Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Thanh xuân không phải thời gian, thanh xuân là cảm xúc

 

THANH XUÂN KHÔNG PHẢI THỜI GIAN, THANH XUÂN LÀ CẢM XÚC

Bạn đã bao giờ tự hỏi mình thanh xuân là gì chưa? Bạn, tôi, cô ấy, mỗi chúng ta sẽ có một câu trả lời cho riêng mình. Hằng hà trái tim là hằng hà cảm nhận.

 

Thanh xuân là một vở kịch không có diễn tập trước, bạn cứ diễn mà chẳng quan tâm đến thứ tự lên sân khấu của bất kì ai. Thanh xuân là bị từ chối hết lần này đến lần khác, rồi lại kiên trì hết lần này đến lần khác. Thanh xuân là thời điểm học được cách yêu cũng như hi sinh không cần hồi đáp.

 

Thanh xuân là tay trong tay, ngồi trên một chuyến tàu không bao giờ quay trở lại. Thanh xuân là sống một cuộc đời mà mình muốn sống.

…..

 

Thanh xuân là một thời khắc thuộc về quá khứ, bạn vẫn sẽ nhìn thấy thời khắc này, khoảnh khắc kia, logic khắc nghiệt của hiện thực còn chưa bắt đầu. Tới khi ấy, bạn mới có thể biết, đó chính là thanh xuân của bạn. Vậy nên chúng ta chưa bao giờ nắm chắc được thời gian, mà thời gian mới là thứ cầm giữ được chúng ta.

 

Nhưng bạn ạ, suy cho cùng, thanh xuân cũng không phải thời gian, mà là cảm xúc. Thanh xuân không phải một gương mặt xinh, một bờ môi đỏ, một vòng tay dịu dàng, mà là ý chí cao xa, là tưởng tượng khoáng đạt, giống như một thứ cảm xúc đầy nóng cháy. Thanh xuân như con suối sâu tuôn chảy dọc sinh mệnh.

 

Tháng năm như nước chảy, thanh xuân không hối hận. Không có ai mãi mãi 18 tuổi, nhưng luôn có những con người 18 tuổi. Bầu trời của năm 18 tuổi là hoa nở, là trời xanh, là mây trắng, là những ánh mặt trời đan vào nhau, là tiếng cười, tiếng hò reo không ngớt. Thanh xuân, có những dịu dàng của mùa hè, cũng có những hăng hái của mùa hè. Có người so sánh, thanh xuân như một tia nắng buồn thương. Có lẽ là bởi thanh xuân như nước, dù mở ra hay nắm chặt, nó đều sẽ chảy xuống qua kẽ tay...

 

Ai không từng một lần tuổi trẻ, ai tuổi trẻ không từng một lần mắc sai lầm. Khi bạn có được thanh xuân, bạn có thể lớn gan đi làm những chuyện bạn muốn làm mà không phải lo bản thân sẽ đi nhầm hướng, chỉ cần bạn còn trẻ, dù bạn phạm phải lỗi lầm ra sao, dù ngã xuống bao nhiêu lần, bạn đều có cơ hội để làm lại. Đây chính là giá trị lớn nhất của cái gọi là thanh xuân.

 

Thanh xuân chỉ có một lần trong đời, hãy khóc, hãy cười, dám yêu, dám làm, bạn nhé! Vì dù cuối cùng, thanh xuân có qua đi, thì kỷ niệm cũng sẽ còn mãi, và vì những gì bạn đã trải qua sẽ hóa thành trải nghiệm, hun đúc nên bạn của ngày hôm nay...

 

Chúc tất cả chúng ta sống mà không phụ những tháng năm mang tên Thanh Xuân này!

 

ST

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

3 nguyên tắc cơ bản để hướng tới cuộc sống chất lượng cao

 

3 NGUYÊN TẮC CƠ BẢN ĐỂ HƯỚNG TỚI CUỘC SỐNG CHẤT LƯỢNG CAO

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao người giàu ngày càng giàu? Ngược lại, nhiều người cố gắng phấn đấu, sở hữu thu nhập cao nhưng mãi không đạt được sự giàu có?

Bill Gates từng nói: “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn, nhưng chỉ mãi sống trong nghèo khó thì rất có thể xuất phát từ lỗi của bạn”. 

 

Đôi khi, chỉ một sai lầm cũng có thể hủy hoại hết mọi thành quả mà bạn nỗ lực phấn đấu từ trước tới giờ. 

Như vậy, để trở nên giàu có, trước hết có lẽ bạn cần học cách suy nghĩ và hành động như một người giàu có. Một trong những chìa khóa làm nên thành công của họ chính là cách quản lý tiền bạc. 

 

Thực tế, hầu hết mọi người không nhận ra rằng, trong cuộc sống, vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào. Để có thể quản lý tiền bạc hiệu quả, cải thiện tình hình tài chính của bản thân, bạn cần nắm vững 3 nguyên tắc cơ bản sau đây.

 

Nguyên tắc 1: Phân biệt được tài sản và tiêu sản

Theo chuyên gia Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu, cha nghèo” định nghĩa: “Tiêu sản là những gì lấy tiền ra khỏi túi bạn”, còn “Tài sản là những gì bỏ tiền vào túi bạn”.

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng hầu hết mọi người không biết được sự khác nhau giữa một tài sản và tiêu sản. Chẳng hạn, các chứng khoán sinh lãi, các bất động sản cho thuê, các hàng hóa kinh doanh có lời… được coi là tài sản, vì chúng tạo ra lợi nhuận cho bạn, làm cho thu nhập của bạn tăng lên.

 

Trong khi đó, tiêu sản là những ác khoản vay nợ tín dụng để tiêu xài, các thiết bị tiêu tốn năng lượng chỉ nhằm mục đích giải trí như xe hơi, điện thoại di động đắt tiền, túi hiệu, quần áo đắt tiền… Vì chúng chỉ làm tăng chi phí cho bạn.

 

Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Và ngược lại, nếu muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản.

 

Nguyên tắc 2: Đừng dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế và lạm phát như hiện nay, bất cứ ai cũng nên đa dạng hóa nguồn thu nhập, dù bạn là sinh viên hay những người đã đi làm và có công việc hành chính ổn định. Khi sở hữu cả nguồn thu nhập chủ động và thụ động thì sức khỏe tài chính của bạn mới tốt dần lên.

 

Với thu nhập chủ động, đây là nguồn thu đến từ công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian. Bạn đánh đổi thời gian và công sức ra để lấy tiền bạc, một cách công bằng và sòng phẳng. Còn với thu nhập thụ động, đây là những khoản lợi nhuận đến từ việc đầu tư như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… 

Một nguồn thu nhập duy nhất sẽ giúp bạn sống sót, nhưng để sống khỏe, sống tốt thì bạn nên có nguồn thu nhập thứ hai, thứ ba... Khi một nguồn thu xảy ra vấn đề, thậm chí kể cả khi bạn thất nghiệp một cách đột ngột, các nguồn thu khác có thể bù đắp phần nào. Điều này đem lại sự an toàn cho tài chính cá nhân của bạn.

 

Nguyên tắc 3: Thời gian là tiền bạc

Thời gian có ý nghĩa như thế nào mà được coi là “vàng bạc”? Muốn trả lời điều này, hãy hỏi những người chỉ còn thời gian được tính bằng ngày tháng, hỏi những vận động viên phân định thắng thua bằng kết quả thi đấu chỉ chênh lệch vài tích tắc… 

 

Mỗi ngày, chúng ta ai ai cũng có 24 giờ. Thời gian về cơ bản là thứ công bằng nhất đối với mọi người. Người giàu, người nghèo hay người bình thường cũng chỉ có ngần ấy thời gian và tuyệt đối không có ai là ngoại lệ. 

Nhưng dựa vào nguồn tài nguyên ngang bằng nhau, ai có thể tạo ra nhiều giá trị hơn chính là người thành công. Bí quyết làm giàu không nằm ở chỗ bạn tốn bao nhiêu thời gian để làm một công việc, mà ở chỗ bạn có thể làm bao nhiêu việc trong từng đó thời gian.

 

Người giàu luôn sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua” thời gian. Họ chấp nhận mở hầu bao, chi tiền để thuê người giúp họ giải quyết, xử lý công việc. Bằng cách này, trong cùng một khoảng thời gian đó, họ có thể thực hiện nhiều việc khác nhau.

Hãy nhớ, tự làm mọi việc để tiết kiệm tiền là một sai lầm. Có rất nhiều công việc vô nghĩa không tên có thể khiến bạn vuột mất cơ hội làm giàu quý giá của mình.

 

Hãy nghĩ về niềm vui và thời gian chất lượng mà việc thuê người khác làm (hoặc mua các thiết bị gia dụng hỗ trợ như robot hút bụi, máy rửa bát, máy giặt sấy...) có thể mang lại cho bạn. Tất nhiên, đôi khi chúng ta không thể rút ngắn thời gian làm việc, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn sự lãng phí thời gian. 

 

Tiết kiệm thời gian chính là tích lũy vàng bạc. Quản lý tốt thời gian chính là quản lý tốt tài chính của mình.

 

*Theo MD

Học cách yêu thương

 

HỌC CÁCH YÊU THƯƠNG

 

Rất nhiều người nghĩ và tin rằng yêu thương là bản năng tự nhiên và đã là bản năng thì không cần phải học, con người tự nhiên sẽ biết yêu thương thôi.

Có người cho rằng yêu thương là món quà của Thượng Đế ban tặng con người và do đó nó đương nhiên luôn tồn tại chứ không phải học mà được.

Tôi không phản bác những điều trên. Nhưng tôi nghĩ yêu thương vẫn cần phải học. Tôi không biết cái bản năng yêu thương nguyên thủy của con người hình dạng ra sao, nhưng tôi thú thật là tôi sợ cách yêu thương của rất nhiều người.

 

Một đứa trẻ chán ăn, mẹ hoặc bà đè ngửa nó ra nhét bột, nhét cháo vào mồm nó mặc kệ nó khóc gào sặc sụa hoặc ẵm nó đi vòng vòng hoặc chạy theo nó quanh nhà, quanh sân để cố nhồi thức ăn vào miệng nó còn miệng họ thì la hét quát nạt dụ dỗ đủ kiểu. Họ gọi đó là yêu thương. Tôi gọi đó là sự tra tấn.

 

Anh chở chị bị ngã xe, chưa ngồi được dậy chị đã trách anh, anh đã trách ngược lại chị. Tôi đỡ hai người dậy và chỉ quan tâm vết thương. Nếu ai đó chở tôi, bị ngã xe, tôi không hề trách một câu nào cả vì đó là việc người ta không mong muốn. Lỡ rồi, trách làm gì để người ta thêm áy náy trong lòng mà cái đau có giảm đi được đâu? Tôi học cách yêu thương trong việc dung thứ với lỗi của người khác.

 

Trong gia đình có ai đó bị tai nạn bất kỳ, điều đầu tiên tôi làm là sơ cấp cứu, hỏi thăm, không truy vấn tại sao, lỗi gì. Sau khi biết đó là lỗi của người đó, tôi cũng chỉ nhắc, “Lần sau gặp trường hợp như thế thì nên làm như vầy như vầy để tránh tai nạn hoặc giảm thiểu rủi ro.”

Tôi học cách yêu thương trong việc chia sẻ bài học kinh nghiệm, kỹ năng sống.

 

Vợ chồng, anh em, bạn bè có một ý định kinh doanh, làm việc gì đó mà hỏi ý kiến mình, nếu thấy không ổn tôi sẽ phân tích mọi sự không ổn một cách ôn tồn, khoa học để chứng minh cho họ thấy rõ những điều không ổn nhằm thuyết phục họ đừng làm.

Nhưng, nếu họ dùng các lý lẽ của họ để khẳng định họ muốn làm điều đó và họ chấp nhận kết quả cũng như hậu quả thì lúc đó tôi sẽ ủng hộ quyết định của họ.

Trong khả năng có thể, tôi sẽ cố gắng hết sức để họ tránh những điều không ổn mà tôi đã thấy trước đó để giúp họ thành công.

 

Nhưng nếu chẳng may họ không thành công và thất bại như tôi dự đoán ban đầu, tôi sẽ không hề trách móc, chỉ trích, “Đấy, tao đã bảo rồi mà không nghe.” Tôi sẽ động viên họ nghĩ cái khác, làm cái khác và cùng họ làm lại. Tán gia bại sản cũng không hề cằn nhằn, không nặng nhẹ. Tôi học cách yêu thương trong đồng cam cộng khổ.

 

Cái cách mà tôi yêu thương gia đình, người yêu, anh em, bạn bè đều nhất quán như thế. Khổ nỗi, thường thì tôi gặp kiểu yêu thương trái ngược với mình. Kiên trì yêu thương họ theo cách của mình với mong muốn một lúc nào đó họ sẽ nhận ra và thay đổi cách yêu thương nhưng thường là tôi thất bại thảm hại.

Một là tôi phải chấp nhận cách yêu thương kỳ cục của họ, hai là tôi sẽ phải rời xa để tránh bị tổn thương lúc đã mỏi mệt trong mòn mỏi chờ đợi sự đổi thay.

 

Tôi thà là người ta bỏ tôi mà đi, tôi thà là cô đơn một mình còn hơn là ở bên cạnh mà yêu thương tôi kiểu suốt ngày chì chiết một chiều. Mặc kệ người ta gọi đó là gì, tôi vẫn nghĩ đó không phải là tình yêu thực sự, đó chỉ là sự nhân danh.

Nhiều người đã từng cãi với tôi, tôi chấp nhận cái lý của họ vì nhiều người nghĩ vậy, tôi chẳng thể chống lại, nhưng quan sát thực tế cho thấy chẳng có người nào vui nổi khi đã bị ngã đau mà còn bị chửi mắng cả.

 

Rõ ràng không ai muốn bị chỉ trích, phán xét, trách móc mà ai cũng muốn được thấu hiểu, chia sẻ, động viên, giúp đỡ. Ấy vậy mà cứ có cơ hội là chỉ trích, phán xét, lên giọng ngay rồi bảo đó là yêu thương, quan tâm, thậm chí còn ngụy biện bảo đó là… bản năng yêu nó thế!

 

Làm thế nào để học yêu thương đúng cách? Ta có thể liệt kê ra nào là cần có sự cảm thông, sự thấu hiểu, kiến thức, hiểu biết, v.v. nhưng tôi nghĩ trước tiên hãy học cách ngừng cái việc nhân danh tình yêu thì lúc đó mới biết thế nào là tình yêu thực sự và tình yêu thực sự vốn dĩ đã là tình yêu đúng cách rồi.

 

ST