Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Chuyện nàng Bích Diễm của Trịnh Công Sơn

 

chân dung bà Bích Diễm

CHUYỆN NÀNG BÍCH DIỄM CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

 

Nhà văn hóa Huế, nhà giáo Bửu Ý, đã kể lại một câu chuyện tình về Sơn và Diễm. “Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là chàng cứ sướng ran cả người. Một tình yêu “hương hoa” kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó. Tên cô là Diễm, người đã tạo cảm xúc cho Sơn sáng tác vô số bản tình ca bất hủ”.

 


 Chân dung bà Dao Ánh

 “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên xuất hiện: Được cho là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhân vật “bí ẩn” đã đi vào huyền thoại trong sáng tác “Diễm xưa” của chàng họ Trịnh, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

 

Xuất phát cho ý tưởng độc đáo này là TS Triết học Thái Kim Lan, hiện đang công tác tại CHLB Đức. Qua lời mời của cô Kim Lan, Ngô Thị Bích Diễm đã đồng ý về Huế gặp gỡ một buổi duy nhất với công chúng. Tuy nhiên khách được mời hạn chế qua điện thoại, chỉ những người thân quen, một thời gắn bó với Trịnh.

Cuộc gặp gỡ quá đặc biệt không được thông báo trước đã diễn ra tại trung tâm văn hóa Liễu Quán, TP Huế, tối 12/3/2017

 

“Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Diễm đã trở thành một huyền thoại. Từ đó đến giờ, rất ít ai biết hình bóng cô Diễm trong tuyệt phẩm Diễm xưa là ai. Hôm nay, sự im lặng đó được phá vỡ”, Thái Kim Lan tâm sự.

 

Không chỉ là những người trẻ yêu nhạc trịnh của thế hệ 7X, 8X, 9X…, mà ngay cả với rất nhiều người cùng thời, thậm chí là có quen biết, giao du qua lại với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người con gái trong “Diễm xưa” vẫn đã, đang là một huyền thoại sương khói.

 

Bởi vậy, sự xuất hiện và công khai chuyện tình cảm của mình với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên sau hơn 50 năm im lặng của một “Diễm xưa” bằng xương bằng thịt, đã mang đến những cảm xúc rất đặc biệt đối với gần 100 người, phần lớn là trí thức Huế có mặt trong đêm nhạc.

 

Sinh thời, hơn một lần cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự bạch về “Diễm xưa” như thế này: “ Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế…. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. … .

 

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.

 

“Diễm xưa” tên thật là Ngô Thị Bích Diễm, con gái của ông Ngô đốc Khánh người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. “Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế, trưởng thành ở Sài Gòn, sau đó đi du học nước ngoài và bây giờ cùng chồng và các con sống, định cư ở Mỹ”, bà Diễm cho biết.

 

Theo hồi ức của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhiều người cùng thời với bà có mặt tại đêm nhạc thì bà Bích Diễm, thời là người yêu của Trịnh Công Sơn rất giống bố, người gầy và dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng….

Qua thời gian, “Diễm xưa” bây giờ đã là một mệnh phụ, tuy nhiên khuôn mặt, dáng người, phong thái…vẫn còn lưu dấu những nét đẹp kiêu sa, đài các một thời.

 

Tại buổi nhạc, vì là lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, bà Diễm đã rất xúc động và lúng túng. Bà kể điều được điều mất đại ý: Bà quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua hoạ sĩ Đinh Cường, thời ấy (khoảng những năm 1960) là một học trò Pháp văn của cha bà. Nhà bà ở 46 đường Phan Chu Trinh, bên kia sông An Cựu, đối diện với nhà cũ của Trịnh Công Sơn ở đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế.

 

Nhà văn Bửu Ý, một người bạn thân của nhạc sĩ phát biểu tại đêm nhạc: “Sinh thời, Trịnh Công Sơn có đến hơn…23 người tình. Tuy nhiên, do mối tình đầu với bà Bích Diễm quá sâu nặng cho nên những mối tình sau này, thật ra Trịnh Công Sơn chỉ là đi tìm hình bóng của bà Diễm trước đó mà thôi”.

 

Phóng viên : Chị và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quen nhau trong hoàn cảnh nào ?

Bà Bích Diễm : Sơn quen tôi qua hoạ sĩ Đinh Cường. Hai người là bạn thân của nhau. Ngày đó, anh Cường thuê nhà trọ ngay trong con hẻm nhà tôi. Có vài lần qua nhà tôi chơi, anh Sơn rủ Đinh Cường đi cùng. Nhà anh Sơn ở không xa nhà tôi.

Từ nhà anh Sơn đi qua cầu Phủ Cam, rẽ tay phải đi bộ vài phút là đến nhà tôi. Sơn hay đến nhà tôi chơi. Lúc ấy, nhà tôi có cây dạ lan hương, hoa nở rất thơm.

 

Anh Sơn rất thích mùi hoa này. Lúc nào đến chơi cũng nhận xét về mùi thơm của hoa. Có lần tôi đã tặng anh một nhành hoa. Sau đó, tôi nghe các em gái của anh nói lại là cành hoa tôi tặng đã làm chấn động tình cảm của anh.

 

Phóng viên: Vậy có phải Diễm xưa là tình yêu say mê của Trịnh Công Sơn dành cho chị?

Bà Bích Diễm: Tình cảm của Sơn dành cho tôi quá đẹp nên lúc nào tôi cũng trong trạng thái mơ hồ. Tôi không dám nhận mình là người con gái trong nhạc phẩm Diễm xưa. Nhưng đó là một mối tình rất đẹp của chúng tôi ngày ấy.

 

Phóng viên: Chị nghĩ về Trịnh Công Sơn thế nào ?

Bà Bích Diễm:  Anh Sơn như một dòng sông…

 

Phóng viên: Nghe nói do gia đình chị, cụ thể là ông cụ thân sinh đang là giáo viên Trường Quốc học Huế, không muốn chị thành thân với một nghệ sĩ?

Bà Bích Diễm: Tôi sinh ra ở Hà Nội. Năm 1952, gia đình tôi vào Huế nên tôi lớn lên ở Huế trưởng thành ở Sài Gòn. Nhưng đi bất cứ đâu, thậm chí sau này khi tôi đã định cư ở Mỹ, vẫn có nhiều người gặp tôi lần đầu đều hỏi tôi có phải là người Huế không? Vì phong cách, dáng dấp của tôi rất giống người Huế. Có lẽ đó là một trong những điều làm Sơn quý mến tôi. Với tôi, Huế luôn khép kín, bí ẩn, dù đi bất cứ đâu, suốt cả cuộc đời, Huế vẫn luôn ở trong tim tôi.

 

Phóng viên: Một mối tình thật đẹp, nhưng vì sao hai người không cùng nhau đi hết cuộc đời?

Bà Bích Diễm: Năm 1963, lúc 20 tuổi, tôi vào Sài Gòn học đại học, còn Sơn sau đó cũng vào học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau đó tôi du học ở Mỹ nên không có điều kiện gặp lại anh.

 

Phóng viên: nhà giáo Bửu Ý, bạn thân của Trịnh Công Sơn nói rằng ông mới đếm sơ sơ thì Sơn đã có 23 người đẹp đi qua đời ông. Tất cả đều nói giọng Bắc như chị. Người nào Sơn cũng yêu say mê nhưng vẫn tìm hình bóng của Diễm qua từng người một, Diễm vẫn là niềm cảm hứng để Sơn dâng tặng cho đời những tình ca bất hủ. Chị nghĩ sao về điều này?

Bà Bích Diễm: (Nói trong cảm xúc dâng tràn, bà Diễm cười nhưng đôi hàng mi hoen ướt). Hình bóng anh Sơn đã bao trùm lên suốt cuộc đời tôi. Thế là quá đủ rồi!

 

Bước sang tuổi 67, Diễm vẫn mang vẻ đẹp dịu dàng, đài các của cô gái Huế gần 50 năm về trước. Bà ngồi đó, bên cạnh những người bạn thân của Trịnh Công Sơn như nhà giáo Bửu Ý, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân… từng chứng kiến mối tình đẹp của chàng nghệ sĩ lãng tử họ Trịnh và người đẹp nữ sinh Đồng Khánh năm xưa.

(theo Phan Nguyên Luân… thực hiện)

 


Cách giáo dục trẻ tốt nhất là “mặc kệ con”

 

CÁCH GIÁO DỤC TRẺ TỐT NHẤT LÀ “MẶC KỆ CON”

Câu chuyện tôi kể vào một buổi sáng mùa đông tuyết trắng ở Canada.

Mẹ con tôi, vì hì hụi lội tuyết nên đến trường muộn. Trường học của Tee cứ đúng 8h 45’ sáng là khóa cửa chính.

Chúng tôi phải ra cửa sau và đứng chờ 10 phút mới có người mở cửa. Đi muộn nên con tự vào lớp, không được mẹ đưa vào như mọi khi. Tee nhìn mẹ hơi mếu nhưng cũng hiểu chuyện, vẫy tay chào. Cửa đóng, tôi vẫn nán lại nhìn con qua ô cửa kính.

 

Tee một tay xách túi đựng chăn gối, một tay cầm bình nước và con đang lóng ngóng tìm cách cởi đôi giày tuyết ở chân mà không làm được. Đưa tay phải xuống tháo giày thì quai túi rơi trễ xuống đất, dùng tay phải thì cái bình nước lăn lông lốc phải hùng hục chạy theo nhặt lên.

Tôi khẽ chau mày khi cô giáo con cứ đứng đó, gương mặt nhẹ nhàng, không tỏ chút thái độ, cũng không nói một lời, chỉ kiên nhẫn đứng chờ con tầm 5 phút loay hoay.

Đúng vậy, cô không hề làm gì, không giúp đỡ cũng không phàn nàn, chỉ đơn giản là đứng chờ

.

Tôi hơi sốt ruột, liền gõ cửa hỏi liệu có cần giúp đỡ. Cô tươi cười nói không cần và chúc mẹ một ngày tốt lành. Cửa lại đóng, tôi quay lưng đi vài bước rồi không kìm được, ngoái lại nhìn.

Sau vài phút, con trai tôi đã biết chạy lại một chiếc ghế gần đó. Đặt chiếc túi và bình nước ngay ngắn trên ghế, ngồi xuống dùng hai tay tự cởi giày, cho bình nước vào túi đựng chăn gối, đeo nó lên vai phải, tay trái xách giày, rồi chạy theo cô vào lớp.

 

Chiều hôm đó tôi đón Tee. Cô giáo niềm nở ra bắt chuyện với tôi. Cô nói: “Tôi biết chị sáng nay có hơi sốt ruột khi tôi không giúp con, nhưng nếu tôi giúp bé thì có lẽ cả tôi và chị sẽ chẳng bao giờ biết được thằng bé có thể giỏi xoay xở biết nhường nào”.

 

Đó là sự thật, vì cuối cùng, Tee cũng đã tự nghĩ ra cách làm thế nào để túi không bẩn, bình nước không rơi và hai tay bê được ba thứ chạy theo cô. Và việc duy nhất người cô giáo ấy làm chỉ là kiên nhẫn và đứng chờ.

 

Có ai trong số chúng ta đủ kiên nhẫn để đứng chờ hay vội vàng mặc giúp bé quần áo khi con đang loay hoay tự tìm cách không xỏ hai chân vào một ống quần?

Có ai trong số chúng ta đủ kiên nhẫn để mỉm cười hay nhanh chóng giúp bé buộc dây giày khi con đang băn khoăn bên nào trái bên nào phải?

Có ai trong số chúng ta đủ kiên nhẫn để không làu bàu khi con tự bê đồ ăn và dây bẩn ra áo, khi con muốn giúp mẹ xách đồ nhưng làm rơi tung toé?

Chúng ta sợ con bẩn nên dọn giúp, dù con là người làm đổ sữa ra bàn.

Chúng ta sợ con muộn nên giục giúp, dù con không hề hiểu tại sao phải vội vã như vậy.

Chúng ta sợ con đau nên chữa giúp, và chẳng bao giờ con biết tự nhận trách nhiệm với sai lầm của mình.

 

Phải chăng chúng ta đã lo lắng quá nhiều?

Cũng lâu lâu rồi, tôi từng hỏi chồng mình điều mà tôi tự nhận ra sau một thời gian sống ở Canada: Không hiểu tại sao trẻ con ở đây hầu như đều biết trông em, dù chỉ cách nhau 1 – 2 tuổi, bởi trẻ con Việt Nam tầm tuổi đó thường chỉ biết chấp nhặt, tranh giành, bắt nạt, mách lẻo và khóc lóc?

 

Câu trả lời tôi nhận được là: Vì trẻ con Tây luôn biết tự chăm sóc bản thân và giỏi xoay xở. Khi những đứa trẻ tự biết chăm sóc bản thân mình và được tập xoay xở trong mỗi tình huống mà không cần người lớn can thiệp giúp đỡ, chúng sẽ luôn biết mình cần gì và phải làm gì cho bản thân mình và cho cả những người xung quanh.

 

Những đứa trẻ giỏi xoay xở không phải vì chúng thông minh hay vì chúng có chỉ số IQ cao. Chúng giỏi xoay xở vì ngay từ nhỏ, chúng được rèn luyện luôn suy nghĩ và làm mọi thứ độc lập (trong sự kiểm soát của người lớn). Đúng như lời nói của cô giáo Tee: Nếu tôi giúp bé, cả tôi và chị sẽ chẳng bao giờ biết được thằng bé có thể giỏi xoay xở biết nhường nào.

 

Nếu bạn cho con bê một túi đồ lỉnh kỉnh, con sẽ đi chậm hơn và bạn phải đứng chờ?

Nếu bạn để con tự chọn quần áo, con sẽ chọn một chiếc áo giữ nhiệt vào ngày trời 40 độ và mọi người có thể sẽ nhìn chằm chằm vào bạn?

Nếu bạn để con tự lau sữa vừa làm đổ, có thể bạn sẽ phải giặt thêm một cái áo?

Nếu bạn để con thong thả đi trên đường, có thể cả con và bạn sẽ đến trường và cơ quan muộn?

 

Có thể bạn là một người bố bận rộn, một người mẹ cầu toàn, kĩ tính, nhưng hãy thử hỏi mình rằng những gì bạn đã và đang làm cho con là mong muốn của con, niềm vui của con, trách nhiệm của con hay đơn giản bạn làm chỉ vì bạn thấy chúng nhanh hơn, thuận lợi hơn cho chính bạn?

 

Những điều tuyệt vời nhất cho bé thường không phải là thứ thuận tiện và dễ dàng cho bố mẹ… nhưng những đứa trẻ giỏi xoay xở lại được tạo dựng nên từ như thế!