Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Cách dạy trẻ học toán tại Mỹ

 

CÁCH DẠY TRẺ HỌC TOÁN TẠI MỸ

Ở Mỹ, dạy con toán không chỉ là học đếm và học thuộc các công thức như "2+2=4". Người Mỹ thường tránh việc học thuộc lòng bởi họ cho rằng nó không giúp đứa trẻ giải quyết những vấn đề thực sự trong cuộc sống.

Một lần tôi được nhìn một cô giáo ngồi chơi với trẻ một trò trong đó lồng kiến thức toán. Cô giáo bảo tôi: "Hãy quên cái thước kẻ đi, cái đó không thú vị." Rồi cô đưa cho bọn trẻ những sợi len đã cắt sẵn có chiều dài bằng nhau. "Nào, các con hãy chọn một đồ chơi, rồi dùng những sợi len này để đo nhé. Cô làm ví dụ, con cá sấu này…" Cô lấy một sợi len trải lên cạnh theo chiều dài của con cá sấu "Một", rồi lấy thêm một sợi lên nữa "hai", rồi một sợi len nữa "ba". "Con cá sấu này dài bằng ba sợi len."

Vậy là các bé xúm xít đi chọn đồ chơi để đo. Một bé đặt một con búp bê nằm xuống, rồi nhón tay lấy các sợi len, vừa đặt len xuống vừa đếm: "Một, hai, ba, bốn. Cô ơi, em búp bê này dài bằng bốn sợi len." Cô giáo lại hỏi em: "Giờ con đo xem chiều rộng của em búp bê bằng bao nhiêu?" Em bé xếp hai chân của búp bê lại cho thẳng rồi lấy sợi len đo "Một, hai. Em búp bê rộng hai sợi len ạ." Trong khi đó, một cậu bé đang đo tương tự với một chiếc xe tải.

Lúc sau, cô giáo bảo "Giờ chúng ta không đo bằng sợi len nữa. Mà đo bằng các miếng Lego này nhé…". Thế là các bé lại dùng các miếng Lego để đo.

Cô giáo cho biết, đây là một hoạt động rất đơn giản giúp bọn trẻ biết áp dụng kỹ năng đếm, chúng học cách đo, so sánh tỉ lệ dài ngắn khác nhau, chúng còn học về chiều dài, chiều rộng nữa.

Một hoạt động khác thường được lồng ghép để dạy trẻ toán là làm bánh. Các nguyên liệu như bột, sữa, trứng sẵn có trong bếp. Bà mẹ mở cuốn công thức có hình ảnh ra, vừa đọc vừa chỉ cho bọn trẻ xem. Bọn trẻ nhờ đó mà biết một điều đơn giản rằng "Học chữ còn giúp ta nấu ăn". 

"Nào, để làm chiếc bánh muffin này, chúng ta sẽ cần một cốc rưỡi bột. Một cốc rưỡi là một cốc và nửa cốc nữa. Rồi. Con giúp mẹ đập quả trứng ra nào… Rồi… Con lấy cho mẹ một cốc sữa rồi đổ vào nào. Thêm nửa cốc đường. Một phần tư cốc nho khô. Rồi… giờ chúng ta trộn đều tất cả. Rồi…Bây giờ mình đổ vào các khuôn nhé. Con đoán xem mình sẽ cần bao nhiêu khuôn nào? Năm à? Hay bảy khuôn? Để xem nhé. Chúng ta cần những mười khuôn cơ đấy. Vì mẹ không đổ đầy, chỉ đổ lưng khuôn thôi. Chốc nữa khi ta cho bánh vào lò, bánh sẽ nở ra và phồng lên."

Bọn trẻ ngồi nhìn mẹ cho bánh vào lò, rồi 15 phút sau lon ton ra xem những bánh đang nở phồng lên trong lò. Đến tối, khi ngồi ăn những chiếc bánh này, bà mẹ lại hỏi "Hôm nay, chúng ta làm bánh này. Con có nhớ trong bánh có những gì không?" "Bột". "Sữa". "Đường". Còn gì nữa nhỉ? "Trứng". "Đúng rồi". Bài học đơn giản giúp trẻ hình dung trong món bánh chúng ăn có những nguyên liệu gì.

* Làm cho việc học luôn thú vị và có tác dụng thực tế là cách dạy học đổi mới và sáng tạo.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Sức mạnh của ánh mắt

 

GIẢI MÃ SỨC MẠNH CỦA ÁNH MẮT CON NGƯỜI

 

Nhìn mắt nhau là một phần tự nhiên của hầu hết các cuộc trò chuyện thông thường - nhưng nó gần như luôn là quan trọng. Chúng ta đưa ra các giả định về tính cách con người dựa trên mức độ người đó nhìn vào mắt ta hoặc nhìn đi chỗ khác khi ta nói chuyện với người đó. Và khi ta gặp những người lạ trên phố hoặc ở nơi công cộng khác, ta có thể cảm thấy bị từ chối nếu người đó không nhìn mắt ta.

 

Điều này ta đều biết qua kinh nghiệm hàng ngày. Nhưng các nhà tâm lý học và nhà thần kinh học đã nghiên cứu về sự giao tiếp bằng mắt trong nhiều thập kỷ và những phát hiện hấp dẫn của họ tiết lộ nhiều hơn về sức mạnh của nó, bao gồm cả những gì mắt ta thể hiện ra và giao tiếp mắt làm thay đổi như thế nào điều ta nghĩ về người khác khi họ nhìn lại mắt ta.

Tất nhiên, giao tiếp bằng mắt quá nhiều cũng có thể khiến ta không thoải mái - và những người nhìn chằm chằm mà không buông tha có thể được coi là đáng sợ. Mức thời gian ưa thích của giao tiếp mắt trung bình là 3 giây và không ai thích cái nhìn kéo dài hơn 9 giây.

 

Nếu bạn và đối tác nhìn của bạn giao tiếp mắt sẽ kết nối 2 người theo một cách được gọi là "song hành đồng tử" hoặc "đồng tử lây nhau" - nó mô tả cách mà các đồng tử của bạn và của người kia giãn ra và co lại đồng bộ. Điều này đã được giải thích như một hình thức bắt chước tiềm thức mang tính xã hội, một loại vũ điệu mắt, và đó sẽ là một thời khắc rất lãng mạn.

 

Vào những năm 1960, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu cách mà đồng tử giãn ra khi chúng ta thích thú hoặc bị kích thích (theo nghĩa sinh lý học), cho dù về trí tuệ, về cảm xúc, thẩm mỹ hay tình dục. Và gần đây, chúng ta cũng biết rằng bộ não của chúng ta tự động xử lý sự giãn đồng tử của những người khác.

 

Nhưng khi bạn nhìn sâu vào mắt người khác, đừng nghĩ rằng chỉ có các đồng tử là gửi thông điệp cho bạn. Ta có thể đọc được những cảm xúc phức tạp ở cơ mắt - nghĩa là, người đó đang nheo mắt hay mở to mắt. Vì vậy, ví dụ, khi chán ghét thì người ta nheo mắt lại, sự diễn cảm bằng mắt này - giống như diễn cảm trên mặt - cũng báo hiệu sự chán ghét với người khác.

 

Một đặc điểm quan trọng khác của mắt là các vòng mống mắt (lòng đen): tức vòng tròn thẫm quanh mống mắt. vòng mống mắt thường là rõ nét hơn ở người trẻ, khỏe mạnh, và người nhìn vào mắt sẽ biết ở một mức độ nhất định, như những phụ nữ đang tìm kiếm một người tình sẽ đánh giá những người đàn ông có vòng mống mắt rõ nét là khỏe mạnh và hấp dẫn hơn.

 

Tất cả những nghiên cứu này cho thấy câu ngạn ngữ cũ về đôi mắt là cửa sổ tâm hồn có nhiều điều đúng. Thực tế, có một thứ gì đó vô cùng mạnh mẽ khi nhìn sâu vào mắt một người khác. Người ta nói rằng đôi mắt là phần duy nhất của não tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài.

Chúng ta đang sống thọ hơn nhưng đâu là giới hạn?

 

CHÚNG TA ĐANG SỐNG THỌ HƠN NHƯNG ĐÂU LÀ GIỚI HẠN?

 

Trong những thập kỷ qua, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng đáng kể trên toàn cầu. Một người sinh năm 1960, năm đầu tiên mà Liên hiệp quốc bắt đầu lưu số liệu toàn cầu có thể sống đến 52,5 tuổi. Ngày này, tuổi thọ trung bình là 72.

Ở Anh, dữ liệu về tuổi thọ được ghi nhận sớm hơn nhiều và do đó, bằng chứng về sự gia tăng của tuổi thọ trung bình càng mạnh mẽ. Năm 1841, một bé gái ở Anh sẽ sống khoảng 42 năm và bé trai sống 40 năm. Đến năm 2016, một bé gái có thể sống đến 83 tuổi còn bé trai thì sống đến 79 tuổi.

 

Nhiều thế kỷ trước, dù tuổi thọ trung bình chỉ là 35, 50 hay 60 tuổi, vẫn có những người sống rất thọ. Sử sách phương tây có ghi lại các trường hợp sống đến 80, 100 hoặc 103 tuổi vào thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên.

Tuy nhiên, không dễ để chắc chắn liệu ngày nay chúng ta có sống thọ hơn người xưa (người cổ đại, người tiền sử) vì các thống kê lưu trữ của chúng ta chỉ từ khoảng năm 1.900 trở về sau. 

 

Hi vọng tăng tuổi thọ nhờ khoa học

Đã có những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại may mắn vượt qua các ngưỡng tuổi 70, 80, 90 rồi 100 rồi 110. Theo nhiên cứu của giáo sư Kenneth Wachter về nhân khẩu học và thống kê của Đại học California, Berkeley, Mỹ, không có một giới hạn cụ thể nào về tuổi thọ của con người.

Năm 2017, các nhà nghiên cứu ở trường đại học McGill ở Montreal, Canada đã xuất bản nghiên cứu phản bác lại bài báo khoa học trên tạp chí Nature trước đó rằng tuổi thọ tối đa của con người là khoảng 115 tuổi. 

Báo Anh The Guardian dẫn lời giáo sư Siegfried Hekimi, một trong các tác giả khẳng định: "ít nhất một mô hình giả định đã dự báo tuổi thọ của con người sẽ tiếp tục tăng dần, vào khoảng năm 2.300, người già nhất thế giới có thể đạt đến độ tuổi 150".

 

Các tiến bộ khoa học ngày nay cho phép đặt ra hi vọng giúp làm tăng tuổi thọ của con người nhờ công nghệ.

 

* Công nghệ có thể sớm có mặt trong tương lai là công nghệ sản xuất tạng thay thế từ protein và tế bào của chính bệnh nhân. 

Tiến sĩ Tuhin Bhowmick, nhà vật lý sinh học người Ấn Độ cho rằng các trường hợp chết già thường là do các cơ quan như tim, phổi, gan không còn hoạt động tốt như trước. 

Giả sử bệnh nhân chỉ bị hư gan trong khi các cơ quan khác còn hoạt động tốt thì nếu được thay gan, người này hoàn toàn có cơ hội và khả năng sống thêm 20 năm nữa. 

 

* Bà Vương Mộng, giáo sư di truyền học phân tử tại Trường Y Baylor, Mỹ lại đang nghiên cứu về hệ vi sinh vật trong cơ thể người. 

Theo bà, hệ vi sinh có ảnh hưởng sâu sắc đến cơ thể chúng ta. Để kiểm tra, bà Vương Mộng nghiên cứu về sự lão hóa ở một loài sâu có vòng đời từ hai đến ba tuần. 

Bà Vương chọn một trong các loại vi khuẩn sống trong ruột sâu, biến đổi bộ gen của chúng, tạo ra nhiều phiên bản khác nhau và cho các nhóm sâu riêng ăn những vi khuẩn được biến đổi gen khác nhau.

Ba tuần sau - khi lẽ ra các con sâu đã chết hết - bà thấy "một số con sâu không chết". Những con sâu già thường giảm hoạt động, nhưng những con có hệ vi sinh mới không những ngọ nguậy nhanh hơn khi già mà còn ít có khả năng mắc bệnh hơn.

 

* Lorna Harries, giáo sư di truyền học phân tử tại Đại học Exeter, Anh lại tập trung nghiên cứu phương pháp làm trẻ tế bào. Hướng nghiên cứu này xuất hiện tình cờ khi nhóm của bà thử cho hóa chất vào những tế bào da già để kiểm tra tuổi của tế bào da trong quá trình thí nghiệm. Họ sử dụng một loại thuốc nhuộm đặc biệt làm các tế bào già chuyển sang màu xanh.

Tuy nhiên, hóa chất đã giúp các tế bào già trẻ lại và trông giống những tế bào trẻ. Họ thực hiến thí nghiệm này đến 9 lần và lần nào cũng ghi nhận cùng một kết quả. đây là thí nghiệm đầu tiên từ trước đến nay đã đảo ngược quá trình lão hóa ở tế bào người.

Bà Harries hi vọng nghiên cứu sẽ tạo ra một thế hệ những loại thuốc mới chống suy thoái cho những chứng bệnh như mất trí nhớ hay bệnh tim mạch.

 

Hiện nay, giữ kỷ lục sống thọ nhất thế giới là bà Jeanne Calment người Pháp, qua năm 1997 ở tuổi 122.

Người thọ nhất thế giới - đang còn sống hiện 119 tuổi là cụ Kane Tanaka, người nhật, sinh năm 1903. Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận là người cao tuổi nhất thế giới vào tháng 3-2019 ở tuổi 116.