Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Bản chất của con người là thiện hay ác?


BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI LÀ THIỆN HAY ÁC?

Hơn 2500 năm trước, Đạo Khổng – Mạnh đã trả lời rành mạch: “Nhân chi sơ tính bản thiện” – Con người sinh ra vốn có bản tính thiện.
Nhưng hơn hai trăm năm sau, Tuân tử lại nêu lên học thuyết về “tính ác”, khẳng định bản chất con người là ác, vì ác nên mới cần phải giáo hoá.

Trên thực tế, học thuyết của Khổng tử đã thắng thế tại Đông phương. Trong mỗi người Việt Nam chúng ta, ít hay nhiều đều đã chịu ảnh hưởng của Khổng giáo (Nho giáo). Tuy nhiên, học thuyết của Sigmund Freud trong thế kỷ 20 về cái Eros và Thanatos lại phù hợp với tư tưởng của Tuân tử.

Thậm chí trên thế giới ngày nay, đặc biệt tại Mỹ, nhiều dự án nghiên cứu tội phạm học chủ trương tìm kiếm gien tội phạm, tức là đang vô tình tìm cách xác minh luận điểm của Tuân tử bằng thực nghiệm.

Vậy đâu là sự thật? Học thuyết nào đúng?
Sống trong một nền văn hoá pha trộn ảnh hưởng của Nho giáo truyền thống với các trào lưu tư tưởng Tây phương hiện đại, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào tình trạng do dự nước đôi. Nhưng Francois Julien, một triết gia Pháp hiện đại, trong cuốn “Xác lập cơ sở cho đạo đức”[1], đề nghị phải có một câu trả lời dứt khoát.
Loạt bài “Luận về bản tính thiện/ác” là một cuộc lội ngược dòng lịch sử từ Sigmund Freud tới Tuân tử, Khổng tử, suy ngẫm những kiến giải sâu sắc của cổ nhân kết hợp với thực tiễn xã hội ngày nay để từ đó đi tới một câu trả lời dứt khoát về bản tính con người.

Học thuyết của Freud về Eros và Thanatos

Sigmund Freud (1856-1939) là một trong những nhà khoa học được liệt kê trong cuốn “On Giants’ Shoulders” (Đứng trên vai những người khổng lồ) của Melvyn Bragg, bên cạnh những tên tuổi vĩ đại khác như Archimedes, Galileo Galilei, Isaac Newton, Henri Poincaré, Albert Einstein.
Công lao chủ yếu của Freud là khám phá ra vô thức (unconsciousness) như tầng tư duy nền tảng định hướng mọi hành vi của con người.
Khám phá này được coi như một cuộc cách mạng trong nhận thức về bản chất của hành vi, bởi trước đó nền văn minh có xu hướng đề cao ý thức như phần tư duy chủ yếu của con người.

Con người luôn tin rằng mình hơn hẳn loài vật ở chỗ có ý thức. Ý thức là tầng tư duy vượt lên trên bản năng, kiềm chế bản năng. Loài vật hành động thuần tuý theo bản năng. Vì thế ý thức phải là tư duy đặc trưng của con người, chỉ loài người mới có. Ý thức là đặc ân của Thượng đế ban phát cho loài người.
Nhưng Freud kéo loài người về vị trí khiêm tốn hơn: tư duy chủ yếu quyết định hành vi thực ra không phải là ý thức, mà là vô thức.

Vô thức là gì? Đó là trạng thái tư duy dẫn tới những lời nói và việc làm mà không biết rõ mình đang nói gì, làm gì. Nói cách khác, đó là tình trạng tư duy theo bản năng, không có sự can thiệp của lý trí, hoặc lý trí quá yếu, không thể chế ngự hành vi.
Ngủ mê là một biểu hiện rõ nhất của vô thức. Có những người ngủ mê đang giải một bài toán rắc rối, tranh luận hung hăng, lập luận lộn xộn, vừa logic vừa phi logic. Có những giấc mơ kỳ lạ như giấc mơ của Mendeleev: nhờ ngủ mê mà khám phá ra Bảng nguyên tố tuần hoàn.

Mặc dù đến nay người ta chưa biết bản chất của vô thức là gì – một ẩn số vĩ đại của Tự Nhiên – nhưng sự tồn tại của vô thức là điều không ai còn tranh cãi. Freud khẳng định sự hiện hữu của vô thức, phân biệt nó một cách rành mạch với ý thức mà bao lâu trước đó người ta vẫn còn lẫn lộn. Ông nói: “Tinh thần, bất kể bản chất nó có thể là cái gì, bản thân nó là vô thức”[2].

Muốn tìm hiểu vô thức, hãy tìm hiểu các giấc mơ. “Giấc mơ thường sâu nhất khi nó điên rồ nhất”, Freud nói.

Tuy nhiên vô thức không chỉ hoạt động trong giấc mơ, mà hoạt động ngay cả khi ta tỉnh thức. Nói một cách bóng bẩy, nếu coi vô thức là “tư duy trong mơ” thì cuộc đời quả thật là một giấc mơ, một ảo mộng, một ảo ảnh, một kiếp phù du, một kiếp tạm bợ, … bởi vì theo Freud, vô thức choán hầu hết tư duy của con người. Vô tình, tư tưởng về vô thức của Freud đã giải thích thuyết vô minh của Phật giáo – con người chủ yếu sống theo bản năng nên nói chung là vô minh. Theo Phật giáo, ý nghĩa của kiếp sống là tu luyện để thoát khỏi vô minh (giác ngộ).

Một người suốt ngày chỉ biết tất bật chạy chợ làm ăn là một người tư duy chủ yếu bằng vô thức. Kiếm được nhiều tiền thì hỉ hả, không kiếm được tiền thì buồn lo, ấy là vô minh. Tuy nhiên, ngay cả những “bậc chữ nghĩa đầy mình”, bề ngoài ta tưởng họ tư duy chủ yếu bằng ý thức, nhưng thực ra phần lớn cũng hành động theo vô thức.
Chẳng hạn, một nhà khoa học tham gia vào việc sản xuất bom hạt nhân. Ông ta là một người có học, thừa trí tuệ để giải quyết những bài toán khoa học và kỹ thuật phức tạp, nhưng có thể hoàn toàn vô thức về ý nghĩa của công việc mình đang làm. Những khái niệm về đạo đức vốn thuộc về ý thức, nhưng không đủ mạnh để ngăn trở ông ta tham gia vào một công việc mang tính chất chống nhân loại.

Khi ấy, cái vô thức hướng dẫn ông ta lao vào làm việc say mê. Sự hướng dẫn này có thể xuất phát từ những bản năng rất thô sơ – bản năng sinh tồn (kiếm tiền), bản năng bầy đàn (người khác làm thì mình cũng làm), bản năng phục tùng trong bầy đàn (làm theo sự chỉ huy của cấp trên), hay thậm chí cao cấp hơn là bản năng thoả mãn trí tò mò (bản thân trí tò mò vẫn chỉ là bản năng. Nếu nó dẫn tới một hành vi có lợi thì sẽ được gọi là khát vọng sáng tạo. Ngược lại thì không đáng được gọi như thế).

Hãy suy ngẫm về trường hợp Werner Heisenberg[3], cha đẻ của Nguyên lý Bất định nổi tiếng trong Cơ học lượng tử, từng là Giám đốc chương trình chế tạo bom nguyên tử của Đức quốc xã trong Thế chiến II. Có vẻ như nghịch lý khi gán cho một nhà bác học xuất chúng như Heisenberg cái “tội” vô thức hoặc vô minh. Nhưng nếu không kết tội như thế thì chẳng lẽ nói rằng Heisenberg cam tâm phục vụ Hitler sản xuất bom nguyên tử là một hành động xuất phát từ ý thức hay sao?

Điều đáng tiếc là cho đến nay giới học thuật khoa bảng vẫn né tránh việc nhắc đến sai lầm của Heisenberg. Có lẽ vì truyền thống trọng vọng những người tài giỏi uyên bác đã ngăn cản họ phê phán Heisenberg. Nếu vậy thì bản thân thói sùng bái này cũng là vô thức và vô minh.

Tất nhiên không phải nhà bác học nào cũng như Heisenberg. Albert Einstein là một tâm hồn nhân bản sâu sắc khi ông lên tiếng mạnh mẽ chống đối vũ khí hạt nhân. Nhưng có bao nhiêu nhà khoa học có tinh thần nhân bản mạnh mẽ như Einstein? Có bao nhiêu nhà khoa học có ý thức rõ ràng về công việc mình đang làm?

Nếu tất cả các nhà khoa học đều có ý thức mạnh mẽ về lương tri thì tại sao thế giới lại hiện hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đủ sức xoá sạch 6 lần bản đồ thế giới? Tại sao có vũ khí sinh học, hoá học? Tại sao có không biết bao nhiêu phương tiện huỷ diệt khác?

Vào thời của Freud, thế giới thô sơ hơn hiện nay rất nhiều, nhưng bản chất con người chẳng khác gì hôm nay. Freud nhìn thấu bản chất ấy và nhận ra hai xu hướng bản năng đối lập mà ông gọi là Eros và Thanatos[4]:

– Eros là một từ gốc Hy-Lạp, Ἔρως, được Freud sử dụng để biểu thị cái “libido” hoặc bản năng sống hướng tới thoả mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn. Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi, … là những thứ ham muốn nằm trong cái Eros nói chung. Những ham muốn này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Đối lập với bản năng sinh tồn là bản năng Thanatos.

– Thanatos cũng là một từ gốc Hy-Lạp, Θάνατος, dịch ra tiếng Anh là “death wish”. Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn huỷ hoại” – một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, huỷ hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống.

Biểu lộ thấp nhất của cái Thanatos là thói tự ái, nóng giận, nổi khùng mà ai cũng có thể có. Rất nhiều đổ vỡ trong hôn nhân hay trong quan hệ giữa người với người nói chung xuất phát từ những cơn tự ái bất chấp. Đó là lúc bản năng Thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn của Thanatos. Thù oán, giận dữ đến mức giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.

Cả hai bản năng nói trên không chỉ tồn tại trong từng cá thể, mà có thể tồn tại ngay cả trong một cộng đồng xã hội, tạo nên một xu thế sống trong cộng đồng đó. Những vụ tự tử tập thể là một bằng chứng.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bề ngoài được che đậy bởi mục tiêu tôn giáo, nhưng thực chất cũng là một biểu hiện của cái Thanatos lên tới cực điểm. Có thể chỉ ra hàng đống ví dụ khác để thấy vai trò của Thanatos tác động tiêu cực đến xã hội loài người như thế nào.

Tất nhiên bản năng vô thức bị kiềm chế bởi lý trí – ý thức làm cho con người hơn hẳn con vật. Nhưng khả năng kiềm chế của lý trí lớn đến đâu? Lý trí có thể chiến thắng bản năng Eros và Thanatos hay không? Đây chính là câu hỏi khó nhất và cũng là quan trọng nhất khi nhận định về tương lai của nền văn minh. Nếu lý trí thắng, nền văn minh sẽ tiến lên. Nếu bản năng thắng, nền văn minh sẽ sụp đổ.
Thực tế cho thấy tuỳ theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, từng cá nhân mỗi con người hoặc từng xã hội, khả năng và mức độ kiểm soát của lý trí đối với bản năng Eros và Thanatos là khác nhau.

Có những xã hội cũng hành động điên rồ như những cá nhân tội phạm. Chủ nghĩa quốc xã Đức là cái gì nếu không phải là một tập thể hành động theo cái Eros (tranh giành quyền lợi) và Thanatos (tiêu diệt người Do Thái, lập nên những trại tập trung, lò thiêu người, …).

Những mồ chôn tập thể của Khơ-Me đỏ những năm 1970 hay của Gaddafi mới được phát hiện trong Tháng 9/2011 vừa qua là cái gì nếu không phải là kết quả của một nền chính trị bị chi phối bởi những con quỷ Eros và Thanatos?

Đôi khi những con quỷ ấy bị nguyền rủa như một thứ “bản năng dã thú” hay “bản năng súc vật”. Sự nguyền rủa này có phần oan uổng cho loài vật, vì thú dữ chỉ dữ khi chúng đói hoặc bị tấn công. Khi chúng được ăn no, chúng trở nên hiền lành đến mức có thể sai bảo. Đó là bí quyết của các môn xiếc động vật. Nói cách khác, bản năng của động vật là có giới hạn, và giới hạn này do Tự Nhiên quy định, đó chính là luật cân bằng sinh thái.

Chỉ có con người mới phá vỡ luật cân bằng sinh thái, đơn giản vì cái Eros và Thanatos ở con người không có giới hạn, đúng như ngạn ngữ Việt Nam đã nói: “Lòng tham không đáy!”. Thật vậy, cái Eros của con người vượt xa con vật. Đã có 1 tỷ đô-la lại muốn có 10 tỷ, bỏ ngoài tai lời tâm sự của Warren Buffet [5]: “Khi tôi đã có 1 tỷ, mọi đồng tiền kiếm thêm đều vô nghĩa”.

Trong hơn 6 tỷ người trên trái đất, có bao nhiêu người thấm thía ý kiến của Honoré de Balzac trong “Tấn trò đời”: “Đằng sau những tài sản kếch xù đều là máu và nước mắt”?

Bao nhiêu người lắng nghe Lão tử: “Hoạ mạc đại ư bất tri túc; cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ” (Không cái hoạ nào lớn hơn là không biết tri túc; không sai lầm nào lớn hơn là tham lam. Cho nên kẻ biết cái đủ là đủ thì không bị nhục và bao giờ cũng thấy đủ)?[6]

Vì thế không ngạc nhiên khi thấy Sigmund Freud, ngay từ năm 1930, trong tác phẩm “Civilization and Its Discontents”[7] (Nền văn minh và sự bất mãn của nó), đã sớm có một cái nhìn đầy bi quan về mối quan hệ xung đột giữa nền văn minh với chính chủ thể sáng tạo ra nền văn minh đó: Nền văn minh muốn tiến lên để đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng luôn luôn bị chệch hướng và thậm chí bị huỷ hoại bởi cái Eros và Thanatos.

Freud đáng được thông cảm, bởi ông đã chứng kiến cuộc Thế chiến I. Ở một mức nào đó, cảm nhận của ông về tương lai của nền văn minh nhuốm vẻ tiên tri – chưa bao giờ xã hội loài người lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng như hiện nay: mất cân bằng sinh thái; chiến tranh khu vực; khủng bố; suy đồi đạo đức; khủng hoảng tội ác; đám mây hạt nhân treo lơ lửng trên bầu trời; bất công xã hội lên đến mức vô đạo (90% của cải vật chất tập trung vào 5% dân số thế giới, bất chấp ngót 1,5 tỷ người đang sống nghèo đói và bệnh tật); v.v.

Bình luận về vấn đề này, học giả David Peat viết[8]:
“Lý trí, cái vốn được coi là nền tảng chắc chắn của một xã hội, thực ra chỉ là bề nổi của một đại dương vô thức mênh mông – một tầng tâm lý nằm sâu bên dưới, ẩn giấu những khát vọng điên cuồng và những cơn bốc đồng thôi thúc.

Sức mạnh của cái vô thức này thường xuyên đe doạ nổ tung trong cuộc sống tỉnh thức của chúng ta…

Theo Freud, tình trạng căng thẳng này là không thể giải quyết được, do đó không bao giờ có thể có một xã hội thật sự lý tưởng, cũng như không bao giờ có một hạnh phúc và sự hài hoà thuần khiết của con người. Có lẽ đây là lý do căn bản để sự cùng khốn, bất công xã hội, và sự bất bình đẳng chính trị châm ngòi cho sự bùng nổ bạo lực và những căng thẳng xã hội.

Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của những căng thẳng đó chính là cái Thanatos – trạng thái muốn huỷ hoại được phóng chiếu lên các quốc gia, các nhóm sắc tộc, và các cá nhân. Vì cái Eros và Thanatos không thể hoà giải được với nhau nên tội lỗi của con người và sự thiếu vắng của một hạnh phúc trọn vẹn là điều khó tránh.

Tất cả mọi hình thái của nền văn minh, từ nền tảng cốt lõi của chúng, đã là một sự đối kháng đối với xu thế bản năng và khát vọng căn bản nhất của chúng ta”.

Đáng tiếc là Freud có một số quan điểm thái quá khi bàn đến bản năng dục vọng, vì thế số người chống đối ông không ít (bao gồm cả tác giả bài viết này). Cách nhìn bi quan của ông về con người và tương lai của nền văn minh cũng khiến một số người kết tội ông là hạ thấp gía trị của con người, thiên về cái xấu của con người thay vì đề cao giá trị của ý thức.
Tuy nhiên, sẽ có ý nghĩa tích cực nếu ta coi ý kiến của Freud như những lời cảnh tỉnh. Chẳng hạn, ông nói: “Cái tôi không phải là ông chủ trong căn nhà của chính nó” (The ego is not master in its own house), đại ý ông muốn nói: thay vì làm chủ được chính mình, con người chỉ là những tên nô lệ của bản năng mà thôi. Nhận định này có thể đúng với người này, sai với người khác.

Nhưng người nào càng tự phụ cho rằng ý thức của mình mạnh hơn bản năng, người ấy càng có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của bản năng nhiều hơn.

Cảm nhận bi quan của Freud về tương lai của nền văn minh có thể là sai, và mong rằng nó sẽ sai, nhưng đó là tiếng chuông cảnh báo để tất cả chúng ta phải tỉnh thức!

GS Phạm Việt Hưng

Chú thích:
[1] “Xác lập cơ sở cho đạo đức”, Francois Julien, bản dịch tiếng Việt của Hoàng Ngọc Hiến, NXB Đà Nẵng, năm 2000.
[2] Những ý kiến của Freud trích dẫn trong bài này có thể tìm thấy trên trang mạng:
http://www.brainyquote.com/quotes/authors/s/sigmund_freud.html
[3] Xem loạt bài “Chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Đời sống từ 27/06/2005 đến 15/07/2005, hoặc trên các trang mạng: 
http://vietsciences.free.fr/ và https://viethungpham.wordpress.com/

[4] Eros và Thanatos là hai nhân vật đối lập trong thần thoại Hy-Lạp: Eros là vị thần của sắc đẹp, tình yêu nhục dục và sự sinh sản; Thanatos là thần chết.

[5] Đại tỷ phú Mỹ, tuyến bố sẽ hiến tặng hầu hết tài sản cho từ thiện sau khi ông mất. Ngay bây giờ ông đã hiến tặng một phần đáng kể tài sản. Ông kêu gọi các tỷ phú khác cũng làm như ông. Ông đang sống trong một căn nhà bình dân, đi một chiếc xe bình dân như mọi người bình dân khác.
[6] Đạo Đức Kinh, Lão tử, NXB Văn học, 2001, trang 58.
[7] Xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức dưới tiêu đề “Das Unbehagen in der Kultur” (Sự bất ổn trong nền văn hoá), được xem là một trong những công trình quan trọng nhất và được phổ biến rộng rãi nhất của Freud.
[8] Xem “From Certainty to Uncertainty”, David Peat, Joseph Henry Press, Washington, D.C., 2002



 

 

 

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Cụ ông 90 tuổi lập thư viện cộng đồng gìn giữ văn hóa đọc

 

CỤ ÔNG 90 TUỔI LẬP THƯ VIỆN CỘNG ĐỒNG GÌN GIỮ VĂN HÓA ĐỌC

 

U90 xin sách lập thư viện cộng đồng

 

Năm 2012, TP. Bắc Giang có chủ trương thành lập thư viện tại các xã, cụ Đào Quang Huy là giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu, thôn Song Khê 1 (xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã đứng lên nhận nhiệm vụ trông coi, phát triển thư viện.

 

Sau gần 10 năm duy trì hoạt động, đến nay thư viện đã có đến hơn 12 nghìn đầu sách các loại như sách văn học, lịch sử, y tế, khoa học – kỹ thật, nông nghiệp và cả sách dành cho người khiếm thị.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Huy tâm sự, bản thân là giáo viên về hưu nhưng nhiệt huyết với nghề giáo vẫn còn. Không thể đứng lớp giảng dạy nhưng cụ luôn muốn giúp ích cho giáo dục, đứng ra gây dựng thư viện để các cháu thường xuyên đến, củng cố thêm kiến thức.

 

 Dù đã cao tuổi nhưng cụ Đào Quang Huy vẫn miệt mài với sự nghiệp truyền bá tri thức tới cộng đồng.

 

Những ngày đầu thành lập thư viện, cụ Huy đã đạp xe rong ruổi hết làng trên xóm dưới, mua lại những cuốn sách, báo cũ vẫn còn sử dụng được.

"Nhiều người họ thấy tôi già nhưng vẫn nhiệt huyết với công việc, họ lại bán rẻ theo cân, có nơi họ biết thì cầm mang đến ủng hộ cho thư viện”, cụ Đào Quang Huy tâm sự.

Lúc đầu khi nhận công việc trông coi phát triển thư viện sách, con cháu trong gia đình can ngăn vì tuổi cao, sức yếu muốn tôi được nghỉ ngơi. Nhưng vì quyết tâm yêu nghề giáo, đến giờ mọi người gia đình cũng hiểu và đồng tình.

 

“Nhớ những ngày đầu thành lập thư viện sách, lúc đó thanh thiếu niên trong xã cũng rất ít đến để đọc sách. Tôi quan sát thấy, thanh thiếu niên đa phần chỉ chăm chú vào game với điện thoại, kĩ năng đọc sách, trau dồi kiến thức rất ít. Từ đó tôi cùng với các thầy cô trên trường, tuyên truyền, vận động để các em đến thư viện tìm và đọc sách", cụ Huy chia sẻ.

 

Biết được việc làm ý nghĩa của cụ Huy, mới đây, nhân Ngày hội sách và văn hóa đọc tỉnh Bắc Giang tổ chức, Nhà sách Tiền Phong cũng tặng thư viện 300 đầu sách để góp vào thư viện.

Đến nay, thư viện cũng đã có khoảng 12.500 đầu sách, với lượng độc giả nhất định. Với lượng người đọc ngày càng nhiều, thư viện cũng có dự định mở rộng thêm diện tích, sửa sang lại cho thêm phần khang trang.

 

Gìn giữ văn hóa đọc

 

Thời gian mở cửa của thư viện từ 7h30 – 17 h vào các ngày thứ ba, thứ năm và Chủ nhật hàng tuần, phục vụ cả đọc tại chỗ và mượn về. Vào những thời gian khác, ai có nhu cầu, chỉ cần gọi điện, gọi cổng cụ cũng sẵn sàng mở cửa đón tiếp.

 

Những ngày nghỉ hè vừa qua, để không bị quên kiến thức, em Nguyễn Thu Thủy - học sinh Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), ngày ngày lên thư viện cộng đồng tại xã Song Khê để mượn, đọc và tìm hiểu những cuốn sách mình yêu thích, cũng như củng cố thêm kiến thức của bản thân.

Thu Thủy cho biết, nhiều năm nay, em coi thư viện như là ngôi trường thứ hai của mình. Khi nào có bài tập khó, cần phải có sách tham khảo thì em sẽ lên thư viện để tìm hiểu và nghiên cứu.

Ở đây, có rất nhiều cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của em với đầy các thể loại như văn học, lịch sử, truyện tranh.

 

"Những cuốn sách nào học xong, em cũng mang tặng lại cho thư viện để cho các bạn sau đọc. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, em cũng thường lên thư viện để giúp cụ Huy thu dọn, sắp xếp các cuốn sách đúng chỗ để gọn gàng", Thu Thủy chia sẻ.

Ngoài việc phục vụ các cháu ở độ tuổi đang còn đi học ra, người ở độ tuổi trung niên cũng đến tìm và đọc những cuốn sách liên quan đến giống cây trồng, cách chăm sóc nuôi trồng, mô hình trang trại kiểu mới.

Thỉnh thoảng một số sinh viên học đại học có dịp về quê chơi cũng mang sách đã học xong về tặng lại cho thư viện.

 

Thư viện cũng đã thêm một gian sách chữ nổi dành cho đọc giả bị khiếm thị ở xã Song Khê, Tân Mỹ, Đồng Sơn (TP. Bắc Giang) có cơ hội được tiếp thu tri thức, giúp hiểu rõ hơn về cuộc sống, tạo niềm vui cho họ.

Đặc biệt, không chỉ sách chữ nổi, cụ Huy còn sưu tầm thêm được cả sách nói (dạng đĩa) để họ có thể thuận lợi tiếp cận tri thức hơn.

 

Mới đây, lãnh đạo Thành phố Bắc Giang cũng đã tặng cho thư viện một dàn máy tính để bàn. Để giúp người đọc có thể tìm kiếm những đầu sách, tư liệu trên mạng một các dễ dàng, nhanh chóng, cũng như phục vụ việc quản lý thư viện.

Với những nỗ lực không mệt mỏi đó, tại Hội Nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam diễn ra ở Hà Nội năm 2019, cụ Đào Quang Huy đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương và tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng thư viện cộng đồng và lan tỏa văn hóa đọc trong nhân dân.

Trung Tính


Xe ô tô màu nào dễ gây tai nạn nhất?

XE Ô TÔ MÀU NÀO DỄ GÂY TAI NẠN NHẤT?

Trên đường phố đâu đâu cũng thấy xe ô tô, nhưng màu xe nào dễ xảy ra tai nạn nhất.

Năm 2002, Nardelli. Crawley căn cứ theo kết quả điều tra dữ liệu từ 1993-1999 tại Tây Ban Nha, thì trong tổng 57.472 trường hợp tai nạn cho thấy những chiếc xe có màu sáng (trắng hoặc vàng) thường ít bị dính tới các vụ tai nạn, ngược lại những chiếc xe màu đen thường có khả năng bị đâm vào nhất.

Năm 2003, tờ tạp chí y học của Anh (BMJ) đã công bố kết quả thống kê của Furness. S đối với thành phố Auckland của New Zealand,

Trong khoảng thời gian từ 1998-1999 có tới 571 vụ tai nạn nghiêm trọng. Trong đó những chiếc xe màu bạc có tỷ lệ xác suất tai nạn ít nhất, màu trắng cao gấp đôi. Những chiếc màu nâu, màu đen và màu xanh lá cây lại cao hơn gấp đôi so với màu trắng.

Nhưng các nhà điều tra cũng thấy rằng New Zealand không có tuyết, do đó màu bạc dễ nhận ra hơn.

Năm 2007, Trung tâm nghiên cứu tai nạn thuộc Đại học Monash đã có một cuộc nghiên cứu trên 855.258 vụ tai nạn giao thông tương đối nghiệm trọng tại một vùng của Úc trong khoảng thời gian từ năm 1987-2004.

Kết quả điều tra cho thấy những xe có màu trắng có xác suất va chạm thấp nhất.

Vào ban ngày, tỷ lệ va chạm của những xe màu đen thường cao hơn xe màu trắng là 12%, màu xám 11%, màu bạc 10%, màu đỏ và màu xanh 7%, những màu khác có tỷ lệ xác xuất chênh lệch không nhiều so với màu trắng.

Vào sáng sớm hoặc chiều tối, tỷ lệ xảy ra tai nạn ở xe màu đen cao hơn xe màu trắng là 47%, màu bạc 15%.

Vào ban đêm, hầu hết các màu xe đều có tỷ lệ tương tự như màu trắng, chỉ có màu đỏ và bạc cao hơn (10% và 8%). Nhưng ở Úc những nơi có tuyết cũng không phải là nhiều.

Những nghiên cứu này có những hạn chế, chẳng hạn như vị trí địa lý, phương thức xảy ra tai nạn v.v.. Những chiếc xe đen và bạc thường hay được các nhà kinh doanh lựa chọn,hay làm xe công vụ, xe cho thuê…., thói quen lái xe có khác biệt so với các màu xe dùng cho cá nhân hay xe gia đình. Kết quả những nghiên cứu này cũng có những mâu thuẫn, chẳng hạn như giữa màu bạc và màu trắng? Thì màu nào an toàn hơn?

Theo bài viết của báo Vệ Tinh của Nga, báo cáo nghiên cứu của Học Viện Khoa Học quốc gia Mỹ chỉ ra, các nhà khoa học Mỹ, Trung Quốc, Singapore phân tích sự cố tai nạn xe trong 3 năm trở lại đây của các công ty taxi và phát hiện ra rằng tỷ lệ xảy ra tai nạn của những chiếc xe màu lam vượt quá 9/1000, còn cao hơn cả màu xe taxi thường dùng là màu vàng, và là màu xe nguy hiểm nhất.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra, xe màu lam sẽ nguy hiểm hơn xe màu vàng là vì màu lam khó nhận thấy hơn. Điều tra này còn cho thấy sự quan trọng trong việc lựa chọn màu xe, chọn đúng màu có thể giảm tỷ lệ xảy ra tai nạn.

Tóm lại, độ sáng qua thị giác của mọi người về màu sắc là khác nhau. Đỏ, vàng là màu sáng, màu sáng có hiệu quả thị giác tương đối cao. Hiệu quả thị giác của các màu xe tối thì kém hơn, luôn có cảm giác nhỏ hơn, xa hơn và mơ hồ hơn một chút. Vậy thì rốt cuộc lái xe màu gì trên đường là an toàn nhất đây?


 Xe màu bạc an toàn nhất 

Giáo sư Sue Furness của trường đại học Auckland, New Zealand sau khi thực hiện nghiên cứu đối với hơn 1000 chiếc xe các màu đã phát hiện ra rằng, xe màu bạc là lựa chon tốt nhất. Tỷ lệ xảy ra tai nạn thấp nhất, hơn nữa cho dù xảy ra tai nạn , mức độ bị thương của lái xe cũng khá nhẹ, tỷ lệ xác suất bị thương nặng ít hơn 50% so với xe màu trắng. Sau khi so sánh, thì tỷ lệ xác suất bị thương của người lái các xe màu trắng, vàng, ghi, đỏ, lam là tương đối giống nhau. Còn các xe màu đen, nâu, xanh lá dễ xảy ra tai nạn giao thông nhất, mức độ bị thương của người lái xe cũng nặng hơn gấp 2 lân so với lái các xe màu trắng, vàng, ghi, đỏ, lam.

Màu trang trí trong xe cũng ảnh hưởng đến an toàn khi lái xe

Lựa chọn màu trang trí trong xe có ảnh hưởng nhất định đến tâm tư tình cảm của người lái xe, và cũng sẽ có ảnh hưởng đến an toàn khi chạy xe. Chọn các màu trang trí sáng, có thể mang lại cảm giác thoải mái, thoáng đãng.

Mùa hè tốt nhất nên chọn màu mát, mùa đông tốt nhất nên chọn màu ấm áp, như vậy có thể điều tiết được cảm giác mát mẻ, ấm áp. Ngoài ra, độ sáng và độ thuần của màu sắc cũng sẽ dẫn đến ảo giác về ấn tượng vật lý đối với màu sắc.

Thường thì độ nặng của màu sắc chủ yếu được quyết định bởi độ sáng của màu, màu tối thường mang lại cảm giác nặng nề, màu sáng mang lại cảm giác nhẹ nhàng. Màu sáng nhạt khiến người ta cảm thấy mềm mại, màu tối mang lại cảm giác cứng nhắc. Sử dụng màu trang trí trong xe phù hợp có thể giảm độ mệt mỏi, và giảm sự cố tai nạn giao thông.