Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

 

Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Krishnamurti : Giáo dục hiện nay đã cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi, nó ngày càng dìm ta lún sâu vào trạng thái hỗn loạn và hủy hoại.

Có vẻ như đó là một hệ thống đã rũ bỏ điều gì đó thuộc về bản chất cuộc sống. Cha mẹ, những người thầy luôn có một lý tưởng để khuôn đúc con cái, học trò, dù lý tưởng đó có tinh vi và được đánh bóng đến đâu thì triết lý giáo dục tôn thờ lý tưởng sẽ luôn thiếu vắng tình yêu và thấu hiểu đích thực.

Ông nhấn mạnh: thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ, vì thế nhiệm vụ của nhà trường là giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình chứ không chỉ đơn thuần là nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­---------------

Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) là một trong những tư tưởng gia quan trọng bậc nhất của thế kỷ XX, một đạo sư được nhiều người mến mộ. Trong phần lớn cuộc đời mình, những gì ông nói và viết giành được cả sự quan tâm lẫn gây tranh cãi. Những quan sát và tri kiến của ông về tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc, truyền thống, tổ chức và giáo dục thường trái ngược với những quy ước đương thời. Đặc biệt, tư tưởng của ông về giáo dục rất cấp tiến và từng bị bác bỏ hoặc bị cho là không thực tế. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ Krishnamurti luôn nhấn mạnh giáo dục như một hoạt động thiêng liêng trong thời đại mà hầu hết mọi người coi đó là một quá trình chuẩn bị để thành công trong thế giới thế tục.

[Osho] giáo dục: đi tới những nền tảng đích thực

 [OSHO] GIÁO DỤC: ĐI TỚI NHỮNG NỀN TẢNG ĐÍCH THỰC

Nền giáo dục vốn thịnh hành trong quá khứ đều kém hiệu quả, bất toàn, hời hợt. Nó chỉ tạo ra những con người kiếm sống vì lẽ sinh tồn chứ không mang đến nhận thức về sự sống. Nó không chỉ bất toàn mà còn có hại, bởi vì nó dựa trên đua tranh.

Bất cứ loại đua tranh nào từ sâu xa đều bạo lực và tạo ra những con người không biết yêu thương. Toàn bộ nỗ lực của họ là để trở thành người thành đạt: danh tiếng, tên tuổi, đủ mọi loại tham vọng – hiển nhiên, họ phải chiến đấu và tranh giành. Điều đó hủy hoại niềm vui và hủy hoại sự thân thiện. Dường như mọi người đều tranh đấu với cả thế giới.

Giáo dục cho đến nay đều được định hướng: những gì bạn học đều không quan trọng, những gì quan trọng là thi thố hết năm này đến năm khác. Nó khiến tương lai trở nên quan trọng – quan trọng hơn cả hiện tại. Nó hi sinh hiện tại cho tương lai. Và điều đó trở thành lối sống, bạn luôn hi sinh khoảnh khắc này cho thứ gì đó không phải hiện tại. Nó tạo ra một khoảng trống mênh mông trong cuộc đời.

Theo thị kiến của tôi thì sẽ có một nền giáo dục năm chiều.

Trước khi tôi đi vào năm chiều ấy, vài điều cần được lưu ý. Một, không có bất cứ kì thi nào trong nền giáo dục ấy, mà từng ngày từng giờ đều được quan sát bởi giáo viên, những đánh giá của họ trong suốt cả năm sẽ quyết định liệu bạn sẽ tiến lên hay vẫn ở lại lớp thêm thời gian nữa. Không có ai thất bại, không có ai đỗ, chỉ là vài người sẽ đi nhanh hơn và vài người sẽ trễ hơn, bởi vì ý niệm về sự thất bại đã tạo ra tổn thương sâu sắc vì thấp kém, và ý niệm về thành công tạo ra một chứng bệnh khác về cao quý.

Không có ai thấp kém, không có ai cao quý. Mỗi người chỉ là chính mình, không thể so sánh.

Do đó, các kì thi sẽ không cần thiết. Điều đó sẽ thay đổi góc nhìn từ tương lai về hiện tại. Những gì bạn làm đúng vào lúc này sẽ mang tính quyết định, không phải là năm câu hỏi được đặt ra vào cuối hai năm học. Hàng nghìn điều bạn sẽ trải qua trong suốt hai năm học này, mỗi điều điều mang tính quyết định, thế nên giáo dục sẽ không mang tính hướng mục tiêu (goal-oriented).

Giáo viên có tầm quan trọng lớn trong quá khứ, bởi vì họ biết rằng họ đã đỗ mọi kì thi, đã tích lũy kiến thức. Nhưng hoàn cảnh đã thay đổi – và đây là một vấn đề, vì hoàn cảnh thì đã thay đổi nhưng phản ứng của chúng ta thì vẫn cũ kỹ. Giờ đây sự bùng nổ kiến thức đã quá lớn, quá phi thường, quá nhanh chóng, tới mức bạn không thể viết một cuốn sách lớn về một môn khoa học bởi vì ngay khi cuốn sách hoàn thành thì nó đã lỗi thời; những sự kiện mới, khám phá mới sẽ khiến nó không ăn nhập. Do đó, khoa học giờ đây phải phụ thuộc vào các tờ báo và tạp chí, không phải vào sách.

Giáo viên được đào tạo trước đó ba mươi năm. Trong ba mươi năm mọi thứ đã thay đổi, vậy mà họ vẫn lặp lại những gì được day từ trước. Họ lỗi thời, và khiến sinh viên cũng lỗi thời. Thế nên trong thị kiến của tôi giáo viên không có chỗ đứng. Thay cho giáo viên là những chỉ dẫn, và sự khác biệt này phải được hiểu rõ: chỉ dẫn sẽ nói bạn rằng nơi nào, trong thư viện, sẽ là chỗ bạn tìm ra thông tin mới nhất của môn học.

Trong tương lai máy tính sẽ chứng minh tầm quan trọng to lớn, mang tính đột phá.

Ví dụ, cách giáo dục truyền đạt tới người học là hoàn toàn lỗi thời. Nó vẫn phụ thuộc vào nhồi nhét bộ nhớ, và bọ nhớ càng được nhồi nhét nhiều, thì khả năng sáng suốt và thông tuệ càng kém. Tôi coi đây là cơ hội tuyệt vời để người học có thể được giải phóng khỏi lưu trữ mọi loại thông tin. Họ có thể mang những chiếc máy tính nhỏ trữ đầy đủ thông tin họ cần bất cứ lúc nào. Điều đó sẽ giúp cho tâm trí họ được tĩnh tại, rõ ràng, sạch sẽ. Giờ đây tâm trí của họ quá lộn xộn với rác rưởi vớ vẩn.

Trong tương lai, nền giáo dục sẽ được tập trung hóa trên máy tính và TV, bởi vì những gì có thể thấy linh động sẽ dễ nhớ hơn những gì phải đọc hay nghe. Mắt mạnh mẽ hơn rất nhiều so với tai và những giác quan khác. Và nó sẽ đẩy lùi sự chán ngán của đọc và nghe. Ngược lại, TV trở thành một trải nghiệm thú vị. Địa lý có thể được dạy một cách đầy màu sắc…

Giáo viên sẽ chỉ hướng dẫn cho bạn chọn đúng kênh, hướng dẫn bạn cách sử dụng máy tính, cách tìm quyển sách mới nhất. Chức năng của họ sẽ hoàn toàn khác biệt, Họ không truyền đạt kiến thức cho bạn, họ khiến bạn nhận thức về tri thức đương thời, về kiến thức mới nhất. Họ là người dẫn đường.

Với những điểm quan trọng này, tôi chia giáo dục thành năm chiều.

Thứ nhất là loại chứa thông tin, như lịch sử, địa lý, và nhiều môn học khác có thể được học bằng việc kết hợp với TV và máy tính.

Nhưng về lịch sử – chúng ta phải thống nhất một quan điểm thế này. Hiện nay lịch sử bao gồm những Thành Cát Tư Hãn, Tamerlane, Nadirshah, Adolf Hitler,… Đây không phải lịch sử của chúng ta, đây là ác mộng. Thậm chí ý niệm rằng những người nào đó có thể tàn bạo với những người khác thật đáng kinh tởm. Con cái của chúng ta không thể bị nhồi nhét bởi những ý niệm đó.

Trong tương lai, lịch sử nên bao hàm những thiên tài vĩ đại đã đóng góp điều gì đó cho vẻ đẹp của hành tinh này, cho loài người – một Đức Phật, một Socrates, một Lão Tử; những nhà huyền môn vĩ đại như Jalaluddin Rumi, J. Krishnamurti, những nhà thơ lớn như Walt Whitman, Omar Khayyam, những cây bút vĩ đại như Leo Tolstoy, Maxim Gorky, Fyodor Dostoevsy, Rabindranath Tagore, Basho.

Chúng ta nên dạy về những di sản tích cực vĩ đại của chúng ta, bổ sung ghi chú ở chân trang về những con người mà tính tới bây giờ vẫn còn được coi là vĩ nhân lịch sử – những kẻ như Adolf Hitler. Họ có thể chỉ được đặt ở chỗ ghi chú, không phải ở mục lục, với lời giải thích rõ ràng rằng họ đã bị mất trí hoặc bị mặc cảm thấp kém hoặc rối loạn tâm thần.

Chúng ta phải tạo ra những thế hệ tương lai hoàn toàn nhân thức về góc tối tồn tại trong quá khứ và chiếm hữu quá khứ, nhưng giờ đây không có chỗ cho chúng nữa.

Trong chiều thứ nhất cũng phải đề cập đến ngôn ngữ. Mỗi người trên thế giới nên biết tối thiểu hai ngôn ngữ, một là tiếng mẹ đẻ, và tiếng khác là tiếng Anh như một công cụ quốc tế cho giao tiếp. Chúng có thể được dạy trên TV, về ngữ âm, ngữ pháp, mọi thức đều cần được dạy một cách chính xác hơn.

Chúng ta có thể tạo ra trên thế giới một bầu không khí bằng hữu: ngôn ngữ kết nối mọi người và ngôn ngữ cũng có thể ngắt kết nối. Hiện nay chưa có ngôn ngữ quốc tế. Điều này là do định kiến của chúng ta. Tiếng Anh hoàn toàn phù hợp, bởi vì nó được nhiều người sử dụng trên thế giới hơn cả.

Thứ hai là những môn khoa học, điều này đặc biệt quan trọng bởi vì nó là một nửa của thực tại, thực tại bên ngoài. Chúng có thể cũng được truyền dạy trên TV và máy tính, nhưng chúng phức tạp hơn nên người hướng dẫn lúc này cần thiết hơn.

Thứ ba sẽ là những gì đã biến mất khỏi nền giáo dục ngày nay, nghệ thuật sống. Mọi người những tưởng rằng họ biết tình yêu là gì. Họ không biết đâu… và cho tới khi họ biết thì đã là quá muộn. Mỗi đứa trẻ nên được giúp đỡ để chuyển hóa giận dữ, thù ghét, ghen tị, thành tình yêu.

Một phần quan trọng của chiều thứ ba nên có đó là hài hước.

Thứ mà được gọi là giáo dục khiến mọi người buồn bã và nghiêm túc. Và nếu một phần ba cuộc đời của bạn lãng phí trong trường đại học để buồn bã và nghiêm túc, nó sẽ bị thâm căn cố đế, bạn quên ngôn ngữ của tiếng cười – và người quên ngôn ngữ của tiếng cười thì đã lãng quên phần lớn cuộc đời.

Thế nên, tình yêu, tiếng cười và sự hiểu biết về cuộc sống với những điều kì diệu, bí ẩn… Những con chim đang hót trên cây không nên bị bỏ qua. Những cái cây và bông hoa và những vì sao sẽ kết nối với trái tim bạn. Mặt trời mọc và mặt trời lặn sẽ không chỉ là những thứ bên ngoài – chúng trở thành bên trong. Sự tôn kính cuộc sống nên là nền tảng của chiều thứ ba. Mọi người quá thiếu tôn kính cuộc sống.

Chiều thứ tư nên là nghệ thuật và sáng tạo: hội họa, âm nhạc, thủ công, nặn gốm, kiến trúc – bất cứ điều gì sáng tạo.

Tất cả các lĩnh vực sáng tạo nên được cho phép, người học có thể chọn. Chỉ nên có vài điều bắt buộc, ví dụ, một ngôn ngữ quốc tế nên là bắt buộc, một năng lực chắc chắn để kiếm sống nên bắt buộc. Bạn có thể chọn thông qua toàn bộ dải màu của sự sáng tạo, bởi vì nếu một người không học cách sáng tạo, họ sẽ không bao giờ trở thành một phần của tồn tại, thứ liên tục sáng tạo. Bằng cách sáng tạo, một người trở nên thánh thiện, sáng tạo chính là lời cầu nguyện duy nhất.

Và chiều thứ năm sẽ là nghệ thuật của cái chết.

Chiều thứ năm sẽ là thiền định, để bạn có thể biết không có cái chết, để bạn có thể nhận thức về cuộc sống bất tử bên trong bạn. Điều này tuyệt đối cần thiết, bởi vì mọi người đều phải chết, không ai có thể lảng tránh. Và dưới cái ô lớn của thiền định, bạn có thể được chỉ dẫn tới Thiền, Đạo, Yoga, Hassidism, tới mọi loại và mọi khả năng đã từng có, mà nền giáo dục đại chúng lại chưa từng để tâm tới.

Xã hội mới sẽ có một nền giáo dục đầy đủ và toàn diện.

Tôi đã từng là giáo sư và tôi đã từ chức ở trường đại học với lời nhắn rằng: Đây không phải giáo dục, đây là sự ngu dốt lệch lạc, các người không dạy bất cứ điều gì quan trọng.

Nhưng nền giáo dục không quan trọng này đã phổ biến khắp thế giới – không hề có sự khác biệt dù ở Liên Xô hay Mỹ. Không ai tìm kiếm một nền giáo dục toàn diện hơn. Theo nghĩa này, mọi người đều vô học như nhau, thậm chí những người có bằng cấp cao cũng không được học trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Một vài người vô học hơn, một vài người ít hơn, nhưng tất cả đều vô học, bởi vì nền giáo dục một cách toàn diện chưa từng tồn tại ở bất cứ đâu cả.

Dịch: Hà Thủy Nguyên

Osho tên thật là Rajneesh Chandra (1931- 1990) sinh tại một ngôi làng nhỏ ở miền trung Ấn Độ. Ông được coi là một trong những đại diện tư tưởng xuất sắc nhất mọi thời đại. Có những đánh giá nói rằng Đức Phật đã trở lại trái đất sau 25 thế kỷ qua ông, rằng ông là một kẻ “nổi loạn” và là kẻ “nguy hiểm nhất” chỉ sau Jesus. Nhân loại vừa yêu ông, vừa sợ ông. Ông giống như ánh hào quang làm hoảng sợ và chói mắt những kẻ nô dịch người khác bằng mọi tư tưởng và luận thuyết cứng nhắc, giáo điều, nhưng bản thân lại đầy ý thức nô lệ.

Sự xuất hiện của Osho và tư tưởng của ông giống như một dự báo về một nhân loại mới, về một thời đại mới mà ở đó, tất yếu con người phải “trở về”, phải tìm thấy sự hợp nhất với hiện hữu, với chân lý. Osho dường như đã xuất hiện như một người thầy dẫn đường.

Osho có nét của một nhà truyền giáo, nhưng bản thân ông không theo một tôn giáo nào.

Nguồn: https://www.osho.com/read/osho/vision/the-greatest-challenge-the-golden-future/education-forward-to-the-real-basics