Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?



Tại sao người Việt nghiện “học giỏi” (hay là khởi nguồn của bi hài kịch “học giỏi” nhưng sống tồi, làm việc kém của người Việt)?
Khi không hiểu hoặc không chắc về đích đến, người ta phải tìm cách tự động viên, an ủi mình lúc đi trên đường xa vạn dặm. Một trong những cách đó là lâu lâu đếm xem mình đã được đi bao nhiêu km, mình đang ở cột mốc thứ bao nhiêu… Đếm nhiều, đếm lâu đâm… nghiện và quên mất luôn cả việc ban đầu là phải đến đích. Khi đó người ta chỉ quan tâm đến việc đi được bao nhiêu cây số thuần túy mà thôi.
Đích đến của giáo dục nằm ở triết lý, đấy là hình ảnh xã hội tương lai và con người mơ ước.
Khi không suy ngẫm kĩ về nó mà hối hả thì càng dẫn con người ta đi ra xa khỏi mục đích ban đầu của giáo dục.
Khi cảm giác đi mãi chưa đến nơi, người ta sợ cảm giác lạc đường nên phải đếm thành tích và đếm lâu thì đâm nghiện. Cơ quan quản lý nghiện, thầy cô giáo nghiện, phụ huynh nghiện, học sinh nghiện và rốt cuộc là cả xã hội nghiện thi, nghiện điểm, nghiện danh hiệu…
Vậy cai nghiện thế nào?
Sẽ không cai nghiện được nếu như tất cả những ai liên quan đến giáo dục không bình tĩnh ngồi xuống, khêu đèn lên mà nghĩ về mục đích của giáo dục và câu hỏi muôn đời không cũ:
“Vậy thì rốt cuộc những việc mà giáo dục làm sẽ đưa xã hội tương lai đến đâu?”
“Vậy thì cuối cùng, chúng ta muốn học sinh, con em mình thành người thế nào?”
Nếu chúng ta muốn có một xã hội chan hòa thân ái mà lại đẩy con cái, học sinh vào các cuộc đua khốc liệt đầy tính cạnh tranh và học vì điểm số thì chỉ là không tưởng.
Con người sinh trưởng trong môi trường chỉ biết có cạnh tranh và chạy theo điểm số sẽ rất thiếu lòng bao dung và tinh thần hợp tác lúc trưởng thành. Mà để sống trong thời đại toàn cầu thì khoan dung, hợp tác là giá trị phổ quát.
Nếu chúng ta muốn có những con người sáng tạo mà lại thúc đẩy giáo dục biến thành khoa cử, trường học biến thành trung tâm luyện thi thì hi vọng đó là huyễn hoặc, là lừa người và tự lừa mình. Khoa cử là khuôn mẫu là đồng phục trong khi sáng tạo là cá biệt, là vượt ra khỏi thường thức, là luôn vươn đến cái mới.
Những học sinh được tập cho quen với việc tìm đáp án trong sách giáo khoa hay cặm cụi giải các đề thi sẽ không có được cảm hứng sáng tạo cháy bỏng và phản xạ giải quyết vấn đề.
Đó là lý do sau học và thi, các nhân tài học giỏi lặn không sủi tăm.
Nước Nhật chỉ 120 triệu dân, diện tích hơn 33 vạn km2, nghĩa là không hơn Việt Nam bao nhiêu nhưng nhờ cải cách giáo dục với triết lý giáo dục được luật hóa trong Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học một cách bài bản, họ đã vượt qua được bao nhiêu sóng gió của thời cuộc, của sự biến động của chính trị, của sự chao đảo dữ dội giữa Đông và Tây để có nước Nhật hiện đại như ngày nay.
Người Việt hay dùng giải Nobel để so sánh vậy hãy nhìn xem với dân số và diện tích như trên nhưng Nhật Bản đã có 20-25 người được nhận giải Nobel ở đủ mọi lĩnh vực (Ngoại trừ Nobel kinh tế).
Giáo dục khi đúng hướng, đúng cách sẽ tạo ra sức mạnh ghê gớm vì nó giải phóng con người, giải phóng tiềm năng trong con người và tạo ra sức mạnh cộng hưởng từ những con người được giải phóng ấy.
Đấy là lý do, không ai được phép bàng quan với giáo dục.
(theo Nguyễn Quốc Vương/Trithucvn)

Giảm mạnh ăn thịt mới cứu được hành tinh


Bức tranh đen tối
Bản báo cáo 65 trang của IPCC, nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, đọc xong bản báo cáo này, không ai tránh khỏi tâm trạng « trầm uất » : Báo cáo của IPCC về đất đai lần này đã phơi bày « một bức tranh đen tối về tình trạng của hành tinh chúng ta, do các hoạt động của con người ».
Theo Libération, « vấn đề thực phẩm nằm ở trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi thực phẩm là một trong những nguyên nhân cơ bản (của việc Trái đất bị hâm nóng)… Nông nghiệp chiếm đến 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính và 40% đất đai toàn cầu. Tỉ lệ này dự kiến sẽ còn tăng lên, cùng với việc mức sống tại một số quốc gia được cải thiện ». Mặt khác, « nông nghiệp cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu ».
Cụ thể là nhiệt độ Trái đất cứ tăng thêm 1°C, năng suất lúa mì giảm 6%, lúa giảm 3%, ngô 7%... Chưa kể đến suy giảm về nhiều vi chất quan trọng trong thực phẩm, đặc biệt là sắt và zinc do nồng độ khí CO2 ngày càng đậm đặc trong không khí.
« Tia sáng cuối đường hầm »
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng để ngỏ một tia sáng le lói cuối đường hầm. Chìa khóa của giải pháp « nằm trong mâm cơm của chúng ta và trong các trại chăn nuôi », với việc thay đổi một cách căn bản và bền vững toàn bộ lối ăn uống và hệ thống sản xuất nông nghiệp.
Khoa học gia Tim Searchinger, đồng tác giả báo cáo « Tạo ra một lối ăn uống bền vững cho tương lai », do Ngân hàng Thế Giới và Cơ quan Môi trường của Liên Hiệp Quốc đặt hàng, chỉ ra biện pháp hàng đầu là giảm ít nhất 50% lượng thịt tiêu thụ tại các nước phát triển, đặc biệt là bò, dê, cừu.
Lý do là vì các gia súc này thải ra nhiều khí metan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn gấp bội so với CO2. Thứ hai vì phân của các loại gia súc này thải ra nhiều chất nitrous oxide ( N2O ) làm đất đai suy kiệt và làm axit hóa đại dương. Lý do thứ ba là để có đất đai dành để nuôi các loại gia súc này, người ta buộc phải phá rừng, vốn là những « giếng » hấp thụ khí CO2.
Bên cạnh việc giảm mạnh ăn « thịt đỏ » (bò, dê, cừu), nhà môi trường học cũng khuyến cáo giảm thịt heo, thịt gà, cũng như giảm tiêu thụ sữa, bởi để có sữa, các loài gia súc phải thường xuyên thụ thai. Ngày càng nhiều tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng báo động về tình trạng thê thảm của các gia súc nhỏ.
Món ăn thay đổi - nông nghiệp thay đổi
Theo Libération, giảm mạnh tiêu thụ thịt không có nghĩa là tất cả mọi người buộc phải ăn chay. Ngược lại, nền nông nghiệp có thể được tổ chức khác đi, một cách hiệu quả hơn để đáp ứng đòi hỏi mới. Vấn đề quyết định là thay đổi quan niệm, thay đổi thói quen. Cụ thể là việc khuyến khích tiêu thụ các thực phẩm được sản xuất tại chỗ sẽ kích thích nông nghiệp địa phương, trong nước phát triển.
Mọi người sẽ ăn các món ăn chứa ít thịt hơn, nhưng lại giầu dinh dưỡng hơn, đa dạng hơn. Sẽ có nhiều người làm nông hơn, nhà nông sẽ được trả công cao hơn, do hình thành các mạng lưới tiêu thụ trực tiếp, nhà nông không bị ép giá vì giá cả lên xuống bất thường của thị trường.
Bài xã luận mang tựa đề « Tương lai » nhấn mạnh : Cần phải hành động khẩn cấp. Giờ đây không chỉ là vấn đề đi xe đạp thay cho xe hơi, đi tàu hỏa thay cho máy bay, mà xem xét lại toàn bộ lối sống hàng ngày, trong đó ăn uống là chuyện hàng đầu.
Ăn nhiều đạm thực vật : Một mũi tên nhắm nhiều mục đích
Cũng về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phỏng vấn nhà nông học Marc Dufumier, với tựa đề « Điều tồi tệ nhất sẽ đến, nếu chúng ta không thay đổi thói quen ». Nhà nông học Pháp đặc biệt nhấn mạnh việc người Pháp ăn nhiều loại đậu, cung cấp protein thay thế cho đạm động vật, có tác động quý báu về nhiều mặt.
Tác dụng thứ nhất là giảm tiêu thịt sẽ khiến rừng ở các nơi khác trên thế giới không bị hủy hoại để có đất làm nơi chăn thả gia súc, trồng cây làm thức ăn cho gia súc. Tác dụng quan trọng thứ hai : đậu cũng chính là loại cây trồng hút azote trong không khí để làm giàu dinh dưỡng cho đất đai. Và nhờ vậy mà không cần phải bón thêm các loại phân hóa chất có chứa phân tử azote, phát ra khí N2O, được coi là « nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính số một » tại Pháp (chưa kể việc giảm khí metan do các gia súc lớn thải ra như đã nói ở trên).

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Sức mạnh của sự thấu cảm


Thấu cảm là khả năng nhìn nhận, hiểu biết vấn đề cũng như cảm xúc của người khác một cách rõ ràng như chính họ. Những người có khả năng thấu cảm là người biết đặt mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ trên lập trường của họ. Thấu cảm giúp chúng ta sống bao dung, có cái nhìn khách quan hơn về mọi vấn đề. Bên cạnh đó, nó còn mang đến cho chủ sở hữu một số quyền năng hữu ích.
 
Một trong những sức mạnh của khả năng thấu cảm chính là khả năng dẫn dắt và nuôi dưỡng. Với sức mạnh này, bạn có thể dễ dàng tạo được sự kết nối với những người xung quanh. Giúp cho các mối quan hệ xã hội trở nên khắng khít hơn bao giờ hết. Chẳng hạn, trong chuyện tình cảm, người yêu của bạn sẽ cảm thấy thật tự hào vì có một cô bạn gái biết lắng nghe, thông cảm và hiểu cho mọi tâm tư của chàng. Đôi lúc, người yêu của bạn cũng phải “tặng” bạn ánh mắt ngạc nhiên vì bạn hiểu chàng còn hơn chính bản thân anh ấy. Nhờ có sức mạnh này mà giữa hai bạn luôn có sự kết nối vững chắc.
Nếu được trao thiên chức làm mẹ, tình yêu thương không chỉ là điều duy nhất những người thấu cảm tốt dành cho con của mình mà còn là sự tôn trọng và thấu hiểu sâu sắc trước mỗi thay đổi nhỏ nhặt trong quá trình phát triển của con mình. Họ cũng là người mẹ vô cùng tuyệt vời với cách hướng dẫn và nuôi dạy con rất hiệu quả.