Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Khi nhiều người trẻ ngày nay không dám đối diện với tương lai

 

KHI NHIỀU NGƯỜI TRẺ NGÀY NAY KHÔNG DÁM ĐỐI DIỆN VỚI TƯƠNG LAI

Tạp chí Forbes định nghĩa cuộc khủng hoảng tuổi đôi mươi là giai đoạn "tìm kiếm chính mình và đối diện với căng thẳng". Cuộc khủng hoảng này xảy ra phổ biến từ 20-30 tuổi, thậm chí sớm hơn là từ 18 và kéo dài cho đến 35 tuổi.

 

Tiến sĩ Nathan Gehlert, nhà tâm lý học ở Washington DC, Mỹ, cho biết, trường hợp gặp khủng hoảng điển hình là người "có chí hướng và thông minh, nhưng gặp khó khăn vì họ cảm thấy mình không đạt được mục tiêu hoặc cảm thấy mình bị tụt lại phía sau".

 

Đặc biệt, đây là giai đoạn trong đầu người trẻ luôn ngập tràn những suy nghĩ bất an, lo lắng và cả thất vọng khi chưa tìm được chỗ đứng trong sự nghiệp, tài chính và làm chủ các mối quan hệ.

Nhiều người có thể đã có được công việc mơ ước sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng phát hiện ra rằng cuộc sống chật chội đang bóp nghẹt khả năng sáng tạo của họ.

 

Người trẻ luôn cố mường tượng về viễn cảnh cuộc sống của mình sẽ ra sao trong 5-10 năm nữa. Chính vì thế, những suy nghĩ tiêu cực, thiếu căn cứ càng làm bản thân trở nên lạc lõng, cô đơn và hoang mang khi hình dung về cuộc sống trong tương lai. Mất đi phương hướng khi theo đuổi những dự định ban đầu.

 

Khó khăn trong việc định hình tương lai

 

Một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tâm lý cho người trẻ trong giai đoạn này, có thể kể đến, là không xác định được phương hướng sau khi ra trường.

Bởi lẽ, nhiều sinh viên khi chọn ngành học đã xác định thực sự đam mê về lĩnh vực này nhưng cũng có những người mơ hồ về chính sự lựa chọn của mình.

Sau khi ra trường cảm thấy không phù hợp, muốn bắt đầu lại thì không biết bắt đầu từ đâu.

 

Đặng Hương Giang (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Khó khăn trong giai đoạn sau khi ra trường là chưa định hướng được hướng đi của chuyên ngành và áp dụng kiến thức sách vở vào thực tiễn công việc. Khó khăn trong tìm một môi trường làm việc phù hợp và có thể phát triển được và tạo dựng được các mối quan hệ với đồng nghiệp".

Giang bộc bạch khi thấy bạn bè cùng trang lứa ra trường trước hoặc theo hướng khác đại học, có sự nghiệp, có thành quả trước, cô cảm thấy lo lắng và stress rất nhiều.

Có lẽ cuộc sống tiện nghi, đầy đủ là niềm mong mỏi của nhiều bạn trẻ. Đó cũng là động lực lớn nhất để chúng ta phấn đấu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

 

Tuy nhiên, nhiều người trẻ sẽ phải đối diện với cảnh ra trường chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ xin việc với ý nghĩ nếu

không may mà có thể vào công ty có sức cạnh tranh kinh khủng, hay thậm chí không lành mạnh.

"Ma cũ bắt nạt ma mới" mà mình là người trẻ còn non nớt chưa được mài giũa kỹ càng để đối phó những khó khăn ấy một cách thông minh nhất. Vấn đề điều kiện môi trường ấy thôi cũng đủ khiến không ít người trẻ càng lo lắng.

 

Hơn thế, sự so sánh cũng có thể là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến các cuộc khủng hoảng tuổi đôi mươi. Chẳng hạn như chứng kiến bạn bè thăng tiến trong sự nghiệp, ổn định về cuộc sống mà bản thân chưa làm được những điều đó khiến tâm trạng người trẻ trở nên hoang mang, xao động và lo lắng hơn.

 

Bước ra khỏi vùng an toàn

Tiến sĩ James Arkell, bác sĩ tâm lý tư vấn tại bệnh viện Nightingale ở London, Anh, nói: "Tôi thường thấy những người 20 tuổi xinh đẹp, tài năng và có cả thế giới, nhưng họ không yêu bản thân mình. Xã hội là nguyên nhân khiến họ cảm thấy như thể họ phải theo kịp những tiêu chuẩn không ngừng này".

 

Bạn cần phải học cách chấp nhận rủi ro, nhận ra sai lầm đã từng vướng mắc để có thể biết bản thân đang thật sự mong muốn và đam mê điều gì. Có điểm mạnh nào để phát huy, điểm yếu nào để thay đổi.

Khi đạt được những điều mà mình từng nghĩ rằng là không thể thì đó cũng là lúc bạn mày mò được thêm những góc khuất thật sự đằng sau chính con người mình, những sở trường, sở đoản mà chính bạn chưa từng phát hiện trước đó.

 

Tuy nhiên cần có sự hy sinh. Có thể về thời gian, công sức, sức khỏe thậm chí là cả mối quan hệ cá nhân thì mới gặt hái được những gì mình mong đợi.

Mạnh dạn bước đi, mạnh dạn thử sức với những gì mình chưa từng làm. Sai mà biết nhận ra kịp thời, rồi sửa chữa hoặc có thể làm lại từ đầu và những điều ấy đã khiến các bạn có thể tận hưởng tuổi trẻ một cách trọn vẹn nhất".

Bài học của các nhân viên

 

BÀI HỌC CỦA CÁC NHÂN VIÊN

 

Một nhân viên bán hàng, một thư kí và một giám đốc cùng nhau ra ngoài ăn trưa.

Họ bất ngờ phát hiện ra một chiếc đèn dầu cổ. Khi họ chà xát để lau chùi bụi bám lên chiếc đèn, thì bất ngờ Thần Đèn hiện ra.

Thần Đèn nói: "Ta sẽ tặng các con mỗi người một điều ước. Ai trước nào?"

 

"Con trước, con trước" cô thư kí lanh lẹ, "Con muốn được ở Bali lướt sóng mà không cần quan tâm, lo lắng đến bất cứ việc gì trên đời này!" Bùm.. Cô biến mất.

 

"Con kế tiếp, con kế tiếp" anh nhân viên bán hàng nôn nóng, "Con muốn được nằm dài trên bờ biển Hawaii, có nhân viên mát xa riêng, uống thỏa thích cocktail cùng với người yêu của con." Bùm.. Anh cũng biến mất.

 

"Còn con?" Thần Đèn hỏi anh giám đốc, anh ước: "Con muốn 2 người đó quay lại phòng làm việc sau giờ nghỉ trưa."

 

Bài học rút ra: Luôn luôn để sếp của bạn phát biểu trước.

 

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Hãy sống với ước mơ

 

HÃY SỐNG VỚI ƯỚC MƠ

Có một cậu bé sống cùng với cha của mình, một người làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc, người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không được ổn định lắm.

Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé về viết một bài văn với đề tài “Lớn lên em muốn làm nghề gì?”.

Đêm đó, cậu bé đã viết 7 trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trang trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 200 mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt làm đường chạy cho ngựa.

Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo.

Vài ngày sau, cậu bé nhận lại bài làm của mình với một điểm 1 to tướng và một dòng bút phê đỏ chói của thầy “Đến gặp tôi sau giờ học”.

Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:

– Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm 1 ạ?

– Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền lại xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không được một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa chữa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chưa?

Hôm đó, cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến.

- Con yêu, chính con phải quyết định vì cha nghĩ đây là ước mơ của con.

Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:

- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của mình.

Nhiều năm trôi qua, vị thầy giáo đó đã tình cờ dẫn 30 học trò của mình đến một trang trại rộng 200 mẫu để cắm trại. Thật tình cờ, hai thầy trò đã gặp nhau. Cầm tay, thầy nói:

- Này, khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác, tôi rất ân hận về điều đó.

Nghe thầy nói thế, cậu bé nay đã là ông chủ vội đáp:

- Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình.

Bài học rút ra:

Không ai là chuyên gia trong cuộc đời bạn, không ai biết trước tương lai bạn thành công hay thất bại. Chỉ cần bạn dám ước mơ và dám thực hiện nó. Nỗ lực hết mình, sống với ước mơ. Đừng chấp nhận từ bỏ khi người khác phán xét về giấc mơ của bạn.