để có thêm nữa.

(còn nữa)

Nguồn: http://www.oprah.com/spirit/Oprah-Ta…hich-Nhat-Hanh

 

Giáo dục Giá Trị Bản Thân cho trẻ

Giá trị bản thân - Điều phần lớn các bậc cha mẹ Việt “quên" giáo dục trẻ

Nhiều cha mẹ Việt chưa tìm thấy phương pháp giáo dục đúng đắn cho con cái, bởi vậy, thay vì dẫn dắt trẻ tìm thấy giá trị của bản thân, họ lại áp đặt, tạo nên sự phụ thuộc và những tính cách “nguy hại". 

Phụ thuộc vào sự phán xét của người khác  

Nhiều cha mẹ, một cách vô thức, coi sự phụ thuộc về vật chất và tinh thần của con cái như một đòn bẩy cảm xúc để điều khiển chúng tuân theo hành vi họ mong muốn. Họ thường sử dụng lời khen ngợi (bao gồm cả phần thưởng khi họ công nhận và hài lòng về hành vi của con) và quở trách (bao gồm cả những hình phạt biểu thị sự không hài lòng với hành vi của con). Do đó, thay vì phát triển năng lực bản thân, hình thành nhân sinh quan đúng đắn và độc lập, những đứa trẻ trở nên “nghiện” những lời khen ngợi và coi chúng là sự bảo đảm về mặt cảm xúc và khả năng. Ngược lại, chúng xem những lời quở trách là nguồn gốc của sự sợ hãi cũng như đánh giá tiêu cực về năng lực bản thân mình.

Dần dần, đứa trẻ mải mê đuổi theo lời khen ngợi của người lớn. Mỗi lần khen ngợi sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng trong giây lát; bởi vì nó báo hiệu rằng, ít nhất là trong lúc này, đứa trẻ có sự ủng hộ của người lớn. 

Đối với một đứa trẻ được nuôi nấng trong môi trường như vậy, năng lực tự thân và tính độc lập của chúng bị cản trở. Đứa trẻ trở nên phụ thuộc vào sự phán xét của người khác, đặc biệt là những người có quyền. Chúng không thể tự khám phá, nghiền ngẫm và vui mừng với mong muốn thật của bản thân hay năng lực mới của chính mình. Chúng chỉ chú trọng đến tinh thần bản thân khi bị người khác nhận xét.

Theo đuổi sự phù phiếm

Không chỉ phụ thuộc vào nhân sinh quan của người khác, một đứa trẻ không được giáo dục tốt về giá trị của bản thân sẽ chạy theo sự phù phiếm khi chúng trưởng thành. Chúng tạo nên sự an tâm về mặt cảm xúc bằng cách xây dựng một vẻ ngoài “hào nhoáng" và một cuộc sống “thành tích". 

Cụ thể là, chúng sẽ cố gắng ăn mặc thật hợp thời, chạy theo những xu hướng hiện đại “cool ngầu", luôn thích nói về những thành tựu của mình và ưa thích người khác nể phục. Chúng háo hức tìm kiếm lời khen trong công việc, lượt thích trên Facebook, v.v. Tồi tệ hơn, để chứng tỏ bản thân, chúng có thể sa ngã, bị cám dỗ bởi những tệ nạn xã hội. Khi không đạt được sự công nhận như kì vọng, chúng phát triển tâm lý tiêu cực về sự cạnh tranh và tính kiêu ngạo. Theo thời gian, thói quen không tốt này sẽ dẫn đến một trạng thái “trống rỗng" về tinh thần, một sự yếu đuối của nội tâm khi đối diện với những thử thách và biến cố của cuộc sống.

Kiểu giáo dục này sẽ dễ tìm thấy ở xã hội châu Á, trong khi phần lớn các nước phương Tây luôn chú trọng vào sự phát triển đúng đắn về tinh thần và thể chất của trẻ.  

Ví dụ, để tránh bệnh thành tích, một trường tiểu học tại Anh, khi gửi phiếu kết quả thi tốt nghiệp cho học sinh đã kèm theo một bức tâm thư, nhắn gửi chúng về giá trị đích thực của điểm số.

“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào về kết quả của bạn, vì chúng tôi nghĩ rằng bạn đã nỗ lực hết mình.

...Nhưng bạn cần biết một điều, kết quả thi này kỳ thực không thể phản ánh ra bạn có bao nhiêu khả năng đặc biệt.

...Vì thế, điểm số chỉ là điểm số, chúng ta tự hào về điểm số của mình, nhưng hãy luôn ghi nhớ rằng, chúng ta có rất nhiều cách thức để chứng minh bản thân mình, thi cử tuyệt đối không phải là cách thức duy nhất!”

Thay vì để trẻ trưởng thành trong sự bất an, bất cần, lo lắng, hãy dạy trẻ cách xây dựng giá trị của bản thân. Từ đó, chúng sẽ thấy tự tin về năng lực và an toàn về mặt cảm xúc. 

Tạo ra sự độc lập, không phải sự phụ thuộc  

Người Mỹ có một quan niệm rằng: Khi con ngã, hãy để đứa trẻ tự tìm cách đứng lên. Với họ, đây là cách tốt nhất để rèn cho trẻ tính độc lập và kỹ năng sống giúp chúng ứng phó với những việc xảy ra xung quanh mình. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, con không nên dựa dẫm vào cha mẹ mà phải đứng lên bằng đôi chân của mình. Đó là điều mà bố mẹ muốn truyền dạy cho con.

Cha mẹ không nên áp đặt quan niệm đúng sai của mình vào trẻ, mà hãy giáo dục chúng tự khám phá bản thân và có một cái nhìn rộng mở về thế giới xung quanh. Hãy hỏi và lắng nghe con nhiều hơn thay vì ra lệnh và yêu cầu con làm theo. Giao tiếp đúng cách với trẻ sẽ khiến chúng thoải mái là chính mình và phát triển tính cách tự tin khi trưởng thành. 

Những lời khen chê có thể là một công cụ để giáo dục trẻ, nhưng không nên là mục tiêu quan trọng nhất hay phản ánh quan điểm duy nhất về thế giới. Hãy tạo ra sự độc lập, giáo dục chúng về giá trị bản thân, thay vì để trẻ phụ thuộc vào bạn về cả tình yêu, sự nghiệp và lối sống. 

Nếu bạn làm được điều này, bạn đã hoàn thành phân nửa nghĩa vụ của một người cha, người mẹ.

ST