Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Tình thương của người mẹ làm nên những điều kỳ diệu



Chính tình thương của mẹ mà cậu bé khiếm thị ngày nào, hiện đã trở thành Phó Thống đốc khiếm thị đầu tiên của bang Washington, Mỹ.

Ở thị trấn Fox, bang Washington của Mỹ có một bé trai bất hạnh tên Cyrus Habib. Cậu bé bị một khối u ác tính trong đầu. Phẫu thuật thành công, họ đã cắt bỏ được khối u nhưng bé trai này lại phải trả một cái giá quá đắt, từ đó cậu không còn nhìn thấy gì nữa.

Cậu bé 8 tuổi khóc nói với mẹ: "Mẹ ơi, con còn nhìn thấy được không ạ? Con muốn đi học. Con muốn đá bóng cùng các bạn."
Người mẹ xoa đầu con trai nói: "Con à, nhất định con sẽ nhìn thấy được. Chỉ cần con luôn cố gắng sẽ có ngày con khiến thượng đế cảm động. Đến lúc đó, con muốn làm gì cũng được."

Cyrus được mẹ đưa đến trường học dành cho trẻ khiếm thị. Cậu là học sinh siêng năng nhất lớp. Thầy giáo nói với mẹ cậu: "Con trai chị thật sự rất thông minh.Cháu là học sinh nắm chữ nổi nhanh nhất mà tôi từng gặp. Ham muốn học hỏi của cháu rất mạnh mẽ. Cháu rất siêng năng và đặc biệt có duyên."


Người mẹ mỉm cười hạnh phúc.

Một hôm, cậu bé vui mừng nói với mẹ, cậu đã tham gia vào giải đấu bóng đá do nhà trường tổ chức. Các cầu thủ khác cũng không nhìn thấy gì như cậu mà dựa vào thính giác, họ biết trái bóng đang ở đâu, nên đá về hướng nào.

Mẹ Cyrus khen con thật là giỏi, cậu cười, đầy hy vọng nói: "Mẹ ơi, có phải con sắp khiến thượng đế cảm động rồi không? Con sắp nhìn được rồi, đúng không ạ?"
Người mẹ xoa đầu con trai nói: "Phải, con trai, chỉ cần con kiên trì cố gắng nhất định sẽ khiến thượng đế cảm động."

Biểu hiện của cậu bé mù ở trường càng ngày càng xuất sắc. Thầy cô và bạn học đều rất yêu quý cậu.
Lên trung học, Cyrus định sẽ thi vào khoa nhạc với hy vọng có thể trở thành một thầy giáo dạy nhạc. Bố mẹ cậu đều hết sức ủng hộ con trai.
Một hôm, mẹ Cyrus nói với bố cậu, đồng nghiệp của bà phải ra tòa vì vấn đề nhà cửa, do nhà nghèo nên cô ấy không thuê nổi luật sư, không biết phải làm thế nào.
Từ hôm đó, Cyrus quyết định sẽ thi vào khoa luật, cậu muốn trở thành luật sư biện hộ cho người nghèo trước tòa.

Người mẹ khuyên rằng có lẽ âm nhạc thích hợp với con trai hơn. Cậu con của bà trịnh trọng nói: "Mẹ, xin mẹ hãy tin hưởng sự lựa chọn của con. Nghề luật sư chắc chắn cũng sẽ thích hợp với con."


Luật sư của người nghèo

Năm 25 tuổi, Cyrus nhận được chứng chỉ hành nghề luật sư, muốn tìm việc ở công ty luật nhưng mấy công ty liền đều từ chối vì anh là người mù.
Sau đó, anh lên mạng đăng tin làm luật sư miễn phí cho người nghèo. Lúc đầu, mọi người nghi ngờ năng lực của anh. Tuy không mất tiền nhưng cũng không dám mời.
Không muốn ngồi đợi không ở nhà, anh quyết định ra ngoài tìm cơ hội.

Anh luật sư khiếm thị đi theo chú chó dẫn đường đến bến tàu điện ngầm. Khi đợi tàu, anh nghe thấy một phụ nữ đang nói chuyện điện thoại, rằng mình đang gặp chút rắc rối, muốn thuê luật sư rẻ một chút, nhờ đối phương giới thiệu giúp.
Đợi bà ta cúp máy, Cyrus chủ động bắt chuyện, tự giới thiệu mình là luật sư. 
Người phụ nữ này nhờ anh tư vấn cho vài kiến thức về phương diện pháp luật. Câu trả lời của luật sư trẻ này đã khiến bà rất hài lòng và đã mời anh làm luật sư cho mình.

Ở tòa án, biểu hiện của Cyrus đã khiến tất cả mọi người phải trầm trồ thán phục. Lần đầu làm luật sư biện hộ, anh đã được mọi người công nhận. Điều này khiến anh càng có lòng tin hơn.
Có người đã đăng clip biện hộ trên tòa lên mạng và luật sư khiếm thị này nhanh chóng nổi tiếng. Khách hàng mời anh làm luật sư ngày càng nhiều. 
Tôn chỉ của anh vẫn là ưu tiên và miễn phí cho người nghèo, thứ đến mới chọn người sẽ phải trả tiền. Nhờ sự nổi tiếng của mình, anh đã mở được một văn phòng luật sư riêng.

Có phóng viên hâm mộ danh tiếng đến phỏng vấn có hỏi: "Anh làm luật sư chủ yếu là để giúp đỡ những người nghèo khó. Xin hỏi anh làn vậy là vì điều gì?"
Anh luật sư trẻ mỉm cười: "Hồi tôi còn nhỏ, sau khi bị mù, mẹ nói với tôi, chỉ cần khiến thượng đế cảm động, tôi có thể thấy lại ánh sáng. Tôi chỉ muốn khiến thượng đế cảm động."

Cyrus Habib (sinh ngày 22 tháng 8 năm 1981) là một chính trị gia, luật sư và nhà giáo dục người Mỹ, là Phó Thống đốc thứ 16 và hiện tại của Washington.
Tháng 11 năm 2016, Cyrus Habib được bầu làm Phó Thống đốc bang Washington của Mỹ năm 35 tuổi. Ông cũng là Phó Thống thốc khiếm thị đầu tiên trong lịch sử của bang này.

Cuối cùng ông đã khiến thượng đế cảm động. Tuy đôi mắt của mình vẫn không nhìn thấy được nhưng ông đã mang ánh sáng đến cho những người cần nó. Đối với ông mà nói, thực ra đây chính là ánh sáng.

Theo TTT

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Phát triển EQ là cách thay đổi bản thân để thành công


Tỷ phú Warren Buffett đánh giá EQ là yếu tố tác động mạnh đến thành công. "Thành công trong đầu tư không liên quan gì tới chỉ số IQ. Nếu bạn chỉ thông minh ở mức trung bình, điều bạn cần là khí chất".

Đầu tư phát triển EQ còn quan trọng hơn cả IQ, đó là loại trí thông minh giúp bạn tồn tại tốt nhất trong xã hội.

Dù bạn ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì, trí tuệ cũng đều rất cần thiết. Những người có thông minh EQ thường có công việc tốt hơn. Trong quá khứ, chỉ số IQ được xem là yếu tố để lựa chọn ứng viên cho những lớp năng khiếu hay ứng viên tài năng trong các tập đoàn. Nhưng ngày nay, chỉ số trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng hơn và có thể cho thấy tiềm năng của một người.

Nói một cách đơn giản, bạn cho rằng thông minh theo kiểu sách vở hay thông minh trong ứng xử cuộc sống tốt hơn? Kiểu thông minh nào thực sự giúp bạn tồn tại tốt trong xã hội ngày nay. Ngày càng nhiều nghề nghiệp đánh giá cao trí tuệ cảm xúc hơn kỹ thuật và sự thông minh bởi đó là thứ để phân biệt giữa người có thể giải quyết công việc tốt và những người không có kỹ năng.

Vậy, nếu trí tuệ cảm xúc quan trọng đến vậy, bạn có muốn biết mình đang ở vị trí nào? Trong thực tế, không như IQ, trí tuệ cảm xúc EQ có thể được rèn luyện và cải thiện qua thời gian. Trí thông minh cảm xúc là khả năng nhận biết, hiểu và kiểm soát cảm xúc của bản thân và người khác.

Bài kiểm tra trí tuệ cảm xúc được công nhận đầu tiên trên thế giới được xây dựng dựa trên mô hình năng lực cảm xúc của Daniel Goleman. Ông phân chia EQ thành 4 loại: Tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội và quản lý quan hệ.

Trong một nghiên cứu năm 1998, Goleman chỉ ra rằng, trí tuệ cảm xúc là yếu tố xác định 80% - 90% sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo xuất sắc với một nhà lãnh đạo trung bình. Các hành vi được xác định bao gồm:

1. Khả năng nhận biết, hiểu tâm trạng, cảm xúc và điều hướng tác động của bản thân đối với người khác.
2. Khả năng kiểm soát hoặc chuyển hướng xung đột, tâm trạng và suy nghĩ trước khi hành động.
3. Niềm đam mê làm việc với những mục tiêu vượt qua cả chuyện tiền bạc, theo đuổi những mục tiêu lớn với năng lượng và sự nhiệt huyết.
4. Khả năng hiểu được sự che giấu cảm xúc của người khác và kỹ năng đối xử với mọi người theo phản ứng, cảm xúc của họ, thành thạo trong việc quản lý các mối quan hệ, xây dựng mạng lưới quan hệ và khả năng tìm thấy các điểm chung và tạo dựng mối quan hệ với những người mới gặp.

Thông thường, chỉ số IQ của bạn có tính di truyền và được cải thiện một chút trong thời thơ ấu. Vì hầu hết mọi người đều có chỉ số IQ tương đương nhau, nên chỉ số IQ cao cũng cho bạn không nhiều lợi thế cạnh tranh trong công việc.
Mặt khác, chỉ số EQ có thể được cải thiện ở mọi lứa tuổi. Nâng cao năng lực EQ của bạn không phải điều dễ làm, nó cần sự kiên trì trong quá trình đánh giá, cam kết, cải thiện từng hành vi trong suốt quá trình dài. Năng lực EQ cũng không nâng lên theo độ tuổi của bạn. Một số người có thể học được nhiều điều từ cuộc sống của họ, nhưng một số thì không.

Theo tỷ phú Warren Buffett, EQ là yếu tố tác động mạnh đến thành công. Nhà đầu tư có chỉ số IQ được cho là 160 từng chia sẻ: "Thành công trong đầu tư không liên quan gì tới chỉ số IQ, ngay cả khi IQ của bạn ở mức trên 125. Nếu bạn chỉ thông minh ở mức trung bình, điều bạn cần là khí chất".

Càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ. Với IQ cao, bạn có thể được tuyển dụng, nhưng để thăng tiến, phát triển, chỉ số EQ quan trọng hơn nhiều. Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất.

Warren Buffett được công nhận là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, ông còn được nhiều người tôn sùng vì sự khôn ngoan, minh triết. Bằng cách nào mà nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha có được kiến thức giúp ông gặt hái được những thành tựu phi thường đến vậy?

Cách đây hơn 40 năm, Buffett viết, Tom Murphy đã dạy ông một bài học không thể thiếu được về tầm quan trọng của việc nhận ra và kiểm soát cảm xúc của bản thân. "Murphy nói: Warren, anh luôn luôn có thể tức giận và nguyền rủa ai đó, nhưng hãy dành điều đó vào ngày mai. Đó là lời khuyên tốt nhất tôi từng nhận được", Warren Buffett nhớ lại.

"Một cách khá dễ dàng để thực hiện điều này là hãy quên đi sự tức giận trong 1 ngày. Nếu sau 1 ngày bạn vẫn cảm thấy như thế, hãy thể hiện sự tức giận của bạn với đối phương. Tuy nhiên, "đừng căng buồm trong lúc bão tố", Buffett nói.

Sự tức giận có thể khiến bạn mất bình tĩnh, đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, thậm chí làm tổn hại đến danh tiếng, công việc của bạn về sau. Học cách kiểm soát cảm xúc, xử lý các tình huống một cách duyên dáng không dễ dàng, nhưng rất đáng để thực hành.

Tất cả là nhờ trí tuệ cảm xúc

Lời khuyên của Murphy có mối liên hệ sâu sắc với khái niệm trí tuệ cảm xúc. Một người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao sở hữu cả kỹ năng tự nhận thức và nhận thức xã hội. Cả hai đều rất cần thiết để phát triển và duy trì các mối quan hệ tốt, giao tiếp rõ rằng, quản lý xung đột và đạt được thành công.

Buffett là một nhà đầu tư tuyệt vời bởi ông không chỉ nhận thức được cảm xúc của bản thân mà còn có khả năng nắm bắt được tín hiệu cảm xúc của người khác. Ông biết rằng, cảm xúc chính là kẻ điều khiển cuộc chơi. Ông áp dụng cái nhìn sâu sắc của mình để đánh giá cảm nhận của mọi người xung quanh trước khi đưa ra quyết định đầu tư khôn ngoan.


Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Tạo ra một tình thế hỗn loạn để đánh bại đối thủ



Nghệ thuật đánh bại đối thủ trong kinh doanh và cả chính trị bằng cách tạo ra một tình thế hỗn loạn.

Trong bối cảnh cạnh tranh, bạn chiến thắng bằng cách đánh bại đối thủ. Đôi khi đối thủ chỉ có vai trò như một điểm ngưỡng để bạn vượt qua.

Một vận động viên chạy nước rút 100m có thể hoàn toàn quên đi đối thủ và lao tới đích. Nhưng trong nhiều tình thế cạnh tranh khác như kì thủ cờ vua, võ sĩ đấm bốc, chỉ huy quân sự, giám đốc doanh nghiệp hay chính trị gia thì bạn không thể bỏ qua đối thủ được. Chỉ còn một cách để giành được chiến thắng là tạo điều kiện cho đối thủ thất bại mà thôi.

Hãy tạo ra một tình thế hỗn loạn và chiến thắng bằng cách định hướng trong sự hỗn loạn tốt hơn bất kì ai trên chiến trường! Cũng cần nhớ rằng, các cơ hội thường chỉ xuất hiện thoáng qua và sự hỗn loạn được tạo ra khi hai bên cố nắm lấy chúng – đó là cái giá đáng để mạo hiểm – đặc biệt là khi sự hỗn loạn sẽ đem lại lợi thế cho bên thích nghi tốt hơn! Điều này không chỉ phát huy tác dụng trên chiến trường mà nó đặc biệt hữu ích trong cả kinh doanh và chính trị nữa!

Để làm được, hãy nhớ tới thuật ngữ OODA: Observe (Quan sát) – Orient (Định hướng) – Decide (Quyết định) – Act (Hành động). Nói bằng ngôn ngữ thông thường thì nó có nghĩa là: Hiểu chuyện gì đang xảy ra, sau đó phản ứng lại. Nếu bạn có thể đưa ra quyết định nhanh, như thế là tốt. Nếu bạn nắm rõ những gì đang xảy ra, như thế cũng tốt.

Nhưng quan trọng hơn, nếu bạn có thể khiến đối phương mất phương hướng, buộc phải dừng lại để xem chuyện gì đang xảy ra, bạn đã nắm chắc được lợi thế trong tay. Và nếu bạn luôn làm được điều này, đối phương của bạn sẽ bối rối đến mức gần như tê liệt. Như vậy, bạn không chỉ nắm được lợi thế mà thực chất, số phận đối phương đã nằm trong tay bạn. Donald Trump đã đắc cử vị trí tổng thống của Đảng cộng hoà chính bằng cách này!

Trích sách “Messy - Sáng Tạo Từ Sự Lộn Xộn”