Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

Câu chuyện kinh doanh: Người bán gà quay

CÂU CHUYỆN KINH DOANH: NGƯỜI BÁN GÀ QUAY

Người bán gà quay đã có ngày làm việc cực kỳ tốt. Anh ta tự hào nhấc con gà cuối cùng lên cân và quay lại nói với khách hàng: “Con này giá 6,35 USD”.

“Mức giá hợp lý đấy nhưng con này hơi nhỏ”, người phụ nữ mua hàng đáp. “Anh không có con nào lớn hơn à?”

 

Sau một hồi suy nghĩ, người bán hàng nhanh chóng cất con gà vào tủ đồ ăn, dừng lại một vài giây, rồi lại lấy nó ra.

“Con này nặng hơn chút. Giá 6,65 USD”, người bán gà rụt rè đáp.

 

Người phụ nữ cân nhắc một chút rồi đưa ra quyết định cuối cùng: “Ồ, tôi nghĩ ra rồi. Tôi sẽ lấy cả hai con”.

 

Bài học rút ra: Đừng lừa dối khách hàng, vì bạn không bao giờ biết điều gì đang đợi mình phía trước.

 

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

Người già hoàn toàn không nên nghỉ ngơi

 

NGƯỜI GIÀ HOÀN TOÀN KHÔNG NÊN NGHỈ NGƠI

 Người già hoàn toàn không nên nghỉ ngơi mà phải sống thật bận rộn, để trí não "trẻ trung" hơn

Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học cho rằng, giữ cho đầu óc bận rộn lại chính là cách để não bộ luôn sắc bén và chậm già đi.

 

Công bố từ đại học Dallas mang tên Dallas Lifespan Brain Study (tạm dịch: nghiên cứu để kéo dài tuổi thọ của bộ não),

Một cuộc sống bận rộn mang lại tác dụng tương tự như việc tham gia vào các hoạt động có tính chất thử thách trí não - giúp cho những người ở độ tuổi 50 có khả năng suy nghĩ nhanh nhạy hơn, tăng cường trí nhớ, tạo ra khả năng lý luận sắc bén và một tư duy từ vựng tốt hơn.

 

Nghiên cứu này tập trung vào những người ở độ tuổi 50 - 89 với các nghề nghiệp, điều kiện sống khác nhau. Các tác giả đều thống nhất rằng, từ độ tuổi trung niên trở đi, cuộc sống bận rộn là bí kíp duy trì trí não minh mẫn - trái ngược với suy nghĩ của nhiều người rằng người già nên nghỉ ngơi.

 

Cuộc sống với những điều mới mẻ để học hỏi và các tình huống đa dạng đòi hỏi sự thích nghi sẽ giúp não bộ tăng cường khả năng nhận thức. Hình thức "tập thể dục" cho não này cực kỳ hữu ích cho người già, tránh việc đưa cơ quan thần kinh vào trạng thái ngủ đông.

 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, sống một cuộc sống bận rộn không phải là yếu tố duy nhất giữ lại "tuổi thanh xuân" cho bộ não.

Ở chiều ngược lại, giáo sư Denise Park, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kéo dài tuổi thọ của đại học Dallas, Texas cho hay: một cuộc sống quá bận rộn đương nhiên kéo theo nhiều căng thẳng và có thể làm cho những người có tuổi cảm thấy mệt mỏi. 

Tuy vậy, theo nghiên cứu, tác động tích cực lên não bộ có thể là một "phần thưởng" xứng đáng để đánh đổi.

 

Nhóm nghiên cứu của Denise Park cũng đang đi sâu nghiên cứu để tìm ra những hoạt động phù hợp với những người cao tuổi nhằm mục đích duy trì sức khỏe cho bộ não mà vẫn không quá stress như cuộc sống của một thanh niên.

 

Câu chuyện: Người ăn xin mù


CÂU CHUYỆN: NGƯỜI ĂN XIN MÙ

 

Có một người đàn ông mù sống giữa một thành phố náo nhiệt, bận rộn. Người đàn ông ấy đã từng ngày kiếm sống chỉ với một định dạng chữ: “Tôi bị mù, làm ơn giúp đỡ”.


Ông cũng nhận được một số sự chia sẻ, nhưng thực sự số tiền ấy quá ít, thậm chí có ngày chỉ đủ mua 1 ổ bánh mì.


Đến một ngày, có một cô gái đi ngang qua và nhìn thấy người mù già cả với chiếc cốc rỗng, cô ta quay lại. Cô lập tức viết gì đó lên mặt sau tấm bảng của ông rồi đặt tấm bảng xuống và bỏ đi. Từ đó ông nhận được nhiều tiền hơn, nhiều sự chia sẻ hơn.

 


Ngày hôm sau cô gái quay lại, ông già sờ vào đôi giày của cô và nhận ra. Ông hỏi: “Cô đang viết gì vậy?” Cô gái trả lời: Tôi luôn luôn viết như vậy, chỉ là từ ngữ khác thôi!

Cô gái viết: “Hôm nay là một ngày xinh trời, và tôi không thể thấy nó.”

 

Bài học rút ra: Nhiều khi chỉ cần chọn lựa ngôn ngữ quảng cáo phù hợp, bạn vừa mới đủ nội lực kết nối và làm mới hành vi của đối tác.

 

 

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

Những đặc điểm của người có tư duy phản biện

 

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI CÓ TƯ DUY PHẢN BIỆN

 

Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, nơi mọi người có thể tiếp cận với thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đem đến nhiều hậu quả tiêu cực, đặc biệt là tin giả. Vì vậy, việc một cá nhân rèn luyện khả năng quan sát, đánh giá và nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện là điều vô cùng cần thiết.

Những đặc điểm của người có tư duy phản biện:

 

* Không “gió chiều nào theo chiều ấy” 

Người có tư duy phản biện thường không chấp nhận thông tin tiếp nhận và đi đến kết luận một cách quá nhanh chóng. Họ ít khi chia sẻ những bài viết có nội dung “giật tít” trên mạng xã hội, không đánh giá “bừa” điều mình chưa biết chỉ vì lời kể hay bài viết của người khác.

Thay vào đó, họ sẽ bình tĩnh quan sát, tự xem xét sự việc và cả bản thân mình.

 

* Đọc nhiều

Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thuật toán, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những bài viết, hình ảnh, video… tương tự với suy nghĩ, sở thích của bạn. Điều này đôi khi hạn chế cách bạn nâng cao khả năng phản biện của mình.

Vì vậy, việc đọc nhiều một cách có chọn lọc, đào sâu và sẵn sàng mở lòng với ý kiến trái chiều là một điều đặc biệt ở người có năng lực suy nghĩ độc lập. 

 

* Không làm điều gì đó một cách ngẫu nhiên

Khi đối mặt với một vấn đề hay thực hiện điều gì đó, những người có suy nghĩ độc lập hầu như không bao giờ gật đầu với lý do “chỉ vì người khác nói như vậy” hay “chỉ vì nó là như vậy”…

Những người này cần lý do để bắt đầu, một sự chắc chắn nhất định thay vì sự mơ hồ, không rõ ràng. 

 

* Không quan trọng hóa quá nhiều lời người khác nói

Việc nói lên ý tưởng khác với số đông có thể khiến một người bị cô lập. Tuy nhiên, người có suy nghĩ độc lập sẽ chọn đi theo con đường mà họ cho là đúng đắn và tạo ra những thay đổi thật sự chứ không phải con đường an toàn mà mọi người vẫn đi. Đó là động lực để phát triển.

Như Steve Jobs đã nói, “Những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới là những người thực sự làm được điều đó”.

 

* Luôn chọn sự thật

Người sở hữu năng lực tư duy phản biện luôn ưu tiên ra quyết định dựa trên sự thật trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ví dụ như khi mua một món hàng nào đó, họ sẽ quan tâm giá trị sử dụng hơn là vẻ hào nhoáng bên ngoài của sản phẩm. 

 

* Xác thực, trích dẫn nguồn tham khảo

Một lần nữa, trí óc luôn quan sát, đánh giá và phân tích kỹ lưỡng không cho phép những người này vội vã đưa ra kết luận, thay vào đó, họ sẽ tìm tòi, nghiên cứu xem thông tin có đáng tin cậy hay không

Ngày nay, thông tin được chia sẻ vô cùng dễ dàng và “tràn lan” qua Internet, việc không xác thực, tìm hiểu kỹ nguồn tham khảo có thể khiến chúng ta tiếp cận những sự thật bị bóp méo. 

 

* Có tư duy đột phá 

Mỗi người là một bản thể duy nhất, nhưng đôi khi, để hòa nhập, chúng ta phải nghe theo những gì người khác nói, và điều này có thể giới hạn sự độc đáo và khả năng sáng tạo của mỗi người.

Với một tư duy độc lập, những người này sẵn sàng vượt qua mọi khuôn mẫu và khơi nguồn cho ý tưởng mới. 

 * Tự tin vào bản thân 

 

Thế giới vốn không hoàn hảo, việc mắc lỗi không hề khiến bạn trở nên xấu xa (đương nhiên không phải những lỗi vượt quá giới hạn đạo đức con người) mà còn giúp bạn rút ra bài học từ sai lầm.

Không sợ sai là một đặc điểm khác của người biết tư duy. Họ sẽ đấu tranh đến cùng cho lập trường của mình, nhưng nếu sai, họ sẽ không ngại học hỏi từ nó.

 

* Đóng “vai ác” 

Đôi khi, tư duy phản biện có thể biến một người thành “kẻ ác” trong mắt bạn bè, đồng nghiệp. Thực ra, họ chỉ muốn nêu ra những khiếm khuyết còn tồn đọng, từ đó giảm thiểu khả năng thất bại hay đối mặt với khủng hoảng.

Để nói ra sự thật không hề dễ chút nào, nó đòi hỏi một tinh thần dũng cảm, không thiên vị và có tư tưởng “mở”. 

 

* Tự nhận thức 

Với tính cách thích sự rõ ràng, người độc lập trong suy nghĩ luôn không ngừng phản chiếu, xem xét lại nội tâm của mình. Họ sẽ không bao giờ dừng việc hỏi bản thân “Tại sao tôi lại làm điều này?”, “Tôi có thực sự thích việc tôi đang làm hay chỉ vì người khác bảo tôi làm như vậy?”.

Như ở trên, sự thật luôn là điều ưu tiên hàng đầu với họ, là con đường dẫn lối họ đi tìm mục đích thực sự của cuộc sống. 

 

* Luôn đặt câu hỏi 

Người có tư duy phản biện không chấp nhận điều gì đó mà không có “một ngàn lẻ một” câu hỏi vì sao. Đương nhiên, việc hỏi quá nhiều sẽ khiến người khác cảm thấy phiền.

Tuy nhiên, đây là cách một cá nhân độc lập trong suy nghĩ đảm bảo quyết định của mình là đúng và không ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người. 

 

* Tránh “dán nhãn” và rập khuôn 

Tư tưởng rập khuôn, “nhìn mặt bắt hình dong” có lẽ không còn phổ biến trong xã hội ngày nay nhưng không có nghĩa là nó không còn tồn tại. Điều này khiến mọi người có thể dễ đi theo những tư tưởng lệch lạc, lỗi thời.

Rèn luyện tư duy phân tích giúp một người tránh việc “dán nhãn” hay áp dụng những định kiến trước khi tìm hiểu một người, một sự việc, từ đó tôn trọng sự đa dạng của mỗi cá nhân, thúc đẩy sự bình đẳng cho thế giới.