Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Kinh Kalamas, hiến chương tự do nghiên cứu tìm tòi của Đức Phật

 

Kinh Kalamas, hiến chương tự do nghiên cứu tìm tòi của Đức Phật

Nét đặc sắc khiến các bài thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca có sức thuyết phục và hấp dẫn lớn, không phải chỉ là ở tính lôgíc chặt chẽ của lập luận, mà còn ở những chân lí sâu sắc mà giản dị, được trình bày dưới hình thức gọn nhẹ, hình ảnh, và nhiều khi còn dí dỏm nữa.

Chúng ta có thể thấy dễ dàng nét đặc sắc đó trong bài “Thuyết pháp cho người Kalamas” thường được gọi tắt là Kinh Kalamas (Kalamas Sutta), mà một số học giả phương Tây, khi dẫn chứng Kinh này, nói rằng đó là những lời nói có một không hai của một vị giáo chủ!

Kesaputta là thị trấn nơi bộ tộc Kalamas cư trú, là nơi Đức Phật Thích Ca đến, được người Kalamas hỏi về căn cứ của lòng tin đạo chân chính (chánh tín), và Đức Phật đã thuyết pháp kinh này cho họ nghe.

Đức Phật đã nói với những người Kalamas như với những người trí thức. Vì từ đầu đến cuối bộ Kinh toát lên sự tôn trọng lí trí, tôn trọng tự do tư tưởng, tính lôgíc chặt chẽ của lập luận.

Thời bấy giờ ở ấn Độ có rất nhiều tôn giáo, nhiều triết phái, học thuyết. Và người theo tôn giáo, triết phái, học thuyết nào, cũng đều cho rằng tôn giáo, triết phái, học thuyết của mình là chân lí và bài bác, đả kích các tôn giáo, triết phái và học thuyết khác là sai lầm. Những người Kalamas ở thị trấn Kesaputta  cũng được nghe nhiều giảng sư tán dương tôn giáo này, học thuyết này và bài bác tôn giáo kia, học thuyết kia, cho nên họ đâm ra hoang mang không biết đâu là phải, trái, đúng, sai. Họ đem sự hoài nghi, phân vân đó nói với Đức Phật, khi Ngài đến Kesaputta.

Đức Phật trả lời như thế nào? Ngài không bắt đầu từ chủ thuyết của mình, cũng không phê phán chủ thuyết của người khác. Nghĩa là thái độ của Đức Phật khác hẳn với thái độ của mọi giáo chủ và luận sư mà người Kalamas thường gặp. Trước tiên, Đức Phật khen người Kalamas hoài nghi và phân vân như vậy là đúng và Đức Phật giải thích rằng lòng tin chân chính không nên và không thể dựa trên 10 căn cứ sai lầm sau đây:

1. Căn cứ Thần Khải (revelation), thí dụ, tín đồ đạo Bà la môn tin rằng, những điều ghi trong Kinh Veda là chân lí, vì rằng đó là những lời Thần Khải, những lời của Thần nói ra.

2. Căn cứ truyền thống, tin vào một điều được chấp nhận từ xưa, và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tức là tin vào truyền thống, nhưng truyền thống cũng có thể sai và không thể là căn cứ đảm bảo của niềm tin chân chính.

3. Điều người ta kể lại, dù đó là tu sĩ, cha mẹ, bà con thân thiết, cũng không phải là căn cứ đảm bảo của niềm tin chân chính.

4. Điều hợp với kinh sách, dù kinh sách đó là Thánh điển, thí dụ, Kinh Phật đối với Phật tử, Kinh Veda đối với tín đồ đạo Bà la môn, v.v… cũng không phải là căn cứ đảm bảo của lòng chánh tín, bởi vì kinh sách chỉ là để hướng dẫn, tham khảo, chứ không phải để thay cho nhận thức và kiểm nghiệm cá nhân được.

5. Lập luận đơn thuần, siêu hình miên man, thường chỉ là lí luận suông, không phải là một cái nhìn vào chiều sâu chân lí, không phải là sự nắm bắt đối với thực tại.

6. Những dữ kiện được xem xét hời hợt, chỉ là những dữ kiện chết, không nói lên được gì hết, mặc dù chúng do thực tế cung cấp. Các dữ kiện phải được phân tích, tổng hợp như thế nào đó mới nói lên sự thực.

7. Dựa trên một quan điểm là một tiêu chuẩn không thể chấp nhận được, ngay ở ấn Độ thời Đức Phật, khi mà, các cuộc tranh luận và hội thảo tôn giáo và triết học cũng thường xuyên và sôi động. Trong những tranh luận và hội thảo như vậy, người nào cũng giữ riêng và bảo vệ quan điểm của mình, tất nhiên, nhưng không thể lấy quan điểm đó làm tiêu chuẩn để phân biệt phải trái, hơn thua.

8. Dựa trên lí thuyết mình vốn chấp nhận, cũng như dựa trên quan điểm của mình không thể là căn cứ đảm bảo của chánh tín.

9-10. Dựa vào quyền uy, hay là dựa vào sự tôn trọng đối với thầy học của mình, đều không thể là những chứng cứ đảm bảo của chánh tín. Vì trong các cuộc tranh luận và hội thảo về tôn giáo hay triết học, mỗi người tham gia đều có thầy của họ, đạo sư của họ, và quyền uy của thầy chỉ là chỗ dựa của họ. Nhưng đó là chỗ dựa tin cậy của riêng mình. Không phải là chỗ dựa tin cậy của người khác, đang tranh luận với mình.

Sau khi đã giới thiệu 10 căn cứ không đáng tin cậy của niềm tin chân chính, Đức Phật Thích Ca khuyến cáo những người Kalamas hãy nên tự biết mình, tự mình thấy, chứ không nên dựa vào quyền uy nào khác. Những điều gì là ác, là thiện, là trái, đều phải thông qua sự kiểm nghiệm của tự thân mình mới thấy rõ: nếu thực hiện những điều gì mà đem lại đau khổ, bất hạnh lâu dài cho mình và cho người khác thì đó là điều bất thiện, sai trái cần phải gạt bỏ đi; ngược lại, nếu thực hiện những điều gì đem lại hạnh phúc và an lạc lâu dài cho mình và cho những người khác, thì đó là những điều thiện, đúng đắn, cần phải duy trì và phát huy.

Theo dacsanhoadam

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Cách sử dụng người theo quan điểm nhân phẩm là mấu chốt

 

Cách sử dụng người theo quan điểm : Năng lực là cơ sở, thái độ là căn bản, nhân phẩm là mấu chốt

CÂU CHUYỆN NHÂN PHẨM

Chuyện kể về một chàng thanh niên đi phỏng vấn xin việc, trong lúc đang đợi tới lượt mình thì đột nhiên nghe tiếng một người đàn ông trung niên bước đến nắm tay nói: "Cuối cùng tôi cùng tìm được cậu rồi, thật sự rất cảm ơn cậu lần trước đã cứu con gái tôi ngã xuống hồ".

Chàng trai nghe nói vậy liền nói: "Chắc ông nhận nhầm người rồi, không phải tôi".

Vị trung niên lại tiếp tục khẳng định: "Chính là cậu, chắc chắn là cậu, tôi không thể nhận nhầm được".

Lúc này chàng trai chỉ còn cách giải thích chi tiết: "Thực tình không phải tôi, công viên mà ông nói tôi còn chưa một lần ghé qua".

Vị trung niên nghe nói vậy buông tay chàng trai ra rồi buồn bã nói: "Lẽ nào tôi nhận nhầm rồi sao?".

Mấy hôm sau chàng trai nhận được giấy báo trúng tuyển, khi đến làm việc, tình cờ gặp lại vị trung niên hôm trước mới bước đến chào hỏi: "Xin hỏi, ông đã tìm được ân nhân cứu con gái mình chưa?". Vị trung niên đáp: "Vẫn chưa, tôi vẫn chưa tìm được".

Chàng trai đem câu chuyện này kể với các đồng nghiệp, mọi người nghe xong đều nhìn nhau cười: "Đó là chủ tịch của tập đoàn chúng ta đó, câu chuyện con gái ông ngã xuống nước ông đã kể rất nhiều lần rồi, thực tế ông không có cô con gái nào hết cả".

Chàng trai nghe xong thật không thể tin nổi, việc này là sao? Các đồng nghiệp mới giải thích: "Thực ra đây chỉ là một cách khảo nghiệm nhân phẩm ứng viên của chủ tịch chúng ta mà thôi. Ông từng nói, làm người nhân phẩm còn quan trọng hơn tài năng, người không có nhân phẩm thì nói gì cũng vô dụng, làm gì cũng vô nghĩa".

Tài năng thì thế gian không thiếu, duy chỉ có đức hạnh, nhân phẩm mới là thứ quý giá, khó tìm. Một người muốn bước thật xa, lên thật cao thì ắt phải tu dưỡng nhân phẩm của mình trước, bởi nhân phẩm là thứ vô giá của mỗi người, là bước đệm vững chắc đưa con người đi khắp thế gian.

Thực tế rằng, con người đều vì lợi ích của mình mà truy cầu. Có người giỏi luồn cúi, kéo bè kết phái, hai mặt, giở thủ đoạn, hoa ngôn xảo ngữ, chỉ chăm chăm vào lợi ích của mình (quyền lực, tiền tài, địa vị…). Người như vậy năng lực tương đối tốt, nhưng lại giỏi mê hoặc lòng người, bề ngoài tựa như chính nhân quân tử, hay mang dáng vẻ nhân nghĩa đạo đức, kỳ thực nội tâm dơ bẩn, độc ác vô cùng.

Người như vậy tốt nhất là nên cách xa một chút, tuyệt đối không thể trở thành bằng hữu hay có thể hợp tác được. Chúng ta mặc dù không thể làm được giống như thánh nhân, vô tư kính dâng, nhưng một người có một nội tâm thiện lương, nhân ái và thành tín, mới có thể cùng người khác đồng tâm hiệp lực, vượt qua cửa ải gian khó.

Khổng Tử từng nói: “Đức như nguồn nước, tài như con sóng”, hay như câu: “Phẩm chất là gốc cây, còn danh tiếng chỉ là bóng mát”. Chúng ta thường lại chỉ chú ý đến bóng mát của cây mà quên đi rằng gốc rễ mới là căn bản. Đừng quên rằng, sống trên đời, nhân phẩm mới chính là tấm giấy thông hành có giá trị giúp bạn đi khắp chân trời góc bể, đường đường chính chính, oanh oanh liệt liệt không sợ bị ép uổng trước nhân gian và không lo phải xấu hổ với cái tâm của chính mình

Nguồn: Cafe Biz

Biết suy nghỉ cho đối phương sẽ được quí nhân tương trợ

 

Biết suy nghỉ cho đối phương sẽ được quí nhân tương trợ

Có người từng hỏi Lý Trạch Giai – con trai Lý Gia Thành* : "Bố anh đã dạy cho anh những bí quyết kiếm tiền thành công gì?"

Trạch Giai đã trả lời rằng: "Thực ra bố tôi không dạy cho tôi bất cứ phương pháp kiếm tiền nào cả. Ông chỉ dạy tôi các đạo lý làm người mà thôi."

Bôn ba phấn đấu nhiều năm, tôi phát hiện ra một quy luật: Phàm là đứng trước những xung đột về lợi ích, một khi vẫn giữ được cái tâm sáng, biết suy nghĩ cho đối phương, không tính toán thiệt hơn, những người đó đi đến đâu cũng cảm nhận được sự ấm áp.

Ánh sáng toát ra từ trong nhân phẩm khiến họ dù có làm việc gì cũng thuận lợi, cho dù gặp phải khó khăn tạm thời cũng sẽ có quý nhân tương trợ, việc tất sẽ thành.

Trái lại, với những người thích tính toán so đó, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, cuối cùng sẽ đánh mất danh tiếng. Những người như thế thường khó có thể tìm kiếm được những đối tác ưu tú, càng không có những người bạn thật lòng.

Nhân phẩm tốt hay xấu quyết định trực tiếp đến thành bại của cả đời người.

Nguồn: Tri thức trẻ

* Lý Gia Thành, sinh ngày 29/7/1928 đi lên từ 2 bàn tay trắng, là tỷ phú, nhà đầu tư, nhà tư bản công nghiệp, nhà từ thiện Hồng Kông. Tháng 3 năm 2019, tạp chí "Forbes" đã công bố danh sách tỉ phú thế giới, tổng giá trị tài sản ròng của Lý Gia Thành đạt 31,7 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 28 trên thế giới.