Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Người khôn biết sống cho chính mình

 

NGƯỜI KHÔN BIẾT SỐNG CHO CHÍNH MÌNH

Khi cố gắng hòa đồng với mọi người, chúng ta luôn cố gắng hạ thấp bản thân để đáp ứng sở thích của người khác. Nhưng không có mối quan hệ nào có thể duy trì lâu dài bằng việc nịnh bợ. Con người chỉ sống một cuộc đời, không cần phải vì bất cứ ai mà hạ thấp bản thân, cũng không phải sống cho người khác.

Bạn càng dễ dãi, bạn càng dễ đánh mất chính mình. Bạn càng nịnh bợ, mối quan hệ càng trở nên bất bình đẳng. Nhà văn Osamu Dazai đã từng nói: “Tôi cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng cuộc sống của bản thân vẫn mệt mỏi như thế”. Sự phát triển của một mối quan hệ không phụ thuộc vào sự thỏa hiệp và điệu thấp của một bên, mà ngược lại, một mối quan hệ tốt là dựa trên sự hòa thuận, yêu thương và biết cách tôn trọng lẫn nhau.

Mức độ đầu tiên của việc làm hài lòng bản thân chính là học cách không nịnh bợ người khác, sống thật nhất và thoải mái nhất, tận hưởng cuộc sống của chính bạn. 

Mọi người đều có quyền theo đuổi cuộc sống mà họ muốn, thay vì làm hài lòng người khác, tốt hơn hết là nên làm theo trái tim, làm theo ý mình. Chỉ khi bạn thực sự làm hài lòng nội tâm của bản thân, cuộc sống của bạn mới có thể trở nên rực rỡ. Người ta thường nói, yêu thương bản thân chính là điều lãng mạn nhất.


 

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Vua Trần Thái Tông hạ nhục Đại tướng Ngột Lương Hợp Thai

 

VUA TRẦN THÁI TÔNG HẠ NHỤC ĐẠI TƯỚNG NGỘT LƯƠNG HỢP THAI

Cuộc kháng Nguyên Mông lần thứ nhất, ta đã 4 lần trói sứ giả giặc, điều mà chưa nước nào khi ấy dám làm.. 

Theo các nhà nghiên cứu thì, đạo quân Mông Cổ đi chinh chiến xa thường đưa theo phu phen, ngựa đi kèm để tải lương, khuân vác. Người Mông Cổ có rất nhiều ngựa, cho nên ngựa quân thay phiên nhau vận tải và chiến đấu mà không bị kiệt sức. Ngựa cũng là nguồn lương thực dự trữ của quân Mông Cổ khi cần.  Biên chế như vậy ngoài việc tiết kiệm nhân lực tối đa, còn giúp quân Mông Cổ hành quân nhanh với tốc độ kinh hoàng. Quân Mông Cổ đi đến đâu là cướp lương thực của đối phương mà ăn, vừa làm kiệt quệ đối thủ vừa tăng thêm tính cơ động của mình.

Đến biên giới nước ta, tướng Nguyên Mông sai sứ giả hạ chiếu thư buộc vua ta phải đầu hàng. Cũng phải hiểu rằng sứ giả quân Mông không hề cư xử theo nghi lễ ngoại giao mà chỉ là những kẻ khiêu chiến, coi thường các nước nên thái độ hống hách trịch thượng, coi bọn họ như cỏ rác.

.

Vua Trần Thái Tông vốn tự tin về sức mạnh của quân dân Đại Việt, lại căm tức sự hống hách của sứ giả Mông Cổ, liền hạ lệnh tống giam bọn sứ giả nhà Nguyên. Ngột Lương Hợp Thai không thấy sứ giả quay về, tiếp tục tiến quân vào lãnh thổ nước ta. Đến trại Quy Hóa, quân Mông Cổ lại dừng, liên tiếp phái thêm hai sứ giả nữa đều bị vua Trần “túm” cho vào nhà lao.

.

Quân Nguyên Mông tiến vào Việt nam mắc phải kế vườn không thành trống, không có lương ăn. Đóng quân ở Thăng Long, lương ăn năm bảy ngày đã cạn mà không tìm được quân Trần ở đâu để quyết đấu. Cùng đường, Ngột Lương Hợp Thai phải từ bỏ mọi mưu đồ quân sự, phải vận dụng ngoại giao cầu hòa, để được đem quân an toàn trở về nước. Triều đình nhà Trần không chấp nhận lời cầu hòa của giặc, cho trói sứ đuổi về trại giặc. Quân ta tổ chức một trận tập kích lớn, đánh vào toàn bộ quân giặc. Giặc không chống đỡ nổi, thiệt hại nặng, phải dồn toàn lực đem tàn quân chạy về nước nhục nhã. Như vậy, trước và sau cuộc kháng Nguyên Mông lần thứ nhất, ta đã 4 lần trói sứ giả giặc, điều mà chưa nước nào khi ấy dám làm.

……

Ngột Lương Hợp Thai là một tướng lĩnh kiệt xuất của quân đội nhà Mông Nguyên, chiến công lừng lẫy từ Đông sang Tây. Năm 1258 là tướng chỉ huy quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất lại bị thất bại ê chề, Ngột Lương Hợp Thai rút tàn quân tháo chạy về Vân Nam, bị tước giải binh quyền sau đó. Một danh tướng đầu tiên của nhà Nguyên đánh Nam dẹp Bắc, bách chiến bách thắng được nếm mùi thất bại nhục nhã tại đất Đại Việt.

Tuỳ cơ ứng biến

 

TUỲ CƠ ỨNG BIẾN

Có một người lái buôn thường xuyên phải vào thành phố để mua đồ, sau đó ông sẽ chất toàn bộ đồ đạc đã mua được lên vai lừa để trở về nhà. Con lừa của người lái buôn nghĩ rằng mình rất thông minh , lúc nào cũng thích động não, nghĩ mọi cách để có thể khiến cho đồ mình phải chở càng nhẹ càng tốt.

Một lần, người lái buôn mua một tải muối. Ông ta buộc tải thật chặt, chất lên lưng lừa, rồi đi đằng sau thúc lừa đi thật nhanh. Đi được một lúc, người lái buôn và lừa đến một con sông nhỏ, người lái buôn thúc lừa lội xuống nước. Lừa không cẩn thận đã bị trượt chân ngã xuống nước. Nước sông ngấm vào tải muối khiến cho muối bị tan ra rất nhiều.

Khi lừa ta đứng dậy thì phát hiện ra tải muối mà mình chở đã nhẹ hơn rất nhiều, trong lòng cảm thấy thích chí lắm. Có được kinh nghiệm lần này, mỗi lần qua sông, lừa đều giả vờ trượt chân ngã để cho bớt một ít đồ trên lưng xuống sông. Người lái buôn biết vậy, định bụng sẽ cho lừa một bài học nhớ đời.

Một hôm, người lái buôn vào trong thành mua một tải bông, và chất lên lưng lừa. Lại một lần nữa đi qua con sông nhỏ, nhìn thấy sông, lừa ta vui mừng thầm reo lên, không ngần ngừ bước xuống sông. Khi đến giữa sông, nó lại giả vờ trượt chân ngã. Vừa ngã lừa vừa sung sướng nghĩ: “Khi mình đứng lên chắc chắn đồ trên lưng mình sẽ nhẹ hơn rất nhiều đây”.

Nhưng khi lừa vừa mới đứng dậy, đột nhiên nó thấy đồ trên lưng mình nặng hơn trước rất nhiều. Thì ra, tải bông sau khi hút nước đã trở nên nặng hơn. Lừa không ngờ đã bị “gậy ông đập lưng ông”, đành cúi đầu ngậm ngùi đi tiếp mà không dám than vãn gì.

LỜI BÀN

Câu chuyện về chú lừa đã dạy cho chúng ta một bài học ý nghĩa trong cuộc sống: Khi làm bất cứ chuyện gì, không thể cứ cứng nhắc áp dụng mãi những kinh nghiệm đã có mà cần phải xem tình hình thực tế như thế nào, tùy cơ ứng biến cho phù hợp. Nếu cứ “cậy” vào kinh nghiệm sẵn có mà không chịu thay đổi, sẽ có lúc bạn thất bại cay đắng mà không thể vực dậy nổi.