Cổ nhân có câu: “Lấy
Đạo Đức làm báu vật truyền gia thì gia tộc hưng thịnh trên 10 đời. Lấy việc học
hành (đọc sách) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ hai, lấy kinh sách (Thi
Thư) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ 3. Lấy giàu sang phú quý làm báu vật
truyền gia thì không quá 3 đời”.
Vương Dương Minh (1472 -1528), còn gọi là Vương Thủ Nhân, là một trong những nhà triết học vĩ
đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc sống thường nhật, tất cả công phu
tâm huyết của ông đều dồn hết cả vào việc học tập cũng như giáo dục con cháu
đời sau.
Trong việc giáo dục
con cái, Vương Dương Minh đặc biệt chú trọng 3 yếu tố sau:
1. làm người tốt
quan trọng hơn bất cứ việc gì tốt
Khi Vương Dương Minh
viết thư cho con mình, trong thư ông nói: “Phàm làm người, quan trọng chính là
tâm địa”.
Làm người tốt còn
quan trọng hơn bất cứ việc gì tốt, ví như một trái trên cành, lương tâm của con
người cũng như cuống của trái cây, cuống mà hỏng thì quả cũng chẳng còn. Một
người mà có được tâm hồn lương thiện, ắt sẽ có càng nhiều thiện duyên, càng có
nhiều người yêu mến. Người có trái tim lương thiện sẽ không bao giờ đi làm tổn
thương người khác, bởi vậy mà tự nhiên sẽ tránh hung triệu cát.
Sống thiện lương là
một loại trí huệ, người thông minh chưa chắc đã là người thiện lương, nhưng
người thiện lương ắt là người thông minh trí huệ nhất.
2. Chuyên cần đọc
sách là ngưỡng cửa thấp nhất tiến lên con đường cao quí
Trong cuốn gia huấn
của Vương Dương Minh, yêu cầu đầu tiên chính là chuyên cần đọc sách. Đọc sách chính
là con đường căn bản tiếp thu tri thức của nhân loại, cả cuộc đời của Vương
Dương Minh luôn chuyên cần đọc sách.
Ngay từ khi còn nhỏ,
mỗi ngày ông đều đọc sách đến đêm khuya, có những lần đọc sách đến độ khạc cả
ra máu. Cha của ông lo lắng sức khỏe của ông có vấn đề nên hàng ngày đều phải
gõ cửa tắt đèn yêu cầu ông đi nghỉ sớm. Đương nhiên, đọc sách cũng cần phải có
quy chuẩn, không thể bất cứ việc gì cũng bị trói buộc vào trong sách, mà cũng
cần có sự chắt lọc.
Trên thế gian sách
có trăm ngàn triệu cuốn, nếu tất cả đều đọc thì có đọc cả đời cũng không hết.
Cho nên tốt nhất là chắt lọc những sách kinh điển mà đọc, ngoài ra các sách
khác tuy cũng có muôn sắc đủ màu nhưng trên thực tế cũng đều là bám theo nội
dung, ý nghĩa của những sách kinh điển mà ra.
Một người có thể
nuôi dưỡng cho mình thói quen đọc sách, cả đời cũng chính là đem trí huệ của
nhân loại vận dụng cho mình.
Một đứa trẻ có thói
quen đọc sách ắt sẽ có tri thức, có tầm nhìn, có nhân cách. Người có nhân cách
ắt cũng sẽ có thiện lương. Mà một đứa trẻ có thể nuôi dưỡng tấm lòng thiện
lương, vậy các bậc cha mẹ còn điều gì phải lo lắng?
3.
Trí hành hợp nhất dũng cảm vào thực tiễn
Cái mà được gọi là
trí hành hợp nhất chính là nói giữa tri thức, lý tưởng và hành động phải kết
hợp với nhau không thể tách rời, nói được làm được. Thiện lương không phải là
tính từ mà là động từ. Khi chúng ta nói về một người thiện lương thì tất nhiên
người đó phải là người làm việc thiện. Còn chỉ nói mà không làm thì đó là giả
dối không thực, chỉ có hình thức mà không có thực tế.
Đi học cũng vậy. Nếu
như không thể vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống thực tiễn thì cũng như
bàn việc quân trên giấy. Trong cuộc sống thực tiễn, có rất nhiều sự việc chỉ
khi nào chúng ta bắt tay vào hành động mới có thể biết được thực hư.
Ngay từ nhỏ chúng ta
cần phải dạy cho trẻ có được năng lực vận động, tạo thành thói quen lao động
thực tiễn mỗi ngày. Vương Dương Minh cả đời có được rất nhiều thành tựu, từ thơ
ca, hội họa, thư pháp, binh pháp, giáo dục, tất cả đều tinh thông tường tận. Có
được điều này chính là nhờ vào việc ông kết hợp được lý thuyết và thực hành
trong thực tiễn.
Khi gặp vấn đề trong
cuộc sống, trước tiên hãy để cho con cái tự học cách giải quyết vấn đề trước.
Suy nghĩ chán chê rồi mới bắt tay vào làm, chi bằng bắt đầu tiến về phía trước bắt
tay vào làm từng chút một, dũng cảm thử sai để nhận ra bài học.
Trong hành động từ
từ điều chỉnh lại nhận thức của chính mình, tiếp đó dùng nhận thức mới để lại
bắt đầu xuất phát, cải biến lại sách lược của bản thân.
Cơm phải ăn từng
miếng, đường phải đi từng bước, nếu như dục tốc ắt sẽ bất đạt. Thành thục sẽ
thành kỹ năng, kiên trì sẽ tăng sức mạnh, một đứa trẻ như vậy mới có thể có
được một cuộc đời hoàn mỹ. Trí phải đi đôi với hành, đem trí tuệ hóa thân thành
hành động, nếu không thì không phải là người chân trí.
Thông qua 3 yếu tố này, Vương Dương Minh đã để lại
cho con cháu đời sau bao bài học quý giá. Các bậc cha mẹ hiện đại ngày nay, cũng
có thể áp dụng và chắc chắn sẽ thu được thọ ích.
Theo soundofhope.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét