Ảnh: Nhà khoa học Aubrey De Grey
“CHÌA KHÓA THẦN” GIÚP TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ
Xuyên suốt lịch sử, con người đều phải trải qua một tình trạng mà chúng ta không bao giờ có thể thoát ra được - bị già.Khi chúng ta già đi, các tế bào trong cơ thể sẽ ngưng làm việc và có thể hư hỏng, gây ra các căn bệnh như ung thư, bệnh tim mạch, hen suyễn và bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).
Các
chứng bệnh liên quan đến tuổi già gây ra khoảng 100.000 ca tử vong mỗi ngày.
Hàng tỷ USD đang được đổ vào trên khắp thế giới trong nỗ lực làm chậm lại quá
trình lão hóa của cơ thể.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng chúng ta có thể đã sai lầm trong cách nghiên cứu về tình trạng lão hóa. Họ cho rằng chúng ta nên coi chứng lão hóa như một căn bệnh - tức là có thể được phòng ngừa và chữa khỏi.
Ý tưởng trên dựa trên những khám phá mới đây, theo đó cho thấy quá trình lão hóa sinh học có thể hoàn toàn phòng ngừa và chữa trị được.
Các nhà khoa học đang hy vọng tạo ra đột phá trong vấn đề nghiên cứu lão hóa, là chủ đề hiện vẫn đang ở bên rìa của y khoa chính thống.
Giờ đây, đã có một số trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới đang ưu tiên tìm kiếm các phương cách ngăn chặn lão hóa sinh học.
Vào đầu những năm 1990, Cynthia Kenyon, hiện là Phó Chủ tịch về nghiên cứu lão hóa tại Phòng thí nghiệm Calico, công ty nghiên cứu chống lão hóa do Google hỗ trợ, đã chứng minh được rằng giun đũa có thể sống đến sáu tuần thay vì chỉ ba tuần như lâu nay bằng cách thay đổi một ký tự duy nhất trên mã di truyền của chúng.
Một trong những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tuổi thọ con người, Aubrey De Grey, cho biết con người có thể được tăng tuổi thọ theo cách tương tự.
De Grey là nhà khoa học chính tại Viện Nghiên cứu Chiến lược về Các kỹ thuật về sự già yếu không đáng kể, một cơ quan nghiên cứu về thuốc tái tạo có trụ sở ở bang California tập trung vào kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh ở con người. Ông giải thích rằng mục tiêu của họ là xây dựng một bộ các liệu pháp cho người trung niên và người già để giúp họ giống như người trong độ tuổi dưới 30 cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Có 7 nhân tố sinh học mà De Grey cho rằng chịu trách nhiệm phần lớn cho sự hư tổn tế bào, gây ra sự lão hóa và kéo theo các chứng bệnh tuổi già.
De Grey và nhóm nghiên cứu của ông cho biết họ đã tìm ra cách để xử lý từng nguyên nhân kể trên với các liệu pháp mà họ đang xây dựng."Cách chữa trị đầu tiên về là có quá ít tế bào là liệu pháp tế bào gốc," De Grey giải thích.
Cách làm này cung cấp cho các mô một lượng tế bào trẻ để thay thế các tế bào chết đi trong quá trình lão hóa.
De Grey không cho rằng tất cả các cách làm này sẽ có thể chặn đứng hoàn toàn quá trình lão hóa nhưng chúng có thể giúp con người sống thêm chừng 30 năm nữa.
Nguyên
tắc của cách làm này là nếu ai đó được điều trị khi 60 tuổi sẽ trở về tuổi 30 về
mặt sinh học. Tuy nhiên, do những liệu pháp này không giúp điều trị vĩnh viễn
được, các tế bào của họ sẽ trở thành 60 tuổi một lần nữa trong 30 năm kế tiếp….
Tuy nhiên, cần phải thận trọng với những tuyên bố kiểu này. Không có bằng chứng
thí nghiệm cho thấy cơ thể của chúng ta sẽ đáp ứng lại kiểu 'cập nhật phần mềm'
như thế này. Cũng giống như máy tính, khi được cập nhật quá nhiều lần cơ thể của
chúng ta có thể dừng hoạt động.
Nhưng De Grey tin rằng cách suy nghĩ này sẽ kéo lùi những tiến bộ của công nghệ chống lão hóa. Vấn đề ở chỗ, ông nói, về mặt văn hóa, chúng ta chấp nhận là con người không tránh khỏi bị già nên những nỗ lực nhằm ngăn chặn những tổn hại của quá trình già đi thường bị xem là khoa học lập dị. Và ông không hề đơn độc khi tin rằng các chứng bệnh liên quan đến tuổi già có thể chữa trị được.
George Church, một nhà di truyền học tại Trường Y Đại học Harvard nói rằng mặc dù một số đồng nghiệp của ông lập luận rằng nhiều chứng bệnh tuổi già quá phức tạp nên chúng không thể nào chữa trị được, nhưng ông cho rằng cách nghĩ như vậy là không chính xác.
"Nếu bạn có thể kiểm soát cả môi trường và di truyền, bạn có thể giúp cho bệnh nhân sống trẻ trung và khỏe mạnh lâu hơn rất nhiều so với những người khác," Church nói.
"Ở các nước công nghiệp hóa phần lớn các căn bệnh là bệnh tuổi già và tôi cho rằng những căn bệnh này có thể giải quyết được."
Trong một thử nghiệm gần đây cho thấy các bệnh nhân mất trí nhớ được truyền huyết tương từ những người hiến máu trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã có những dấu hiệu cải thiện.
Các bệnh nhân mới phát bệnh Alzheimer đã lấy lại khả năng tự tắm rửa, mặc quần áo, hay làm những công việc khác, như việc nhà.
Trong khi thử nghiệm này vẫn còn đang tiếp tục, một công ty khởi nghiệp ở Mỹ có tên gọi là Ambrosia đã hứa hẹn các khách hàng lớn tuổi của họ rằng họ sẽ được nhận truyền máu từ những thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 với giá 8.000 USD mỗi lần.
Công ty này nói rằng liệu pháp truyền máu có thể giúp tăng cường hoạt động của những tế bào đã ngủ lịm ở người già, cũng như giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân Alzheimer thời kỳ đầu và giúp chuyển tóc bạc của bệnh nhân 60 tuổi thành đen hơn.
Tuy nhiên nghiên cứu của họ vẫn chưa được công bố chính thức trên bất kỳ tạp chí chuyên ngành nào và đã bị chỉ trích là không tính đến hiệu ứng placebo, tức là làm an lòng bệnh nhân hơn là có công dụng thực sự.
Bất kể là làm cách nào thì việc kéo dài tuổi thọ con người thêm hàng chục thậm chí hàng trăm năm sẽ đưa đến cho chúng ta những hiện thực xã hội khó khăn.
Có những lo sợ rằng việc sống thọ quá lâu có thể dẫn đến dân số bùng nổ và liệu hành tinh chúng ta có đủ sức chứa một lượng người lớn như vậy hay không.
Bản thân De Grey cho biết ông thường được hỏi rằng liệu các công nghệ mà ông đang phát triển có bị những kẻ độc tài lắm tiền của lạm dụng để kéo dài tuổi thọ, trong khi những người khác đặt vấn đề liệu chúng ta có cảm thấy buồn chán với cuộc sống cứ kéo dài ra mãi hay không.
Theo: Who Wants to Cure Old Age
https://www.vice.com/en/article/mgbb9v/meet-aubrey