QUAN THANH LIÊM THỜI XƯA VÀ NAY
Thời vua Lê Thánh Tông, đất nước hưng thịnh nhờ có vua anh minh và thẳng tay trừng trị tham nhũng.
Lê Thánh Tông chủ trương không dùng kẻ nịnh bợ, chỉ trọng người ngay thẳng, vì thế những kẻ luồn cúi nịnh bợ không có chỗ chốn quan trường.
Vua từng nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn.
Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”
Trong bộ luật Hồng Đức, nhà vua đã định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng. Từ đó, hạn chế rất nhiều nạn tham nhũng, đánh dấu thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử đất nước.
Nghe nói, Vũ Tự là một vị quan rất thanh liêm, nên vua Lê Thánh Tông quyết định thử xem tin đồn có thật hay không.
Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử thắng kiện liền bí mật gửi cho người này đem một mâm lễ vật quý, đưa cho Vũ Tự để cảm ơn vì đã xử thắng kiện.
Vào đêm khuya người này mang lễ vật tới. Sau khi cảm ơn vì được xử thắng kiện,
- Vũ Tự hỏi: – Anh biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?
– Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…
– Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?
Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người này cùng lễ vật ra khỏi tư dinh.
Vua Lê Thánh Tông sau đó tặng Vũ Tự chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục mỗi khi vào bàn việc quốc sự.
Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, trong ý thức người làm quan muốn giữ mình trong sạch, thanh liêm, bất kỳ thời nào, đều phải cảnh giác đối với chuyện quà cáp và hậu quả của nó.
Dân ta “duy tình hơn duy lý”. Vì thế ngay cả các quan chức trong bộ máy công quyền nhiều khi vẫn mang nặng dấu ấn tình cảm trong hành xử việc công.
Theo khoahocdoisong