Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Thần tượng là gì? Tại sao lại có sức hút đối với giới trẻ như vậy?


THẦN TƯỢNG LÀ GÌ? TẠI SAO LẠI CÓ SỨC HÚT ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ NHƯ VẬY?

 

Cuộc sống luôn cần một chút gì đó để yêu thích. Một chút gì đó để ngưỡng mộ. Một chút gì đó để giải nhiệt cuộc sống… nhưng cần đặt “một chút” đó ở đúng nơi và đúng người.

Trong đời, chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian nào đó bạn cảm thấy mến phục và thần tượng một vài người. Họ là những người khiến bạn có động lực sống, có động lực làm việc và thực hiện đam mê của mình. Họ là ngôi sao trong lòng bạn về nhiều mặt, có thể là tài năng, sự nghiệp, nhân cách, thành tựu hay sự nỗ lực.

Một thần tượng đúng nghĩa phải hội đủ về tài năng và nhân cách. Hoặc giả họ chỉ có tài năng, bạn cảm phục về thành công của họ, hoặc không có tài năng mà họ chỉ có nhân cách, bạn cảm mến về cách sống và cách vượt qua khó khăn của họ. Chung quy lại, thần tượng đúng người là khi họ giúp bạn tốt hơn, về một mặt nào đó.

 

Mỗi con người có một đam mê, một lý tưởng sống riêng biệt thì thần tượng của họ cũng ứng với đam mê và lý tưởng đó. Ví dụ bạn thích viết và thích đọc, bạn hâm mộ một tác giả sách nổi tiếng, bạn cảm thấy bình an và đồng cảm khi đọc đến ngôn từ của họ. Hoặc bạn yêu âm nhạc, bạn hâm mộ những người ca sĩ, những ngôi sao âm nhạc vì tiếng hát của họ chạm vào trái tim…

 

Ai cũng vậy, ít nhiều đều có cho riêng mình một thần tượng, bỗng dưng bạn thương họ một cách vô điều kiện, đồng cảm với những gì họ làm, và đồng lòng với những gì họ nghĩ. Và mong một ngày nào đó, mình sẽ giống như họ.

“Thần tượng” không còn đúng nghĩa.

 

“Thần tượng” không còn đúng nghĩa.

 

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thành phần rảnh rỗi sinh nông nổi làm nhiều trò quái đản, quay clip rồi tung lên mạng, rồi những phát ngôn nhăng cuội lan truyền chóng mặt.

Hết hở chỗ này lộ chỗ kia, hết chửi người này bới người nọ, rồi văng tục, những hành động thô thiển lố lăng… Dĩ nhiên, thành phần hưởng ứng nhiều nhất là giới trẻ.

 

Giật mình khi nhìn thấy người mà mấy bạn đó bu lại lại là một anh chàng từng đi tù, bị đuổi học, chuyên đi đòi nợ thuê và chém mướn, từng phải đi trại giáo dưỡng, đặc biệt là nổi tiếng nhờ những clip, những đoạn livestream với những phát ngôn gây sốc và tục tĩu.

Không hiểu nổi giới trẻ ngày nay đang nghĩ gì và đang làm gì. Cái gọi là thần tượng của các bạn đang đi quá lệch hướng. Các bạn không thể phân biệt nổi ai sẽ làm các bạn tốt hơn, ai sẽ làm các bạn hoàn thiện bản thân mình hơn. Các bạn làm mất đi giá trị của hai chữ thần tượng.

 

Các bạn trẻ có bao giờ đặt câu hỏi, các bạn share để làm gì, xem để làm gì, và thần tượng họ các bạn được gì? Nếu có thể dùng một từ để đánh giá về những chiêu trò lố lăng nhằm mục đích nổi tiếng và câu view đó, có lẽ ta sẽ dùng từ: “rẻ tiền”.

 

Hãy là một “fan” văn minh

Các bạn đang là những người trẻ, những năng lượng trẻ trung của xã hội này, các bạn phải góp phần làm cho xã hội này bớt đi những thành phần đó, xóa đi những kẻ làm ồn ào xã hội. Những chia sẻ vô hồn vô tình làm người khác đánh giá bạn y như những gì bạn chia sẻ.

 

Muốn là một người trẻ văn minh, một thành phần tốt của xã hội, nếu có những hiện tượng như vậy nổi lên, các bạn đừng chia sẻ, đừng tiếp tay cho những trò bệnh hoạn đó, cái share của bạn làm họ nghĩ họ hay họ đúng và được quan tâm. Những người hùng bàn phím, hãy dùng cái đầu lạnh để góp ý và chỉ cho họ biết họ cần phải làm gì.

Đồng ý tuổi trẻ ai cũng có những nông nổi và bồng bột, nhưng cái gì cũng có giới hạn và mức độ của nó. Cái nông nổi của mình mà ảnh hưởng đến cả một thế hệ và bạn chính là tội đồ của thế kỷ.

 

Ứng dụng Hiệu Ứng Lan Truyền trong Marketing


ỨNG DỤNG HIỆU ỨNG LAN TRUYỀN (SOCIAL PROOF) TRONG MARKETING

 

Hiện nay các bạn trẻ thường có xu hướng lựa chọn theo đám đông. Ví dụ như có một quán ăn nào đó được một người nổi tiếng review lại. Sau đó ngay lập tức quán ăn đó sẽ được mọi người kéo đến và dùng thử.

Tại sao lại có một hiện tượng lạ như vậy. Thì xin thưa đây chính là hiệu ứng lan truyền (Social Proof) và nó cũng đang được áp dụng rất nhiều trong chiến lược quảng cáo của các nhà kinh doanh.

 

Hiệu ứng lan truyền được giải thích ngắn gọn là mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận hành động hoặc niềm tin của một người hoặc một nhóm người mà họ thích hoặc là tin tưởng.

Một ví dụ thực tế rằng nếu trên một sàn nhảy chưa có ai thì sẽ không ai dám lên. Nhưng khi đã có một vài người bước lên thì sẽ kéo theo cả một đám đông người tham gia. Đây chính là hiệu ứng lan truyền.

 

Cách hiểu sâu sắc hơn về hiệu ứng lan truyền

Ví dụ như bạn đang muốn xác nhận về chất lượng của một sản phẩm nào đó nhưng đó nhưng vẫn còn đang phân vân.

Thì tiếng nói của những người chuyên gia, blogger, những người có ảnh hưởng liên quan đến sản phẩm bạn đang sử dụng xác nhận rằng họ đã sử dụng qua sản phẩm này và thấy hiệu quả. Thì ngay lập tức bạn sẽ chọn mua sản phẩm mà không còn phân vân nữa.

Hoặc ngay cả sự xác nhận từ những người nổi tiếng. Đặc biệt nếu như bạn là fan hâm mộ cũng như yêu thích thần tượng của mình. Thì khi họ sử dụng quần áo như thế nào, check in ở những quán ăn ra sao thì cũng đều được bạn quan tâm. Điều này sẽ giúp cho các sản phẩm họ sử dụng được nhiều người yêu thích.

 

Ứng dụng của hiệu ứng lan truyền

Các nhà quảng cáo thường ứng dụng hiệu ứng lan truyền này trên các trang mạng xã hội của mình. Như các trang web sẽ có phần đánh giá 5 sao chẳng hạn. Khi người tiêu dùng truy cập vào trang web của họ và thấy phần đánh giá này thì họ sẽ tin tưởng và khả năng mua hàng của họ sẽ nhiều hơn so với những trang web không có phần đánh giá.

 

Ngoài ra hiện nay việc sử dụng sự ảnh hưởng của những người nổi tiếng cũng rất thông dụng trong hiệu ứng lan truyền. Đặc biệt là trên các trang mạng như Facebook, Instagram, Twitter… Những trang cá nhân của họ về thời trang, mỹ phẩm skincare rất được sự quan tâm của các fan. Từ đó cũng ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của mọi người.

 

Nói tóm lại hiệu ứng lan truyền là một hiệu ứng rất dễ áp dụng và hiệu quả trong marketing, đặc biệt là trong digital marketing. Hy vọng bạn có thể ứng dụng vào đúng mục đích kinh doanh của mình.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?


TA TỪ ĐÂU TỚI? TA ĐI VỀ ĐÂU?

 

(Trích từ cuốn “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” – Sư Ông Làng Mai)

 

Trong tu viện của tôi ở nước Pháp, có một bụi cây hoa đào Nhật bổn.

Bụi hoa này thường nở rộ vào mùa Xuân, nhưng một năm, mùa Đông ấm áp hơn nên hoa nở sớm hơn thường lệ.

Rồi một đêm trời trở lạnh, nhiệt độ xuống tới điểm băng giá. Sớm hôm sau khi đi thiền hành, tôi nhận thấy những nụ hoa đều bị héo hết. Tôi nghĩ “Vậy là đầu năm nay sẽ không có đủ hoa cúng Bụt.”

 

Vài tuần sau, trời ấm áp trở lại. Khi tôi đi bộ trong vườn, tôi lại nhìn thấy những nụ hoa đào thuộc thế hệ mới đang biểu hiện ra. Tôi hỏi chúng:

“Các con là những bông hoa đã chết khi trời băng giá hay là những bông hoa khác?”

Hoa trả lời tôi:

“Thầy, chúng con không phải những bông hoa đó, mà cũng không khác những bông đó. Khi nhân duyên đầy đủ chúng con biểu hiện ra, và khi thiếu nhân duyên thì chúng con ẩn tàng. Giản dị vậy thôi!”

 

Đó là giáo pháp của Bụt. Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng rút lui. Chúng đợi tới đúng thời điểm sẽ biểu hiện trở lại.

 

Không có gì sinh ra, không có gì mất đi

Nhà khoa học người Pháp, ông Lavoisier đã từng tuyên bố: “Không có gì được sinh ra, cũng không có gì mất đi.” Dù ông ta không thực hành đạo Bụt, nhưng nhà khoa học ấy đã tìm ra chân lý giống như Bụt thấy vậy.

 

Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước thì ta nói nó không hiện hữu.

Theo Bụt, nói rằng thứ này có hay không có là sai. Trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu.

 

Không đến không đi

Đối với đa số, chúng ta đau khổ nhiều nhất vì ý niệm đến – đi. Chúng ta nghĩ rằng những người thương của ta đã đến từ một nơi nào đó và nay sẽ đi tới một nơi nào đó. Nhưng bản chất của thực tại là không đến cũng không đi.

Chúng ta không từ đâu tới mà cũng không đi tới đâu cả. Khi nhân duyên đầy đủ thì ta biểu hiện, khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng ta không biểu hiện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu.

 

Những gì biểu hiện ra mà ta nhìn thấy, chỉ là một phần của bao thứ khác, của các điều kiện đầy đủ khiến cho nó có mặt. Mọi sự mọi vật đều không được sinh ra hay bị mất đi vì chúng luôn luôn ở trong tiến trình liên tục biểu hiện.

 

Đó cũng là câu trả lời của cây hoa đào Nhật bổn. Chúng tôi (hai đợt hoa) không giống mà cũng không khác nhau. Hoa không tới từ đâu và cũng không đi đâu hết. Đó chỉ là vì lúc ấy chưa đủ nhân duyên cho nên hoa chưa biểu hiện ra ở thời điểm đó mà thôi.