Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Cha mẹ nên biết để ưng dụng màu sắc cho trí thông minh của trẻ

 

CHA MẸ NÊN BIẾT ĐỂ ƯNG DỤNG MÀU SẮC CHO TRÍ THÔNG MINH CỦA TR

Khi trẻ còn nhỏ, màu sắc môi trường xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến chúng. Nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường có màu sắc phù hợp với bản thân, chúng thường có khả năng quan sát, tư duy, ghi nhớ tốt hơn so với đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường có màu sắc lộn xộn.

 

Theo nhà tâm lý học Howard Gardner tại trường Đại học Harvard, trí thông minh của con người có tổng cộng 8 loại, chúng kết hợp với nhau để nâng cao trí não một cách toàn diện.

1. Trí thông minh ngôn ngữ.

2. Trí thông minh logic – toán học.

3. Trí thông minh thị giác – không gian.

4. Trí thông minh âm nhạc.

5. Trí thông minh thể chất – vận động.

6. Trí thông minh nội tâm.

7. Trí thông minh tự nhiên.

8. Trí thông minh xã giao.

 

Để một loại trí thông minh nổi bật hơn, điều này phụ thuộc vào sự trải nghiệm của trẻ trong cuộc sống hằng ngày.

Những đứa trẻ xuất sắc về trí thông minh thị giác – không gian, nếu được tiếp xúc nhiều với màu sắc và hình ảnh sẽ giúp chúng phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

 

Trẻ em thường chú ý và thích thú với những đồ vật, đồ chơi nhiều màu sắc. Loại trí thông minh này có thể phát triển tốt hơn nhờ vào sự kiên trì cũng như chất xúc tác là niềm đam mê với màu sắc.

Một số người nổi tiếng có trí thông minh thị giác – không gian phải kể đến Thomas Edison, Pablo Picasso, Leonardo da Vinci.

 

Tác động của màu sắc tới trí thông minh của trẻ

Sau khi chào đời, mặc dù mắt của trẻ đã có thể nhìn thấy được nhiều màu sắc khác nhau, nhưng não bộ vẫn chưa sẵn sàng xử lý hết các thông tin phức tạp.

 

Khi trẻ được 3 tháng tuổi, chúng đã có sự phân biệt rõ ràng hơn về màu sắc. Trẻ có xu hướng chuyển sang thích những đồ vật có gam màu cam, đỏ, xanh. Khoảng 3 – 4 tuổi, trẻ có thể nhận biết và gọi tên các màu sắc cơ bản.

 

Theo các nhà nghiên cứu, phản ứng của con người với màu sắc rất quan trọng. Khi màu sắc được truyền từ mắt tới não, não sẽ tiết ra một loại hormone ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trí và năng lượng của cơ thể.

Ví dụ, một số trẻ có thể cảm thấy không thoải mái trong một căn phòng sơn hoàn toàn bằng màu vàng, nhưng chúng lại cảm thấy dễ chịu trong một căn phòng được sơn kết hợp giữa màu xanh lam, xanh lục và vàng.

 

Màu sắc không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thẩm mỹ mà nó còn tác động đến tâm lý, sức khỏe, tình cảm, nhận thức, học tập và hành vi của một cá nhân. Khi trẻ mới bắt đầu đi học mẫu giáo, chúng chưa thành thạo việc đọc, viết nên màu sắc được coi là một “dụng cụ học tập” thiết thực.

 

Mỗi màu có sự ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ theo những cách khác nhau. Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc đối với hoạt động của não bộ cho ra kết quả bất ngờ.

 

– Màu đỏ

Sau màu đen và trắng, màu đỏ là màu mà trẻ có thể nhận biết sau vài tuần mới sinh. Trẻ rất thích màu đơn sắc sặc sỡ này. Các nhà khoa học chứng minh rằng, màu đỏ giúp trẻ nhớ lâu hơn, vì nó tác động mạnh đến các giác quan. Khi màu đỏ được sử dụng cùng với các hiệu ứng lặp lại hoặc chỉ đường chi tiết, nó có thể giúp cải thiện sự tập trung của trẻ.

 

– Màu xanh lá cây

Màu xanh lá cây phổ biến xung quanh chúng ta. Theo các nhà khoa học, màu xanh lá cây có mối quan hệ đặc biệt với thần kinh của con người, có thể giúp trẻ tập trung, phát triển kỹ năng tư duy và thúc đẩy ham muốn khám phá thế giới xung quanh. Ngoài ra, màu xanh lá cây còn tạo cảm giác thư thái, giúp trẻ tự tin hơn.

 

– Màu trắng

Màu trắng là gam màu nhẹ nhàng, dễ chịu và không gây chói mắt. Vì vậy, nó mang lại cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thư thái trong tâm hồn. Màu trắng có tác dụng tốt trong việc cải thiện hiệu quả học tập, là tiền đề kích thích trí thông minh của trẻ.

 

– Màu hồng

Màu hồng là gam màu tươi sáng, được các bé gái và phụ nữ yêu thích. Màu hồng đại diện cho sự tinh tế, nhẹ nhàng, nữ tính và giàu cảm xúc. Nó cũng có tác dụng làm dịu cơn tức giận và lo lắng, được chứng minh giúp giảm nhịp tim khi căng thẳng.

 

Đối với trẻ nhỏ, màu hồng giúp trẻ luôn cảm thấy bình yên, nhẹ nhàng, dễ đi vào giấc ngủ. Những đứa trẻ ở trong căn phòng màu hồng sẽ cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn. Nhờ vậy, trí tuệ của trẻ sẽ được kích thích và phát triển.

 

– Màu vàng

Màu vàng mang lại cảm giác ấm áp, khơi gợi sự hứng thú và hoạt động của trí não. Màu sắc tươi sáng này còn tạo cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều đồ có màu vàng nó có thể gây cay mắt, dẫn tới căng thẳng và khó chịu.

 

– Màu cam

Màu cam là sự kết hợp hài hòa giữa màu đỏ và màu vàng. Màu cam là một gam màu nóng rực rỡ và tràn đầy năng lượng. Màu cam kích thích tư duy logic, tăng cường trí nhớ và oxy lên não. Bằng cách này, não sẽ hoạt động tốt hơn, sáng tạo và thông minh hơn.

 

Đối với những đứa trẻ có tính cách nóng nảy, cha mẹ nên sơn phòng của trẻ gam màu lạnh như xanh lá cây, xanh da trời để làm dịu và ổn định cảm xúc trẻ.

Nếu trẻ ít hiếu động, hãy trang trí thêm những gam màu nóng để kích thích sức sống bên trong trẻ.

 

Nhìn chung, phòng ngủ của trẻ nên sử dụng tông màu lạnh chủ đạo để chúng dễ dàng đi vào giấc ngủ. Trong khi đó, phòng sinh hoạt, nơi ăn uống có thể dùng tông màu ấm nóng để tăng sức sống cho trẻ. Ngoài ra, tại bàn học của trẻ không nên sử dụng quá nhiều màu sắc để tránh làm trẻ mất tập trung khi học.

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

Cách người Do Thái dạy con

 

CÁCH NGƯỜI DO THÁI DẠY CON

Không chỉ có tài kinh doanh giỏi, các bố mẹ Do Thái còn có cách giáo dục con độc đáo. Phương pháp giáo dục con của họ được đúc kết bằng 7 câu nói quý hơn vàng dưới đây:

1. Đọc sách là cách tốt nhất để lấp đầy trí tuệ cho bộ não

Trí thông minh của người Do Thái có liên quan nhiều đến niềm yêu thích đọc sách của họ. Dù trong cảnh nghèo đói, túng quẫn, người Do Thái phải bán đồ đạc để kiếm sống thì họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ bán sách.

Người Do Thái không bao giờ làm hỏng sách, họ sẽ luôn sửa chữa nếu sách bị hư hỏng, khi sách cũ nát không đọc được nữa, họ sẽ trịnh trọng đào một cái hố để “chôn” chúng.

Người Do Thái được mệnh danh là “dân tộc đọc sách”, họ có thể đọc sách bất kể thời gian và địa điểm, trên đường phố, quảng trường hay thậm chí là nhà ga.

Chính vì sở hữu thói quen tự học được trau dồi từ khi còn nhỏ nên việc đọc sách đã trở thành một phần không thể từ bỏ của người Do Thái trong suốt quãng đời của mình. Họ tự biến trí tuệ của nhân loại thành kiến thức của mình và dùng nó để tạo ra những giá trị và của cải.

Chính vì lý do này mà cha mẹ Do Thái lúc nào cũng dạy con yêu sách vì họ biết rằng đọc sách là cách tốt nhất để lấp đầy trí tuệ cho não bộ.

2. Học là sự lặp lại không ngừng nghỉ

Người Do Thái coi việc học là “sự lặp đi lặp lại”. Đọc, nói, nghe, viết phải được thực hành lặp đi lặp lại và những gì đã học phải được ghi nhớ bằng cách nhắc lại. Với phương pháp giáo dục này của người Do Thái khá tương đồng với câu nói của Lênin: “Học, học nữa, học mãi”.

3. Bạn luôn là duy nhất

Cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc xây dựng lòng tự trọng cho con. Họ dạy con suy nghĩ rằng chúng ta là duy nhất ngay từ khi còn nhỏ.

Các bậc phụ huynh khuyến khích con theo đuổi mọi điều tốt đẹp và dạy con rằng sự khác biệt không liên quan gì đến bẩm sinh.

Điều này cho phép những những đứa trẻ tự tin và tin vào khả năng của mình ngay từ khi còn nhỏ. Tất nhiên cha mẹ Do Thái cũng sẽ chú ý đến việc trau dồi các đức tính khác để những đứa trẻ không tự tin một cách kiêu ngạo.

4. Đừng đánh giá mọi người qua vẻ bề ngoài và không phân biệt đối xử với người khác

Theo quan điểm của người Do Thái, sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo đôi khi có thể là khoảng cách lớn. Song họ cho rằng người giàu chưa chắc đã hạnh phúc và người nghèo chưa chắc đã tuyệt vọng. Người dân Do Thái tin vào câu nói: “Chớ khinh kẻ nghèo, vì nhiều người cũng rất uyên bác”.

5. Tìm ra lý do thất bại chứ không phải tập trung đến điểm số

Khi con bị điểm kém, nhiều bố mẹ chỉ tập trung đến điểm số để la mắng. Song người Do Thái lại tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân khiến con thất bại. Bởi thất bại này chính là chìa khóa của thành công tới.

Ví dụ nếu con bị điểm thấp trong bài kiểm tra, cha mẹ Do Thái thường không chỉ trích con mà tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết triệt để vấn đề.

6. Đặt câu hỏi là thói quen cần được trau dồi nhiều nhất

Nếu như nhiều phụ huynh Việt cảm thấy phiền phức với 1000 câu hỏi vì sao của con trẻ thì cha mẹ Do Thái lại khuyến khích chúng đưa những thắc mắc. Bởi người có trí tuệ là người biết hoài nghi và đặt câu hỏi.

Vì thế cha mẹ Do Thái luôn cổ vũ con dám đặt câu hỏi, dám thắc mắc. Khi biết đặt câu hỏi, bé sẽ hỏi càng nhiều và khi đi tìm lời giải cho thắc mắc của mình chính chúng sẽ học dược những điều bổ ích.

Cha mẹ Do Thái tin rằng khi biết hỏi cũng có nghĩa là bé đã suy nghĩ về sự vật. Do đó nếu có thể tự khám phá ra câu trả lời thì bé sẽ cảm thấy hứng thú với việc học và tìm hiểu kiến thức. Vì vậy cha mẹ không chỉ khuyến khích con đặt câu hỏi mà còn cần kiên nhẫn lắng nghe và giúp con tìm được câu trả lời.

7. Trân trọng thời gian như vàng

Người Do Thái rất coi trọng thời gian và điều này được dạy ngay từ khi còn nhỏ. Dân tộc này xem thời gian là cuộc sống, là vàng bạc vì thế họ luôn nắm bắt từng phút để có được cơ hội phát triển và bứt phá.

-------------------

* Mọi người đều biết, Do Thái được cả thế giới công nhận là “Dân tộc thông minh nhất trên thế giới”. Chỉ chiếm 0,3% dân số thế giới song 17% số người đoạt giải Nobel và 30% của cải thế giới thuộc về dân tộc này.

Người Do Thái chiếm đến 1/2 số doanh nhân giàu nhất thế giới, chiếm 1/3 số triệu phú ở Mỹ và 18/40 người đứng đầu danh sách Forbes (theo số liệu của năm 2013) cũng chính là người dân đến từ dân tộc này như ông vua dầu mỏ Rockefeller, ông trùm tài chính George Soros, ông trùm tài chính phố Wall Morgan… Dường như những người thành công nhất đều là các đại diện kiệt xuất của dân tộc Do Thái.

Bạn cần chấp nhận chính mình, có niềm tin nơi chính mình

 

BẠN CẦN CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH, CÓ NIỀM TIN NƠI CHÍNH MÌNH

Bụt dạy rằng trong mỗi chúng ta đều có sẵn bản tính thiện nhưng ta khó chấp nhận sự thật ấy nếu trong gia đình hay ở chỗ làm ta phải chứng kiến những điều trái tai gai mắt.

Phần đông chúng ta tin rằng ít có sự bình an ở nơi làm việc. Ta sợ mình không được thừa nhận. Ta không dám là chính mình. Ta thay đổi cách hành xử theo môi trường để được thừa nhận.

Nếu hạnh phúc của ta hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của những người khác, ta đâu còn tự tin. Và khi không được người khác thừa nhận, ta sẽ đau khổ. Đây là lý do khiến cho ta muốn trở thành một cái gì khác, một người nào khác. Đây chính là gốc rễ của đau khổ.

Một bông hoa không có nỗi lo sợ ấy. Nó cùng vươn lên với những bông hoa khác, hoa tím, hoa vàng, hoa đơn, hoa kép, nhưng bông hoa ấy không bao giờ có ý bắt chước những bông hoa khác.

Xin đừng là một bông hoa nào khác. Xin đừng là một người nào khác.

Không cần phải giải phẫu thẩm mỹ. Cả vũ trụ đã đến đây góp mặt để bạn biểu hiện ra như thế, đẹp đẽ như thế. Bạn như chính bạn là đẹp lắm rồi. Bạn không cần phải được những người khác thừa nhận. Bạn cần chấp nhận chính mình.

Là hoa sen thì hãy cứ đẹp như hoa sen, đừng cố đẹp giống hoa mai. Nếu cứ cố gắng thay đổi mình để mong được mọi người thừa nhận, bạn sẽ suốt đời đau khổ.

Hạnh phúc chân thật, quyền lực chân thật là tự hiểu mình, chấp nhận mình, có niềm tin nơi chính mình.

Trích đoạn trong Tình Thương Không Biên Giới của Thích Nhất Hạnh