Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Bí quyết giao tiếp dành cho người hướng nội

 

BÍ QUYẾT GIAO TIẾP DÀNH CHO NGƯỜI HƯỚNG NỘI

Theo các nhà tâm lý, những người hướng nội và luôn rụt rè có thể được nhiều người yêu quý nhưng họ rất khó để có thể thành công trong cuộc sống lẫn tình yêu. Trong các mối quan hệ giao tiếp họ đều cảm thấy ngại ngần và chính vì thế họ không thể giải quyết tốt các mâu thuẫn đơn giản vẫn thường xảy ra trong cuộc sống thường nhật. Nếu bạn là người hướng nội, hãy đọc những bí quyết mà Hướng nghiệp GPO chia sẻ dưới đây để lấy lại sự tự tin và nâng cao kỹ năng giao tiếp cho bản thân.

 

1. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và tông giọng của mình

Những người hướng nội khi giao tiếp thường có xu hướng chỉ nói ra những suy nghĩ của mình và mong đối phương hiểu được những điều đó mà không biết rằng để có thể giao tiếp tốt họ cần rất nhiều kỹ năng khác như ngôn ngữ cơ thể (Body Language) và điều chỉnh tông giọng hợp lý.

 

Chẳng hạn, khi giao tiếp bạn cần chú ý ánh mắt của mình, thay vì nhìn xuống, nhìn lên thì nên tập trung vào người đối diện để họ biết bạn đang giao tiếp với họ, và đồng thời cũng giúp bạn tự tin hơn. Tuy nhiên, bạn cũng tránh nhìn chằm chằm vào người đối diện. Đặc biệt khi bạn và họ đang giao tiếp trong khoảng cách gần, bởi điều này bị coi là hành vi bất lịch sự và rất dễ khiến người nói chuyện với bạn cảm thấy không thoải mái.

 

Bên cạnh đó, bạn cần sử dụng nét mặt như vui, buồn hay hào hứng phù hợp với nội dung câu chuyện kết hợp các cử chỉ của tay để giúp cho việc diễn đạt tốt hơn và đặc biệt nên sử dụng tông giọng lên, xuống nhẹ nhàng khi nói chuyện vì nếu chỉ sử dụng một tông giọng ngang khi giao tiếp chắc chắn sẽ khiến người đối diện rất mau chán, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến không khí của cuộc nói chuyện.

Nếu cải thiện được điều này, chắc chắn sẽ khiến người nghe có nhiều cảm xúc hơn để tập trung vào lời nói của bạn, đồng thời cũng khiến câu chuyện mà bạn nói ra trở nên sống động, thú vị hơn.

 

2. Không tự cô lập mình

Những người hướng nội thường có xu hướng ngại giao thiệp với mọi người xung quanh và khi việc ngại giao tiếp này diễn ra thường xuyên thì họ rất dễ có xu hướng cô lập bản thân với các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên nếu là người hướng nội thì bạn nên biết rằng càng dành nhiều thời gian bên cạnh mọi người, bạn càng quen với điều đó và từ đó khiến việc giao tiếp bớt ngại ngùng hơn.

Bên cạnh đó việc dành nhiều thời gian với những người xung quanh còn giúp bạn mở rộng thêm các mối quan hệ có ích cho bản thân, giúp bạn có cơ hội gặp nhiều người giỏi hơn để bạn có thể học tập từ họ những điều hay những kỹ năng mà bạn chưa có.

 

3. Lắng nghe nhiều hơn và học cách lắng nghe

Hãy luôn nhớ rằng giao tiếp không phải lúc nào cũng là luôn cố gắng nghĩ ra những câu nói thật hay, thật hài hước để gây ấn tượng với người đối diện. Giao tiếp đôi khi chỉ là việc bạn biết lắng nghe và biết đặt các câu hỏi mở để họ chia sẻ về câu chuyện của mình, bởi ai ai cũng cần được lắng nghe và việc bạn lắng nghe sẽ giúp họ biết rằng bạn tôn trọng họ và họ có thể tin tưởng để chia sẻ toàn bộ câu chuyện với bạn. Việc học cách lắng nghe trong nhiều trường hợp không chỉ giúp bạn làm giàu thêm nguồn thông tin của bản thân mà còn giúp bạn có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp.

 

4. Cố gắng vượt qua sự lo lắng

Sự lo lắng khi giao tiếp với bất kỳ ai, kể cả với người lạ hay với người đã quen biết đều là những điều bạn không thể tránh khỏi bởi những nỗi sợ: sợ bị đánh giá, sợ bị chê là nhạt, sợ bị lỡ lời.

Tuy nhiên bạn cũng nên biết rằng những việc này là một phần của sự tiến bộ, mắc sai lầm có thể khiến bạn ngay lúc đó cảm thấy bản thân mình đã làm không tốt, nhưng mặt khác nó lại giúp bạn biết mình cần phải cải thiện điều gì ở bản thân. Giao tiếp là một kỷ năng và kỹ năng chỉ có khi bạn thực sự rèn luyện nó thật nhiều trên thực tế. Càng làm nhiều, càng giao tiếp nhiều bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng hơn và kỹ năng giao tiếp của bạn sẽ dần trở nên tốt hơn.

 

Việc thực hiện những bí quyết trên chắc chắn sẽ khiến bạn gặp khó khăn và chán nản khi mới bắt đầu. Tuy nhiên sau khi kiên trì và cố gắng thực hiện chúng, bạn sẽ nhận ra rằng dù là người hướng nội thì kỹ năng giao tiếp của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện một khi bạn tập trung vào việc thay đổi để phát triển bản thân.

Việc có một kỹ năng giao tiếp sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong công việc và cuộc sống, vì vậy hãy cố gắng rèn luyện nó mỗi ngày nhé.

 

 

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Nhân sinh ngắn ngủi, có duyên mới gặp được nhau

 

NHÂN SINH NGẮN NGỦI, CÓ DUYÊN MỚI GẶP ĐƯỢC NHAU

 

Sống trên đời này, được sống cùng người thân, được học hành cùng bạn bè, được làm việc cùng đồng nghiệp, được cùng chung sống với phu thê, âu cũng là duyên số. Ta được cha mẹ sinh ra, được lớn lên cùng anh chị em đã là một cái duyên rồi. Nó khiến ta gặp họ, đúng hơn thì nhờ có duyên, mà cha mẹ ta sinh ra ta. 

 

Được nên duyên vợ chồng với nhau lại là một duyên số lớn hơn. Duyên khiến ta gặp nhau, đem lòng yêu mến nhau. Rồi cái duyên đó nuôi lớn tình yêu của ta. Nó lớn dần và trở thành duyên chồng vợ.

 

“Tu trăm năm được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới cùng chăn gối”. Được ngồi chung thuyền với nhau đã là một cái duyên rồi, phải tu trăm năm mới có được cái duyên đó. Tu nghìn năm thì cái duyên đó mới nên duyên chồng vợ. Được sống cùng nhau, trải qua vui buồn cùng nhau, đó đã là một cái duyên vô cùng lớn.

 

Thế gian này, sở dĩ gặp được nhau đều là có nguyên nhân. Mỗi một lần gặp gỡ, đều là để hoàn thành một tâm nguyện. Có lẽ, tình duyên kiếp trước chưa trọn vẹn, cho nên, kiếp này lại có thể gặp gỡ. Hết thảy những tương kiến, đều là vì còn thiếu nợ. 

 

Nhân sinh ngắn ngủi mấy mươi năm, cả đời có thể gặp được bao nhiêu người? Trong dòng đời chảy trôi, người đến người đi đều không hề ngẫu nhiên. Có người chỉ gặp thoáng qua, bởi kiếp trước đã không còn mắc nợ điều gì; có người cả đời ở bên cạnh.

 

Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của bạn cả, sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do của nó, nhưng đều đáng được cảm kích. 

Mọi thứ bắt đầu từ duyên phận, kết thúc cũng lại do duyên phận. Kiếp này là thân nhân của nhau, chính là để đem thân tình để đền bù; là bằng hữu của nhau, thì đem hữu nghị để hoàn lại; là người yêu của nhau, thì đem tình yêu để bổ khuyết cho vẹn toàn. 

Kiếp trước không nợ, kiếp này không gặp. Kiếp này tương kiến, đều là vì để trả món nợ cho xong. Vậy nên, dù thế nào cũng hãy quý trọng mỗi người gặp ở trên đời, bởi đó chính là nhân duyên tiền kiếp của bạn; trân quý người bên cạnh, bởi giữa hai người vẫn còn lưu một món nợ.

Bạn có là người hướng ngoại không?

 

BẠN CÓ LÀ NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI KHÔNG?

 

Người hướng ngoại có xu hướng thích giao lưu, thích đám đông và năng động, thường quan tâm đến những yếu tố gây phấn khích như màu sắc, âm thanh, sự chuyển động, trò chuyện để tạo nên cảm hứng cho bản thân và truyền cảm hứng cho người xung quanh.

 

Người hướng ngoại rất dễ gần, dễ bắt chuyện và giao lưu hơn so với người hướng nội. Họ thường tỏ ra thích thú với xung quanh, những nơi đông đúc có thể xông xáo và luôn lạc quan, nhiệt tình. 

 

Người hướng ngoại cực kỳ thích tìm đến những mối quan hệ mới, cởi mở và thoải mái khi xung quanh là người lạ. Họ không ngại đám đông và cũng thích là trung tâm của sự chú ý và thích thể hiện cho mọi người xem.

 

Người hướng ngoại nói khá nhiều thích tương tác với mọi người bằng nhiều cách khác nhau, tán gẫu, nói chuyện và luôn trong tâm trạng háo hức.  Người hướng ngoại cũng có xu hướng vừa nói vừa nghĩ, chính vì thế họ nói khá nhiều khi vừa phân tích, lý luận cùng mọi người để tìm kiếm sự đồng điệu.

Đối lập với sự cô lập của người hướng nội thì người hướng ngoại cực kỳ thích các hoạt động có nhiều người và nhiều sự trao đổi qua lại, thích tham gia các câu lạc bộ cũng như các môn thể thao đồng đội cùng làm việc. Điều này giúp họ có nhiều năng lượng hơn trong việc giải quyết vấn đề cùng tập thể.

 

Ở hầu hết các hoạt động thiện nguyện hay hoạt động đồng đội, cộng đồng cần chung tay góp sức bởi số lượng người lớn thì người hướng ngoại là những người năng nổ nhất. Đây là nơi họ nạp năng lượng và thấy tràn đầy cảm hứng.

Người hướng ngoại cực kỳ thích được nổi bật và muốn gây sự chú ý từ mọi người. Nên họ là tuýp người dễ mở lòng với người khác và diễn đạt cảm xúc của mình, trở thành người khiến người khác dễ nói chuyện cùng.

 

Người hướng ngoại cảm thấy tù túng khi ở một mình. Họ thấy buồn chán và mệt mỏi. Họ sợ phải ở nhà một mình giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt trong khi bạn bè đang tụ tập ngoài kia, họ chán ghét cảm giác yên bình trôi qua đều đều nơi làng quê. Họ phải tìm mọi cách có thể để rủ rê ai đó tương tác với họ, đi ăn với họ hoặc đơn giản chỉ nghe họ kể chuyện.

 

Người hướng ngoại không nói nhiều thì cũng hành động nhiều và họ chia đều sự quan tâm của họ cho nhiều người, nhiều lĩnh vực. Lí tưởng nhất với họ là tìm được một cạ cứng cùng quan điểm, cũng là người hướng ngoại và cùng chia sẻ mọi sở thích, đồng hành với nhau trên mọi chặng đường. 

 

Người hướng ngoại tìm được rất nhiều cơ hội nghề nghiệp trong đủ mọi lĩnh vực ngành nghề tiếp xúc với nhiều người như bán hàng, truyền thông, ngoại giao, du lịch…  Việc tiếp xúc với nhiều người, môi trường cũng sẽ giúp họ biết bản thân mạnh gì, muốn gì hơn.

Sống hướng ngoại trở thành xu thế và dễ bắt gặp ở mọi người một phần là do cuộc sống hiện đại ngày nay bắt buộc khiến con người ta trở nên phải năng động hơn, nhịp sống gấp gáp, văn hóa cạnh tranh lên ngôi, con người coi trọng các giá trị bên ngoài.