Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Bình đẳng giới từ trong nhà

 

BÌNH ĐẲNG GIỚI TỪ TRONG NHÀ


Có cậu con trai mới lớn đang học cấp 3, bức xúc về việc bố luôn tỏ ra yêu chiều đứa em gái mình.

 

Từ câu chuyện miếng thịt của bố…

Cậu “nổ phát súng đầu tiên” ngay tại bàn ăn: “Ba, con và Út đều là con ruột của ba mà sao trong bữa cơm toàn thấy ba gắp thức ăn cho nó không vậy? Con nè ba!”.

 

Cả nhà ngớ ra, người cha từ tốn đáp: “Con trai ạ, ba gắp thức ăn cho em con, vì khi em còn ở nhà mình, miếng thịt dành cho nó nó được ăn cả miếng.

Mai này lập gia đình rồi, nếu hoàn cảnh kinh tế không mấy khá giả, có miếng thịt nó chỉ ăn nửa miếng thôi, nửa còn lại đưa vào chén cơm của chồng.

Đến khi có con, miếng thịt phần nó chắc đâu nó được ăn tí nào, 1 nửa nó cắn đút cho con nó ăn, 1 nửa lại dúi vào chén chồng.

Vì thế, chừng nào em con còn ở nhà mình, cha con ta nhớ chăm sóc em nhiều hơn”.

 

Cứ tưởng “cuộc khởi nghĩa sẽ bị dìm trong bể máu”, vậy mà trận chiến chống “phân biệt đối xử trong nhà” biến thành cuộc trò chuyện sôi nổi quanh bàn ăn.

…đến những thay đổi ở nhà, ở lớp

 

Từ hôm ấy, anh hai tranh phần ba gắp tiếp thức ăn cho em gái, dọn phòng mình không đợi ai nhắc và tự giác phụ mẹ việc nhà. Bù lại, cô em út cũng nói năng lễ phép với anh hai, ăn mặc ra vô kín đáo hẳn lên!

 

Ở lớp, cậu cũng quan tâm đưa chai dầu khi thấy mặt cô giáo tái mét vì trúng gió, thậm chí không ngại ngùng chạy xe đi mua bịch “đôi cánh thấm hút 3 chiều” cho cô bạn cùng lớp bị gặp sự cố không dám đứng dậy.

 

Khi lao động công ích ở trường, cậu tình nguyện nhận việc trèo cao hoặc xách nặng, nhường cho các bạn nữ việc nhẹ hơn. Mới đầu cả lũ trai chọc phá “cái đồ đứt dây thần kinh ngại”, “mê gái”, “nịnh cô”,… về sau nín khe hết vì thấy cô cùng tụi con gái tin tưởng và mến kẻ đó ra mặt!

 

Bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và sự tuyệt đối hóa bằng con số hoặc tỷ lệ 50/50.

 

Đặc biệt, sự chia sẻ việc nhà, chăm sóc các thành viên gia đình, tạo cơ hội và điều kiện cho nam, nữ phát triển toàn diện đồng thời bù đắp cho phụ nữ những khoảng trống do việc mang thai, sinh con và gánh vác phần lớn việc nhà.

 

Bình đẳng trong việc giáo dục giới tính cho con

Phần đông gia đình Việt Nam dạy con theo kiểu bảo vệ một chiều: đa số cha mẹ kỹ lưỡng trong việc dạy con gái phải giữ gìn thân thể, danh dự, trinh tiết nhưng cũng trong cùng gia đình đó, ít cha mẹ chịu dạy con trai mình phải tôn trọng thân thể, danh dự, sức khỏe người bạn gái.

Chưa kể con gái trong nhà vụng về nữ công gia chánh thì sợ “sau này nhà chồng chê cười”, con trai mù tịt về nấu nướng thì “rồi sau này vợ nó khắc lo”.

 

Nhiều gia đình chịu ảnh hưởng lối mòn trong hành xử về giới, nơi mọi phụ nữ sẽ bị nguyền rủa hoặc coi thường nếu thân thể của họ bị ai đó xâm hại, sử dụng, bêu riếu trong khi người đàn ông gây ra hành vi đó không bị phán xét, thậm chí còn được coi là “chiến tích” trong những cuộc trò chuyện cùng giới, có thể thoải mái bầy hầy mà đối xử thô bỉ với người nữ trong quan hệ giường chiếu.

 

Bài học mà các bậc cha mẹ và người lớn cần dạy con em mình

·       Xóa bỏ việc phán xét, kỳ thị, lên án, loại trừ người khác chỉ vì họ không giống mình.

·       Trai hay Gái đều phải biết chịu trách nhiệm về thái độ và hành xử của mình.

·       Bồi đắp lòng trắc ẩn và sự tha thứ - điều làm cho bình đẳng trở nên bộ luật của yêu thương.

 

Chúng ta hy vọng vào những đứa trẻ được đối xử bình đẳng giới ngày hôm nay sẽ trở thành những phụ huynh khác trong mai sau. Đó là một phần ý nghĩa của cuộc đấu tranh xóa bỏ bất bình đẳng giới ở nước ta.

Để người dân thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” là cả một quá trình lâu dài.

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

Aristotle có thể dạy chúng ta điều gì về sự tương giao

 

Dàn diễn viên của ‘Friends’: Aristotle cho biết những người lớn tuổi thường theo đuổi tương giao dựa trên lợi ích, những người trẻ tuổi thường theo đuổi tương giao dựa trên khoái lạc. Ảnh: Reuters

NGÀY NAY QUAN NIỆM VỀ TƯƠNG GIAO CỦA ARISTOTLE CÓ CÒN THÍCH HỢP GÌ KHÔNG?

“Có nhiều bạn bè là một điều tốt. Không ai chọn sống thiếu bạn bè ngay cả khi anh ta sở hữu tất cả những thứ khác.”

Tuy nhiên, quan niệm về tương giao của ông khác với mô hình của Facebook. Ông phân biệt giữa ba loại tương giao: khoái lạc, hữu ích và phẩm hạnh. Tôi có thể yêu bạn tôi vì mối quan hệ đầy khoái lạc của chúng tôi, vì cô ấy có ích với tôi, hoặc vì tôi đánh giá cô ấy là một nhân vật có phẩm hạnh và yêu sự tốt đẹp nội tại của cô ấy vì lợi ích của chính cô ấy.

 

“Tương giao dựa trên sự khoái lạc và lợi ích, Aristotle nói, chỉ là nhất thời; chúng dễ dàng bị mất đi, khi người kia không còn hài lòng hay hữu ích nữa. Thật là một cái nhìn sâu sắc về con người ở đây.

“Aristotle thậm chí còn nói rằng những người lớn tuổi thường theo đuổi tương giao dựa trên lợi ích, những người trẻ tuổi thường theo đuổi tương giao vì khoái lạc. Ông còn phân tích xa hơn khi nói rằng những người lớn tuổi đôi khi thậm chí không thấy dễ chịu với nhau, nhưng cần có sự đồng hành.

“Mặt khác, những người trẻ tuổi bị chi phối bởi cảm xúc và tìm kiếm những gì dễ chịu ngay lập tức; họ nhanh chóng rơi vào lưới tình, dù chỉ trong vòng một ngày. Một số nhận xét của ông có thể được viết cho thế hệ Facebook.

 

“Trái ngược với tương giao dựa trên sự khoái lạc và hữu ích, tương giao hoàn hảo tồn tại, Aristotle lập luận, giữa những người có phẩm hạnh; không có tương giao giữa những kẻ lừa đảo. Những người bạn thực sự mong muốn những điều tốt đẹp cho nhau. Tương giao của họ kéo dài miễn là bản thân họ có phẩm hạnh và do đó sẽ bền chặt hơn.”

 

Nguồn: Irish Times 

 


Khổ không than: là một loại tu luyện tâm tính


KHỔ KHÔNG THAN: LÀ MỘT LOẠI TU LUYỆN TÂM TÍNH

Có một câu nói rất đúng:

"Đừng bao giờ kể khổ với bất kì ai, vì 80% số người nghe đều không quan tâm, 20% còn lại chỉ lấy làm trò cười."

Nghe qua câu nói này có vẻ rất tuyệt tình, nhưng nó lại cho chúng ta biết một sự thật:

Kể khổ cũng có giới hạn, đồng tình cũng có thời hạn.

Khi đối mặt với đau khổ, có rất ít người thật lòng muốn đi tìm hiểu hết nỗi khổ của bạn. Do đó, khổ mà không than mới là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta.

Người trưởng thành nên có một trái tim thật kiên cường và mạnh mẽ, đủ sâu sắc để cất giữ một vài chuyện riêng hay bí mật nào đó.

Nếu chúng ta sống nông cạn như một cái dĩa, nghĩ cái gì cũng bày ra trên mặt, có chút buồn khổ cũng không kiềm chế được mà nói cho cả thiên hạ biết, vậy chắc chắn chỉ khiến nỗi khổ nâng lên gấp trăm ngàn lần.

Cuộc sống cứ 10 chuyện đã có đến 8, 9 chuyện không được như ý. Đối với người trí tuệ, họ xem nhẹ nỗi khổ, mà cố gắng nắm bắt 1, 2 phần như ý kia. Ngược lại, những người cố chấp chỉ biết sống chết trong sự bất hạnh của họ.

Không than khổ không phải vì muốn chúng ta tự kìm nén cảm xúc bản thân, mà vì muốn chúng ta sớm ngày xem thấu hồng trần*. Đó là đại biểu của một loại trí tuệ gọi là "không đấu tranh vô ích", cũng là một loại dũng cảm mang tên "dám đối đầu với đau khổ".

Khổ không than không phải vì yếu đuối, chuyện gì cũng cắn răng nhận thiệt thòi vào mình, mà là ít than vãn, học cách buông bỏ những đau khổ không cần thiết.

Rồi đến một ngày nào đó, bạn nhất định sẽ phải cám ơn sự kiên trì đến cùng của chính mình, đã khiến bản thân không bị cái khổ đánh bại, mà có thể thờ ơ đối mặt với nó.

Khổ không than, chính là cách để chúng ta có thể im lặng "lột xác", đợi thời cơ đến, bản thân sẽ trở thành một phiên bản tuyệt vời nhất!

*Hồng trần: cảnh phú quý nhân gian