Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Hai kiểu láng giềng hai loại họ hàng tránh càng xa càng tốt

 

HAI KIỂU LÁNG GIỀNG KHÔNG KẾT GIAO, HAI LOẠI HỌ HÀNG KHÔNG QUA LẠI: TRÁNH CÀNG XA CÀNG TỐT MỚI LÀ THÔNG MINH

Ngoài việc hòa nhập và kết bạn, có hai vòng tròn quan hệ rất quan trọng: Hàng xóm và họ hàng - những người nằm ngoài sự lựa chọn của riêng chúng ta. Làm thế nào để hòa thuận với hàng xóm và người thân đã trở thành một câu hỏi mà mọi người nên suy nghĩ.

Tuy nhiên người xưa cũng đã có lời khuyên: Hai kiểu láng giềng không kết giao, hai loại họ hàng không qua lại. Lời dạy hàm chứa nhiều trí tuệ, có lẽ cả đời chúng ta cũng không học hết được.

Hai kiểu hàng xóm không kết giao

Người ta thường nói “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, không phải không có lý.

Mỗi người đều có gia đình riêng của mình, và chỉ cần sở hữu một căn nhà thì cũng có dăm ba hàng xóm.

Nếu có người hàng xóm tốt và nhận được sự giúp đỡ của họ khi gặp khó khăn, đó xem như là phúc phần may mắn của bạn. Cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều khi được người xung quanh giúp đỡ. Nhưng có hai kiểu láng giềng không thể kết giao:

 

* Thứ nhất là người vô ơn.

Sống chung với nhau trong một cộng đồng, cụ thể là cùng làng cùng xóm hay nhỏ hơn là cùng một con đường, một chung cự, giúp đỡ nhau cũng là chuyện vô cùng thường tình. Không cần gì to tát, đôi khi chỉ là chút quả ngọt, cái bánh ngon, hoặc nhà người này hư ống nước, nhà bên cạnh qua giúp đỡ… đều là điều nên làm.

Nhưng một số người coi lòng tốt của đối phương dành cho mình là điều hiển nhiên và “trốn biệt tăm” khi người khác cần giúp đỡ.

Một khi có dấu hiệu như vậy, bạn nên cố gắng tránh xa càng nhiều càng tốt, về sau chỉ chào hỏi xã giao.

 

* Thứ hai là người ích kỷ.

Một bà mẹ kể câu chuyện của mình rằng: Một người hàng xóm thường nhân lúc cô mở cửa đi chợ thường nhờ cô tiện thể mua giúp bó rau, đôi khi là chùm ớt, củ tỏi… nhưng không bao giờ trả tiền. Mặc dù không đáng bao nhiêu nhưng cô rất khó chịu với cách cư xử này. Mà từ chối càng không được, cô sợ họ sẽ nghĩ cô sống ích kỷ. Nên cứ thế chịu đựng trong thầm lặng.

Nếu có một người hàng xóm như vậy, mạnh dạn từ chối và nói thẳng mới là biện pháp tốt nhất, nếu không bạn sẽ luôn là người chịu thiệt. Người trưởng thành là phải biết cách từ chối. Một mối quan hệ thật sự là phải đảm bảo cân bằng hai bên, người đáng kết giao sẽ không vì sự khước từ của bạn mà “nghỉ chơi”.

 

Hai kiểu họ hàng không qua lại

 

Thực tế không phải cứ là họ hàng thì có thể sống hòa thuận với nhau. Thậm chí quan hệ càng gần thì càng dễ phát sinh mâu thuẫn, nhất là những khi động chạm đến chuyện tiền bạc, lợi ích.

 

* Thứ nhất, người chỉ biết lợi ích.

Có lẽ bạn cũng từng gặp phải kiểu họ hàng “thấy sang bắt quàng làm họ”, bình thường không thấy đâu, nhưng đến khi bạn phát tài thì vây lại xung quanh nói lời ngon ngọt. Hoặc là ban đầu đang yên đang lành, nhưng khi bạn sa cơ lỡ vận thì “tránh xa như tránh tà”, một cái dang tay cưu mang cũng không có.

 

Đương nhiên “người không vì mình thì trời tru đất diệt”, chúng ta cũng không thể trách họ vì chung quy họ cũng chỉ muốn tốt cho bản thân. Song cũng vì thế mà chúng ta nhìn thấu được bản chất, để từ đó tránh xa, không kết thâm giao.

Trong mắt họ chỉ có lợi ích, còn quan hệ huyết thống chẳng là gì, thậm chí còn không bằng một người bạn tốt như bạn.

 

* Thứ hai, người biếng nhác thành thói.

“Mọi điều xấu xa đều bắt nguồn từ sự lười biếng” không phải là không có đạo lý.

Ở đây không có nghĩa là tuyệt tình không giúp đỡ họ, nhưng nếu người họ hàng này không làm gì, mỗi ngày chỉ biết ăn không ngồi rồi và chờ đợi miếng ăn tài lộc từ người khác thì mọi sự giúp đỡ sẽ trở nên vô ích.

 

Người ta có câu: Cho người tiêu tiền, không bằng dạy người cách kiếm tiền. Nhưng người mà đã không có chí thì cho dù bạn giúp đỡ nhiều đến mấy thì tình trạng của họ cũng không thể được cải thiện.

 

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

Đến với nhau bằng cái gì thì xa nhau bởi thứ đó

 

ĐẾN VỚI NHAU BẰNG CÁI GÌ THÌ XA NHAU BỞI THỨ ĐÓ

 

– Đến với nhau bởi đồng tiền thì xa nhau cũng do tiền bạc. Khi tiền hết, lợi ích cạn thì tình cũng tan.

– Đến với nhau bằng thể xác thì cũng sẽ tan tác bởi dục tình. Khi phong độ người đàn ông giảm hoặc nhan sắc của cô gái mòn thì sự chia tay là hiển nhiên, có gì mà ấm ức.

– Đến với nhau bởi quyền lực thì cũng xa nhau đương nhiên bởi quyền lực rồi. Khi còn đương chức thì thật dễ dàng có bạn bè, và khi rời xa chiêc “ghế” thì nhìn đâu cũng thấy bè ít bạn.

– Đến với nhau bởi cái Danh thì cũng xa nhau bởi cái Tiếng. Khi Danh chẳng còn, ánh hào quang tắt thì bạn bè cũng thưa thớt như sao mai.

 

Thế cho nên:

– Đến với nhau ngay từ đầu bởi đồng Tiền hay Danh thì là bè hay bạn? Cớ sao lại coi những người ấy là bạn trong khi thực ra họ là bè? Rồi khi Lợi và Danh đã hết lẽ ra nên bình thản nhìn họ rời xa thì cớ sao lại ngửa cổ lên trời than: Khi Lợi Danh thì 3 vạn 9 nghìn anh em, khi hết tiền không thấy ai quanh mình?

 

– Sao lại đi cho “bè” vay tiền rồi sau đó 5 lần 7 lượt đòi nợ không được rồi tiền mất tình tan rồi oán trách nhau và cay đắng nhận ra đó không phải Bạn?

– Ngay từ đầu tuyển nhân viên vào và những người đó chỉ làm việc vì Tiền thì sao lại đòi hỏi họ trung thành? Và khi có nơi khác trả nhiều tiền hơn thì họ đương nhiên sẽ đi cớ sao lại tiếc nuối oán trách?

Đến với nhau bằng cái gì thì xa nhau bởi thứ đó

– Đến với nhau bởi dục vọng thể xác thì sẽ xa cách nhau bởi điều gì? Sao những chàng “phi công” lại thắc mắc khi người đàn bà ấy bỏ mình vì tìm được người trẻ, phong độ hơn?

Và những cô gái trẻ liệu có thấy dễ hiểu không khi người đàn ông xưa luôn mồm nói lời chỉ yêu mình, luôn khen mình trẻ đẹp giờ quay ngoắt 180 độ chia tay vì tìm được người đẹp và trẻ hơn mình?

 

Vậy hỡi ôi tình yêu nơi đâu, tìm bạn hữu tri kỷ chốn nào?

Chỉ có đến với nhau bởi Tình Cảm thì sẽ mãi mãi vững bền

Tình Cảm được xây dựng nên bởi sự Kính trọng, Nể trọng, ngưỡng mộ, tính cách, nhân cách, kiến thức, trí tuệ, tinh thần, thành tựu giá trị của nhau.

Tình cảm có thể khiến người ta chung sức, đồng lòng, dời non lấp bể, tát cạn biển đông, sống chết có nhau, yêu thương suốt kiếp.

 

 Và:

– Đôi khi đến với nhau vì động cơ lợi danh hay dục vọng, nhưng bên nhau lại nảy sinh Tình cảm vững bền; đây là điều may mắn và tốt đẹp của cuộc sống.

– Và đến với nhau bởi tình cảm cũng có thể xa nhau cũng vì… tình cảm.

Nếu không biết vun xới tình cảm đấy mỗi ngày.

Hãy trân trọng, nuôi dưỡng, vun đắp tình cảm dành cho nhau như những bông hoa đẹp, những cái cây xanh luôn tươi sống dưới ánh mặt trời.

Và bạn thử nhìn xung quanh và luôn đặt câu hỏi như 1 thói quen xem:

NGƯỜI ĐẾN VỚI TA BỞI ĐIỀU GÌ?

 

ST    

Hội chứng cuồng thần tượng ở tuổi teen

 

HỘI CHỨNG CUỒNG THẦN TƯỢNG Ở TUỔI TEEN VÀ CÁCH NGƯỜI MẸ KÉO CON RA KHỎI 'U MÊ', TRỞ THÀNH MỘT HỌC SINH XUẤT SẮC

Chị N cảm thấy buồn bực, cô con gái lớn học lớp 8 dường như đã đi trượt "đường ray", khiến kết quả học tập rất bết bát.

Chị N về nhà, đang cố nghĩ xem mình đã sai ở đâu trong việc dạy con. Nhớ lại, cách đây 2 năm, cô con gái lớn lúc đó học lớp 6 đã có rất nhiều thành tích tốt.

 

Thời điểm ấy, chị N rất tự tin, việc học của con nên đã để cháu tự chủ động.

Công việc cứ cuốn đi, sau đó chị N thấy con rất ít ra khỏi phòng, mỗi lần về nhà, cháu thường ở lỳ, thậm chí khóa trái cửa. Chị thắc mắc thì một vài người bạn bảo rằng, ở cái tuổi "ẩm ương" ấy, đứa nào cũng vậy. "Có lẽ đó là chuyện bình thường của lứa tuổi", chị N nghĩ.

 

Cô con gái thi thoảng xin chị N tiền để mua đồ, bình thường chị N chẳng mấy bận tâm. Thế nhưng thời gian gần đây cháu mua rất nhiều, khi được hỏi thì giấu "tiệt" không nói. Lặng lẽ quan sát, chị nhận ra con gái mình đang sưu tập ảnh, đĩa nhạc... của một số nghệ sĩ nước ngoài.

Có vẻ như cô bé có tình yêu rất cuồng nhiệt với những nghệ sĩ này. Trong bữa ăn, lúc ngồi chơi, con gái chị đều say sưa kể về những nghệ sĩ đó. Rồi cô con gái bắt đầu xin đi chơi vào chiều cuối tuần.

 

Chị N chở con đến một quán cà phê, theo như giới thiệu đó là địa điểm sinh hoạt fan của nhóm nghệ sĩ con chị hâm mộ. Lần đầu tiên nhìn thấy những cô bé, cậu bé chỉ 12-13 tuổi hét như "điên" khi hình ảnh thần tượng được chiếu lên màn hình lớn, chị N cảm thấy bất an.

 

Sau cuộc đi chơi đó, chị yêu cầu con gái cho kiểm tra phòng, tất cả các ngăn bàn, tủ đồ đều tràn ngập ảnh, đồ lưu niệm của thần tượng. Thậm chí trong điện thoại của cô con gái có tới hàng chục nhóm chát dành cho fan.

Hóa ra, mỗi lúc cô bé đóng cửa để "học" thực chất là vào nhóm chát "buôn" đủ thứ chuyện về thần tượng. Có đêm, chị N dậy, lén nhìn qua khe cửa phòng con vẫn thấy có ánh sáng hắt ra, cứ nghĩ con chăm chỉ, bây giờ thì chị đã hiểu con thức khuya để làm gì.

Từ ngày đam mê thần tượng, cô bé trở nên chểnh mảng, những việc lặt vặt như lau nhà hay tự dọn phòng cũng bị "bỏ quên". Đặc biệt, nhiều lần giáo viên gọi điện để báo cho chị N biết, con chị không làm bài tập về nhà.

Từ một cô bé chăm học, chỉ sau một năm con chị N gần như "trôi hết" kiến thức cơ bản.

Cô bé cảm thấy mệt mỏi khi gia sư đến dạy kèm, đầu óc không chịu suy nghĩ và luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến lớp.

Kết quả học tập năm lớp 8, cô bé đứng gần cuối lớp, thậm chí hơn nửa số môn dưới điểm 5.

 

Bất lực, bẽ bàng, chị N chẳng biết phải làm sao. Có lần chị cáu, gom hết những bức ảnh, những đĩa nhạc thần tượng của con đi vứt. Chị thật sự sốc khi cô con gái gào khóc, lao vào cào cấu chị để giữ lại.

Chị N quyết định phải đồng hành để thay đổi con, không thể đứng nhìn con trôi theo những cảm xúc bồng bột như thế.

 

Ban đầu là "làm bạn", mỗi tối chị N đều dành thời gian tâm sự với con, những câu chuyện đại loại "ban nhạc này hát hay con nhỉ" hay "bé sau này có muốn làm nghệ sĩ nổi tiếng không?". Chính những câu chuyện ấy, dần dần giúp chị N bước vào thế giới của con.

Cô bé không giấu diếm nữa, sẵn sàng tâm sự với mẹ đủ chuyện. Từ ấy, chị N gần như nắm bắt được toàn bộ diễn biến tâm lý của con.

 

Trong câu chuyện mỗi ngày, thi thoảng chị N lại kể tiểu sử của một nghệ sĩ nào đó cho con nghe. Tất nhiên, chị đã chọn nhân vật tiêu biểu. Chị bảo "này bé, con biết ca sĩ A không? Cô ấy trước khi nổi tiếng trên sân khấu thì còn là học sinh xuất sắc đấy"...

 

Dần dần, những câu chuyện "đưa đẩy" mà chị N tâm sự với con đã có tác dụng. Cô con gái bắt đầu nói về chuyện học, nào là kiến thức khó, nào là con thấy áp lực khi bị gọi lên bảng... Khi con nói hết, chị N đều tìm cách hóa giải những "nỗi niềm" ấy bằng một câu chuyện "vượt khó".

 

Sau vài tuần "chăm chỉ", chị gợi ý muốn học cùng con và được chấp thuận. Hai mẹ con cùng ngồi học, cứ thế, chỉ trong vào tháng cô bé bắt đầu biến chuyển.

Chị N quan sát thấy con không nhắc nhiều về thần tượng nữa, cháu cũng không còn sợ bị gọi lên bảng, các bài kiểm tra bắt đầu có điểm số cao...

 

Cho tới một ngày, cháu về nhà và bật khóc, chị N hỏi thì cháu bảo con vừa được giải nhất môn lịch sử ở trường. Khoảnh khắc ấy, chị N hiểu rằng mình đã kéo được con ra khỏi cơn "u mê" thần tượng.

Đúng như dự đoán, khi cô con gái gạt được nỗi sợ hãi học tập thì cháu bắt đầu chăm chỉ. Cộng thêm sự khích lệ và đồng hành của chị N, cháu đặt mục tiêu phải thi học sinh giỏi cấp quận.

 

Buổi tối nhận được kết quả giải nhì học sinh giỏi cấp quận, chị N thấy cô con gái lặng lẽ cất những bức ảnh, đĩa nhạc của thần tượng vào chiếc hộp giấy. Kể từ hôm đó, chị N không còn thấy con nhắc về những thần tượng đó nữa.