Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Quang cảnh người dân đi chùa ngày rằm


Quang cảnh người dân đi chùa ngày rằm nơi ngôi chùa cổ gần nghìn năm

 

Điện thờ rộng rãi và ngăn nắp, thâm u. Chính điện là Ban thờ Tam Bảo đồ sộ. Còn phía bên cánh trái điện thờ, là ban thờ Quán Âm Tống tử. bên phải là bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đồng đen to lớn, trầm mặc màu thời gian.


Đã bắt đầu lác đác xuất hiện người đi lễ. Đầu tiên là một đàn tràng gồm các lão bà mặc áo nâu, họ tiến đến trước ban thờ Phật và ngồi xuống khoanh chân với vẻ thành kính. Trong tiếng mõ lốc cốc và tiếng đọc kinh ngân nga từ băng đĩa của nhà chùa, những Phật tử này chắp tay vái lia lịa, miệng lẩm bẩm cầu nguyện và cúi rạp người xuống nhiều lần. Họ đã quen thuộc lắm với những sinh hoạt nơi đây. Sau đó thì những người khách vãng lai đủ mọi lứa tuổi cũng bắt đầu ùn ùn kéo đến. Sân chùa bắt đầu đông đúc nhộn nhạo.

Người ta đứng chật trong thượng điện, tràn ra cả ngoài sân. Một người đàn ông chừng 50 tuổi đeo kính đen đang oang oang truyền lệnh qua điện thoại thông minh cho đàn em bên ngoài sắp lễ hậu để mang vào chùa. Một đôi “nam thanh nữ tú” mặc quần trễ cạp, áo hở rốn, tóc nhuộm nửa vàng nửa đen đang tay trong tay âu yếm nhau ở sân chùa, chàng trai tiện tay ngắt một bông hoa trong vườn để tặng cô gái. 

Một người đàn ông khác thì đang ngồi bệt lên bệ xi măng với hai lon bia bên cạnh, miệng phì phèo thuốc lá, có vẻ hoàn toàn thỏa mãn trong cảnh chờ đợi người thân vào làm lễ. Có một cặp thanh niên khác cố len vào bên trong chính điện để cắm hương vào ban thờ nhưng không được. Chàng trai trổ tài phi hương vào bát bình hương ở đằng xa rồi cả hai khấn vái như bổ củi.


Trong đỉnh đồng đặt trước thượng điện, hương được cắm dày nghi ngút khói. Ở góc sân chùa, trong chiếc đỉnh bằng đá, hàng xấp lớn vàng mã cháy rừng rực, khói bốc mù mịt. Vẫn còn vô khối người xếp hàng chờ đến lượt mình hóa vàng.
Có những người cắm cả bó hương đỏ rực vào bát hương trên ban thờ. Rồi khi được yêu cầu bỏ bớt hương theo quy định, họ tỏ vẻ hết sức khó chịu.


Và tất cả thi nhau nhét tiền lẻ vào hòm công đức, thảy lên ban thờ, nhét vào hốc cây… hay bất cứ chỗ nào có thể nhét được ở trong chùa. Tiền lẻ rải từ trong ban thờ cho đến ngoài sân chùa, xen lẫn với rác rưởi sinh hoạt của người đi lễ, che gần kín lối đi, mặc cho những vãi già vừa đi quét dọn vừa ca thán.
Người ta nhét cả tiền lẻ vào tay các pho tượng đầy chặt những đồng bạc lẻ, đồng sau dúi vào, đồng trước rụng xuống, lả tả.

Đủ mọi âm thanh hỗn tạp cả tiếng niệm kinh đều đều của đàn tràng; tiếng trẻ con khóc choe chóe ngoài sân chùa; tiếng rao mời chèo kéo eo sèo của kẻ bán đồ lễ, đổi tiền lẻ hay thậm chí bán vật phóng sinh; tiếng thanh niên trai gái cợt nhả lả lơi; tiếng nói chuyện oang oang qua điện thoại về đủ thứ chuyện trên đời; tiếng than vãn nhấm nhẳn của sư sãi; hình như có cả tiếng kêu hốt hoảng của một người bị mất cắp hay lừa đảo… xen lẫn với những lời cầu xin vang lên khắp trong điện ngoài sân, đại loại như là:


- Kính lạy Hộ pháp thiên thần chư thiện Bồ Tát, kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được mua một bán mười, tài lộc như nước, phúc thọ vô biên, hoạn lộ đại phát, đầu năm trưởng phòng cuối năm giám đốc. Nguyện xin chư vị, chấp kỳ lễ bạc tâm thành chứng minh, chứng giám cho con được tai qua nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ đem đi, phát lộc phát tài, gia chung mạnh khoẻ, trên dưới thuận hoà an khang thịnh vượng…
- Con đặt lễ thế này mong được chư vị chứng giám, nếu được phù hộ như ý con xin sửa lễ tạ bằng năm bằng mười.
- Con cầu mong các vị phù hộ cho cả gia đình con chống dịch bình an. Nếu được phù hộ độ trì cho qua đợt này, con xin cúng tiến nhà chùa hai bức tượng Phật.
…..........
Khi ngoài trời đã tối mịt, chỉ còn lác đác một vài người khách đến lễ muộn, họ vội vã làm các thủ tục rồi nhanh chóng ra về. Các sư tăng trong chùa đang đi thu nhặt tiền lẻ và tiền công đức rồi kiểm đếm và cất đi, một số khác quét dọn rác và vun thành một đống to tướng.

Tượng Quán Thế Âm ngẩm nghĩ :
- Kể từ lúc được đặt vào đây, đã chín trăm năm có lẻ rồi ta đứng trong cảnh yên bình. Thế rồi… sau đó cũng có những năm khói lạnh hương tàn, chùa hoang sư mất, nhân tình ấm lạnh. Nhưng chừng hơn hai chục năm trước đây, cảnh tượng ngày càng bát nháo nhếch nhác. Những năm gần đây thì… tượng đồng thở dài.

- Ngày xưa, người ta đi chùa khác nay lắm. Trang phục kín đáo, thần thái trang nghiêm, thành kính, không nói to, không chen lấn xô đẩy. Mọi người đều nhường nhịn nhau. Con cháu thì lễ phép đi theo các bậc niên trưởng. Lễ vật cũng không cầu kỳ, lòng thành là chính. Chỉ có chút hương hoa, xôi oản… thành kính dâng lên bàn thờ Phật, hay chút tiền “giọt dầu” bỏ vào hòm công đức, hoặc tự tay trao cho các tăng ni một cách đầy trân trọng. Và họ cũng không cầu tài lộc, danh lợi một cách trơ trẽn và mù quáng như hiện nay.

Đức Phật chỉ dạy con người con đường thoát khổ. Muốn thoát khổ thì phải trừ bỏ tâm tham, sân, si, những tâm chấp trước nhiều như mạng nhện níu kéo con người, những ham muốn thế tục, những dục vọng về danh, lợi, tình... Ngài có nói đại ý rằng: “Ta không ban phúc cho ai, cũng không gieo tai giáng họa cho ai. Hết thảy những gì các vị nhận được đều là do các vị tự tạo lấy”. Mọi việc đã có nhân quả rồi, muốn có “quả lành" thì phải  gieo "nhân thiện" bằng cách nghĩ tốt, sống tốt, làm nhiều việc thiện. Vậy mà còn lên xin Chư Phật những thứ lợi ích vật chất thì chẳng phải mù quáng lắm sao?


Hãy trân trọng Phật bằng cách làm theo lời Phật dạy chứ không phải bằng tư thế lạy lục. Thân phải thẳng, tay nghiêm, nhất tâm hướng Phật thì dần dần mới Định được, tức là tâm mới tĩnh. Tâm có tĩnh thì Huệ mới sinh, tức là trí mới sáng suốt, mới làm chủ được mình trước mê hoặc cám dỗ, mới ít sai lầm.

- Người xưa có câu nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, tức là có rất nhiều Thần Phật ở quanh ta. Lại có câu rằng: “một niệm thiện ác sinh, cả Đất Trời đều biết”. Hoặc là: “Người nói thì thầm, Trời nghe như sấm” hay “Tâm xuất, quỷ thần tri”… con người nghĩ gì Thần Phật đều biết hết, vì sao cứ phải gào tướng lên? sợ rằng Thần Phật còn chưa biết mình tham lam bất chính hay sao?

Họ xả chút bạc lẻ lên bàn thờ Phật, dúi tiền lẻ vào tay Phật; đổi lại Phật phải ban cho họ cái này cái nọ, toàn những thứ lợi ích to lớn cả. Lại còn ra giá cho Phật nữa chứ. Có phải bất kính không?

Những người cúng hậu lễ đấy cũng là tâm lý xin – cho, đổi chác của thời mạt này mà thôi. Họ nhân tình hóa chư Phật mất rồi. Họ nghĩ ai cũng tham lam và dễ bị mua chuộc.

Pháp thân của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đã không còn xuất hiện ở đây thường xuyên như trước nữa rồi. Chỉ còn những linh thể cấp thấp chiếm cứ thân xác bức tượng đây. Ai cầu xin danh-lợi-tình mà linh nghiệm thì hãy cứ cẩn thận, chẳng phải Phật cho đâu, mà chính là lũ linh thể kia đấy.

Trên đời này có một cái lý: “Ai muốn được thì phải mất”, để đổi lại, chúng sẽ lấy những thứ quý giá trên thân, trên mệnh của họ trong lúc họ đang hí hửng nghĩ rằng mình cầu được ước thấy. Hậu quả không diễn ra ngay lập tức nên con người ta không liên hệ được với cái “nhân” của sự việc là chuyện cầu cúng bất chính. “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”.

“Phật tại tâm” Trong tâm của con người dù sao vẫn còn chút Phật tính, phải khởi được nó lên thì mới có được bình an thực sự.
Vào thời khắc nguy nan, có nhiều người sẽ kịp thời tu tỉnh, thoát khỏi bến mê, cải ác hành thiện và họ sẽ được cứu thoát.

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Học cách tha thứ

Tha thứ cho người khác, là sự giải phóng cảm xúc tiêu cực của bản thân, là điều tốt cho bản thân. Chúng ta nhận thức được điều đó, nhưng không phải muốn là được mà cần phải học cách tha thứ.

Khi gặp phải mâu thuẫn với hàng xóm, hay vợ chồng bất hòa, hoặc đồng nghiệp không hợp tác... tất cả những điều này đều khiến người ta chìm vào hố sâu cảm xúc, khiến người ta trở nên bi thương, đau khổ, tức giận, thậm chí là căm hận.
Muốn thoát ra khỏi cái vòng cảm xúc tiêu cực này, phương thức thông minh nhất chính là học cách tha thứ. Điều này sẽ có lợi ích lâu dài cho cảm xúc và sinh lý của mọi người.

Muốn thoát ra khỏi cái vòng cảm xúc tiêu cực này, phương thức thông minh nhất chính là học cách tha thứ. (Ảnh: Mykhailo Dorokhov - Flickr/CC BY 2.0)

Tất nhiên, nói ra điều này không phải để tha thứ hay bào chữa cho một số hành vi vô đạo đức, nó cũng không buộc chúng ta phải tha thứ cho những hành động sai trái ấy. Thay vào đó, chúng ta hãy tạm gác những cảm xúc tiêu cực cực đoan đó lại và tự cho mình một khoảng trống trong tâm hồn.

Tóm lại, các nhà tâm lý học cho rằng khi gặp mâu thuẫn, chúng ta có thể xem xét vấn đề từ bốn khía cạnh sau:

1. Nếu bạn có thể tha thứ cho người khác, bạn có thể giải phóng nhiều cảm xúc tiêu cực của bản thân.
2. Tha thứ cho người khác, hoàn toàn không phải vì người khác, mà là vì chính bản thân bạn.
3. Tha thứ có thể làm cho bạn khỏe mạnh và mạnh mẽ hơn.
4. Nếu tôi là người khác, tôi sẽ đối đãi như thế nào với những gì đã xảy ra lúc đó.

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng khi mọi người có thể nhìn vào xung đột từ quan điểm của nhau, sẽ có những thay đổi lớn về sinh lý.
Cho dù là tốc độ nhịp tim hay huyết áp đều sẽ hạ, tình trạng nhăn nhó hay cau mày cũng ít đi, và tỉ lệ lão hóa da cũng giảm - đây là những chỉ tiêu tốt về chức năng của hệ thần kinh giao cảm.

“Tha thứ” mang lại lợi ích cho chúng ta về thể chất và tinh thần, vì vậy nếu một số ký ức không vui nào đó vẫn khiến bạn cảm thấy tim mình đập nhanh hơn, huyết áp tăng, đường tiêu hóa bị xáo trộn ... vậy lúc này hãy thử “thay đổi cách suy nghĩ” xem sao.
Một lần nữa từ góc độ của đối phương mà suy nghĩ về mâu thuẫn, xem việc này họ có chịu đựng được không, đồng thời quan tâm đến hoàn cảnh và hạn chế của đối phương, hãy phóng tầm nhìn xa hơn, hãy học cách bỏ qua cho thế giới không hoàn mỹ này, cũng chính là bỏ qua cho những thiếu sót của bản thân mình.

Bạn có từng nghĩ chưa, tha thứ và bao dung ấy không bao giờ là vì người khác, mà chính vì bản thân bạn đấy thôi.
Mặc dù hiện nay bạn không thể lập tức tha thứ cho tất cả những gì đã từng tổn thương bạn, vậy hãy học cách thực hiện sự cao thượng ấy một cách từ từ, vì mình mà cố gắng hơn một chút xem sao.

Quẳng đi gánh nặng cuộc sống mới có thể sống nhẹ nhàng, vui vẻ và hạnh phúc, bạn ơi !

Theo Aboluowang