Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Hoàng Cầm – Ông hoàng thơ tình và chuyện ít biết

  

 Hoàng Cầm và Nguyễn Trọng Tạo, 1995 – Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

HOÀNG CẦM - ÔNG HOÀNG THƠ TÌNH VÀ CHUYỆN ÍT BIẾT

Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo hỏi chuyện chủ quán “Lá Diêu Bông”

Nghe nói ở làng Hạnh Hoa có một cô chủ quán rượu xinh đẹp lấy tên bài thơ Lá Diêu Bông cuả Hoàng Cầm đặt tên quán của mình, tôi bèn mang máy ghi âm bỏ túi đến… uống rượu. Quán nhỏ, lợp tranh đơn sơ, nhưng lịch sự. Các tửu khách trông có vẻ trang nhã, không giống như quán rượu ở quê. Cô chủ quán đẹp như tiên, đi lại nhẹ nhàng như mây gió. Nghe nói ngày xưa chị trót yêu một chàng trai kém mình tám tuổi, gia đình cấm đoán, nên quyết định không lấy chồng. Từ hồi “đổi mới” chị mở quán rượu sinh sống, và luôn mơ được gặp tác giả Lá Diêu Bông.

 

 

Thấy tôi là khách lạ, chị ưu tiên tiếp rượu, và cuộc trò chuyện đã diễn ra như vầy:

– Chắc chị mê thơ lắm mới đặt tên quán bằng tên một bài thơ?

– Tôi mê tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Nhưng khi đọc được bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm là tôi quên Vũ Trọng Phụng luôn. Từ đó tôi cũng hình dung Hoàng Cầm là cái cậu con trai cứ lẽo đẽo theo tôi đi tìm lá thuốc cho mẹ từ hồi mới lớn. Nhưng người phụ nữ trong bài thơ Hoàng Cầm thì đi lấy chồng, có con, còn tôi thì không.

.

– Chắc chị thuộc nhiều bài thơ Hoàng Cầm?

– Từ khi đọc bài thơ Lá Diêu Bông, là tôi đi tìm đọc Hoàng Cầm. Nghe nói trong “đổi mới” thơ ông bị “lưu ban” một thời gian dài. May mà từ khi tôi thích thơ Hoàng Cầm, thơ ông lại được in ra liên tiếp. Tôi có đủ các tập Về Kinh Bắc, Men đá vàng, 99 tình khúc, Mưa Thuận Thành, Bên kia sông Đuống, và cả cuốn kịch thơ Kiều Loan ông viết từ hồi bốn lăm (1945). Tôi đọc đến đâu là thuộc đến đấy, vì thơ ông rất Việt Nam, rất thích hợp với tư duy của tôi. Như là ông viết riêng cho tôi.

.

– Chắc chị từng học đại học văn?

– Mấy đứa cháu tôi nó mới học đại học văn. Nhưng chúng nó chẳng hiểu gì về thơ. Chúng nó thạo kinh tế hơn. Bây giờ đứa nào cũng nhà lầu xe hơi trên phố.

– Thế chị học gì?

– Tôi học thơ Hoàng Cầm. “Sông Đuống trôi đi – Một dòng lấp lánh – Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Đọc câu thơ này, nhiều đêm tôi nằm nghiêng và thấy mình cũng như đang trôi đi.

.

– Chị lãng mạn thật.

– Con người, ai mà chả lãng mạn. Nhưng lãng mạn bằng thơ thì nó đẹp gấp trăm nghìn ngoài đời. Thơ làm cho người ta sống đẹp hơn.

– Nhưng phải là thơ Hoàng Cầm?

– Tất nhiên là với tôi. Nhưng có một ông khách trên phố về đây uống rượu, ông ta cũng mê thơ Hoàng Cầm lắm. Ông ấy bảo chỉ có thơ Hoàng Cầm và thơ Hàn Mặc Tử là nhất. Suýt nữa tôi với ông ấy đã thành đôi…

– Sao lại không thành?

– Vì tôi chỉ thích thơ Hoàng Cầm.

– Rắc rối nhỉ?

.

– Này anh, nghe nói ông Hoàng Cầm lại sắp lấy vợ phải không?

– Năm nào tôi cũng nghe nói như vậy. Nhưng rốt cuộc thì mười mấy năm nay chả có đám cuới nào cả.

– Thế cũng tốt.

– Sao lại tốt?

– Mỗi lần thi sĩ yêu lại có thêm bài thơ hay cho đời.

– Chị không ghen với các giai nhân thật sao?

– Việc gì mà tôi phải ghen với họ.

.

– Ở Sài Gòn cũng có một cái quán Lá Diêu Bông như quán chị…

– Tôi biết. Những cái quán ấy ra đời sau quán tôi. Đọc báo tôi biết mà. Hai “anh- chị” còn làm thơ tặng nhau nữa. Thi sĩ Hoàng Cầm phủ dụ chị ta bằng những câu thơ thật sang trọng: “Kinh Bắc lên men đằm hương vương phi – Hỡi mưa Phương Nam bao giờ mưa đi?”. Thế mà chị ta không chịu đi thì thật là “trời không có mắt”.

– Nếu ông Hoàng Cầm mà làm thơ tặng chị, hay nói như chị là “phủ dụ” chị thì chị tính sao?

– Với tôi thật không có hạnh phúc nào bằng. Tôi phóng to bài thơ lên dán trên vách quán để khách rượu cùng thưởng thức.

.

– Nhỡ có người lại chê thì sao?

– Chê là quyền của người ta. Tôi cũng đọc một bài người ta phê bình thơ Hoàng Cầm là “thơ tình dục khiêu dâm”. Và tôi thấy chính cái tay phê bình ấy mới thực sự có một cái đầu “dâm”. Cứ theo cái đầu của anh ta thì Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Du khi viết về tình dục sẽ bị anh ta xử trảm.

– Có lẽ chị nói đúng.

– Tôi nói đúng là cái chắc. Ví dụ những câu thơ đẹp như thế này:

.

“Ấm êm em trong trắng thịt da đêm – Ngọn gió nào cũng ấp một hơi thèm” mà anh ta lại phán là “thơ khiêu dâm” thì tôi không hiểu là anh ta đọc thơ theo cách nào.

– Thơ cần có tri âm. Cũng như Bá Nha gẩy đàn phải có Tử Kỳ nghe. Chị là Tử Kỳ của riêng Của Hoàng Cầm rồi đấy!

.

Có thêm khách đến. Tôi chia tay chị chủ quán Lá Diêu Bông. Biết tôi quen Hoàng Cầm, chị mừng lắm, gửi tặng ông chai rượu Hạnh Hoa, và nhờ tôi mời thi sĩ ghé thăm quán. Hoàng Cầm cũng mừng lắm. Tôi và ông chuẩn bị “hành quân” thì ông bị đau phải vào bệnh viện. Vậy mà cái cậu con trai lẽo đẽo theo Chị đi tìm lá Diêu Bông đã gần chín mươi xuân.

.

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Đăng trong bởi hoingovanchuong