CÁC ĐẠI HỌC HÀNG ĐẦU NƯỚC MỸ ĐANG BIẾN CON CÁI CHÚNG TA THÀNH ZOMBIE
Hệ thống giáo dục tinh hoa của chúng ta đã thiết kế ra những người trẻ thông minh, tài năng, và đầy động lực, đúng, nhưng đồng thời cũng đầy lo âu, sợ hãi, lạc lõng, vô định, với sự tò mò tri thức ít ỏi, nhận thức về mục đích và đam mê bị kiềm chế: mắc kẹt trong cái bong bóng của đặc quyền, ngoan ngoãn đi theo một con đường định sẵn, xuất sắc trong những gì chúng làm nhưng chẳng hiểu tại sao lại làm nó.
Khi tôi nói về nền giáo dục tinh hoa, tôi đang nói đến những trường đại học danh giá như Harvard, Stanford, Williams hay các trường có tỉ lệ chọi gay gắt khác, nhưng tôi cũng đang nói đến tất cả những thứ đang góp phần tạo nên nó - các trường trung học tư và công; thị trường không ngừng lớn của các gia sư và dịch vụ tư vấn giáo dục, các khoá học chuẩn bị cho kỳ thi chuẩn hoá; thậm chí là ngay chính bản thân hệ thống tuyển sinh - thứ dậm chân hăm doạ như một con rồng dữ tợn trước ngưỡng cửa trưởng thành; những trường đại học cao học và cơ hội việc làm tại các công ty tên tuổi sau khi tốt nghiệp; cha mẹ và cộng đồng, chủ yếu là ở tầng lớp thượng-trung lưu - những người đã và đang tìm mọi cách để đẩy con mình vào họng của cỗ máy này. Nói ngắn gọn là, toàn bộ hệ thống giáo dục tinh hoa của chúng ta.
Tôi, không ai khác, chính là người trong cuộc. Giống như rất nhiều đứa trẻ ngày nay, tôi bước vào con đường đại học lờ đờ như một kẻ mộng du. Chọn nơi nào danh giá nhất nhận bạn vào; sau đó những gì đợi chờ chúng ta sẽ là địa vị, của cải, và thành công. Còn những câu hỏi như thế nào mới thức sự là giáo dục và tại sao bạn cần nó - tất cả đều không được quan tâm hay nhắc đến. Chỉ tận sau 24 năm dành thời gian ở Ivy League - học đại học và lấy bằng tiến sĩ ở Columbia, mười năm giảng dạy tại Yale - tôi mới bắt đầu đặt câu hỏi về việc hệ thống đã làm gì những đứa trẻ và làm sao để chúng thoát khỏi nó, nó đã ảnh hưởng thế nào đến xã hội của chúng ta và làm sao chúng ta có thể triệt phá nó.
Sinh viên khối Ivy League có cuộc sống "bận rộn" đến nỗi không có thời gian để tìm hiểu chính bản thân mình
Một người phụ nữ trẻ từ một trường đại học khác viết cho tôi thế này về người bạn trai của cô học ở Yale:
Trước khi vào đại học, anh ấy dành phần lớn thời gian đọc sách và sáng tác truyện ngắn. Ba năm sau, anh ấy trở nên bất an đến đau khổ, lo lắng về những điều mà bạn bè cùng trường tôi chẳng bao giờ để ý đến, như là nỗi hổ thẹn khi phải ăn trưa một mình và việc không rõ anh ấy đã “networking” đủ chưa.
Không ai ngoài tôi biết rằng anh ấy giả vờ mình biết nhiều bằng cách lướt qua chương đầu và chương cuối của tất cả những cuốn sách anh nghe đến tên, cố gắng ăn sống nuốt trôi những bài giới thiệu sách thay vì đọc sách thật. Anh ấy làm thế không phải vì không ham mê tri thức, mà là vì xã hội nơi anh sống đề cao khả năng có thể nói về những quyển sách hơn là việc thực sự đọc chúng.
Tôi đã dạy rất nhiều người trẻ tuyệt vời trong suốt thời gian ở Ivy League - những đứa trẻ thông minh, chín chắn, sáng tạo mà hẳn là một vinh hạnh để nói chuyện và học hỏi. Nhưng phần lớn dường như hài lòng với một gam màu trong những dòng kẻ mà hệ thống giáo dục đã vẽ ra cho chúng. Rất hiếm ai nhiệt huyết với các ý tưởng. Rất ít ai coi đại học như là một phần của kế hoạch dài lâu cả đời để khám phá tri thức và phát triển bản thân. Ai ai cũng ăn mặc như luôn sẵn sàng để được phỏng vấn bất cứ lúc nào.
WILLIAM DERESIEWICZ, trên tờ News Republic: Đừng gửi con bạn đến Ivy League; Các đại học hàng đầu nước Mỹ đang biến con cái chúng ta thành zombie.