Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Người chính, tâm chính, người thiện, tâm thiện, nhất định sẽ có phúc báo.


Hoàng đế Khang Hy triều Thanh có lần bị một căn bệnh kỳ quái, ngự y trong cung đã đem tất cả dược liệu quý báu chữa trị nhưng bệnh tình của hoàng đế vẫn không thấy chuyển biến, đành bó tay bất lực.
Đến một ngày, Hoàng đế Khang Hy một mình xuất cung, cải trang thành dân thường đi dạo trong đêm, ông đi vào một con phố, đi qua một hiệu thuốc nhỏ. Tuy là trời tối người vắng vẻ, nhưng bên trong hiệu thuốc lại đèn đuốc sáng trưng, còn có tiếng rì rầm đọc sách.
Khang Hy nghĩ thầm, lẽ nào đây là cao thủ chốn dân gian. Hoàng đế bèn gõ cửa. Sau khi vào nhà, nhìn thấy một vị hơn 40 tuổi đang ngồi dưới ánh nến đọc sách, đoán chừng chính là lang trung - ông chủ của hiệu thuốc này.
Vị lang trung thấy đêm hôm khuya khoắt còn có khách tới gặp, liền hỏi: "Các hạ đêm khuya đến thăm, có điều gì chỉ giáo?"
Khang Hy nói: "Đêm khuya đến nhà, có nhiều mạo muội. Tôi bị một căn bệnh, toàn thân ngứa ngáy, khắp người nổi mẩn đỏ, rất nhiều danh y đều không chữa khỏi. Tiên sinh có thể xem một chút không?"
Vị lang trung nói: "Được. Xin ngài cởi áo ra, để tôi nhìn một chút". 
Khang Hy cởi áo, vị lang trung nhìn thoáng qua liền nói: "Các hạ không cần phải lo lắng. Đây là do ngày thường ăn sơn trân hải vị nhiều, lại trường kỳ ăn nhân sâm, hỏa khí bốc lên, bởi vậy nổi mẩn đỏ, dẫn đến ngứa".
Khang Hy hỏi: "Bệnh này có thể trị tận gốc không?"
Lang trung nói: "Dùng chút thuốc liền sẽ khỏi". 
Nói xong, ông đưa tay với lấy một cái bình trên giá gỗ, trải rộng một cái túi vải, đổ hết thuốc trong bình ra, nặng chừng bảy, tám cân.
Lang trung nói: "Đây là tám cân Đại Hoàng, ngài hãy đem về nhà, dùng đun với trăm cân nước, để vào trong vạc, chờ nhiệt độ nước vừa phải, liền ngâm mình vào vạc tắm rửa, ít thì ba lần, nhiều thì năm lần, liền có thể chữa trị".
Khang Hy nghĩ thầm: "Ngự y trong cung dùng nhiều kỳ phương diệu dược đều không khỏi, cái Đại Hoàng không đáng tiền này liệu có trị hết bệnh của ta?"
Lang trung nhìn thấy mặt vị khách có chút nghi ngờ, liền cười nói: "Xin các hạ yên tâm, tôi đây không lừa tiền, thuốc này ông cứ cầm về dùng, nếu trị không hết, một xu tôi cũng sẽ không lấy". 
Khang Hy nói: "Được. Nếu có thể chữa khỏi bệnh của tôi, nhất định có hậu tạ".
Khang Hy quay về trong cung, làm theo lời dặn của vị lang trung, đun nước tắm rửa. Quả nhiên, khi ông vừa ngâm mình trong bồn tắm, liền lập tức cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng khoan khoái. Sau khi tắm ba lần, toàn thân thật sự không còn ngứa, toàn bộ mẩn đỏ trên thân cũng biến mất.
Khang Hy hết sức cao hứng, lại cải trang đi vào hiệu thuốc nhỏ kia.
Lang trung gặp lại Khang Hy, quan sát sắc mặt liền biết bệnh tình đã khỏi, cố ý nói: "Các hạ hôm nay là đưa tiền đến?"
Khang Hy nói: "Đúng vậy! Tiên sinh nói xem muốn bao nhiêu tiền?"
Lang trung cười lớn: "Đêm hôm đó gặp ngài bán tín bán nghi, tôi mới cố ý nói trị không hết bệnh thì một xu cũng không lấy, bây giờ khỏi bệnh rồi thì vẫn là một xu cũng không thu vậy. Tôi gặp ngài cảm thấy khí vũ phi phàm, chỉ muốn cùng ngài kết giao bằng hữu mà thôi. Xin hỏi, tôn tính đại danh của các hạ?"
Khang Hy mỉm cười nói: "Học sinh họ Hoàng, tự Thiên Tinh, là một thư sinh".
Lang trung nghe xong cao hứng nói: "Tôi tên là Triệu Quế Đường, cũng là một thư sinh nghèo. Phụ thân mong tôi lập chí đề tên bảng vàng, làm rạng rỡ tổ tông, nhưng ai biết trời không toại lòng người, nhiều lần thi rớt. Bây giờ đành phải ở kinh thành mở một cái tiệm thuốc nhỏ, một mặt làm nghề y, một mặt ra sức học hành, hi vọng một ngày kia có thể cá vượt Long Môn".
Khang Hy nói: "Triệu huynh, có câu 'bảng thượng vô danh, cước hạ hữu lộ'. Với y thuật cao siêu của ông, tôi có thể hết lòng giúp ông tiến cung đảm nhiệm ngự y, chẳng phải là cá vượt Long Môn sao?"
Triệu Quế Đường cười nói: "Người làm nghề y là nghĩ cho bách tính khắp thiên hạ, vì họ mà bài ưu giải nạn. Tiến cung làm ngự y, chỉ việc hưởng hết vinh hoa phú quý, cũng không thể vì thiên hạ bách tính mà chữa bệnh được. Đây không phải là mong muốn của tôi, làm như vậy y đức có ích gì?".
Khang Hy nghe xong, cảm khái nói: "Tài đức của Triệu huynh thật làm tôi bội phục. Huynh nhiều lần thi không trúng, sao không để tâm thể hiện tài năng trong ngành y?".
Triệu Quế Đường nói: "Tôi cũng là nghĩ như thế, nhưng âu cũng là tham vọng trên mây vậy, khó lòng thực hiện. Lão huynh nếu sau này phát đại tài, giúp tôi xây một tòa Dược đường lớn, cũng coi như tôi không uổng phí xem bệnh cho ông một lần". 
Khang Hy nghe xong không chút do dự nói: "Nếu xây Dược đường, thì đặt tên là gì đây? Hãy gọi là "Đồng Nhân Đường" đi, ông xem cái tên này ra sao?".
 Kể từ đó, có một tòa dược đường lớn tên là "Đồng Nhân Đường" ở thành Bắc Kinh. (Wikimedia Commons)
Triệu Quế Đường nhìn thấy vị khách có vẻ nghiêm túc, liền cười nói: "Xây dược đường lớn cần một số tiền lớn, ai biết ông khi nào mới có thể phát đại tài? Tôi nói đùa vậy thôi, ông nghĩ là thật sao!".
Khang Hy bèn nói: "Không ngại, cứ thử một chút đi". Liền cầm bút từ trên mặt bàn, viết tờ giấy, lại đóng lên con dấu, rồi nói: "Triệu huynh, ngày mai ông đến nha môn trong phủ một chuyến. Chỗ ấy có một vị bằng hữu của tôi, nói không chừng có thể giúp một tay".
Ngày hôm sau, Triệu Quế Đường cảm thấy hiếu kỳ, bèn cầm tờ giấy tìm tới nha môn trong phủ, tấu lên tờ giấy. Chỉ chốc lát sau, một thái giám đi ra, dẫn Triệu Quế Đường vào cửa bên trong, đi qua một viện tử, lại đi tới trước một cái phòng lớn. Thái giám mở cửa phòng ra, từ bên trong có tiếng nói: "Triệu tiên sinh, chỗ này có đủ tiền thuốc của ông không?"
Triệu Quế Đường nhìn lên, chỉ thấy đầy phòng là bạc trắng, giật mình không hiểu chuyện gì.
Lúc này, thái giám nói: "Triệu tiên sinh, vạn tuế gia có chỉ, ngươi xem bệnh cho Người, một xu cũng không lấy, Người muốn trả cho ngươi một tòa "Đồng Nhân Đường". Như vậy là ngươi được toại nguyện rồi!"
Triệu Quế Đường lúc này mới như vừa tỉnh dậy sau giấc mộng: Hóa ra lơ đãng kết giao bằng hữu với Hoàng huynh, chính là đương kim hoàng thượng.
Mấy ngày sau, một tòa đại dược đường đã được xây lên, được đặt tên là "Đồng Nhân Đường" .
Trong ngày khánh thành "Đồng Nhân Đường", Hoàng đế Khang Hy đã đích thân đến đây chúc mừng, khiến Triệu Quế Đường hoang mang không biết xử trí như thế nào cho phải.
Khang Hy cười nói: "Chớ có bối rối. Tiền thuốc của ta nhà ngươi không nhận, lần sau lại xem bệnh, ngươi vẫn không thu là được rồi". 
Kể từ đó, có một tòa dược đường lớn tên là "Đồng Nhân Đường" ở thành Bắc Kinh.
Chuyện tích này được rất nhiều cổ nhân lưu lại, mọi người đều có chung cảm thán: Người chính, tâm chính, người thiện, tâm thiện, nhất định sẽ có phúc báo
Theo secretchina.com

Cúi xuống và nói chuyện với con


Cúi xuống và nói chuyện với con

Trong quá trình giáo dục con, nhiều bậc cha mẹ thiếu sự giao tiếp bình đẳng với con cái. Khi họ nói hoặc làm mọi việc, thường sẽ mang một dáng điệu: "chỉ tay năm ngón”. Họ không biết rằng trẻ em rất ghét kiểu giáo dục này, vì vậy chúng có thể dễ dàng phát triển thành những đứa trẻ nổi loạn.

Không có một cha mẹ nào không muốn nói chuyện cùng con, nhưng tại sao kết quả lại thường ngoài mong muốn? Câu trả lời là, cha mẹ đã không thực sự giao tiếp bình đẳng với con cái của mình.

Tĩnh tâm một chút, suy nghĩ về loại giọng điệu mà bạn đang thường sử dụng để nói chuyện với bạn bè, rồi cách mà bạn đang nói chuyện với con cái… Liệu bạn có hạ mình xuống một chút hay chưa? Liệu bạn có hay mắng con khi bạn tức giận, và dần dần âm lượng của lời la mắng đó đã vô thức trở thành giọng nói bình thường của bạn hay không?

Đặt lòng tự cao tự đại xuống và "nói chuyện" với con, có lẽ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với những đạo lý cao xa mà bạn vẫn thường hay “chỉ tay năm ngón”.

Hy vọng rằng mỗi bậc cha mẹ đều trở thành mỗi người bạn tâm tình bên con, giúp con bay cao bay xa hơn nữa mỗi ngày.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Người Do Thái nói về Trí tuệ và tiền bạc.


Do Thái là một dân tộc rất coi trọng trí tuệ. Thành công của họ cũng thường do cực kỳ mưu trí mà giành được, đặc biệt chỉ riêng về doanh nhân Do Thái vai trò của họ đến nền tài chính thế giới đã nói lên tất cả. Những giá trị hữu hình như tài chính tiền tệ có thể rất dễ nhận biết nhưng khái niệm Trí Tuệ lại là một khái niệm rất mơ hồ đụng chạm đến một phạm vi rộng lớn. Nó được định nghĩa không rõ ràng, do đó trí tuệ là gì cũng có nhiều cách hiểu khác nhau.
Người Do Thái có một chuyện vui cười nói về mối quan hệ giữa trí tuệ với của cải: Có hai học giả nói chuyện với nhau.
Trí tuệ và tiền bạc cái nào quan trọng hơn?
Tất nhiên là trí tuệ quan trọng hơn!
Vậy tại sao người có trí tuệ lại phải làm việc cho người giàu có nhiều tiền bạc. Người giàu lại không phải phục vụ người có trí tuệ. Ai cũng đều thấy các học giả triết gia phải chiều lòng theo ý muốn các triệu phú, còn các triệu phú lại có thái độ trịch thượng đối với người có trí tuệ.
Người có trí tuệ biết được giá trị của tiền bạc, còn triệu phú liệu có luôn hiểu rõ giá trị của trí tuệ? Không thể cho rằng lời nói của học giả thiếu đạo lý bởi con người ta có biết được giá trị của đồng tiền mới đi làm việc cho nhà giàu. Chỉ những ai không biết giá trị của trí tuệ mới lên mặt đối với bậc trí giả. Rất khó thể hiểu được hết ý nghĩa sâu xa của nó bản thân khái niệm của Trí Tuệ và Tiền Bạc là một nghịch lý.
Người có trí tuệ đã biết được giá trị của tiền bạc, vậy tại sao không dùng trí tuệ để kiếm tiền bạc? Biết được giá trị của đồng tiền nhưng vẫn phải dựa vào sự phục vụ các triệu phú để kiếm sống. Trí tuệ như vậy có gì và còn đáng được coi trọng không?
Tuy trí tuệ của các học giả triết gia được gọi là “Trí Tuệ” nhưng không phải là trí tuệ thực sự vì nó không có quan hệ gì với đồng tiền. Trí tuệ phải chịu trước sự kiêu hãnh của đồng tiền sao có thể quan trọng hơn tiền bạc. Trái lại các triệu phú không có trí tuệ như học giả nhưng lại biết chi phối đồng tiền thu nhận được giá trị của nó. Họ có trí tuệ dựa vào đồng tiền để sai khiến trí tuệ của các học giả đó mới là trí tuệ thức sự.
Và người Do Thái đã đưa ra một khái niệm tổng quát về đồng tiền như sau:
Đồng tiền sống có thể không ngừng sinh ra tiền mới, quan trọng hơn, trí tuệ chết không sinh ra tiền. Trái lại trí tuệ sống có thể sinh ra tiền còn đồng tiền chết không thể sinh ra tiền mới. Trí tuệ hoá nhập với đồng tiền được gọi là trí tuệ sống. Đồng tiền hoá nhập với trí tuệ được gọi là đồng tiền sống. Rất khó để phân biệt ngôi thứ giữa trí tuệ sống và đồng tiền sống. Thực tế hai vấn đề này đồng thời là một nó chỉ là một sự kết hợp đầy đủ chặt chẽ giữa nhau.
Xây dựng được mối quan hệ đồng nhất giữa trí tuệ và tiền bạc giúp các thương gia Do Thái trở thành những nhà buôn trí tuệ nhất.
Suy nghĩ một chút về quan niệm tri thức và trí tuệ ở Việt Nam. Hầu hết mọi người đều đồng nhất hai khái niệm giữa tri thức và trí tuệ là một, người có tri thức chắc chắn là người có trí tuệ và là người rất thông minh. Những người có bằng Đại Học, Thạc sỹ, học vị Tiến sỹ, học hàm Giáo Sư là những người có tri thức và rất thông minh.
Quan niệm của người Do Thái lại hoàn toàn khác hẳn, tri thức và trí tụê là khái niệm có tính độc lập cao. Tri thức chuẩn mực chỉ cần có thời gian và điều kiện học là có thể tích luỹ được, bạn học 12 năm thì tốt nghiệp phổ thông, thêm 4 năm nữa thì có bằng đại học, thêm 2 năm nữa có bằng Thạc sỹ, thêm 2 năm nữa có học vị Tiến Sỹ….
Người Do Thái coi trọng quá trình học tập suốt đời, học tập phải suy nghĩ, họ có thể không cần phải học tập trong các trường chính quy, học có thể tự học để có được tri thức cần thiết. Không phải ai có tri thức cũng có trí tuệ, người có trí tuệ là người biết dùng tri thức mình có để kiếm tiền. Nếu người có trí thức uyên bác mà không biết dùng tri thức đó kiếm tiền thì trí thức đó chỉ là những cái trống rỗng như một kẻ cõng trên mình cả đống sách mà không biết dùng để làm gì thì cũng vô dụng.
Trong lịch sử Do Thái đã từng ghi nhận rất nhiều những tấm guơng cả cuộc đời chưa từng được bước chân vào một trường học chính quy nhưng họ vẫn trở thành những nhân vật giàu có bậc nhất, tri thức tự học và trí tuệ của họ đã làm nên điều đó.
Tại Việt Nam, số lượng học giả, nhà khoa học với học vị cao như giáo sư, tiến sỹ ngày càng nhiều. Nhưng những công trình biến ý tưởng thành tiền thì chưa đạt tới tỷ lệ đáng kể.
Theo dantocdothai.