Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Những mặt thuận lợi và bất lợi của người hướng ngoại

 

NHỮNG MẶT THUẬN LỢI VÀ BẤT LỢI CỦA NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI

 

Người hướng ngoại luôn được xem là nhân tố nổi bật trong mọi tổ chức bởi tính cách nhiệt tình, năng nổ, khả năng giao tiếp khéo léo và luôn linh hoạt trong mọi tình huống.

Chính vì sở hữu những nét tính cách nổi bật, tươi vui, người hướng ngoại dễ gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống và công việc. Thế nhưng, họ cũng phải đối diện với một số điểm bất lợi mà ít ai chú ý đến.

 

MẶT THUẬN LỢI

 

1. Dễ dàng kết bạn

Người hướng ngoại rất giỏi bắt chuyện với người khác. Họ có thể kết bạn với bất kì ai ở những nơi mà họ đến. Ưu điểm của họ là luôn giữ phong thái tự nhiên khi trò chuyện với mọi người, dù cho đó là người lạ, bởi lẽ, điều này nó giúp họ tự tin và cảm thấy vui vẻ hơn, có thể dễ dàng bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không cần dè dặt.

Người hướng ngoại có thể tạo dựng vô số mối quan hệ xung quanh. Dễ dàng kết giao với mọi người là một lợi thế vì nó giúp bạn mở rộng vòng tròn kết nối của mình. Biết thêm một người tức là bạn đang gia tăng cơ hội trưởng thành, phát triển bản thân, học hỏi thêm kinh nghiệm từ họ…

 

2. Người hướng ngoại dễ phát triển, có nhiều cơ hội khám phá và tiếp cận với nhiều lợi ích trong xã hội

Người hướng ngoại có xu hướng dễ tiếp cận và hưởng nhiều phúc lợi xã hội hơn. Lý do rất rõ ràng, bởi vì họ thường xuyên tiếp xúc và gặp gỡ nhiều người, nên họ có nhiều khả năng đón nhận những cơ hội tốt từ xã hội.  

Chẳng hạn, người hướng ngoại luôn chủ động trải nghiệm mọi hoạt động xung quanh mình như: đi đến phòng gym, các buổi biểu diễn, tiệc tùng, các sự kiện thể thao… từ đó, họ có dịp tiếp xúc với nhiều người, học hỏi được nhiều thứ ở nhiều lĩnh vực khác nhau và luôn được chào đón ở những nơi họ thường hay đến.  

 

3. Có nhiều mối quan hệ tốt giúp họ phát triển trong sự nghiệp

Những người hướng ngoại có xu hướng hoạt động rất tốt trong lĩnh vực chính trị, họ có thể làm những công việc như tổ chức sự kiện, thực hiện các chiến dịch, vận động bầu cử hay thể hiện sức ảnh hưởng của mình trước công chúng…  Vì quen biết nhiều người và có tính cách dễ hòa nhập, người hướng ngoại luôn có đủ nguồn nhân lực để giúp họ tiến xa hơn trên con đường mình đã chọn. 

 

Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh, với tính cách cởi mở và khả năng giao tiếp khéo léo, người hướng ngoại dễ dàng tạo dựng nhiều mối quan hệ, giúp họ dễ dàng học hỏi tri thức mới hay hợp tác cùng bạn bè, đối tác và tạo ra nhiều cơ hội giúp gia tăng thu nhập của mình.

Trong lĩnh vực kinh doanh, yếu tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, việc tương tác và kết nối với nhiều người giúp người hướng ngoại tận dụng những mối quan hệ sẵn có để phát triển sự nghiệp.

 

4. Có khả năng nói chuyện trôi chảy và truyền đạt tốt

Người hướng ngoại không cảm thấy e ngại trước đám đông và có thể thoải mái trình bày, diễn đạt một cách trôi chảy các ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không cần chuẩn bị trước. Họ rất giỏi ăn nói, từ đó tạo ra bầu không khí gần gũi trong các cuộc trò chuyện và tạo được nhiều thiện cảm với mọi người.

 

5. Người hướng ngoại rất dễ đoán

Vì người hướng ngoại dễ dàng bày tỏ những mong muốn cũng như suy nghĩ của mình mà không cần phải vòng vo, dè dặt hay ngại ngùng nên mọi người xung quanh cảm thấy rất gần gũi và dễ làm việc cùng với họ. Những người hướng ngoại được cho là khá dễ đoán. Nếu bạn gặp mâu thuẫn hoặc bất hòa với người hướng ngoại, chỉ cần bạn lắng nghe, quan sát họ và hiểu được mong muốn của họ, bạn sẽ giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng.

 

MẶT BẤT LỢI

 

1. Khó xây dựng mối quan hệ thân mật

Dù người hướng ngoại có rất nhiều bạn nhưng đa số mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức xã giao. Họ có thể có nhiều người quen, nhưng những kết nối sâu sắc thì không hẳn. Rất khó để người hướng ngoại có thể tạo dựng những mối quan hệ ý nghĩa bởi lẽ họ luôn có nhiều cơ hội để gặp gỡ và tiếp xúc với những người mới.

Vì thế, để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống, bên cạnh việc mở rộng các mối quan hệ, người hướng ngoại nên dành thêm thời gian để kết nối và duy trì các mối quan hệ thân thiết với mình.

 

2. Ít được tin cậy hơn

Về bản chất, người hướng nội thường được tin cậy hơn vì họ khá tỉ mỉ, thận trọng. Dĩ nhiên, vẫn có những người hướng ngoại kín đáo và đáng tin, nhưng bởi tính cách xởi lởi và quảng giao, nhiều người có xu hướng e dè khi chia sẻ những câu chuyện hay bí mật của bản thân với họ. 

Nếu bạn là một người hướng ngoại và thường gặp phải vấn đề này, hãy giao tiếp một cách chân thành, giữ uy tín để mọi người không chỉ cảm thấy bạn là một người năng nổ, thân thiện mà còn rất đáng tin cậy để có thể tâm sự và sẻ chia.

 

3. Dễ mắc những sai lầm không đáng có

Bởi vì người hướng ngoại luôn nhanh nhẹn trong lời ăn, tiếng nói và trong cả những hoạt động thường ngày nên họ rất dễ mắc phải những sai lầm không đáng có. Đôi lúc, họ cảm thấy hối hận vì đã không suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi hành động hoặc đưa ra một quyết định nào đó.

 

4. Có thể gặp một số rủi ro từ bên ngoài 

Nếu như người hướng nội thường ở nhà để tự nạp lại năng lượng cho bản thân, thì người hướng ngoại tìm kiếm niềm vui và sự thoải mái trong các hoạt động ngoài trời. Càng dành nhiều thời gian ở bên ngoài bao nhiêu, họ càng gặp nhiều rủi ro bấy nhiêu. Với cá tính thích phiêu lưu và ưa di chuyển, người hướng ngoại cũng có thể gặp nhiều rủi ro trong những cuộc hành trình của mình. 

 

5. Cảm xúc dễ bị chi phối bởi người khác

Hạnh phúc đối với một người hướng ngoại có thể phụ thuộc vào những người xung quanh. Họ thường cảm thấy vui vẻ khi được tham dự những buổi tiệc tùng hay họp mặt, nhưng nếu điều đó không xảy ra trong một khoảng thời gian dài vì một lý do nào đó, người hướng ngoại rất dễ cảm thấy buồn chán, mất động lực và ít có khả năng tự hồi phục như người hướng nội.

Mặt khác, do tính cách dễ hòa nhập với đám đông, người hướng ngoại có thể vô tình làm bạn với những người xấu và điều này có tác động vô cùng tiêu cực đến cuộc sống của họ.

 

Elle.vn

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Từ học trò nghèo đến “hacker mũ trắng” hàng đầu thế giới


TỪ HỌC TRÒ NGHÈO ĐẾN “HACKER MŨ TRẮNG” HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

 

Năm 2010, cái tên Phạm Văn Khánh đã được nhiều bạn trẻ biết đến như một tấm gương về sự vượt khó khi trở thành thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm 29,5.

 

Phạm Văn Khánh sinh năm 1992 trong một gia đình nghèo của thôn An Cư, Trầm Lộng, Ứng Hòa, Hà Nội. Bố mẹ đều làm nông nghiệp, thu nhập gia đình chỉ trông vào vài mẫu ruộng.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã có lúc Khánh tưởng phải nghỉ học. Vì thế, dù có niềm yêu thích đối với máy tính, nhưng Khánh ít được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ.

Việc trở thành thủ khoa của Trường ĐH Bách khoa đã tựa như một bước ngoặt đối với cuộc đời Khánh. Đặc biệt là lần đầu tiên, Khánh được tặng, sở hữu một chiếc máy tính – điều Khánh khao khát suốt những năm tháng học trò.

 

Năm thứ ba đại học, Khánh đã ứng tuyển, trở thành thực tập sinh tại Viettel, kiếm được tiền đỡ đần gia đình. Tốt nghiệp lớp Cử nhân tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội, vượt qua các vòng thi tuyến gắt gao, Khánh trở thành nhân viên chính thức của Vietel.

Liên tiếp trong 3 năm, từ 2019 - 2021, Khánh lọt vào top 100 chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới do Microsoft vinh danh. Trong đó, năm 2020 Khánh đứng thứ 19 ở bảng xếp hạng. 

 

Hàng chục lần Khánh phát hiện các lỗ hổng lớn trên các nền tảng của Microsoft như Microsoft Exchange, Microsoft Dynamic, IIS. Việc này đã giúp Khánh giành chiến thắng góp phần đưa đội Việt Nam đoạt thành tích thứ 4/23 đội tranh tài ở cuộc thi tấn công mạng Pwn2Own 2021. Đây là cuộc thi lớn, có uy tín với sự tham gia của các chuyên gia bảo mật toàn cầu, mức thưởng lên đến hàng triệu USD.

Khánh cũng là người Việt Nam đầu tiên phát hiện ra lỗ hổng bảo mật của Facebook, được Facebook công nhận và trao thưởng 6.000 USD.

 

Có thể làm được những việc phi thường khi có tình yêu

Hiện tại, Phạm Văn Khánh là chuyên viên chính phòng An ninh mạng ứng dụng hệ thống, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security -VCS) - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

 

Mỗi ngày, chàng "hacker mũ trắng" này cùng các đồng nghiệp nghiên cứu tìm kiếm, cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thông tin dữ liệu, bảo mật trên các sản phẩm, dịch vụ phần mềm của Tập đoàn, khách hàng và nhiều hãng trên thế giới. Đồng thời thường xuyên có những cuộc diễn tập để tìm ra các “lỗ hổng” của hệ thống giả định.

 

Khi được hỏi về con đường đưa tới thành công, Khánh cho biết hầu như không có bí quyết gì đặc biệt mà chỉ là “khi đã yêu thì sẽ hết mình”. Khánh mô tả công việc an ninh mạng giống như những bác sĩ, hằng ngày hằng giờ nghiên cứu với mục đích “tìm và chữa đúng bệnh”.

 

Đây là công việc khó, nhiều áp lực, đòi hỏi sự kiên trì, tập trung và chịu được áp lực, cường độ cao trong công việc, đồng thời phải chấp nhận sự đánh đổi về sức khỏe, thời gian dành cho sở thích cá nhân, gia đình.

Nhưng nhờ có đam mê mà Khánh có thể vượt qua được những khó khăn. Nhiều đêm Khánh làm việc xuyên đêm, ăn ngủ tại trụ sở.

“Bạn có thể làm được những việc phi thường khi có tình yêu, niềm đam mê với công việc”, Khánh chia sẻ.

 

Theo Khánh, an ninh mạng hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có áp lực, cạnh tranh. Tuy nhiên, Khánh không ngại cạnh tranh, ngược lại, còn mong có được điều đó, nhất là với bạn bè quốc tế. Bởi mỗi kết quả họ đạt được sẽ thôi thúc bản thân Khánh không ngừng nỗ lực vươn lên.

 

Với những thành công trong công việc, Khánh đã nhận được nhiều lời mời tuyển dụng từ các công ty, trong đó có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, Khánh đã lựa chọn ở lại, dù biết rằng điều kiện làm việc ở nước ngoài tốt hơn so với ở trong nước.

Bởi theo Khánh, trong lĩnh vực bảo mật, an ninh mạng, ở trong nước vẫn có thể tiếp cận được các công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, còn là niềm tự hào khi được đóng góp cho quê hương.

Nếu làm việc tại Việt Nam mà đạt kết quả tầm thế giới thì ý nghĩa hơn, tự hào hơn so với việc ra ngoài nước làm việc và đóng góp cho những công ty nước ngoài”, Khánh chia sẻ.

 

Chàng “hacker mũ trắng” Phạm Văn Khánh chia sẻ, rất vui đạt được dấu mốc trong công việc khi lọt top 100 do Microsoft công bố, nhưng anh tiếp tục hướng tới mục tiêu cao hơn. “Chẳng hạn như cuộc thi Pwn2Own có mức độ cạnh tranh cao hơn, số lượng giải thưởng ít hơn”, Khánh chia sẻ.

 

UNESCO công nhận Cao Lãnh là “Thành phố học tập toàn cầu”


UNESCO CÔNG NHẬN CAO LÃNH LÀ “THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU”

Hiện nay có hơn một nửa dân số thế giới đang tập trung tại các khu đô thị. Và con số này sẽ được dự đoán còn tăng lên nữa, chạm mốc 60% vào năm 2030. Sự tăng trưởng của các khu vực thành thị cũng được các quốc gia đặc biệt quan tâm, bên cạnh những chú ý liên quan tới gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và duy trì sự bền vững.

Với những mục tiêu đó, chiến lược học tập suốt đời vì sự phát triển đô thị toàn diện bền vững ra đời, như một chìa khóa để giải quyết các thách thức còn tồn tại.

Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UNESCO Institute for Lifelong Learning), một trung tâm nghiên cứu xuất sắc về học tập suốt đời, đã tiến hành xây dựng “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO” vào năm 2012. Mạng lưới này cho phép các thành phố tăng cường trao đổi quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, cũng như các kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng một “thành phố học tập”.

Giải thưởng “Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO” sẽ được trao cho các thành phố đạt được tiến bộ đột phá với các nền tảng:

1. thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản tới đại học một cách bình đẳng cho mọi người,

2. thúc đẩy học tập trong gia đình và trong cộng đồng,

3. tạo điều kiện học tập phục vụ công việc và tại nơi làm việc,

4. mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại,

5. tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập,

6. thúc đẩy văn hóa học suốt đời.

Việc thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu giúp cho người dân thành phố có những cơ hội thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới; tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO nhằm cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO.

Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín của một thành phố. với sự gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và duy trì sự bền vững.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: “Các thành phố học tập mới được UNESCO công nhận gần đây đều rất xứng đáng, bởi trình độ chuyên môn tuyệt vời cũng như những nỗ lực triển khai cam kết biến quyền lợi học tập thành hiện thực cho mọi công dân ở bất kể lứa tuổi nào”.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, chia sẻ thêm: “Giải thưởng được trao lần đầu tiên vào năm 2015, vinh danh 2 năm/lần.

Đến nay Việt Nam đã có 5 thành phố học tập toàn cầu. (Hải Dương và Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Sa Đéc và Vinh (2020) và Cao Lãnh (2022)”.

Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” lần này cũng ghi nhận sự xuất hiện của Pháp với của ba thành phố bao gồm Sarcelles, Brest và Nanterre.

 

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Các đạo lý của Trang Tử dưới đây sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm


CÁC ĐẠO LÝ CỦA TRANG TỬ DƯỚI ĐÂY SẼ KHIẾN CHÚNG TA PHẢI SUY NGẪM

 

* Cái lợi chỉ là những thứ phù phiếm mà nhiều người phải dồn bao tâm sức để giành nó.

Thế nhưng, đời người ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng mấy chục năm thôi, có khác nào một giấc mơ đâu. Vì vậy, chúng ta cần phải biết cách trân trọng những thứ đáng quý, buông bỏ những tranh chấp vô nghĩa, quên hết bao phiền muộn sầu lo để được sống một cuộc đời thảnh thơi, vui vẻ.

 

* Người phàm đều thích người khác đứng về phía mình và ghét những kẻ chống lại mình.

Sống ở trên đời ai mà chẳng thích nghe lời ngon tiếng ngọt, chẳng có người nào thích nghe những lời chê bai hay phản bác ý kiến của mình cả, đây là một chuyện rất thường tình. Thế nhưng "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng", có những lời phê bình xuất phát từ đáy lòng sẽ rất có lợi cho chúng ta và chúng ta nên học cách tiếp thu.

Hầu hết những con người kiệt xuất đều dũng cảm đối mặt với đủ mọi lời chê bai hay hàng loạt ý kiến phản bác của người khác.

 

* Người có tài chẳng cần nói nhiều, chỉ có những kẻ bất tài vô dụng mới hay khoe khoang, thể hiện.

Một người thông minh sẽ chẳng bao giờ phải mất công trình bày này nọ hay chứng minh điều gì bằng lời nói, bởi "người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo". Còn đối với những kẻ mồm năm miệng mười, luôn thích thể hiện mình giỏi, ra vẻ ta đây thường sẽ rơi vào tình trạng "nói dài, nói dai thành nói dại" và sớm muộn gì cũng sẽ phải "hiện nguyên hình" mà thôi.

Đôi khi lời nói sẽ bộc lộ sự hiểu biết và trí tuệ của con người, nhưng có những lúc trầm mặc lại thể hiện được sự uyên thâm, chín chắn của họ.