Các nhà nghiên cứu thấy rằng sự coi thường là
yếu tố hàng đầu phá vỡ các đôi vợ chồng.
Mỗi ngày trong tháng sáu, mùa cưới trong năm ở
nước Mỹ, khoảng 13.000 cặp vợ chồng sẽ nói lời cam kết cho một cuộc hôn nhân
đến trọn đời, một mối quan hệ đầy tình bạn, niềm vui và tình yêu sẽ theo họ đến
tận ngày cuối cùng trên trái đất này.
Dĩ nhiên, ngoại trừ việc là nó không diễn ra
như vậy với hầu hết mọi người. Đa số các cuộc hôn nhân thất bại, hoặc kết thúc
bằng ly dị hay ly thân, hay biến thành mối quan hệ đầy cay đắng và khủng hoảng.
Trong số những người kết hôn, chỉ có 3 trong số 10 người giữ được cuộc hôn nhân
lành mạnh, hạnh phúc, như nhà tâm lý học Ty Tashiro chỉ ra trong cuốn Khoa học
của Hạnh phúc đến Trọn đời (The Science of Happily Ever After)
Các nhà khoa học xã hội bắt đầu nghiên cứu hôn
nhân bằng cách quan sát chúng lần đầu tiên trong những năm 70 để tìm giải pháp
cho một cuộc khủng hoảng: Các cặp vợ chồng ly dị với tỷ lệ chưa từng có. Lo
ngại về ảnh hưởng của những vụ ly hôn này lên con cái trong gia đình, các nhà
tâm lý học quyết định tung lưới lên các đôi vợ chồng, lôi họ vào phòng thí
nghiệm để quan sát và xác định xem thành phần của mối quan hệ lành mạnh, lâu
bền là gì. Có phải mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo cách riêng của họ
như Tolstoy từng tuyên bố, hay những cuộc hôn nhân đau khổ đều có chung một yếu
tố độc hại nào đó?
Nhà tâm lý học John Gottman trong bốn thập kỷ
qua, ông đã nghiên cứu hàng ngàn cặp vợ chồng trong công cuộc tìm kiếm cái gì
khiến các mối quan hệ thành công. Gottman và vợ ông Julie, hai chuyên gia nổi
tiếng về hôn nhân này cùng nhau quản lý Học viện Gottman, nơi họ giúp các đôi
vợ chồng xây dựng và duy trì mối quan hệ lành mạnh và yêu thương dựa trên cơ sở
nghiên cứu khoa học.
John Gottman bắt đầu thu thập những phát hiện
quan trọng nhất của ông vào năm 1986 khi ông thành lập “Phòng Thí nghiệm Tình
yêu” với đồng nghiệp Robert Levenson tại trường Đại học Washington. Gottman và
Levenson đưa các cặp mới cưới vào phòng thí nghiệm và quan sát họ tương tác với
nhau. Từ dữ liệu thu thập được, Gottman chia các cặp vợ chồng thành hai nhóm
chính: nhóm bậc thầy và nhóm sa lầy. Nhóm bậc thầy vẫn
sống hạnh phúc với nhau sau sáu năm. Nhóm sa lầy hoặc đã chia tay, hoặc thường
xuyên không hạnh phúc trong hôn nhân của họ.
Khi những nhà nghiên cứu thấy sự khác biệt rõ
ràng giữa nhóm bậc thầy và nhóm sa lầy. Nhóm sa lầy trông có vẻ bình tĩnh trong
cuộc phỏng vấn, nhưng các thông số sinh lý của họ, đo bởi những điện cực, kể
một câu chuyện khác hẳn. Nhịp tim của họ nhanh, các tuyến mồ hôi hoạt động và
lưu lượng máu chảy nhanh. Theo dõi hàng ngàn cặp vợ chồng theo thời gian,
Gottman thấy rằng các thông số sinh lý của những cặp vợ chồng càng cao trong
phòng thí nghiệm bao nhiêu thì mối quan hệ của họ xấu đi nhanh bấy nhiêu theo
thời gian.
Nhưng các thông số sinh lý ấy thì có liên quan
gì?
Nhóm sa lầy khi nói về những khía cạnh dễ chịu
hay rất thông thường trong mối quan hệ, họ cũng vẫn chuẩn bị tấn công hay bị
tấn công. Điều đó khiến nhịp tim của họ tăng cao và họ trở nên hung hăng hơn
đối với nhau. Ví dụ, một cặp vợ chồng có thể nói về những chuyện xảy ra ngày
hôm ấy với họ và anh chồng đang bị kích động có thể nói với vợ: “Sao em không
nói về chuyện của mình đi? Thế có phải tốt hơn không?”
Ngược lại, nhóm bậc thầy bộc lộ sự kích thích
thấp. Họ cảm thấy bình tĩnh và kết nối với nhau, và điều đó dẫn đến những hành
vi ấm áp và yêu thương, ngay cả khi họ cãi lộn. Ở đây không phải là nhóm bậc
thầy có cấu trúc sinh lý tốt hơn nhóm sa lầy, nó là họ đã tạo được bầu không khí
tin cậy và gần gũi khiến cả hai cảm thấy thoải mái về mặt tình cảm, và điều đó
thể hiện ra ngoài về mặt thể chất.
Gottman muốn biết làm thế nào nhóm bậc thầy tạo
ra nền tảng của tình yêu và sự gần gũi đó, còn nhóm sa lầy thì phá hỏng nó.
Trong một nghiên cứu tiếp theo vào năm 1990, ông thiết kế phòng thí nghiệm ở
trường Đại học Washington giống như một nhà nghỉ đẹp. Ông mời 130 đôi mới cưới
nghỉ một ngày ở đó và quan sát họ làm những thứ các cặp vợ chồng thường làm
trong kỳ nghỉ: nấu ăn, dọn dẹp, nghe nhạc, ăn uống, trò chuyện, đi chơi. Và
Gottman đạt được một khám phá quan trọng trong nghiên cứu này – khám phá đi vào
tận gốc vấn đề tại sao một số mối quan hệ phát triển trong khi những mối quan
hệ khác lụi tàn.
Trong sinh hoạt hàng ngày, một trong hai người
sẽ phát tín hiệu yêu cầu kết nối, cái mà Gottman gọi là “đánh tiếng”. Ví dụ, có
thể anh chồng là người đam mê chim và anh nhận thấy một con chim kim oanh bay
qua sân. Anh ta có thể nói với vợ: “Xem con chim ngoài kia đẹp không kìa!” Anh
ta không chỉ nhận xét về con chim ở đây; anh ta đang yêu cầu một phản ứng từ
người vợ – một dấu hiệu của sự quan tâm hay hỗ trợ – hy vọng rằng hai người sẽ
kết nối, dù chỉ là ngắn ngủi, về chuyện con chim.
Người vợ bây giờ có một lựa chọn. Cô có thể
phản ứng bằng cách “quay lại” hoặc “quay đi” khỏi anh chồng, như cách Gottman
nói. Mặc dù sự đánh tiếng về con chim có vẻ nhỏ nhặt và ngớ ngẩn, nó thực ra có
thể tiết lộ rất nhiều về tình trạng sức khỏe của mối quan hệ. Người chồng nghĩ
rằng con chim đủ quan trọng để đưa vào câu chuyện và vấn đề ở đây là liệu người
vợ có nhận ra và tôn trọng điều đó không.
Những người quay lại với bạn đời của họ trong
nghiên cứu này đáp ứng bằng cách tham gia cùng người đánh tiếng, biểu lộ sự
quan tâm và ủng hộ. Những người không làm vậy – những người quay đi – không
phản ứng hay chỉ phản ứng lấy lệ và tiếp tục những gì họ đang làm, như là xem
TV hay đọc báo. Đôi khi họ còn đáp lại với thái độ thù địch công khai, như là
nói, “Đừng có làm phiền tôi. Tôi đang đọc báo.”
Tương tác đánh tiếng này có ảnh hưởng sâu sắc
đến hạnh phúc hôn nhân. Các cặp vợ chồng ly dị trước lần nghiên cứu tiếp sáu
năm sau chỉ “quay lại” đối với những lần đánh tiếng với tỷ lệ 33%. Chỉ có 3
trong số 10 lần yêu cầu kết nối về tình cảm được đáp lại với sự gần gũi. Những
cặp vợ chồng vẫn sống với nhau sau sáu năm “quay lại” đối với những lần đánh
tiếng với tỷ lệ 87%. Chín trong số mười lần, họ đáp ứng nhu cầu tình cảm của
người bạn đời.
* * * * * *
Có một thói quen của nhóm bậc thầy, “đó là: họ
luôn quan sát, tìm kiếm trong môi trường xã hội những thứ mà họ có thể biểu lộ
sự cảm kích và nói lời cảm ơn. Họ xây dựng nền tảng của sự tôn trọng và cảm
kích này một cách rất có ý thức. Nhóm sa lầy quan sát, tìm kiếm trong môi
trường xã hội những sai lầm của người bạn đời.”
“Nó không chỉ là quan sát môi trường,” Julie
Gottman xen vào. “Nó là quan sát người bạn đời để tìm kiếm những gì anh ta làm
được hay quan sát để tìm kiếm những gì anh ta làm sai, để chỉ trích hay biểu lộ
sự tôn trọng và cảm kích.”
Các nhà nghiên cứu thấy rằng sự coi thường là
yếu tố hàng đầu phá vỡ các đôi vợ chồng.
Sự tử tế là chất keo gắn các đôi với nhau.
Những nghiên cứu khác độc lập với nhà Gottman cũng cho thấy sự tử tế (cùng sự
ổn định về tình cảm) là yếu tố dự báo quan trọng nhất cho sự hài lòng và ổn
định trong hôn nhân. Sự tử tế khiến mỗi người trong cặp vợ chồng cảm thấy được
quan tâm, được hiểu và được cảm thấy mình quan trọng – tóm lại là được yêu.
“Tình cảm của em vô biên như biển cả,” Juliet của Shakespeare đã nói như vậy.
“Tình yêu của em cũng sâu thẳm như vậy. Em càng cho anh bao nhiêu thì em càng
có nhiều bấy nhiêu, bởi vì cả hai đều là vô hạn.” Câu đó cũng áp dụng với sự tử
tế. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy một người càng nhận được hay chứng kiến sự
biểu hiện của lòng tốt bao nhiêu thì bản thân người đó cũng trở nên tốt bụng
bấy nhiêu, và điều đó tạo ra một vòng xoáy đi lên của tình yêu và sự hào hiệp
trong mối quan hệ.
Có hai cách để nghĩ về sự tử tế. Bạn có thể
nghĩ về nó như một đặc điểm cố định: hoặc là bạn có nó, hoặc bạn không. Hay là
bạn có thể nghĩ về sự tử tế như một cơ bắp. Ở một số người, cơ bắp ấy khỏe hơn
ở những người khác một cách tự nhiên, nhưng nó có thể phát triển tốt hơn ở tất
cả mọi người bằng cách tập luyện. Nhóm bậc thầy có xu hướng nghĩ về sự tử tế
như một cơ bắp. Họ biết rằng họ phải rèn luyện để giữ nó được khỏe mạnh. Nói
một cách khác, họ biết rằng mối quan hệ tốt đòi hỏi sự cố gắng thường xuyên và
dài hạn.
“Sự tử
tế không có nghĩa là chúng ta không thể hiện sự tức giận,” Julie Gottman giải
thích, “nhưng sự tử tế hướng dẫn chúng ta thể hiện sự tức giận ấy thế nào. bạn
có thể giải thích tại sao bạn đang bị tổn thương và giận dữ, và đó là cách của
sự tử tế.”
John Gottman giải thích thêm: “Nhóm sa lầy sẽ
nói một cách khác trong cuộc cãi lộn. Họ sẽ nói, “Anh lại muộn rồi. Anh bị làm
sao thế? Anh giống hệt như mẹ anh vậy.” Nhóm bậc thầy sẽ nói, “Em không muốn
phải nói nhiều về việc anh lại muộn, và em biết đó không phải lỗi của anh,
nhưng nó thực sự làm em rất bực mình.”
Theo Emily Esfahani Smith.