Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Tại sao trẻ bây giờ chán học

 

TẠI SAO TRẺ BÂY GIỜ CHÁN HỌC, CẢM THẤY ĐƯỢC LÀM MỌI THỨ VÀ THIẾU KIÊN NHẪN?


Rất nhiều post trên các nhóm Facebook của phụ huynh, cô giáo, cá nhân, hội nhóm, cả ở Mỹ và Việt Nam đều xuất hiện những nhận xét hay nhận định sau về trẻ con thời nay.

Đó là: 

  • Các bé giờ đến trường hay kêu chán
  • Thiếu kiên nhẫn, không ngồi yên lâu được 
  • Tự cho mình có quyền và được phép làm đủ thứ
  • Đòi gì được nấy, hay vòi vĩnh
  • Ít những người bạn thân thực sự

Vậy câu trả lời cho hiện tượng trên là gì? Tại sao lại có những hiện tượng đó? Làm thế nào để khắc phục?

.

Cô Victoria đã tìm ra câu trả lời và giải pháp sau nhiều năm làm Occupational Therapist (nhà trị liệu), tiếp xúc và làm việc với nhiều trẻ em, phụ huynh và giáo viên: Chúng ta thật không may lại đang điều chỉnh não bộ của thế hệ trẻ theo hướng tiêu cực. Những nguyên nhân là:

.

* Công nghệ 

Sử dụng công nghệ như một dịch vụ trông trẻ miễn phí, thực ra lại không “miễn phí” tí nào. Cái giá phải trả đang lẩn quất đâu đây. Cái giá đó chính là hệ thần kinh của các em, khả năng tập trung chú ý, và khả năng trì hoãn sự vừa lòng.

So với thực tế ảo, cuộc sống thực quá nhàm chán. Sau hàng giờ say sưa với thực tế ảo, việc học hay xử lý thông tin trên lớp trở thành thử thách đối với các em vì não các em đã quá quen với những kích thích cao độ của các trò chơi trên mạng hay video games.


* Không xử lý được thông tin ở mức độ kích thích thấp khiến các em dễ gặp trở ngại trong học tập.

Công nghệ cũng khiến chúng ta trở nên xa cách về cảm xúc, đẩy trẻ em và bố mẹ ngày càng cách biệt trong việc chia sẻ tình cảm. Sự sẵn sàng về mặt tình cảm của bố mẹ dành cho con là nguồn dinh dưỡng chính cho trí nào của trẻ. Tiếc thay chính chúng ta đang dần lấy đi của các em nguồn dinh dưỡng ấy.

.

* Cứ muốn là được 

“Mẹ ơi con đói!” - “Đây đây mẹ đưa con đi ăn”, “Con chán quá!”- “Đây lấy điện thoại của mẹ mà chơi!”. Khả năng biết kìm hãm và trì hoãn sự vừa lòng là một trong những chìa khoá của thành công. Chúng ta có ý tốt - làm cho con vui - nhưng thật không may, chúng ta làm con hạnh phúc lúc đó mà lại bất hạnh về sau. khó khăn lớn trong sự thành công trong tương lai của các em.

Không trì hoãn được sự thỏa mãn diễn ra ở khắp nơi - trong lớp học, ngoài nhà hàng, ở siêu thị, cửa hàng đồ chơi - ngay khi bố mẹ nói “Không “. Bởi vì chính bố mẹ đã dạy con cái có được cái các em đang đòi ngay lập tức.


* Trẻ em thống lĩnh và điều khiển 

“Con trai tôi không thích ăn rau”, “Nó không muốn đi ngủ sớm”, “Con gái mình không chịu ăn sáng”, “Con bé không thích đồ chơi, nhưng rất giỏi Ipad”, “Nó không thích tự mặc quần áo”, “Con bé lười quá không chịu tự ăn”. Tôi thường xuyên nghe bó mẹ nói những điều đó. Kể từ khi nào mà Trẻ con đã điều khiển chúng ta phải làm bố làm mẹ ra sao?!

Nếu cứ để cho bọn trẻ quyết định thì tất nhiên chúng sẽ chỉ ăn toàn đồ béo, xem TV, chơi máy tính bảng và chẳng bao giờ chịu đi ngủ. Và liệu có tốt không khi chính ta cho con cái những thứ chúng MUỐN mà biết rằng những thứ đó KHÔNG TỐT?

Chúng ta gửi một thông điệp sai rằng, chúng có thể làm những gì chúng muốn và không làm những gì chúng không thích. Khái niệm “cần phải làm“ sẽ không còn. Việc này dẫn đến những mục tiêu dang dở và làm bọn trẻ thất vọng.


* Những trò vui bất tận

Chúng ta đã tạo ra một thế giới vui ảo cho trẻ con. Không một phút nào là chậm lại bình lặng yên ổn. Ngay khi có khoảnh khắc yên lặng, chúng ta lại chạy lại ngay, cuống lên để tìm thú tiêu khiển hay trò vui mới cho con. Bởi vì nếu không thì chúng ta cảm thấy chưa làm tròn nghĩa vụ của cha mẹ.

Chúng ta sống trong hai thế giới riêng biệt. Tụi trẻ sống trong thế giới tràn ngập “niềm vui”, còn bố mẹ thì sống trong thế giới công việc. Tại sao bọn trẻ không giúp bố mẹ việc bếp núc hay giặt giũ? Tại sao chúng không thu dọn đồ chơi?

Chính những công việc nhàm chán, đơn điệu ấy lại có thể huấn luyện bộ não làm việc và hoạt động trong sự nhàm chán. Và đó cũng chính là cơ bắp làm việc hay yếu tố cần thiết khi các em đến trường để được dạy dỗ. Bởi vì cơ bắp làm việc được đào tạo qua công việc, chứ không phải qua những trò vui bất tận. Khi đó, sẽ không còn cảnh phải nghe chuyện bọn trẻ đến trường, lúc viết hay luyện chữ đẹp, phản ứng thường là “Con không làm được. Khó quá! Chán lắm!”


* Hạn chế/Ít giao tiếp xã hội

Chúng ta ai cũng quá bận. Thế là chúng ta đưa cho bọn trẻ những thiết bị điện tử để bọn trẻ cũng bận rộn. Bọn trẻ khi xưa hay chơi ngoài trời, nơi môi trường tự nhiên không cấu trúc cố định, cho phép bọn trẻ tự do khám phá , học hỏi và rèn luyện những kỹ năng xã hội.

Đáng tiếc, công nghệ đã thế chỗ hoạt động ngoài trời. Công nghệ cũng làm bố mẹ ít thời gian rảnh để tương tác, giao tiếp với con cái. Và dĩ nhiên, bọn trẻ sẽ tụt hậu, vì thiết bị điện tử - trông trẻ không trang bị hay giúp trẻ phát triển những kỹ năng mềm. Đa số những người thành đạt đều giỏi giao tiếp xã hội và thành thạo những kỹ năng mềm.


Bộ não là một cơ bắp có thể huấn luyện và tái huấn luyện được. Nếu bạn muốn con bạn biết đi xe đạp, thì bạn dạy con những kỹ thuật để đạp được xe. Nếu muốn dạy con biết chờ đợi, thì hãy dạy con lòng kiên nhẫn. Nếu muốn con biết giao thiệp, hãy dạy con những kỹ năng xã hội. Quy tắc này áp dụng cho mọi kỹ năng, không có điểm khác biệt. 

 

Theo FB Page Học kiểu Mỹ tại nhà

Làm sao để trẻ thích học

 

LÀM SAO ĐỂ TRẺ THÍCH HỌC

Để đứa trẻ ghét học là ép nó học. Vậy để đứa trẻ thích học thì cần điều gì? 

Giống như người lớn, trẻ sẽ chủ động và cố gắng làm nếu chúng thực sự yêu thích công việc đó. Để trẻ thích học, hãy khơi gợi và nuôi dưỡng niềm vui được khám phá kiến thức ngay từ những năm tháng đầu đời. Dưới đây là 3 yếu tố giúp trẻ luôn hứng thú và tự giác học

1. Cho trẻ tiếp cận với giáo dục sớm, khơi gợi sự tò mò

– Ở thời kỳ 0-5 tuổi: Trẻ trong độ tuổi này cần được chơi, trải nghiệm nhiều trong thực tế (ngay cả công việc nhà) để giúp trẻ khơi gợi sự tò mò, hứng thú với mọi việc. Nhưng hãy cho trẻ vừa chơi vừa học để hình thành thói quen suy nghĩ và phát triển tư duy bằng cách lồng ghép yếu tố toán, khoa học, xã hội, ngôn ngữ vào trong những trò chơi hằng ngày.

– Giai đoạn tiểu học: đừng để ý đến thành tích, điểm số, đừng so sánh con với bạn bè, đừng ép nếu con không thích học cái gì mà hãy luôn cho trẻ tự do chơi và học cái mà chúng muốn.

2. Cha mẹ cùng con khám phá

Thói quen tại gia đình là điều vô cùng quan trọng việc hình thành nên một đứa trẻ ham học. Để làm được điều này thì cha mẹ cần phải thường xuyên dành thời gian cho con:

– Trò chuyện khi ăn bữa cơm cùng nhau, cùng con ôn tập lại bài cũ (mẹ là học sinh, con là cô giáo để con dạy lại mẹ bài đã học ở trường), ra câu đố hay các bài test nhỏ lặp đi lặp lại.

– Cha mẹ dành thời gian đọc sách để làm tấm gương cho con học tập theo.

–  Lắng nghe con trò chuyện, động viên con cố gắng.

3. Tạo không gian học tập ở nhà

Không gian trong nhà cũng quyết định đến việc con có hứng thú học hay không:

– Tủ sách có để ở phòng khách không? Từ điển, bách khoa toàn thư, sách khoa học có bày trên giá không?

– Trên giá sách có đủ các loại sách cho cả ba mẹ, con cái đọc không, để con tò mò với những cuốn sách khó của ba mẹ, có liên tục được thay đổi tựa sách mới mỗi tháng không.

– Trong nhà gần tivi có treo bản đồ không?

Tất cả những chi tiết tuy là rất nhỏ, nhưng nó lại có tác động to lớn đến ý thức muốn học và lôi kéo con đến với việc học. Con cái chẳng thích đọc sách nếu nó chẳng bao giờ thấy ba mẹ đọc sách và có giá sách trong nhà. Nếu phòng khách nhà bạn chỉ là nơi để bày biện những đồ quý giá (để khoe với khách) chứ không phải nơi để gia đình cùng nhau đoàn tụ, cùng nhau tạo thói quen học tập tại nhà, thì trẻ cũng sẽ không hứng thú học và tự học.

Làm sao nuôi dưỡng tinh thần ham học, tự học cho trẻ, đó là điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng luôn trăn trở. Hy vọng với 3 gợi ý bên trên, cha mẹ sẽ cùng con xây dựng tinh thần tự học và hứng thú với việc học ngay từ hôm nay.

 

Cô gái trẻ tư duy lại lối sống YOLO

CÔ GÁI TRẺ TƯ DUY LẠI LỐI SỐNG YOLO: ĐỪNG 'VUNG TAY QUÁ TRÁN' ĐỂ RỒI PHẢI SỐNG 'CẦM HƠI'!

Triết gia Hy Lạp Heraclitus từng nói “cuộc sống là dòng chảy”. Mọi thứ liên tục chuyển động và trở nên khác đi so với nó trước đó.

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã gần 2 năm, nó không chỉ phủ bóng đen lên nền kinh tế mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách, làm đảo lộn cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, đặc biệt là tác động tới lối sống của giới trẻ.

 

Cô T 25 tuổi, sinh sống tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty của cô đã cắt giảm nhiều nhân sự từ tháng 5/2021. Hiện tại số tiền lương hỗ trợ ít ỏi cô nhận được từ công ty không đủ để chi trả tiền thuê phòng, chưa tính đến các khoản chi phí khác.

Trong thời gian giãn cách xã hội, 24/24h chỉ loanh quanh trong căn phòng vỏn vẹn 15m2, T. không tránh khỏi cảm giác tự dằn vặt bản thân vì lối sống chi tiêu phung phí trước đây.

Cũng giống như một bộ phận giới trẻ, Cô T ưa chuộng lối sống YOLO (You only live once: Bạn chỉ sống có một lần).

.

Cô sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho việc mua sắm, du lịch, ăn uống sang chảnh, hưởng thụ. Thậm chí có những tháng “vung tay quá trán”. Dù công việc thuận lợi nhưng gần như cô bỏ quên việc tiết kiệm dự phòng tài chính.

Thời điểm không có dịch, lương của cô dao động khoảng từ 10-20 triệu đồng/tháng, có tháng thuận lợi thu nhập có thể tăng gấp đôi.

Cô cho rằng vừa làm vừa hưởng thụ thì cuộc đời mới vui vì đời người chỉ có một lần. “Có một sự thật là nếu mình tiêu tiền cho nhu cầu của bản thân thì sẽ có động lực để kiếm nhiều tiền hơn. Do đó, phần lớn tiền lương hằng tháng mình dùng để mua trang phục, trang sức, mỹ phẩm, nước hoa… cô tâm sự.

.

Trên thực tế, dịch bệnh chỉ là một trong vô vàn các rủi ro khác trong cuộc đời. Nếu không phải là Covid-19 thì có thể là tai nạn, thiên tai, biến cố cuộc đời...

.

Cô T tiếc nuối nói: “Giá như trong năm qua mình để dành được 25-30% thu nhập thì giờ vẫn có thể “sống khỏe” kể cả khi dịch bệnh phức tạp hay giãn cách kéo dài hơn”.

Tiền ăn, ở, sinh hoạt hiện tại trở thành nỗi khủng hoảng đối với T. Cô không thể ngờ được là có ngày đến việc mua thùng mỳ, mấy quả trứng cũng khiến cô phải cân đo đong đếm.

.

Thay vì than phiền, tiếc nuối quá khứ, cô đang dần chấp nhận thực tế cố gắng thay đổi tư duy theo hướng tích cực hơn với trạng thái nỗ lực hết mình để có thêm nguồn thu nhập, vượt qua đại dịch trước mắt.

 

Có thể bạn sẽ rất nhớ những ngày tháng xông xênh, được đi lại thoải mái nhưng thời gian này cũng là một giai đoạn mang lại nhiều trải nghiệm.

Nếu coi Covid-19 là một bài toán thì ai nắm được phương pháp sẽ là người tìm ra được lời giải. Thay vì than phiền, hãy chủ động tìm giải pháp, thích nghi với hoàn cảnh và thay đổi tư duy mới tích cực hơn.


Ai cũng có 24h để sống mỗi ngày, đúng theo định nghĩa YOLO, hãy tận dụng tối đa thời gian để rèn luyện sức khỏe, bổ sung kiến thức, làm việc chăm chỉ để tăng sức “đề kháng” trước đại dịch các bạn nhé!

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Thư giãn cuối tuần

 

TRĂM KIỂU ĐỊNH NGHĨA TÌNH YÊU


Đối với Lịch sử: Tình yêu là một cuộc cách mạng giải phóng chủ nghĩa độc thân.

Với Địa lý: Tình yêu là một trận động đất trong tâm hồn và trái tim làm ra núi lửa.

.

Với Hóa học: Tình yêu là một phản ứng hóa học sinh ra axít có kết tủa.

Với Vật lý: Tình yêu là một lực hút mạnh hơn lực hút của trái đất.

.

Với Toán học: Tình yêu là một phép trừ của túi tiền, phép chia của trái tim, phép nhân của nhân loại và là phép cộng của mọi rắc rối.

Với Văn học: Tình yêu là quyển sách dày mà đọc từ trang đầu đến trang cuối ta vẫn không hiểu gì. 


KHÁC NHAU GIỮA CHỒNG VÀ TỔNG THỐNG


Vợ hỏi chồng:

- Đố anh biết, điểm khác nhau giữa một tổng thống và một ông chồng là gì?

- Tổng thống thì biết được ai là người kế nhiệm mình, còn chồng thì không.