LA HỐI, THẾ LỮ & CA KHÚC “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ”
Nhạc sĩ La Hối, tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Hội An.
Từ nhỏ, La Hối thông minh, học giỏi và tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Năm 14 tuổi, ông đã chơi được các nhạc cụ mandolin, ghita, accordeon, piano và tự sáng tác các khúc nhạc tươi vui về tuổi học trò để diễn tấu.
Năm 1939 La Hối dạy nhạc và cùng với nhạc sĩ Vương Gia Khương, tác giả bài “Cờ Việt Minh”, thành lập Hội Âm nhạc Hội An do ông là Hội trưởng, tập trung vào hội những thanh niên yêu thích âm nhạc để dìu dắt họ về sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Nhiều học trò của La Hối sau này đã trở thành những nhạc sĩ khá nổi tiếng như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài…
Từ những năm 1939 - 1940, La Hối đã tham gia phong trào chống phát xít Nhật và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh một nhóm thanh niên Hoa Kiều, cơ sở của Đoàn Thanh niên Dân chủ Hội An do các đảng viên Ngô Tam Tư, Huỳnh Đắc Hương lãnh đạo. Khi đó, ban nhạc thuộc Hội Âm nhạc Hội An của La Hối thường diễn tấu các hành khúc cách mạng của Việt Nam, Trung Hoa, Nga để gieo lửa cách mạng vào công chúng.
Vào khoảng tháng 7/1939, nhóm của La Hối tổ chức triển lãm về tội ác của phát xít Nhật và công cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Hoa tại chùa Quảng Triệu, gây chấn động cả Hội An. La Hối và các đồng chí của ông còn tổ chức nhiều hoạt động phá hoại các nơi quân Nhật đồn trú.
Trong thời gian từ 1939 - 1944, La Hối đã viết một số hành khúc hùng tráng cổ động tinh thần yêu nước, ý chí chống phát xít xâm lược. Tiêu biểu là ca khúc “Gió thiêng liêng”
Bản nhạc “Xuân và tuổi trẻ” cũng được nhạc sĩ La Hối viết trong giai đoạn này. Theo bạn bè của La Hối thì ông đã dùng phần dạo đầu của nhạc phẩm này làm ám hiệu liên lạc cho tổ chức kháng Nhật của ông.
Bài hát Xuân và Tuổi trẻ là điệu Valse nhịp 3/4, vui tươi, rộn ràng sôi nổi. Đáng lưu ý là từ nguyên bản, La Hối có viết một đoạn nhạc dạo réo rắt mà thể thức này vẫn thường được sử dụng lại cho dù có qua tay các nhạc sĩ hòa âm phối khí khác nhau đi nữa. Đó là nét độc đáo của bài hát. Nhạc sĩ Phạm Duy trong một bài viết về Tân nhạc Việt có đánh giá về khả năng âm nhạc của La Hối là "hơn người" và "đặc biệt".
Từ năm 1944, hoạt động của La Hối bị bại lộ. Hiến binh Nhật ráo riết truy nã ông.
Tháng 5/1945, ông và 9 đồng chí trong tổ chức bị phát xít Nhật bắt giữ. Sau nhiều ngày giam cầm và tra tấn vô cùng dã man nhưng không hề khai thác được gì, ngày 30/5/1945, bọn Nhật đem hành hình 10 người con thân yêu đó của Hội An chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường Đà Nẵng, nay đã được cải táng về Nghĩa trang Chống phát xít Nhật ở Hội An. Khi ấy ông vừa mới 25 tuổi.
La Hối từ giã cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc một cách đột ngột khi còn quá trẻ và liền sau đó là chiến tranh ly loạn, nên những gì liên quan đến ông, nhất là các sáng tác của ông, hậu thế biết được rất ít.
Cho tới trước lúc hy sinh, La Hối đã sáng tác rất nhiều nhạc đàn và ca khúc nhưng hầu hết các tác phẩm đều được ông gửi cho người con gái ông yêu lưu giữ. Đó là một thiếu nữ Hội An xinh đẹp, làm nghề dạy đàn piano. Sau khi La Hối hy sinh, mọi người không còn thấy thiếu nữ này ở Hội An và cô lưu lạc về đâu, còn sống hay đã mất, cũng không ai được biết. Gia đình nhạc sĩ chỉ lưu giữ được vài sáng tác của ông. May mắn sao trong đó có bản nhạc “Xuân và tuổi trẻ”.
Thực ra, “Xuân và tuổi trẻ” nguyên là một bản nhạc không lời, có đầu đề Pháp ngữ là “Printemps et la Jeunesse” được La Hối viết đầu năm 1944. Sau đó, một người bạn gốc Hoa, thi sĩ Diệp Truyền Hoa, đã đặt lời Hoa với tiêu đề “Thanh niên dữ Xuân thiên” để phổ biến trong cộng đồng Hoa kiều ở Hội An.
Đầu năm 1946, Đoàn Ca Vũ Nhạc Kịch Anh Vũ từ Thủ đô Hà Nội lưu diễn xuyên Việt đến các tỉnh miền Trung và Hội An. Đoàn gồm các thành viên nổi danh như nhà thơ Thế Lữ và vợ, nghệ sĩ Song Kim, các nhạc sĩ: Văn Chung, Bùi Công Kỳ, Nguyễn Xuân Khoát…
Nghe tiếng La Hối đã lâu nên khi đến Hội An, Thế Lữ và các nhạc sĩ đồng hành muốn tìm gặp người nhạc sĩ của Hội An thì được biết La Hối không còn nữa. Đoàn đến thắp hương viếng La Hối, được gia đình ông tặng một số bản nhạc, trong đó có nhạc phẩm “Le Printemps et la Jeunesse”.
Ngay lập tức, Thế Lữ và các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Bùi Công Kỳ đã cảm nhận được đây là một tuyệt phẩm âm nhạc của người quá cố. Xúc động trước tấm gương người nhạc sĩ - liệt sĩ đã hiến dâng tài năng và tuổi trẻ cho đất nước và tác phẩm đầy sức sống của ông, Thế Lữ xin phép gia đình nhạc sĩ đặt lời ca tiếng Việt và dàn dựng nhạc phẩm của La Hối trên sân khấu Đoàn Anh Vũ.
Chỉ trong một đêm thức trắng, hóa thân vào thế giới âm thanh rạo rực, thổn thức, say đắm tình yêu, niềm vui sống hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ trong nhạc phẩm của La Hối, Thế Lữ đã viết xong lời Việt cho bản nhạc, ca từ hoà hợp kỳ lạ với từng nốt nhạc, với giai điệu và tiết tấu của nhạc phẩm:
Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui
sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa
hồng…
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời
Vui sướng đi, cao tiếng ca
mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê
đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời
Xuân thắm tươi
Lời Việt kỳ tài của Thế Lữ đã chính thức biến bản nhạc không lời “Le Printemps et la Jeunesse” của La Hối đã trở thành ca khúc với cái tên “Xuân và tuổi trẻ”. Với phần hoà âm của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, phần vũ điệu do nhạc sĩ Văn Chung biên soạn, cùng với tài năng đạo diễn của nhà thơ Thế Lữ, “Xuân và tuổi trẻ” đã được dựng thành một màn ca vũ hấp dẫn ra mắt trên sân khấu Đoàn Anh Vũ tại Nhà hát Phan Hương, Hội An đầu năm 1946.
Kể từ đó cho đến nay, sau hơn 70 năm, “Xuân và tuổi trẻ”, ca khúc khai sinh từ cuộc “hạnh ngộ” của nhạc sĩ La Hối và nhà thơ Thế Lữ, vẫn luôn trẻ trung, tươi mới, vẫn được coi là một trong những ca khúc Xuân hay nhất, được hát nhiều nhất, mỗi độ Xuân về.
Bài hát: Xuân và tuổi trẻ - La Hối & Thế Lữ - Quỳnh Giao