HỌC CÁCH HỌC: Một bài học quan trọng bậc
nhất đang bị bỏ quên
Nếu bạn gặp một bài toán khó, dù cố gắng nhiều mà giải mãi không
xong, thì làm thế nào? Câu trả lời phổ biến nhất là cố gắng tìm ra chỗ sai
trong lập luận rồi đi tiếp hoặc “làm lại từ đầu”. Cả hai phương án theo kinh
nghiệm này không phù hợp với những lời khuyên của các chuyên gia về não bộ.
Theo họ, não bộ của chúng ta hoạt động theo hai cơ chế khác nhau:
tập trung (focused mode) và thư giãn (diffused mode). Khi ta tập trung cao độ
vào giải quyết một bài toán, não sẽ vào cuộc sử dụng cơ chế tập trung với số ít
các tế bào thần kinh tại một vùng tập trung của não bộ được huy động. Khi ta
rơi vào thế bí như tình huống đã dẫn, thì dù có cố gắng đến mấy, cũng chỉ có
vùng não tập trung được hoạt động. Có nghĩa là chúng ta có xu hướng lặp đi lặp
lại các cách giải quyết vấn đề, và khó lòng thoát ra khỏi bế tắc. Khi đó hành
động rà soát lại lời giải hay đi lại từng bước từ đầu không có ích gì mấy.
Albert Einstein từng nhận xét đại ý “bạn không thể giải bài toán
theo 1000 cách giống nhau rồi hy vọng có lời giải khác!”. Trong những lúc bí
bách như thế này, cách tốt nhất là tạm rời xa bài toán đấy, đi chơi, thư giãn
rồi hẵng quay lại với bài toán. Đây không phải là lời xúi bậy vô trách nhiệm.
Việc bạn tạm rời bài toán đó để đi bộ, hóng gió, hoặc ngồi thiền ít phút sẽ
giúp não bộ chuyển sang chế độ thư giãn, lúc này các vùng khác của não bộ được
kích hoạt. Nếu quay trở lại giải toán, bạn sẽ có khả năng tìm ra một con đường
khác, không bế tắc như lúc đầu.
Trên đây chỉ là một trong hàng tá ví dụ cho thấy những nghiên cứu
về não bộ có thể giúp cải thiện đáng kể cách thức chúng ta học tập và làm việc.
Tuy nhiên, bấy lâu nay chúng ta vẫn không mấy khi nghĩ về việc tìm hiểu các
kiến thức loại này để cải thiện cách học tập, vì chúng ta thường phó mặc cho
thói quen sai khiến trong các hoạt động của mình.
Có thể dẫn ra đây một thói quen tai hại khác vẫn chiếm chỗ trong
trường học của chúng ta: các bài giảng dài. Bạn có thể gặp ở bất kì trường học
nào các tiết học kéo dài từ 45 phút tới vài tiếng. Bạn cũng dễ dàng bắt gặp
cảnh tượng hàng tá học sinh lơ đãng, ngủ gật, hoặc ngồi làm việc riêng trong
lớp vì không thể chú tâm vào bài giảng. Trong khi hầu hết các giáo viên đổ lỗi
cho các cô cậu học trò, thì các chuyên gia não bộ có một lời giải thích đơn
giản cho hiện tượng này:
Não chúng ta chỉ có khả năng chú tâm suy nghĩ trong một thời gian
rất ngắn, chừng 10 phút, sau đó là sẽ đến giai đoạn mất tập trung. Đây là cơ
chế phòng vệ hết sức tự nhiên của não người, vì vậy hãy phân chia các bài giảng
thành từng phân đoạn ngắn hơn. Sau mỗi 10 phút tập trung, hãy thiết kế một hoạt
động để thư giãn và chuyển đổi sang phân đoạn tiếp theo. Thực ra đã từ lâu
người ta đã biết dùng kĩ thuật phân giờ Pomodoro với các quy tắc đơn giản kể
trên để gia tăng đáng kể năng suất làm việc và học tập.
Một nghiên cứu đăng trên Psychological Science in the Public
Interest năm 2013 cho thấy, những phương pháp học tập được sử dụng phổ
biến trong nhà trường như “tóm tắt nội dung bài giảng”, “dùng bút đánh dấu đoạn
văn bản quan trọng khi đọc sách”, “đọc đi đọc lại một chương sách” hoá ra lại
là những cách không mang lại mấy hiệu quả về ghi nhớ. Có những cách khác hữu
hiệu hơn nhiều để giúp gia tăng hiệu quả học tập như: tích cực làm các bài
luyện tập, hay học tập các kiến thức theo hình thức luyện tập phân tán với các
khối kiến thức được chia nhỏ và học tập qua thời gian đủ dài.
Nhìn từ những tình huống kể trên, trường học hiện nay có vẻ đang
phí phạm rất nhiều thời gian của học trò chỉ vì ưa thích kinh nghiệm mà ít quan
tâm tới việc tìm hiểu và vận dụng các kiến thức khoa học về việc con người học
tập như thế nào để từ đó xây dựng các hoạt động giáo dục cho tối ưu.
Chúng ta có thể liên hệ việc học tập như câu chuyện cái cần câu và
con cá. Cách dạy truyền thống phổ biến hiện nay là dạng cho đi con cá, trong
khi nếu ta trang bị năng lực tự học cho học sinh thì tức là cho họ một cái cần
câu để tự lập suốt đời.
Sự thiếu vắng những bài học liên quan đến việc rèn luyện kĩ năng
học tập sẽ mang lại hậu quả mà chúng ta đã được chứng kiến là những thế hệ học
trò thụ động chỉ biết trông chờ kiến thức và chân lý từ giáo viên và những
người đi trước mà không chủ động tự mình xây dựng tri thức cho mình. Điều này
càng trở nên tai hại trong bối cảnh thời đại tri thức và số hóa hiện nay khi mà
lượng thông tin tăng trưởng theo cấp số mũ. Kiến thức ngày hôm nay còn đúng,
ngày mai có thể đã sai đi nhiều. Chỉ có cách làm chủ việc học như thế nào mới
giúp học sinh đứng vững trong thế giới ngày nay.
Người xưa có câu, phàm phải trong tình huống khó lường thì “lấy
bất biến ứng vạn biến”. Đối với việc học tập, cái bất biến là phương pháp tự
học, cái vận động không ngừng là tri thức của thời đại. Không gì bằng trang bị
cho được cái bất biến đó để người học của thế kỉ 21 có thể tự mình đi trên đôi
chân tự do khám phá cánh đồng tri thức của nhân loại trong suốt cuộc đời.
Thiếu kĩ năng thiết yếu này thì những khẩu hiệu rổn rảng về xã hội
học tập, hay học tập suốt đời chỉ cùng lắm là những lời nói cho sang miệng. Bài
học về CÁCH HỌC cần phải là bài học căn cơ nhất mà mỗi học sinh cần phải được
luyện rèn.