Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Bác sĩ Nhật 105 tuổi chia sẻ bí quyết sống thọ


Bí quyết sống đến 105 tuổi của bác sĩ Shigeaki Hinohara là ăn uống, đi thang bộ, không về hưu sớm và hãy luôn đứng thẳng người.
Bí quyết đầu tiên của ông là nên áp dụng chế độ ăn uống nhẹ và cân bằng. Đối với bữa sáng, một ly cà phê, một ly sữa, nước cam và một muỗng dầu ô liu (thành phần tốt cho động mạch) là đủ. Bữa trưa không nhất thiết phải ăn. Nếu bạn quá bận rộn làm việc, có thể bỏ qua bữa ăn trưa. Vào buổi tối, ông chuẩn bị đĩa thức ăn gồm một ít rau, một ít cá, cơm và ăn hai lần một tuần khoảng 100 g thịt nạc.
Tiếp theo, ông nói “bạn cần phải đảm bảo là hạn chế về hưu sớm“. Đối với bác sĩ Shigeaki Hinohara, không có lý do nào để ngừng làm việc miễn là bạn vẫn còn cơ hội đi làm vào buổi sáng. Đó cũng chính là bí quyết giúp bạn giữ dáng hiệu quả.
Khi bệnh, hãy ưu tiên trị liệu bằng âm nhạc và bằng thú cưng thay vì sử dụng các loại thuốc không theo chỉ định. Bác sĩ Shigeaki Hinohara nhận ra rằng một số can thiệp y tế có thể gây ra tác dụng phụ như những cơn đau. Trái lại, nhiều nghiên cứu đã chứng minh liệu pháp âm nhạc hoặc trị liệu bằng thú cưng có thể hiệu quả hơn phương pháp chăm sóc sức khỏe thông thường khác.
Nguyên tắc thứ tư là nên hạn chế sử dụng thang máy và di chuyển bằng cầu thang bộ. Bác sĩ chia sẻ: “Nên bỏ qua một phản xạ ngu ngốc là bước vào thang máy, hãy sử dụng cầu thang bộ để có thể giúp bạn duy trì sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ thêm vài năm nữa”. Thói quen của ông luôn ưu tiên cầu thang bộ để đi lên và cả đi xuống. Theo ông, nếu chúng ta có thể leo hai bước cùng một lúc thì càng tốt vì sẽ giúp phát triển cơ bắp.
Luôn sống vui vẻ và giải trí đều đặn là một cách hiệu quả khác để giảm đau hoặc xua đi nỗi buồn, sự căng thẳng tiềm ẩn. Bác sĩ nhắc nhở rằng “khi bạn thực sự không còn tập trung vào nỗi đau, nó sẽ biến mất”. Do đó, nghệ thuật, âm nhạc, vui chơi là sự thay thế thú vị cho những thứ uống gây nghiện khác.
“Ngoài ra muốn sống thọ, chúng ta nên học cách tổ chức“, bác sĩ Shigeaki Hinohara khuyên. Lập kế hoạch cho ngày, tuần hoặc thậm chí vài tháng tới, không chỉ giúp cuộc sống được sắp xếp tốt hơn còn tránh căng thẳng. Khi các cuộc hẹn quan trọng, lịch trình công việc được bám sát, không dồn dập sẽ giúp bạn giảm đi phần nào căng thẳng, áp lực. Việc sắp xếp thời gian biểu cũng giúp bạn có thể bố trí thời gian phù hợp để đi tập thể dục, tránh viện cớ không có thời gian rảnh.
Bí quyết cuối cùng của bác sĩ người Nhật là luôn đứng thẳng người. Trong 150 bài giảng mà ông dạy mỗi năm, trước mặt trẻ em cũng như người lớn, bác sĩ Shigeaki Hinohara luôn nhắc về vấn đề đứng thẳng người. Ông khuyên nếu bạn ngồi sau bàn làm việc, hãy nhớ di chuyển thường xuyên và luôn di chuyển với tư thế thẳng người.
(Theo Femmeactuelle)
 Bác sĩ Shigeaki Hinohara. Ảnh: Rapt-neo

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Chuyện học hành của con cái người Việt


Khi bàn về chuyện học hành của con cái, nhiều người Việt sẽ hướng mối quan tâm tới điểm số, thành tích. Liệu đó có phải mục tiêu của tất cả các nền giáo dục trên thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung – Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED :
Nếu ở Việt Nam coi điểm số, thành tích như là điều chính yếu của giáo dục thì Phần Lan lại tránh xa yếu tố này.
Giáo dục Phần Lan áp dụng 3 hình thức đánh giá cơ bản đó là đánh giá trong lớp học, đánh giá quá trình và đánh giá tổng thể. Khâu đánh giá học sinh là công việc của người giáo viên và giáo viên có toàn quyền trong việc này.
Nếu ở Việt Nam, đánh giá là hành động của giáo viên nhằm xếp loại học sinh qua việc học giỏi, học kém hay bao nhiêu điểm.
Phần Lan, ngoài việc nắm tình hình học tập của học sinh thì đánh giá còn là cơ sở để giáo viên biết được công việc giảng dạy của mình đã thực sự tốt, hiệu quả hay chưa. 
Nếu ở Việt Nam, cuối kỳ, cuối năm học các bậc phụ huynh sẽ biết con cái mình học thế nào, xếp loại gì thông qua buổi họp phụ huynh thì ở Phần Lan mọi thông tin đó sẽ được giáo viên lập thành một báo cáo gửi về từng gia đình và chắc chắn kết quả ấy chỉ giáo viên, phụ huynh và học sinh đó nắm được, chứ không công khai trước lớp.
Cũng bàn về vấn đề kiểm tra đánh giá học sinh trong trường học, qua nghiên cứu và quá trình thực tiễn tại Nhật Bản, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương giảng viên khoa lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, giáo viên ở Nhật không tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm (đạo đức) học sinh.
Bởi lẽ, đối với người Nhật, chuyện đánh giá đạo đức người khác là nhạy cảm và trong trường học, nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ thì chuyện giáo viên đánh giá đạo đức học sinh là điều khó có thể tưởng tượng.
Thay vào đó, giáo viên sẽ thường xuyên có những nhận xét và trao đổi với gia đình học sinh về sự trưởng thành tâm sinh lý và các hoạt động của học sinh trong trường học.
Nếu học sinh có những điểm bất thường cần chú ý, giáo viên sẽ gặp riêng học sinh hoặc phụ huynh để đưa ra chỉ đạo và lời khuyên.
Hơn nữa, ở Nhật Bản cũng không công bố công khai thành tích học tập của học sinh trước toàn bộ lớp và xếp thứ tự học sinh theo điểm số trung bình.
Thành tích học tập được coi là một dạng thông tin cá nhân và được tôn trọng.
Ngoài ra, giáo viên Nhật Bản đánh giá sự tiến bộ của học sinh không chỉ dựa vào điểm số thu được từ các bài kiểm tra, bài tập mà cần phải chú ý tới cả thái độ, mối quan tâm hứng thú và các kỹ năng của học sinh.
Nói không với điểm số và thứ hạng có thể sẽ là điểm khởi đầu cho một môi trường giáo dục Trung Thực, mà ở đó cả thầy lẫn trò được dạy thật, học thật và thi thật; để kết quả phản ánh thực chất, từ đó người học, người dạy có sự điều chỉnh cho phù hợp, tránh thành tích ảo.
Bởi tiêu cực dối trá ở một số ngành khác có thể chỉ gây hậu quả trước mắt nhưng dối trá hay tiêu cực trong ngành giáo dục thì không chỉ gây hậu quả lớn trong giai đoạn trước mắt mà còn là mầm mống nảy sinh những tiêu cực ở các lĩnh vực khác trong tương lai.
UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo nghiên cứu điều chỉnh nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục hiện nay…trong đó, đáng chú ý là đề nghị nên bỏ xếp hạng trong lớp, để tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh cũng như giảm áp lực thi đua cho giáo viên.
Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em còn lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.