Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Bài học cuộc đời rút ra từ những câu chuyện ngắn


1. Quý bà và người ăn mày
Một quý bà dắt cún cưng đi dạo.
Trên đường gặp một người ăn mày, bà ta nói: “Nếu anh gọi cún cưng của tôi là bố, tôi sẽ cho anh 100.000.”
Người ăn mày hỏi lại: “Nếu tôi gọi 10 lần thì sao?”
Bà này đáp: “Thì cho anh 1 triệu.”
Người ăn mày lập tức nhìn con chó gọi to mười lần “Bố ơi”.
Người đi đường thấy lạ xúm vào xem. Dưới sự chứng kiến của đám đông, quý bà đành phải đưa tiền cho anh này.
Lập tức, anh này tươi cười rối rít nói: “Cảm ơn mẹ, cảm ơn mẹ nhiều lắm.”
* Bài học rút ra: Cuộc đời là thế, bạn càng hiền lành lương thiện, người khác lại càng muốn lợi dụng bắt nạt bạn. Đối với những kẻ đó, hãy giữ thái độ bình thản, nhẹ nhàng phản kích.



2. Vị chủ tịch huyện
Một vị chủ tịch huyện bị cách chức, vì quá uất hận mà ngã bệnh, chỉ có thể nằm bẹp trên giường.
Bác sĩ khuyên: “Thử đọc thông báo khôi phục chức vụ cho ông ấy xem, biết đâu lại có tiến triển.”
Người vợ nghe thế thì nghĩ bụng: “Đã đọc thì đọc hẳn thông báo thăng chức lên chủ tịch tỉnh cho ông ấy sướng một thể.”
Ai dè người chồng nghe xong thì cười ha hả bật dậy, khoẻ mạnh như xưa.
Bác sĩ thở dài: “Sao lại không nghe lời tôi dặn, tự ý tăng liều thế này chưa chắc đã là hay.”
Quả nhiên, sau khi biết được sự thật người chồng đã phát điên.
* Bài học rút ra: Đừng sợ thất bại, hãy dũng cảm đối diện với nó, đừng để nó ngăn cản bước đi của bạn. Cuộc đời là một hành trình, ai cũng được nếm trải nhiều trải nghiệm khác nhau, thất bại cũng nằm trong đó.

3. Lựa chọn công việc
Có hôm tôi trêu con gái 4 tuổi của mình: “Nhà mình sắp nuôi một con lợn, cần phân chia công việc, một người sẽ cho nó ăn mỗi ngày, một người thì dọn phòng nó, một người thì tắm cho nó. Con chọn việc gì?”
Nó đáp ngay: “Con làm lợn.”
* Bài học rút ra: Sự lựa chọn mà bạn đưa ra cho người khác là thứ mà bạn muốn họ làm, nhưng đó không hẳn là thứ họ mong muốn. Thế nên đôi khi dù bạn đã cố hết sức, cứ nghĩ rằng điều bạn làm là tốt cho đối phương, nhưng họ lại từ chối lòng tốt của bạn.
4. Quán bar
Một người đàn ông vào quán bar, bắt chuyện với một cô gái: “Tôi có thể mời cô một cốc bia không?”
Cô này lập tức gào ầm lên: “Không, tôi không phải gái gọi, tôi không muốn ngủ với anh!”
Mọi người lập tức ném cho người đàn ông ánh nhìn khinh bỉ. Người đàn ông sượng sùng một lúc, sau đó cô gái nhẹ nhàng nói: “Anh cho em xin lỗi, em là sinh viên khoa tâm lý, nãy em chỉ muốn thử xem phản ứng khi bị xấu hổ của anh thôi.”
Người đàn ông nghe thế bèn hét lên: “500.000 một giờ? Mặt mũi thế này mà cũng dám hét giá cao thế? Cô đùa tôi à!”
* Bài học rút ra: Khi bị người thân thiết phũ phàng, chúng ta đều buồn, buồn hơn là chúng ta chỉ có thể vờ như không có gì xảy ra. Nhưng nếu người xa lạ sỉ nhục bạn, đừng ngại phản đòn. Có điều bạn cần nắm lấy thời cơ và chọn đúng phương pháp, đừng nên nóng nảy hỏng việc.

5. Xe hơi
Thấy thằng bạn thân đi BMW đến, chàng trai ngạc nhiên hỏi: “Lấy đâu ra thế?”
Thằng bạn thân trả lời: “Tối qua đi bar quen một em, em ấy lái xe lôi mình lên núi hóng gió, rồi em ấy cởi quần áo ra bảo mình có thể chiếm lấy bất cứ thứ gì mình muốn, nên mình lái xe của em ấy đi.”
Chàng trai gật gù đáp: “Cũng phải, quần áo của cô ấy sao cậu mặc vừa được.”
* Bài học rút ra: Chúng ta thường bị những thứ phù phiếm bên ngoài dụ dỗ, nhắm mắt lại, nắm bắt được thứ con tim mong muốn mới có thể thành công được. Còn về ý kiến của bạn bè, bạn có thể tham khảo, có thể không, nhưng từ đó có thể nhận ra ai mới thực sự là người bạn cùng chung chí hướng.

6. Chuyện mẹ và bé
Một em bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ rất đẹp!”
Bà mẹ hỏi: “Ơ, sao con lại khen mẹ như thế?”
Em bé trả lời: “Bởi vì hôm nay mẹ… không nổi giận!”.
* Bài học rút ra: Vẻ đẹp ngoại hình phụ thuộc vào tâm tính của chúng ta. Nếu một tâm tính nổi giận, tức tối sẽ làm cho khuôn mặt của bạn cũng ít thiện cảm đi. Vì thế người xưa mới khẳng định rằng: “Tâm sinh tướng”. Bởi vậy muốn để trở nên đẹp hơn thì bạn hãy rèn luyện tâm hồn của mình luôn thánh thiện nhé.

7. Hoa khôi lớp xấu xí
Các sinh viên nữ công khai bỏ phiếu bầu chọn hoa khôi của lớp, Tiểu Mai là người có dung mạo bình thường nhưng cô đã đứng ra nói mọi người rằng: “Nếu như tôi được chọn, qua vài năm sau, các chị em ngồi ở đây có thể tự hào mà nói với chồng của mình rằng, Hồi em học đại học, em còn xinh đẹp hơn cả hoa khôi trong lớp cơ đấy!”
Kết quả là cô ấy đã được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối.
* Bài học rút ra: Thuyết phục người khác ủng hộ bạn, không nhất định là phải chứng minh rằng bạn xuất sắc hơn người khác như thế nào, mà là cần để cho người ta biết được rằng nhờ có bạn mà họ mới trở nên ưu tú hơn và có nhiều thành tựu hơn.

8. Học vấn và tiền bạc
Hai bố con nhà nọ đang đi ngang qua cổng một khách sạn 5 sao, bỗng nhìn thấy một chiếc xe hơi thương hiệu nổi tiếng lái vào cổng. Cậu con trai nói với cha mình bằng giọng điệu khinh thường: “Người ngồi loại xe này, trong đầu chắc chắn là chẳng có học vấn gì!”.
Ông bố nói bằng giọng điệu nhẹ nhàng: “Người nói những lời này, trong túi chắc chắn là không có tiền!”.
* Bài học rút ra: Cách nhìn nhận về người và việc của bạn, có phản ánh thái độ chân thực những gì bạn đang nghĩ?

9. Đánh vỡ bát
Sau bữa ăn tối, mẹ và con gái cùng rửa bát, bố và con trai ngồi xem ti vi trong phòng khách. Đột nhiên, trong nhà bếp truyền đến tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng, sau đó là một khoảng lặng dài. Cậu con trai nhìn bố mình, nói: “Chắc chắn là mẹ đánh vỡ bố ạ!”.
Ông bố: “Ồ? Sao con biết?”.
Cậu con trai: “Bởi vì mẹ không lên tiếng mắng chửi gì hết ạ!”.
* Bài học rút ra: Chúng ta đã quen nhìn người nhìn mình bằng các tiêu chuẩn khác nhau, và chúng ta luôn “nghiêm khắc với người khác, khoan dung với bản thân mình”.

10. Lợn
Một hôm, anh A lái xe trên một con đường nhỏ, khi anh ta đang nhìn ngắm phong cảnh tươi đẹp, thì tài xế của chiếc xe chở hàng đi ngược chiều bỗng hạ cửa kính xuống lớn tiếng nói: “Lợn!”.
Anh A càng nghĩ càng điên tiết, quyết định hạ cửa kính xuống quay đầu mắng chửi: “Mày mới là lợn ấy!”. Vừa mắng chửi xong, anh A bèn đụng phải một đàn lợn đi ngang qua đường.
* Bài học rút ra: Đừng hiểu lầm ý tốt của người khác, nó chỉ khiến bạn chịu thiệt thòi hơn và làm nhục người ta thôi. Trước khi tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân, hãy học cách kìm nén cảm xúc, nhẫn nại quan sát, tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc.


11. Người làm bố
Cậu con trai nhỏ hỏi bố mình: “Bố ơi! Có phải người làm bố luôn hiểu rộng biết nhiều hơn con trai mình không ạ?”.
Ông bố trả lời: “Đương nhiên rồi con”.
Cậu con trai hỏi: “Bóng đèn là ai phát minh hả bố?”.
Ông bố: “Là Thomas Edison”.
Cậu con trai lại hỏi: “Vậy sao bố của Thomas Edison lại không phát minh ra bóng đèn hả bố?”.
* Bài học rút ra: Người thích “cậy già lên mặt”, dễ dàng gặp trắc trở. Quyền uy chỉ là cái vỏ rỗng không chịu nổi thử thách, đặc biệt là trong thời đại mở cửa như hiện nay.

12. Quyến rũ
Một người đàn ông nước Anh và một người phụ nữ nước Pháp ngồi cùng một toa tàu hỏa. Người phụ nữ muốn quyến rũ người đàn ông nước Anh này. Sau khi cô ta cởi bỏ đồ nằm xuống, bèn kêu mình lạnh. Người đàn ông kia nhường chăn của mình cho cô ta, cô ta vẫn không ngừng kêu lạnh.
“Tôi phải làm thế nào để giúp cô đây?”, người đàn ông hỏi.
“Khi tôi còn nhỏ, mẹ của tôi đều dùng cơ thể của bà để sưởi ấm cho tôi.”
“Cô à, điều này thì tôi không thể giúp được rồi. Tôi không thể nhảy xuống tàu hỏa đi tìm mẹ cô được, phải vậy không?”.
* Bài học rút ra: Người đàn ông giỏi đoán lòng người là người đàn ông tốt. Người đàn ông không giỏi đoán lòng người còn tốt hơn.


Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Nhà triết học Vương Dương Minh dạy con



Cổ nhân có câu: “Lấy Đạo Đức làm báu vật truyền gia thì gia tộc hưng thịnh trên 10 đời. Lấy việc học hành (đọc sách) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ hai, lấy kinh sách (Thi Thư) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ 3. Lấy giàu sang phú quý làm báu vật truyền gia thì không quá 3 đời”.

Vương Dương Minh (1472 -1528), còn gọi là Vương Thủ Nhân, là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc sống thường nhật, tất cả công phu tâm huyết của ông đều dồn hết cả vào việc học tập cũng như giáo dục con cháu đời sau.
Trong việc giáo dục con cái, Vương Dương Minh đặc biệt chú trọng 3 yếu tố sau:

1. làm người tốt quan trọng hơn bất cứ việc gì tốt

Khi Vương Dương Minh viết thư cho con mình, trong thư ông nói: “Phàm làm người, quan trọng chính là tâm địa”.

Làm người tốt còn quan trọng hơn bất cứ việc gì tốt, ví như một trái trên cành, lương tâm của con người cũng như cuống của trái cây, cuống mà hỏng thì quả cũng chẳng còn. Một người mà có được tâm hồn lương thiện, ắt sẽ có càng nhiều thiện duyên, càng có nhiều người yêu mến. Người có trái tim lương thiện sẽ không bao giờ đi làm tổn thương người khác, bởi vậy mà tự nhiên sẽ tránh hung triệu cát.

Sống thiện lương là một loại trí huệ, người thông minh chưa chắc đã là người thiện lương, nhưng người thiện lương ắt là người thông minh trí huệ nhất.

2. Chuyên cần đọc sách là ngưỡng cửa thấp nhất tiến lên con đường cao quí

Trong cuốn gia huấn của Vương Dương Minh, yêu cầu đầu tiên chính là chuyên cần đọc sách. Đọc sách chính là con đường căn bản tiếp thu tri thức của nhân loại, cả cuộc đời của Vương Dương Minh luôn chuyên cần đọc sách.
Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi ngày ông đều đọc sách đến đêm khuya, có những lần đọc sách đến độ khạc cả ra máu. Cha của ông lo lắng sức khỏe của ông có vấn đề nên hàng ngày đều phải gõ cửa tắt đèn yêu cầu ông đi nghỉ sớm. Đương nhiên, đọc sách cũng cần phải có quy chuẩn, không thể bất cứ việc gì cũng bị trói buộc vào trong sách, mà cũng cần có sự chắt lọc.

Trên thế gian sách có trăm ngàn triệu cuốn, nếu tất cả đều đọc thì có đọc cả đời cũng không hết. Cho nên tốt nhất là chắt lọc những sách kinh điển mà đọc, ngoài ra các sách khác tuy cũng có muôn sắc đủ màu nhưng trên thực tế cũng đều là bám theo nội dung, ý nghĩa của những sách kinh điển mà ra.

Một người có thể nuôi dưỡng cho mình thói quen đọc sách, cả đời cũng chính là đem trí huệ của nhân loại vận dụng cho mình.

Một đứa trẻ có thói quen đọc sách ắt sẽ có tri thức, có tầm nhìn, có nhân cách. Người có nhân cách ắt cũng sẽ có thiện lương. Mà một đứa trẻ có thể nuôi dưỡng tấm lòng thiện lương, vậy các bậc cha mẹ còn điều gì phải lo lắng?

3. Trí hành hợp nhất dũng cảm vào thực tiễn 

Cái mà được gọi là trí hành hợp nhất chính là nói giữa tri thức, lý tưởng và hành động phải kết hợp với nhau không thể tách rời, nói được làm được. Thiện lương không phải là tính từ mà là động từ. Khi chúng ta nói về một người thiện lương thì tất nhiên người đó phải là người làm việc thiện. Còn chỉ nói mà không làm thì đó là giả dối không thực, chỉ có hình thức mà không có thực tế.

Đi học cũng vậy. Nếu như không thể vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống thực tiễn thì cũng như bàn việc quân trên giấy. Trong cuộc sống thực tiễn, có rất nhiều sự việc chỉ khi nào chúng ta bắt tay vào hành động mới có thể biết được thực hư.

Ngay từ nhỏ chúng ta cần phải dạy cho trẻ có được năng lực vận động, tạo thành thói quen lao động thực tiễn mỗi ngày. Vương Dương Minh cả đời có được rất nhiều thành tựu, từ thơ ca, hội họa, thư pháp, binh pháp, giáo dục, tất cả đều tinh thông tường tận. Có được điều này chính là nhờ vào việc ông kết hợp được lý thuyết và thực hành trong thực tiễn.

Khi gặp vấn đề trong cuộc sống, trước tiên hãy để cho con cái tự học cách giải quyết vấn đề trước. Suy nghĩ chán chê rồi mới bắt tay vào làm, chi bằng bắt đầu tiến về phía trước bắt tay vào làm từng chút một, dũng cảm thử sai để nhận ra bài học.

Trong hành động từ từ điều chỉnh lại nhận thức của chính mình, tiếp đó dùng nhận thức mới để lại bắt đầu xuất phát, cải biến lại sách lược của bản thân.

Cơm phải ăn từng miếng, đường phải đi từng bước, nếu như dục tốc ắt sẽ bất đạt. Thành thục sẽ thành kỹ năng, kiên trì sẽ tăng sức mạnh, một đứa trẻ như vậy mới có thể có được một cuộc đời hoàn mỹ. Trí phải đi đôi với hành, đem trí tuệ hóa thân thành hành động, nếu không thì không phải là người chân trí.

Thông qua 3 yếu tố này, Vương Dương Minh đã để lại cho con cháu đời sau bao bài học quý giá. Các bậc cha mẹ hiện đại ngày nay, cũng có thể áp dụng và chắc chắn sẽ thu được thọ ích.

Theo soundofhope.org


Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

Cho con cá, cần câu, và dạy cả kỹ năng câu cá nữa vẫn là chưa đủ


Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công, nó bao gồm cả cơ hội đến với bạn, kỹ năng bạn có, và quan trọng nhất, chính là thái độ của chính bạn. Trên con đường dẫn tới thành công, cơ hội chỉ chiếm 10%, kỹ năng chiếm 20%, còn lại 70% là từ thái độ của chính bạn.

Có một câu chuyện được chia sẻ như là một bài học trong cuộc sống - chuyện kể rằng, ở một làng chài nọ có một thanh niên đi câu cá. Trên đường về, đang xách giỏ cá trên tay, anh gặp một người ăn xin sắp chết đói. Thương tình, anh bắt mấy con to nhất trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin. Người ăn xin đã nướng cá ăn và thoát được cơn đói.
Vui vẻ, tiếp tục chặng đường về, gặp anh bạn hàng xóm, anh vui miệng kể lại câu chuyện mình vừa làm. Anh bạn hàng xóm lắc đầu bảo rằng anh làm như vậy không chắc đã tốt. “Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để ông ta tự mình đi câu kiếm sống. Không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ” - anh hàng xóm nói.
Bán tín bán nghi, ngày hôm sau anh thanh niên rủ anh bạn hàng xóm cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, hai người gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. Anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm cho người ăn xin cần câu.
Cả hai trở về trong tâm trạng vui vẻ. Trên đường về hai người gặp một anh bạn khác cùng xóm. Cả hai hào hứng kể lại câu chuyện trên cho anh hàng xóm này nghe. Anh hàng xóm này lắc đầu nói: “Các cậu làm vậy chưa ổn. Cho cần câu rồi, nếu không chỉ cho ông ta cách câu thì ông ta câu thế nào được cá. Ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói”.
Ngày hôm sau cả ba người cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, ba người gặp lại người ăn xin đang nằm quắp chiếc cần câu đói lả bên vệ đường. Anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm sửa lại cần câu, anh bạn hàng xóm mới giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ mắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá…
Tiếp tục câu chuyện của 3 chàng trai tốt bụng, họ ra về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc từ nay người ăn xin sẽ không sợ đói nữa. Trên đường về, đang bàn luận rôm rả thì cả 3 gặp lão ngư ông trong làng. Nghe thấy cả 3 hào hứng nói chuyện, lão ngư đứng lại, hỏi chuyện 3 chàng trai một cách cặn kẽ.
Nghe xong, lão ngư ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nghi hoặc: “Các cậu đã làm đúng, thế nhưng lão nghĩ chưa đủ. Lão chỉ sợ thiếu một điều có lẽ còn quan trọng hơn. Các cậu cho người ăn xin công cụ, kỹ năng, phương pháp, tôi tin người ăn xin này vẫn đói!".
Thấy ba thanh niên ngơ ngác, lão ngư lên tiếng giải thích:
-Thứ nhất người ăn xin làm nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào máu của ông ta, và đó là thói quen của ông ta. Ông ta không có khái niệm tự đi kiếm miếng cơm manh áo, chỉ tâm niệm làm sao xin được miếng ăn mà thôi. Vì vậy trước tiên các cậu cần giúp ông ta định hình lại suy nghĩ.
-Thứ hai như các cậu đã biết, không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá. Đôi khi phải kiễn nhẫn câu cả tiếng, cả buổi…có khi cả ngày không được con nào. Do vậy các cậu cần chỉ ông ta biết về bài học kiên trì.
-Thứ ba có một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó chính là niềm tin. Lão đã từng hỏi chuyện ông già ăn xin ấy rằng: Sao lão còn sức lực dồi dào, sao không học một nghề gì đó để kiếm sống hoặc có thể đi câu cùng tôi?. Và ông ta đã trả lời là: "Tôi không theo ông được, tôi sinh ra đã mang phận ăn xin rồi, từ đời cha mẹ đã làm nghề này, số tôi khổ sẵn rồi, tôi không làm được cái gì nên hồn cả!”. Do vậy cái mà người ăn xin thiếu không phải là công cụ, kỹ năng hay phương pháp mà ông ta thiếu thái độ đúng đắn!
Cả ba nghi hoặc, chưa thực sự tin lời của lão ngư, nhưng để kiểm tra, ngày hôm sau nữa, ba thanh niên cùng rủ lão ngư đi câu. Không ngờ rằng, trên đường về nhà, cả bốn người gặp người ăn xin nọ vẫn đang ngồi bên vệ đường đói lả xin ăn.
Cả 3 chàng trai hy vọng lão ngư có thể dùng kinh nghiệm của mình dạy lại ông lão ăn xin. Tuy nhiên, lão ngư chần chừ: “Thái độ là phải đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của xung quanh, không thể ngày một ngày hai mà có được...".
* Nếu người khác cho bạn một cơ hội, hãy nắm lấy và định hướng nó thành sự nghiệp của mình. Đừng nghĩ rằng người ta cho bạn cá, thì nghĩa vụ tiếp theo sẽ là trao nốt cần câu cho bạn. Hay, khi bạn đã được nhận cần câu, hãy tự thân vận động tìm ra cách câu cá, để không phải chết đói bên chiếc cần câu và bên cạnh là biển cả.