Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Kéo hàn lâm gần văn hóa đại chúng hay nâng đại chúng gần tri thức hàn lâm?


 KÉO HÀN LÂM GẦN VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG HAY NÂNG ĐẠI CHÚNG GẦN TRI THỨC HÀN LÂM?

Trong quá trình vận động của văn hóa, dường như luôn luôn có sự phân cực giữa hàn lâm và đại chúng: Ở thái cực hàn lâm, các kiến thức và vấn đề được đề cập một cách phức tạp với những cấu trúc ngôn từ phức tạp và sự đa chiều. Ở thái cực đại chúng, cấu trúc của kiến thức bị giản lược hóa thành các chỉ dẫn bằng ngôn từ thông thường và dễ hiểu.

Thế kỷ 20, cùng với bùng nổ của phương tiện thông tin đại chúng, tri thức hàn lâm đứng trước một sự xâm lấn của văn hóa phẩm phục vụ đại đa số. Cứ mỗi một phương tiện thông tin đại chúng ra đời, mỗi một giao thức trao đổi được hình thành, người đọc càng trở nên gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận các kiến thức phức tạp.

Từ khi có TV và truyện tranh, người ta càng trở nên ít đọc các tác phẩm kinh điển dày và càng khó đọc thơ hơn. Sự xuất hiện của facebook khiến các bài báo dài trở nên “lỗi thời” bởi người đọc quen dần với sự lướt tin nhanh chóng thay vì nghiền ngẫm thông tin và câu từ.

Nhà triết học người Canada Marshall McLuhan phát biểu: “Chúng ta định hình nên các công cụ để rồi những công cụ định hình chúng ta”, và càng ngày, sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet, càng minh chứng rõ ràng cho luân điểm của ông.

Sách (bao gồm cả sách giấy và sách điện tử) bị cạnh tranh bởi các phương thức tiếp nhận thông tin khác như phim ảnh, video, truyện tranh, game, thậm chí là các đoạn văn ngắn được đăng tải trên mạng xã hội (và chúng đang ngày càng ngắn đi).

Những phương thức tiếp nhận thông tin này tạo ra cho người thụ hưởng chúng thói quen tư duy khác, và việc sử dụng lặp đi lặp lại các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến tư duy của họ trở nên xa lạ với dòng sách khó đọc vốn thuộc về thế giới hàn lâm.

Sự lên ngôi của văn hóa đại chúng bị dẫn hướng bởi một loạt các hoạt động quảng cáo và giải trí tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 đã mang đến tình trạng dân trí tệ hại ngay tại quốc gia được coi là cường quốc quan trọng nhất trên thế giới.

Trong cuốn sách “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của hai tác giả Oliver Stone & Peter Kuznick đã phác họa lại một khung cảnh tồi tệ về tình trạng dân trí của Mỹ đầu thế kỷ 20 với người dân chỉ biết xem các chương trình truyền hình giải trí trên TV, dễ dàng tin các mẩu quảng cáo, và rồi đi đến kết quả là: Sau một thập kỷ quảng cáo và giải trí phù hợp thị hiếu đại chúng, chính phủ Mỹ đã tạo ra một thế hệ với 30% số binh lính không biết chữ, 47% người da trắng và 89% người da đen ở tình trạng “đần độn”.

Trước tình trạng ấy, các nhà làm phim, nghệ sĩ, trí thức Mỹ… đã tìm một lối đi: Thay vì tách biệt thế giới hàn lâm và thế giới giải trí, họ đã đưa ngôn ngữ, kiến thức và các chủ điểm vốn chỉ quen thuộc với giới hàn lâm đến gần với đại chúng.

Không hề xa lạ khi những bộ truyện tranh, phim hoạt hình, phim điện ảnh của Marvel và DC lại chứa trong chúng các kiến thức sâu sắc chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luân của những nhà vật lý hàng đầu, ví dụ như vật lý lượng tử, vũ trụ song song, khoa học tế bào…

Và không hề ngạc nhiên khi chúng ta bắt gặp trong một bộ phim giải trí như “The Matrix” (Tên tiếng Việt: Ma Trận) những câu hỏi triết học sâu sắc thách thức bất cứ bộ não triết học lớn nào…

Không chỉ Mỹ, thế giới manga của Nhật không chỉ dừng ở giải trí, mà là kênh để truyền tải mạnh mẽ các quan điểm triết học Á Đông, hệ thống thần thoại, các vấn đề thuộc phân tâm học…

Một câu thoại trong bộ truyện tranh Watchmen của DC. Tạm dịch: “Việc rủi xảy đến. Mọi người vẫn nói thế. Nhưng trong vũ trụ lượng tử, không có điều gì là tai nạn, chỉ là các khả năng và xác suất bị ý niệm thiết lập”. Một câu thoại trong phim Ma Trận. Tạm dịch: “Không phải cái thìa bị cong. Chỉ là chính anh thôi!”

Trung Quốc trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và mở cửa với thế giới cũng nhanh chóng nhận ra rằng thay vì cần đại chúng hóa các kiến thức hàn lâm để phù hợp với tình trạng dân trí thấp, thì nên hàn lâm hóa đại chúng.

Lấy nền tảng từ các tiểu thuyết chương hồi kinh điển, kết hợp với thủ pháp dân gian từ sân khấu kinh kịch, cùng nghệ thuật làm phim phương Tây, những bộ phim truyền hình dài kỳ đã hấp dẫn độc giả bình dân và dần dần tạo cho họ những nhận thức về lịch sử, chính trị, văn hóa truyền thống…

Cùng với đó, Trung Quốc đại lục đã tiếp nhận những tiểu thuyết kiếm hiệp “ba xu” đã từng chinh phục giới anh chị giang hồ tại Hồng Kông với các cây bút lớn như Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh…tạo ra dòng phim truyền hình kiếm hiệp với chất lượng quay tầm cỡ điện ảnh có tính thẩm mỹ cao, đạt được tính nhã nhặn – đặc trưng của văn hóa hàn lâm Trung Hoa thời phong kiến.

Sự đầu tư để duy trì việc đưa các yếu tố hàn lâm vào sản phẩm đại chúng ở Trung Quốc không hề giảm mà ngày càng tăng với cấp độ phức tạp hơn.

Điều đặc biệt là khán giả đại chúng của Trung Quốc không hề quay lưng với các sản phẩm văn hóa đòi hỏi độ phức tạp của tư duy, thậm chí đòi hỏi họ phải đọc thêm tài liệu, đọc thêm sách…để có thể hiểu.

Điều này tương tự với công chúng tại Mỹ, Nhật, hay các nước phát triển khác trên thế giới, nhưng dường như lại quá khó khăn đối với văn hóa đại chúng Việt Nam.


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Trường học hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện

 

TRƯỜNG HỌC HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

 

Trường học cần phải thay đổi, nhưng thay đổi thế nào? Một góc nhìn về xu hướng cải tổ trường học hiện nay trên thế giới.

 

“Mục tiêu toàn diện” của trường học không chỉ là nằm trên những tuyên bố về tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường mà phải có hiện hữu trong toàn bộ hoạt động của trường học; không chỉ là mục tiêu học tập mà được thể hiện ở tất cả các khâu thực thi và kết quả; không chỉ hướng tới một nhóm học sinh là quan tâm tới toàn bộ học sinh, sự toàn diện còn thể hiện ở lực lượng tham gia vào quá trình hoạt động của trường học, bao gồm giáo viên, học sinh, gia đình và cộng đồng.

 

Xu hướng cải tổ trường học diễn ra mạnh mẽ ở các nước Âu – Mỹ với nhiều mô hình đa dạng, có thể nhóm lại thành 5 nhóm.

 

Nhóm 1: Các trường thay đổi mục tiêu đầu ra từ kiến thức sang mục tiêu năng lực, xây dựng và mô tả chuẩn đầu ra cụ thể trong khung năng lực, hoặc chân dung học sinh tốt nghiệp…

Nhóm 2: Các trường thực hiện giáo dục cảm xúc xã hội (Social Emotional Learning) chú trọng tới giúp học sinh nhận diện cảm xúc, kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc, có kỹ năng hợp tác, kỹ năng ra quyết định trong học tập và cuộc sống.

Nhóm 3: Các trường cải tổ phương thức giáo dục chú trọng vào thay đổi phương thức dạy và học, chú trọng các phương thức học tập thông qua trải nghiệm, dự án học tập…

Nhóm 4: Các trường chú trọng vào tính đa dạng, công bằng và hòa nhập trong một cộng đồng đa dạng về văn hóa và khác biệt về các yếu tố xã hội.

Nhóm 5: Các trường điều chỉnh chiến lược phát triển.

 

Điểm chung giữa các trường này là một cam kết rõ ràng về sứ mệnh, có hình dung rõ nét về tương lai của người học, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, có sự quan tâm đến từng cá nhân và sự gắn kết với cộng đồng địa phương, tôn trọng các giá trị phổ quát, định nghĩa thành công không dựa trên điểm số, và coi công nghệ là nền tảng kích hoạt.

 

Một trong các giải pháp cho nhà trường nổi bật được quan tâm hiện nay là “trường học thông minh”.

Giám đốc sáng tạo Công ty Cổ phần Toàn cầu Adaptive Learning - AEGlobal, Công nghệ thích ứng giúp cho nhà trường chủ động trong việc tạo ra nền tảng trường học thông minh, tạo ra nguồn lực trong nhà trường bằng bồi dưỡng năng lực vận hành cho quản lý và giáo viên. Ở tầm cao hơn là đề xuất sự thay đổi chính sách đồng bộ tạo điều kiện cho sự kết nối dữ liệu hệ thống cho trường học thông minh. 

 

Hiệu trưởng giữ vai trò trọng yếu để thúc đẩy sự tiến bộ trong trường học. Để nhà trường thực sự đổi mới, “sáng tạo thích ứng nhanh”, Hiệu trưởng trước tiên phải là người đổi mới, sáng tạo.

 

Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới ra đời đã tạo ra một mạng kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục trên toàn quốc, thực sự là một sự kiện có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam.

 

Theo GD&TĐ

Có 3 kiểu trẻ "THÔNG MINH GIẢ", khi trưởng thành đa phần tương lai không sáng sủa

 

 Ảnh: Nguỵ Vĩnh Khang

CÓ 3 KIỂU TRẺ "THÔNG MINH GIẢ", KHI TRƯỞNG THÀNH ĐA PHẦN TƯƠNG LAI KHÔNG SÁNG SỦA

Con có thông minh không, thành tích học tập ra sao, tương lai có tươi sáng?... - là những vấn đề được cha mẹ hết mực quan tâm. Ai cũng mong rằng con mình thông minh, sau này có sự nghiệp vững chắc, trở thành "ông nọ bà kia".

Khi nhìn thấy những điểm nổi trội của con, cha mẹ mừng húm cho rằng con ắt có tương lai. Tuy nhiên, một vị giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Thanh Hoa - đại học top 1 Trung Quốc và châu Á lại không cho là vậy. Sau khi quan sát rất nhiều thế hệ sinh viên, vị giáo sư này trực tiếp chỉ ra: Có 3 kiểu trẻ nhìn thì tưởng rất thông minh, nhưng thực chất chỉ là "thông minh giả tạo", tương lai khó làm nên chuyện.

3 kiểu trẻ thông minh giả tạo:

Kiểu thứ nhất: Đứa trẻ không thể tự chăm sóc mình

Trong cuộc sống, có rất nhiều đứa trẻ được cha mẹ quá chiều chuộng. Tuy trẻ có học lực khá giỏi nhưng lại không có chí tiến thủ, thường cần sự giúp đỡ của người lớn để chăm sóc bản thân.

Những đứa trẻ mất khả năng tự chăm sóc bản thân như thế thì dù điểm thi có tốt đến đâu cũng khó lòng hòa nhập, bám trụ được ở môi trường đại học. Thực tế, trên thế giới từng có rất nhiều trường hợp thiên tài, thần đồng bị đuổi học chỉ vì không biết lo cho bản thân, việc gì cũng cần có người chăm sóc tận răng. Câu chuyện của Ngụy Vĩnh Khang (sinh năm 1983, tại tỉnh Hồ Nam) chính là một minh chứng.

Ngụy Vĩnh Khang từ 2 tuổi đã nổi danh thần đồng với trí thông minh tuyệt đỉnh, khi thuộc lòng 1000 ký tự tiếng Trung. 4 tuổi cậu học xong tiểu học. 8 tuổi thi đậu xuất sắc trường trung học trọng điểm. Năm 13 tuổi đã đỗ vào trường Đại học với thành tích xuất sắc.

Năm 17 tuổi, đỗ Cao học tại Trung tâm nghiên cứu Vật lý cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với số điểm cao thứ 2.

Thế nhưng, theo học chưa được bao lâu, Ngụy Vĩnh Khang đã bị nhà trường đuổi học vì không thể thích nghi được với cuộc sống của nghiên cứu sinh.

Tai hoạ đổ vào Ngụy Vĩnh Khang là nơi người mẹ, tức bà Tăng Học Mai. Vì để con yên tâm tập trung vào học hành, năm 8 tuổi, bà thuê trọ cạnh trường để thuận tiện chăm sóc con, tự nguyện làm mọi thứ, giặt dũ, nấu cơm, thậm chí là tắm rửa, đánh răng, bưng bô cho đi tiểu, bón cơm. Chỉ cần học cho tốt, việc còn lại cứ để mẹ lo.

Kiểu thứ hai: Trẻ có trí thông minh cảm xúc (EQ) thấp

Cũng có một số em học lực khá nhưng trí tuệ cảm xúc không cao, các em này đã hoàn toàn biến thành cỗ máy học tập, ở nhà chỉ biết đóng cửa, không đụng tay vào việc gì mới. Khi lớn lên, các em trở nên đỏng đảnh, kỹ năng giao tiếp chưa vững vàng. Tuy có thông minh nhưng kiểu trẻ này lớn lên lại khó có triển vọng.

Chính vì vậy, cha mẹ không nên chỉ tập trung vào thành tích của con cái trong cuộc sống, cũng không thể chỉ chú trọng đến chỉ số IQ mà phải quan tâm đến cả trí tuệ cảm xúc EQ.

Kiểu thứ ba: Trẻ có tư duy logic kém

Nhiều phụ huynh có cảm giác như vậy: Khi con học cấp 1, cấp 2 thường đạt điểm rất cao. Điểm 9, 10 là chuyện thường, nhưng khi lên cấp 3 thì điểm số của con lại thấp đột ngột. Thực chất đây là biểu hiện của việc trẻ kém khả năng tư duy logic. Khác với lớp 1, lớp 2, chương trình học của lớp 3 bắt đầu tập trung vào đọc - hiểu, những kiến thức dần phức tạp hơn.

Điều này phản ánh tầm quan trọng của tư duy logic. Năng lực tư duy logic là khả năng suy nghĩ chính xác và giải quyết vấn đề hợp lý, là cốt lõi của khả năng hoạt động trí tuệ của trẻ em và là cốt lõi của cấu trúc trí tuệ. Trẻ có khả năng tư duy logic sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học tập và cuộc sống sau này của trẻ.

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Benjamin Bloom: Nếu một người đạt được 100% trí thông minh ở tuổi 17, thì tức là ở độ tuổi lên 5 đã có 50% trí tuệ, từ độ tuổi 5-7 tăng 30% và khi đã 7 tuổi chỉ tăng 20%. Có nghĩa là, giai đoạn tốt nhất để trau dồi cho trẻ là khi trẻ từ 0-7 tuổi. Vì vậy, cha mẹ nên nắm bắt khoảng thời gian này để trẻ trau dồi khả năng tư duy logic của con.