Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Hedy Lamarr người đàn bà đa tài được Google tôn vinh

Chân dung Heddy Lamarr. Nữ diễn viên Vivien Leigh của Cuốn theo chiều gió từng rất tự hào vì có vẻ đẹp giống bà.


 

 

Hedy Lamarr và Clark Gable

 

 HEDY LAMARR NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐA TÀI ĐƯỢC GOOGLE TÔN VINH

Nếu truy cập trang chủ Google hôm nay bạn sẽ thấy một đoạn video hoạt hình của nữ diễn viên Hedy Lamarr, bởi vì ngày 9-11 năm nay đánh dấu kỷ niệm sinh lần thứ 101 của ngôi sao được xem là biểu tượng của sắc đẹp và trí tuệ này

 

Từng được vinh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới”, Hedy Lamarr là một trong những huyền thoại màn bạc của Hollywood thập niên 40. Nhưng điều khiến bà được cả thế giới kính ngưỡng, nhất là một hãng công nghệ như Google tôn vinh là bởi bà còn là nhà toán học và hóa học, người sáng chế ra những phát minh có ảnh hưởng lớn đến ngành truyền thông không dây ngày nay.

 

Hedy Lamarr là ai?

Hedy Lamarr tên thật là Hedwig Eva Maria Kiesler. Sinh ngày 9-11-1914 ở Vienna, Áo. Bà có mẹ là nghệ sỹ dương cầm người Budapest gốc Do Thái và cha là chủ ngân hàng người Do Thái.

Năm 17 tuổi, Hedy nhận được vai diễn đầu đời trong bộ phim Đức Geld Auf Der Strase. Năm 1933, bà gây chấn động thế giới bằng một cảnh khỏa thân táo bạo trong phim Estase (tên tiếng Anh là Ecstasy).

Bộ phim này từng bị Giáo hoàng lên án và cấm trình chiếu tại Mỹ. Tuy nhiên, tiếng tăm từ vai diễn trong phim đã giúp Hedy được các nhà sản xuất Hollywood chú ý. Sau đó được hãng MGM mời ký hợp đồng, chính thức tiến đến kinh đô điện ảnh danh giá nước Mỹ.

 

Đường tình duyên lận đận

Sau khi đến Hollywood, bà chính thức đổi tên, lấy nghệ danh là Hedy Lamarr. Bộ phim đầu tiên bà tham gia ở Hollywood là Algiers năm 1938. Bà được mời đóng cặp cùng các ngôi sao nổi tiếng Hollywood lúc bấy giờ như Spencer Tracy, Clark Gable và Jimmy Steward.

 

Sau khi đóng phim Ecstasy, Hedy kết hôn với nhà buôn vũ khí Fritz Mandel. Bà đã học về vũ khí và chiến tranh từ chồng mình. Tuy nhiên, ông ta theo Đảng Quốc xã giữ vợ như một tù nhân thực sự. Bà đã trốn thoát bằng cách cho người hầu uống thuốc ngủ và trèo qua cửa sổ tầng hai.

Sau đó, bà chạy trốn sang châu Âu rồi qua Mỹ lập nghiệp.

 

Trong suốt cuộc đời Hedy Lamarr kết hôn rồi lại ly hôn 5 lần. Ngoài 5 người chồng của bà, Hedy Lamarr còn có mối tình sâu đậm với chàng đại úy điển trai Rhett Butler trong bộ phim Cuốn theo chiều gió – nam diễn viên Clark Gable.

Cả hai cứ hợp rồi lại tan. Sau khi ly hôn với người chồng thứ 5, Hedy Lamarr lại đến với Clark Gable. Hạnh phúc ngắn ngủi, trọn một năm sau Clark Gable qua đời vì một cơn đau tim.

 

Vừa là diễn viên điện ảnh, vừa là nhà sáng chế. Ai nói phụ nữ đẹp thì không thông minh!

Tháng 8-1942, Lamarr và nhà soạn nhạc George Antheil được cấp bằng sáng chế cho “Hệ thống bảo mật thông tin”, dùng để chống nhiễu sóng cho các loại ngư lôi được điều khiển bằng sóng vô tuyến.

Liên tục biến đổi tần số dựa trên cấu tạo của 88 phím dương cầm là điểm mấu chốt trong phát minh của Hedy. Bà đã phác họa ý tưởng đó trên mặt sau của chiếc khăn ăn. Nói cách khác, tín hiệu sóng vô tuyến luôn di chuyển tần số làm cho chúng không thể bị chặn lại.

 

Phát minh vượt xa thời đại này không được ứng dụng dân sự cho tới khi xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 20 năm sau. Ngày nay nó là công nghệ phổ biến lan rộng trong hệ thống điện thoại di động (công nghệ CDMA và 3G), mã hóa vệ tinh…

 

Vì sao ít người biết đến cái tên Hedy Lamarr?

Năm 2006, Châu Âu đã kêu gọi lấy ngày 9 tháng 11, ngày sinh của Hedy Lamarr, làm “Ngày của các nhà phát minh”.

Vì bằng sáng chế đã hết hạn trước khi được đem ra sử dụng, nên Hedy đã không bao giờ được hưởng lợi từ ý tưởng của bà. Nhưng cuối cùng, tài năng của bà đã được công nhận. Hedy mất ngày 19 - 01 - 2000 và được tưởng nhớ nhờ sắc đẹp và trí tuệ của mình.

 

Nói về sự đầu tư một video clip dành cho Hedy Lamarr, đại diện Google cho biết: “Chúng tôi muốn nêu bật những câu chuyện tiêu biểu về những thành tựu của phụ nữ trong khoa học và công nghệ.

Khi có một ngôi sao Hollywood trở thành nhà khoa học phát triển nên công nghệ mà chúng ta đều đang sử dụng trong smartphone ngày nay, dĩ nhiên chúng tôi phải chia sẻ cho cả thế giới biết”.

  

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Thời gian trôi qua nhanh hơn khi ta già đi: Điều này có thực sự đúng?


THỜI GIAN TRÔI QUA NHANH HƠN KHI TA GIÀ ĐI: ĐIỀU NÀY CÓ THỰC SỰ ĐÚNG?

Có một Giả thuyết cho rằng nhận thức về sự trôi qua của một khoảng thời gian xác định nào đó phụ thuộc phần nhiều vào lượng thông tin mới mà chúng ta tiếp nhận được trong khoảng thời gian ấy.

Khi có nhiều điều mới mẻ xảy ra, não bộ sẽ mất nhiều thời gian để xử lí các thông tin hơn, đồng nghĩa với cảm giác rằng thời gian đang trôi chậm hơn bình thường.

 

Điều này là hoàn toàn hợp lí khi áp dụng với trường hợp của trẻ con, vì thế giới của chúng luôn trần ngập màu sắc và những trải nghiệm mới lạ. Trong khi đó, người lớn lại quá quen thuộc với mọi thứ xung quanh, từ nhà ở đến nơi làm việc, khiến cho bộ não của chúng ta không cần mất nhiều thời gian để phân tích thông tin nữa, dẫn đến cảm giác thời gian trôi qua nhanh hơn rất nhiều.

 

Nói theo cách khác thì khi chúng ta càng quen thuộc với những sự kiện hàng ngày, ta sẽ càng thấy thời gian trôi đi nhanh hơn. Và tuổi tác cũng sẽ tỉ lệ thuận với tốc độ trôi của thời gian. 

Cơ chế sinh học đằng sau giả thuyết này được giải thích là do các dopamine đã tiết ra dẫn truyền lên hệ thần kinh của con người, làm kích thích nhận thức về thời gian. Từ tuổi 20 trở đi, các dopamine này sẽ tiết ra nhiều hơn khiến con người càng cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn trước.

 

Tuy nhiên, giả thuyết này lại chưa hề có mối liên hệ chặt chẽ nào về mặt toán học cả. Ta vẫn chưa thể giải thích được chính xác mức độ trôi qua nhanh chậm của thời gian.

Có một điều khá rõ ràng rằng thời gian thực sự dịch chuyển nhanh hơn khi con người già đi, nhưng ta vẫn không cụ thể hóa hay đo lường được sự dịch chuyển đó như đo mức độ động đất hay tốc độ âm thanh.

 

Vậy thời gian sẽ được đo lường như thế nào?

Đối với một đứa trẻ mới 2 tuổi, một năm có giá trị như cả nửa cuộc đời với chúng. Tương tự như vậy, đứa trẻ 5 tuổi nhìn nhận một năm trôi qua như 20% vòng đời của nó. Vì thế nên việc chờ đợi đến mỗi lần sinh nhật dường như kéo dài vô tận.

Nhưng khi đứa bé tròn 10 tuổi, một năm chỉ bằng 10% cuộc đời chúng, tuy đứa bé vẫn phải chờ đợi đến mỗi lần sinh nhật nhưng sự chờ đợi nay đã ngắn hơn kha khá nhiều rồi.

 

Chưa kể là đến khi 20 tuổi, một năm chỉ còn giá trị bằng 5% cuộc đời của chúng ta. Vì vậy nếu so sánh về mặt số học, để một thanh niên 20 tuổi cảm nhận được sự chờ đợi dài đằng đẵng của một đứa trẻ 2 tuổi đến lần sinh nhật sắp tới của nó, chàng thanh niên này phải chờ tới tận năm...30 tuổi cơ. Bảo sao có nhiều người đột nhiên thốt lên rằng: "Mới ngày nào còn có 20 cái xuân xanh, nay đã bước sang đầu 3 thứ tóc từ khi nào mất rồi!" 

Chúng ta thường hay nhắc đến các giai đoạn của cuộc đời theo từng thập kỉ: khi bạn 20, 30, rồi đến 40, 50,... với ý chỉ rằng các khoảng thời gian là tương đương nhau. Nhưng sự tương đương này chỉ đúng về mặt số học mà thôi.

Theo thang tính logarit, chúng ta sẽ có nhận thức của từng thời kỳ khác nhau với cùng một độ dài thời gian giống nhau. Vì thế, về mặt nhận thức thì sự khác biệt giữa các độ tuổi từ 5-10, 10-20, 20-40 và 40-80 sẽ là như nhau.

Phải làm gì để "níu giữ" thời gian?

Có thể khi đọc xong bài viết này, tâm trạng bạn sẽ trùng xuống đôi chút khi biết rằng khoảng thời gian bạn sống từ năm 40 đến 80 tuổi, dường như chỉ dài bằng quãng thời gian từ 5 lên 10 tuổi mà thôi.

Song theo như thiên tài người Ý Leonardo da Vinci đã từng nói: "Thời gian sẽ ở lại đủ lâu cho những người biết sử dụng nó", bạn hãy cứ sống hết mình, trải nghiệm càng nhiều điều mới lạ càng tốt để bộ não có thêm nhiều "thông tin mới" để xử lí.

 

Thời gian ắt hẳn sẽ không bao giờ là đủ, nhưng nếu sử dụng nó đúng cách, bạn sẽ không cần phải hối tiếc khi nhìn lại những gì mình đạt được trong suốt quãng đời đã qua đâu nhé!

Nghệ thuật không nói


NGHỆ THUẬT KHÔNG NÓI

Đạo Bụt có phương pháp gọi là tịnh khẩu. Tịnh khẩu tức là không nói, làm cho miệng núi lửa đừng phun. Dù có lửa trong ta nhưng ta không để cho nó phun ra, mà tìm cách cho lửa trở về nguyên quán, đem an ninh đến cho ta và cho những người chung quanh.

Tịnh khẩu là một thực tập thương yêu. Tôi biết nếu nói là tôi sẽ nói những điều làm cho anh đau, chị đau, vì vậy tôi thực tập tịnh khẩu, để tôi không nói. Nhưng tịnh khẩu không có nghĩa là nén xuống. Nếu nén xuống thì tịnh khẩu trở thành một thực tập rất nguy hiểm. Tại vì nén xuống, đến khi nó phun lên, thì nó phun mạnh gấp mười lần, nguy hiểm gấp mười lần!

Vì vậy trong khi tịnh khẩu là phải thực tập quán chiếu, tức là nhìn sâu. Nhìn sâu thì mới làm cho lửa tàn đi, làm cho núi dịu xuống.

Dưới đây là một phương pháp tịnh khẩu mà tôi đã trao cho vài người trong đại chúng. Phương pháp này cũng dễ thôi. Đó là mỗi khi thấy ngứa mắt, ngứa tai, muốn phát ngôn, bực quá không nói không được, thì mình chỉ tập thở và đừng nói. Rồi vào phòng, lật cuốn tập ra, ghi lại câu mình muốn nói.

Thay vì nói bằng miệng, mình chỉ tập thở và viết nguyên câu đó vào tập. Ví dụ: Mày là đồ ngu! Mày là một người rất ác độc! Mày là người có ác ý, muốn làm đổ vỡ tất cả! Mày là một người vô ơn v.v…

Mình viết lại và ghi luôn ngày giờ cho rõ ràng. Ghi lại cả câu người kia nói và câu mình muốn trả lời. Ghi được như vậy cũng đỡ khổ rồi. Ba ngày sau đem ra xem lại và tự hỏi: Nếu lúc đó mình nói câu này thì sẽ ra sao, sẽ có những đổ vỡ nào?

Sự thực tập này đâu có khó? Mình nên lạy thầy, lạy chúng và xin cho phép con thực tập tịnh khẩu hai tuần. Trong hai tuần đó mình làm như vậy, làm mà không đè nén. Chỉ không nói thẳng thôi, và viết hết tất cả những câu mình nghe xốn tai, và cả những câu mình muốn trả lời.

Mình sẽ thấy rằng những đau khổ của cuộc đời mình, và những đau khổ của người khác, có thể là do mình tạo ra, do cái không biết nói, không biết thực tập chánh ngữ của mình tạo ra.

Khi có chánh niệm thì mình sẽ khéo hơn. Chắc chắn là khi có chánh niệm thì mình sẽ có ý tứ hơn. Một bà mẹ khi dạy con gái, bà thường dặn: Con ơi, con đi, đứng, nằm ngồi cho có ý tứ. Mà có ý tứ thì con đẹp thêm nhiều lắm. Ý tứ đây là chánh niệm.

Tại vì ý tứ cho mình biết cái gì mình đang làm, và mình có làm đúng hay không. Khi mình nói năng có ý tứ thì mình không gây những lầm lỡ, những vụng dại, gây đau khổ cho người, cho mình.

Không ai trong chúng ta lại dám công nhận mình là một nghệ sĩ cao nhất! Chúng ta đều đang học hỏi, chính tôi cũng vậy. Học hỏi thì càng ngày chúng ta càng có chánh niệm hơn lên, và khéo léo hơn lên. Tu là một nghệ thuật, và thầy tu là một nghệ sĩ, đó là đề tài của bài tôi viết năm tôi mới 20 tuổi.

Xin lỗi em, chị không có ý làm khổ em đâu, chỉ vì chị vụng về thôi. Chị xin lỗi em! Đó là câu mà chúng ta phải học thuộc từng chữ, và có thể nói bất cứ lúc nào. Khi thấy người kia khổ là ta có thể nói được. Tôi đã từng xin lỗi học trò của tôi. Tôi đã từng nói: Thầy xin lỗi con!

Chúng ta bắt buộc phải có hạnh phúc, và chúng ta đã có những phương pháp để thực tập hạnh phúc, trong đó phương pháp nghe và phương pháp nói là hai phương pháp mà chúng ta có thể thực tập toàn thời gian mỗi ngày.

Cách nói quan trọng hơn điều mình nói

Chúng ta thường nói rằng cách nói còn quan trọng hơn là điều mình nói. Tại vì khi không hiểu được người nghe, mình không có chánh kiến và chánh tư duy, thì điều mình nói, nó như là nước đổ lá khoai, không ích lợi gì, không mang lại sự chuyển hóa nào cho người nghe cả.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh