Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Nổi sóng Thanh xuân


“Thanh xuân” có vẻ là một từ khóa rất phổ biến gần đây. Nó xuất hiện trong các tựa sách bán chạy, trong những bài hát thịnh hành, tên phim truyền hình, các trang báo, và những dòng trạng thái trên mạng xã hội. Dường như lúc này trong đời sống văn hóa cộng đồng đang xuất hiện một thứ tín ngưỡng - tín ngưỡng tôn thờ tuổi thanh xuân

Từ “thanh xuân” luôn đi liền với ý niệm: tuổi trẻ là một cái gì rất đẹp và quý giá mà ai cũng chỉ sở hữu một thời gian ngắn trong đời, vậy nên hãy sống vội lên như tinh thần yolo, tinh thần carpe diem để không hối tiếc về sau.

Điều này có thể lí giải đơn giản như sự lan tỏa nhanh chóng của một niềm tin có giá trị thương mại trong một nền kinh tế hội nhập. Việc lan tỏa của tư tưởng “hãy sống vội đi, hãy làm nhiều hơn và tiêu dùng nhiều hơn” làm lợi cho các ngành giải trí, thời trang và làm đẹp. Trong bài Eternal Youth is an ugly obsession trên trang The Guardian, tác giả Rebecca Seal chỉ ra vấn đề này ở Mỹ: “nhóm dân số đang già đi phải đứng trước lựa chọn hoặc là chấp nhận thực tế lão hóa, hoặc cố gắng níu kéo nhan sắc tuổi xuân bằng mỹ phẩm và phẩu thuật thẩm mỹ”.

Trong một xã hội tôn thờ tuổi xuân, tuổi già sẽ trở nên xấu xí và đáng buồn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Người trẻ thì luôn bận lòng với một nỗi ám ảnh thiếu thực tế là mỗi ngày trôi qua đều là một sự phí phạm thời gian. Phụ nữ bước sang tuổi trung niên thì lo “ế” và xấu đi. Còn người già nghĩ về mình như một gánh nặng xã hội. Ở bình diện chung, khoảng cách thế hệ có thể gia tăng. Và ở mức cực đoan nhất, có thể gây ra phân biệt đối xử tuổi tác (age discrimination). Thanh xuân lúc này đã trở thành tín ngưỡng tôn thờ.

Nhiều tạp chí thường hay đề xuất các danh mục tuyên dương người trẻ thành đạt như “30 under 30”, “20 under 20”. Nhưng những cột mốc 20, 30 ấy thật sự chẳng có ý nghĩa tiêu chuẩn gì với cái gọi là thành công cả vì mỗi người đều có con đường đi khác nhau, xuất phát điểm khác nhau. Đó là chưa kể thành công cũng là một ý niệm không đồng nhất. Ngược lại, những vụ việc như cụ bà 97 tuổi vẫn dùng Internet ngon lành lại trở thành những chuyện hi hữu thuần túy giải trí. Trong khi lẽ ra nó cần được nhìn nhận theo hướng nghiêm túc là có quá ít người dùng Internet lớn tuổi và làm thế nào để nâng con số ấy lên.

Ở góc độ vĩ mô, lẽ ra nên có nhiều hơn những sân chơi không phân biệt tuổi tác, nếu có thể, để rút ngắn khoảng cách thế hệ. Ngoài ra, sẽ thật tuyệt vời nếu truyền thông đại chúng quan tâm nhiều hơn đến các nhóm tuổi khác, cũng như nhìn nhận việc già đi như một điều tất yếu và không xem nó như một sự đi xuống của năng lực tư duy và nhận thức.

Nhà thần kinh học Marsel Mesulam đề xuất khái niệm superagers để chỉ những người lớn tuổi mà năng lực về tư duy, trí nhớ và sự tập trung không thua kém gì giới trẻ. Và theo ông, cách để trở thành superagers là không ngừng luyện tập thể chất (chạy bộ, bơi lội...) cũng như trí tuệ (viết lách, giải sudoku...). Bản thân mỗi chúng ta có lẽ cũng nên cố gắng để trở thành superagers để không thấy tuổi già như một sự hư hao và là một điều cần trốn tránh.

ST
-------------
*YOLO là viết tắt của “You only live once” tạm dịch sang tiếng Việt  “Bạn chỉ sống một lần”
*Carpe diem – thành ngữ Latin có nghĩa  "Hãy sống với ngày hôm nay theo nghĩa bóng  "Hãy tận hưởng cái phút giây mà ta đang có".

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Khi người ta không có tiền, mới hiểu được những điều thâm sâu



Tiền bạc là vật ngoài thân, nhưng không có tiền, thì rất nhiều vấn đề sẽ không cách nào giải quyết được. Tiền có thể giúp chúng ta thu hoạch được rất nhiều thứ, nhưng không có tiền, lại khiến chúng ta hiểu được đạo lý thật thâm sâu…

1. Khi người ta không có tiền, mới hiểu được: Nghèo thì giữa chợ đông không ai thèm hỏi, giàu thì tại rừng sâu vẫn lắm kẻ thăm

2. Có tiền rồi, dù là người quen hay không quen, người thân hay không thân, bằng hữu xa gần đều tìm đến.

3. Lúc không có tiền, thì dù là người quen hay không quen, thân bằng quyến thuộc đối với bạn cũng đều giữ một khoảng cách. 

4. Có tiền, dù có thâm thù đại hận cũng có thể biến thành hư ảo, trong các mối quan hệ lợi ích, địch nhân cũng có thể trở thành bằng hữu.

5. Không có tiền, dù quan hệ tình sâu nghĩa nặng, cũng có thể tan thành mây khói, trong các mối quan hệ lợi ích, bằng hữu lập tức biến thành kẻ địch.

6. Con người sống, đừng nói đến tiền. Đề cập đến tiền ắt tổn thương tình cảm. Có tiền, cần phải hạ giọng; không tiền, nhớ phải nỗ lực, phong thủy luân chuyển, ba mươi năm nước sông Hoàng Hà lại đổi chiều một lần. Con người không thể suốt đời nghèo khó, cũng không thể mãi mãi giàu sang.

7. Đừng để người khác cứ luôn phải giúp đỡ mình, hãy cố gắng làm thật tốt, nỗ lực thật nhiều, để chính mình là người đi giúp kẻ khác. Nhớ kỹ một câu, bất kể là có tiền hay không, cần phải hiểu được cảm ân, càng không thể quên cuộc sống của chúng ta từ đâu mà có.

Theo Tuệ Tâm

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Xu hướng nghề nghiệp trong tương lai

Trí tuệ thông minh nhân tạo đang dần len lỏi vào tất cả ngành nghề, lĩnh vực trong cuộc sống

Sự gia tăng quá trình tự động hóa và mức độ phát triển chóng mặt của trí thông minh nhân tạo (AI)  chính là nguyên nhân hàng đầu đẩy người lao động đứng trước viễn cảnh thất nghiệp. Theo kết quả của một nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc.

Ngành kế toán, kiểm toán, nhiều thị trường việc làm khác, trong đó bao gồm cả khu vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng bởi robot. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính đến năm 2020, toàn thế giới sẽ mất đi 5 triệu việc làm vào tay robot, ngân hàng Citi thì dự báo, 35% việc làm ở Anh có nguy cơ bị thay thế bởi tiến trình tự động hóa, con số này tại Mỹ là 47% và trung bình trên toàn cầu là 57%. Ở Trung Quốc, nguy cơ máy móc thay thế việc làm của con người cao nhất, lên đến 77%.

Những nghề không thể thay thế bằng robot.


Trước thực tế nhiều việc làm bị mất vào tay robot, chọn học ngành nào để tương lai không bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo là nỗi niềm băn khoăn của không ít thí sinh.
Robot sẽ… trị robot, vì thế, theo các chuyên gia, nhóm ngành chế tạo ra robot như cơ điện tử sẽ trở nên “hot”.

Nhóm ngành công nghệ cũng sẽ dẫn đầu xu hướng như: CNTT, công nghệ vật liệu nano, năng lượng, logistics, kỹ thuật y sinh…Bên cạnh đó, dù giỏi giang, năng suất hơn con người trong những công việc chân tay, lặp đi lặp lại nhưng một điểm yếu của robot là thiếu cảm xúc và sự sáng tạo. Vì thế, nhóm ngành sáng tạo nghệ thuật, thiết kế… vẫn “sống khoẻ” trong thời đại 4.0. Nhóm ngành đòi hỏi năng lực thể chất cá nhân cũng trụ vững, như vận động viên chuyên nghiệp.

Lĩnh vực xã hội nhân văn cũng khó có thể thay thế bởi máy móc không thể thay con người đánh giá các hiện tượng xã hội học, hoặc tư vấn tâm lý, giải toả vấn đề khúc mắc cho con người… Vì thế, chăm sóc y tế, giáo dục, pháp luật vẫn ở thế thượng phong trên thị trường việc làm so với robot. Ở nhóm ngành kinh tế, robot cũng chỉ thay thế được một vài vị trí như bán hàng, vận chuyển… nhưng ở cấp quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược thì đòi hỏi phải có bộ óc và bàn tay con người điều tiết. 

Dù công nghệ có hiện đại đến mấy cũng chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong các lĩnh vực liên quan đến quản trị, sáng tạo, nghệ thuật, xã hội và nhân văn. Vì xã hội nào cũng tồn tại những vấn đề riêng mà trí tuệ nhân tạo không thể nhận diện và tìm ra phương án giải quyết tối ưu được. Năng lực sáng tạo, khả năng đánh giá hiện tượng xã hội và tìm ra giải pháp luôn có chỗ đứng riêng.

Rèn kỹ năng đổi mới, thích ứng đa ngành
Cũng theo các chuyên gia, vấn đề đáng quan tâm nhất đối với người lao động trong thời đại 4.0 không phải là ngành nào bị robot xóa bỏ mà là phải luôn sẵn sàng đổi mới sáng tạo, thích nghi để phù hợp với xu thế mới. Ví dụ ngày xưa, nghề rèn dao theo dòng phát triển thì nghề này bị mất đi và việc sản xuất được chuyển thành quy mô công nghiệp và ứng dụng nhiều công nghệ mới. Con người bị thay thế không phải vì ngành nghề đó hoàn toàn bị xoá bỏ mà do yêu cầu cao hơn, nếu chúng ta không đáp ứng được sẽ bị thay thế. Vì vậy, điều quan trọng là trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để không bị đào thải”.

Ngay cả những ngành robot khó cạnh tranh nhất cũng không có nghĩa là người lao động không bị nguy cơ mất việc. Trong xã hội mà internet có thể làm thay đổi mọi thứ, người lao động cần đòi hỏi phải luôn làm mới mình, làm chủ công nghệ, thạo ngoại ngữ. Bên cạnh đó, họ cần phải trang bị kiến thức đa ngành để dễ dàng chuyển dịch, thích nghi cao hơn với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Mariano Mamertino, chuyên gia kinh tế của EMEA lập danh sách 9 nghề nghiệp triển vọng trong tương lai, có ít khả năng bị thay thế bởi máy móc. Đó là: Đầu bếp, Tiếp thị, truyền thông và thiết kế. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe, Giáo dục, đào tạo, Chuyên gia an ninh mạng, Tuyển dụng nhân sự Giám sát chuyển phát hoặc quản lý chuỗi cung ứng. Nhà phân tích dữ liệu. Người làm việc ngắn hạn, đa dạng công việc.