Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

Quy tắc cam kết trong đời sống

QUY TẮC CAM KẾT TRONG ĐỜI SỐNG

Bạn đã bao giờ thấy bản thân mình thay đổi ý kiến giữa chừng trong lúc mua sắm không, chỉ vì bạn cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giữ đúng lời hứa ngay từ đầu rằng mình sẽ mua sản phẩm đó?

Ví dụ, bạn có từng đồng ý mua một cái xe hơi, mà ngay lúc bạn chuẩn bị đặt bút ký mua thì người bán thay đổi một số điều khoản về việc bán hàng? Bạn có dễ dàng “quay gót” ra đi không mua nữa, hay bạn cảm thấy mình hơi bị áp lực và có nghĩa vụ phải giữ đúng thỏa thuận ban đầu rằng mình sẽ mua?

Các nhà tâm lý học gọi đây là quy tắc cam kết. Vậy chính xác thì quy tắc cam kết là gì và nó tác động ra sao lên hành vi của chúng ta?

Quy tắc cam kết là gì?

Quy tắc cam kết là một dạng quy tắc xã hội thường được các nhà tiếp thị và bán hàng sử dụng để khiến khách hàng mua sản phẩm của họ. Theo quy tắc này, chúng ta thường cảm thấy có nghĩa vụ phải làm theo một điều gì đó sau khi ta công khai tuyên bố nó với mọi người.

Một khi ta đã trịnh trọng đưa ra một lời hứa thì ta bị áp lực cả từ bên ngoài xã hội và chính từ bên trong chúng ta, làm sao phải giữ được lời hứa đó.

Tại sao? Chúng ta muốn cảm thấy rằng mình là người có niềm tin và hành động thống nhất, vậy nên ngay khi ta tuyên bố điều gì trước bàn dân thiên hạ, ta thường cảm thấy mình phải cam kết đến cùng với quyết định ban đầu của mình.

Đôi khi dạng cam kết này có thể mang lại lợi ích. Nếu bạn thông báo rằng mình đang ăn kiêng và cố gắng giữ gìn vóc dáng thon gọn, thì việc thông báo các kế hoạch cho bạn bè và gia đình có thể giúp bạn có áp lực phải thực hiện điều bạn nói và rồi đạt được mục tiêu ban đầu đặt ra.

Trong những trường hợp khác, áp lực phải giữ đúng những lời mình đã nói có thể khiến bạn đưa ra các quyết định mua sắm vốn không mấy cần thiết và mua các món hàng không thực sự phù hợp.

Quy tắc cam kết trong thực tế.

Vậy các nhà tiếp thị tận dụng phương pháp này như thế nào để thu về lợi ích cho họ? Có nhiều kỹ thuật thuyết phục dựa trên quy tắc cam kết để đạt được sự đồng thuận của người tiêu dùng.

Một trong số đó được biết đến rộng rãi với tên gọi “Kỹ thuật tâng bóng thấp”. Theo đó, người bán hàng cố tình nói giá sản phẩm thấp hơn thực tế. Một khi bạn đã cam kết mua hàng, họ sẽ tăng giá sản phẩm lên.

Vì bạn đã cam kết mua rồi nên bạn cảm thấy có nghĩa vụ phải giữa đúng lời hứa mua hàng của mình.

Một chiến thuật phổ biến khác là kỹ thuật “Bước một chân vào cửa”. Ở kỹ thuật này, lúc đầu người tiếp thị đưa ra một đề xuất nhỏ. Một khi bạn đã đồng ý với đề xuất này rồi thì họ sẽ đưa ra đề xuất thứ hai quy mô lớn hơn, Vì bạn đã lỡ cam kết đồng ý với lời đề xuất nhỏ hơn kia nên bạn sẽ cảm thấy mình có nghĩa vụ giữ đúng cam kết của mình và khuất phục trước lời mời gọi thứ hai kia.

Làm sao để tận dụng có hiệu quả quy tắc cam kết.

Sức mạnh của sự cam kết đôi khi có thể khiến bạn đưa ra những quyết định không mấy phù hợp và cần thiết (như mua một món hàng quá mắc), nhưng nó không phải lúc nào cũng gây tác động tiêu cực lên hành vi.

Trong thực tế, bạn thậm chí còn thấy mình áp dụng quy tắc cam kết này để giúp tuyền cảm hứng thực hiện những thay đổi hành vi mang tính tích cực.

Ví dụ, tưởng tượng bạn đang cố gắng đạt được mục tiêu bỏ thuốc lá, giảm cân và chạy bộ đường dài. Tuyên bố trước bàn dân thiên hạ về các mục tiêu, như thông báo với gia đình và bạn bè, có thể giúp bạn cảm thấy áp lực phải tuân thủ nó.

Vì bạn đã lỡ tuyên bố trước mọi người, quy tắc cam kết có thể tạo áp lực giúp bạn làm theo lời mình đã nói cho đến khi đạt được mục tiêu mình đề ra.

Không có cam kết thì không có gì xảy ra cả.

Nguồn: Forty One

 

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Hiệu ứng tâm lý – Romeo và Juliet

 

HIỆU ỨNG TÂM LÝ TRONG TÌNH YÊU – HIỆU ỨNG TÂM LÝ ROMEO VÀ JULIET

 

Hai nhà tâm lý học Brehm và Weintraub, Mỹ từng thực hiện một nghiên cứu. Theo đó hơn một chục bé trai dưới 2 tuổi được đưa vào căn phòng có hai món đồ chơi hấp dẫn, có những tấm chắn gây cản trở, khi đặt tấm chắn đủ cao để tạo thành một rào cản thật sự, bọn trẻ tiến thẳng đến chỗ món đồ chơi bị chặn và với lấy chúng nhanh hơn ba lần so với món đồ không bị chặn.

 

Đây là minh họa cho hiện tượng có tên là “hiệu ứng Romeo và Juliet”. Người lãng mạn cho rằng đó là một tình yêu hoàn hảo hiếm thấy. Còn nhà tâm lý lại chứng minh tình yêu đó đẹp là bởi hai người bị ngăn cản từ phía cha mẹ.

 

Theo các nhà khoa học, khi sự tự do được sở hữu thứ gì đó của chúng ta bị giới hạn, thì nó bỗng trở nên khan hiếm và sự mong muốn có được nó ngày càng tăng. Hiệu ứng tâm lý này giải thích vì sao càng bị ngăn cấm thì chúng ta lại càng cố làm cho bằng được, đặc biệt trong tình yêu.

 

Không tranh chấp với những người sĩ diện

 KHÔNG TRANH CHẤP VỚI NHỮNG NGƯỜI SĨ DIỆN

Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp những người coi sự tôn nghiêm của chính mình là thứ đáng quý nhất. Những người này có một đặc điểm lớn nhất là thích thể hiện, thích sĩ diện, chính là loại "khẩu thị tâm phi" - ngoài miệng nói là phải, trong lòng lại nói trái.

Do vậy, khi tiếp xúc với những người này, cần tuyệt đối tránh không làm họ xấu hổ, không động đến sự tôn nghiêm, không nên mổ xẻ, đánh giá họ. Nếu không tỏ ra tôn trọng được thì cứ giữ thái độ trung dung, ít tranh cãi. Như vậy, mới có thể hòa thuận với nhau.

Thêm bạn bớt thù là điều quan trọng trong cuộc sống. Có thêm bằng hữu, chính là có thêm người giúp đỡ khi mình gặp khó khăn, thêm người bên cạnh khi mình cô độc, thêm người động viên, giúp mình đứng dậy sau những bi thương.

Một người thật sự hiểu cách đối nhân xử thế, chính là biết cách kết giao với càng nhiều bạn càng tốt, càng nhiều mối quan hệ khăng khít, vốn xã hội càng nhiều, người đó càng thành công.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người ta tiếp xúc đều hợp tính hợp nết, dễ chịu với nhau. Trong mối quan hệ với những người bất đồng, ta phải biết tránh chỗ nhạy cảm của đối phương, không động vào những điều sẽ khiến họ tự ái, tổn thương lòng tự tin của họ. Có như vậy thì mối quan hệ mới tốt đẹp, từ đó có thể giảm bớt thị phi.