Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Những cặp đôi càng hay cãi vã càng hạnh phúc

 

NHỮNG CẶP ĐÔI CÀNG HAY CÃI VÃ CÀNG HẠNH PHÚC

Một nghiên cứu đã chứng minh, 44% các cặp đôi đã kết hôn tin rằng tranh cãi nhiều hơn 1 lần/tuần giúp cuộc sống hôn nhân bền chặt và hạnh phúc hơn.

Những cuộc tranh cãi có thể là dấu hiệu của một mối quan hệ khi cả 2 đã đủ chín chắn. Né tránh xung đột chắc chắn không phải là cách tốt nhất nếu 2 người muốn đi cùng nhau trên cả chặng đường dài. bạn có thể nói rõ cho đối phương biết những suy nghĩ của mình, khi đó, mối quan hệ của các bạn sẽ thay đổi. Những người trưởng thành sẽ không ngại có một cuộc tranh luận thẳng thắn để bảo vệ chính mối quan hệ của mình.

Tranh cãi cũng là dấu hiệu cho thấy nửa kia thực sự muốn cùng bạn khắc phục mọi thứ để bên nhau dài lâu.

Bạn chỉ cần nhớ, bạn có thường xuyên cãi vã với bố mẹ, anh chị em trong gia đình? Điều tương tự cũng có thể xảy ra với nửa kia của bạn. Nhưng nếu bạn biết tranh luận đúng cách và cùng nhau vượt qua thì cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn nhiều.

Cãi vã giúp việc giao tiếp cởi mở hơn. Để phát triển một mối quan hệ thực sự, đừng chỉ im lặng. Ngược lại, hãy cởi mở chia sẻ mọi điều với người ấy và học cách lắng nghe cũng như chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Tranh cãi cũng là một cách thức giao tiếp, nó giúp 2 người trở nên hiểu nhau hơn, thân mật hơn và tin tưởng nhau hơn.

Đôi khi những cuộc khẩu chiến cũng giúp các cặp vợ chồng gắn kết hơn. Điều quan trọng không phải là ai thắng hay thua mà là qua đó, chúng ta có thể hiểu hơn về người bạn đời của mình.

Những xung đột nhỏ trong cuộc sống là tấm gương phản chiếu tính cách chân thật nhất của mỗi người. Và nếu 2 người biết cách cùng thay đổi và khắc phục những hạn chế của bản thân thì mối quan hệ ấy sẽ thực sự bền chặt.

Cãi vã còn giúp giải tỏa sự phẫn nộ. Trong một mối quan hệ, một số người sẽ có xu hướng uốn nắn người bạn đời theo ý muốn của bản thân.

Nếu bạn im lặng và làm theo những gì anh ấy/cô ấy muốn trong khi bản thân không thực sự thoải mái với điều đó thì sự bực bội, phẫn nộ của bạn chỉ tăng thêm. Đây là một trong những con đường ngắn nhất đưa mối quan hệ của 2 người đi đến tan vỡ.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sai lầm lớn nhất của các cặp đôi thường mắc phải là tránh việc tranh luận, ngay cả khi không đồng ý với người kia.

Hạn chế giao tiếp là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến các cặp đôi phải chia tay.

Một số cặp vợ chồng thực sự thích những cuộc "chiến tranh" vì khi đó nồng độ hormone tăng mạnh. Trong tiềm thức, họ hiểu rằng, tranh cãi chỉ là một cách để thể hiện những đam mê và cái tôi cá nhân.

Sự bất đồng quan điểm đôi khi cũng là một gia vị cho cuộc sống hôn nhân thêm phong phú. Nếu muốn một mối quan hệ bền chặt và phát triển, thì không nên né tránh việc cãi vã, nhưng hãy nhớ rằng tranh cãi một cách tích cực nhé.

Tranh cãi giúp mối quan hệ tránh khỏi sự nhàm chán. Với những cặp đôi yêu nhau, thì những xung đột mang tính xây dựng sẽ thúc đẩy mối quan hệ của bạn và khiến nó thú vị hơn.

Thử tưởng tượng xem mối quan hệ của bạn sẽ nhàm chán đến đâu nếu cả 2 luôn gật đầu đồng ý về mọi thứ.

Ngôn ngữ của tình yêu

 

NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU

Những người yêu nhau không nhất thiết phải hoàn toàn trùng khớp ngôn ngữ tình yêu. Điều quan trọng để "giữ lửa" cho mối quan hệ là sự thấu hiểu và cách bày tỏ phù hợp.

Để hiểu ngôn ngữ của mình và học nói ngôn ngữ của người khác cần nhiều quan sát và nỗ lực. Không nên áp dụng rập khuôn ngôn ngữ tình yêu vào mọi mối quan hệ.

Trong một mối quan hệ, đã bao giờ bạn cảm thấy mình không được yêu thương, hoặc nghe người ấy than phiền rằng bạn không đủ quan tâm đến họ dù thực tế bạn vẫn cố gắng bày tỏ? Nếu đã từng trải qua tình huống trên, rất có thể hai bạn đang nói những ngôn ngữ tình yêu khác nhau.

Tiến sĩ Gary Chapman là một diễn giả, tham vấn hôn nhân nổi tiếng đề cập đến 5 ngôn ngữ tình yêu thường gặp gồm:

  • Lời khẳng định (Words of Affirmation)
  • Hành động giúp đỡ (Acts of Service)
  • Quà tặng (Receiving Gifts)
  • Thời gian chất lượng (Quality Time)
  • Cử chỉ âu yếm (Physical Touch)

Dù đã tồn tại gần 30 năm, lý thuyết của Gary Chapman vẫn mang tính thời đại và trở thành nền tảng cho nhiều khóa học về tình yêu - hôn nhân ngày nay.

"Hầu hết chúng ta đều có đủ 5 ngôn ngữ. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có 1 hoặc 2 ngôn ngữ nổi trội", 5   ngôn ngữ tình yêu được thể hiện như sau:

Lời khẳng định

Đây là cách thể hiện tình cảm thông qua lời yêu thương, khen ngợi hoặc sự đánh giá cao.

Để nói ngôn ngữ tình yêu này, bạn hãy tìm những điểm bạn cảm thấy khâm phục ở đối phương và thể hiện điều đó bằng câu chữ hay lời nói chân thành.

Hành động giúp đỡ

Không giống với nhóm lời khẳng định, những người có ngôn ngữ chính là hành động giúp đỡ sẽ cảm thấy được yêu khi nhận được sự hỗ trợ cụ thể. Bởi chính họ cũng có xu hướng nói ít, làm nhiều trong mối quan hệ.

Chìa khóa để chinh phục những người này là tìm ra điều họ muốn bạn làm cho họ và thực hiện chúng đều đặn.

Quà tặng

Một số người có ngôn ngữ chính là quà tặng sẽ xem những món quà là cách thể hiện tình yêu hiệu quả.

"Món quà tốt nhất là món quà được đón nhận. Một bó hoa, một cuốn sách, bất kể thứ gì cũng có thể nói lên tình yêu của bạn. Miễn là đối phương thích", Gary Chapman viết.

Thời gian chất lượng

Thời gian chất lượng là thời gian bạn dành trọn vẹn sự chú ý cho người ấy. Với một số người, không điều gì làm họ cảm thấy được yêu hơn là khoảnh khắc hai người thật sự mở lòng và trò chuyện với nhau.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cặp đôi ở cùng một nhà 24/7 nhưng không phải ai cũng có thời gian chất lượng này.

Nếu hai bạn ngồi cùng một bàn ăn, cùng xem TV nhưng thi thoảng lại cầm điện thoại trả lời tin nhắn hay chơi game thì đó không phải cách thể hiện ngôn ngữ chất lượng "quality time".

Cử chỉ âu yếm

Người có ngôn ngữ này sẽ cảm nhận tình yêu thông qua sự tiếp xúc cơ thể như nắm tay, ôm, hôn gần gũi. Tùy thuộc vào mức độ thân thiết và sở thích.

Việc học nói ngôn ngữ của nhau và luân phiên thay đổi sẽ giúp cả hai luôn cảm thấy yêu và được yêu. Từ đó tình cảm ngày càng nồng ấm.

Ngoài ra, bày tỏ tình cảm với người khác theo cách họ muốn đồng nghĩa bạn đang tập trung vào nhu cầu của họ hơn bản thân. Và sự thông cảm, vị tha luôn là một trong những yếu tố làm nên mối quan hệ chân thành.

5 ngôn ngữ tình yêu có thể là công cụ hỗ trợ bạn và người ấy giao tiếp tốt hơn. Dù vậy, đây không phải là công thức chung cho tình yêu bền vững.

Mỗi cặp đôi đều có hành trình khác nhau, các ngôn ngữ trên cũng sẽ thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Thay vì ứng dụng rập khuôn, hai bạn nên thường xuyên trò chuyện và điều chỉnh thói quen để hương vị tình yêu càng thêm ngọt ngào.

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Phòng bệnh Covid-19 bằng y học cổ truyền

 

PHÒNG BỆNH COVID-19 BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Một số phương pháp phòng dịch theo YHCT giúp người dân bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm virus SAR-CoV-2.

Covid-19 theo quan niệm của Y học cổ truyền

Bệnh Covid-19 theo Y học cổ truyền là "Ôn dịch" của học thuyết "Ôn bệnh học" và có tên "Cảm mạo ôn bệnh".Covid 19 là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố "dịch lệ", thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc), vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh.

Theo nguyên lý YHCT, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng "Phế, Tỳ"(hô hấp, tiêu hoá), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp). Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm, ... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.

Việt Nam sắp có thuốc VIPDERVIR. thuốc ức chế SARS-CoV-2 từ thảo dược, sản phẩm viên nang cứng điều trị Covid-19. thuốc VIPDERVIR đang thử nghiệm lâm sàng sẽ sớm được đưa vào sử dụng trong đại dịch hiện nay.

Phòng chống Covid-19 theo quan niệm Y học cổ truyền

Y học cổ truyền có ý nghĩa trong việc phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SAR-CoV-2 gây ra. Và theo đó, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1306/BYT-YDCT về việc Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng COVID-19.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi người dân cần nâng cao sức khỏe của bản thân và vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Để thực hiện những điều này thì các phương pháp y học cổ truyền có hiệu quả rất tốt. Một số phương pháp phòng dịch Covid-19 người dân có thể áp dụng dễ dàng như sau:

1.Vệ sinh môi trường làm việc

Nguyên liệu : Sử dụng dược liệu chứa tinh dầu: Sả chanh, Bạc hà, Quế, Mùi, Bưởi, Tràm gió, Màng tang, Long não, Kinh giới, Tía tô, Bồ kết, Xạ Can..hoặc các chế phẩm.

Cách dùng: Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại từ 200 - 400g tùy theo diện tích phòng, cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm 2 lần, sáng và chiều

Lưu ý:

Không xông có tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

2.Vệ sinh cá nhân

Chúng ta có thể dùng các dung dịch nhỏ mũi, nước súc miệng được chiết xuât từ Tỏi, Quế, Bạc Hà.. để súc họng và nhỏ mũi hằng ngày.

Lấy 10g hương nhu cùng 200ml nước sắc dùng súc miệng vào 2 lần trong ngày vào sáng sớm và trước khi đi ngủ.

3.Bài thuốc Đông y 

Phòng dịch Covid-19, người dân có thể sử dụng các nguyên liệu từ thảo mộc tự nhiên để nâng cao thể lực, tăng khả năng sát khuẩn, đề kháng của đường hô hấp để hạn chế virus viêm đường hô hấp xâm nhập như sau:

* Nước ép Tỏi

+ Thành phần: Củ Tỏi và nước đun sôi để nguội

+  Liều lượng, cách sử dụng:

Xay hoặc nghiền Tỏi lọc lấy nước, hòa cùng nước ấm theo tỷ lệ 1:10. Chia uống nhiều lần trong ngày.

* Tỏi ngâm mật ong pha với nước ấm để uống vào buổi sáng trước khi ăn 30-40 phút

*  Một số loại trà thảo dược ( lá khô)

- Trà lá Diếp cá: Lá Diếp cá 5g (tươi 10g). Trà xanh 3g (tươi 6g), Liên kiều 3g, Hậu phác 3g. Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-80° hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

- Trà Kinh giới, Trà xanh: Kinh giới (lá khô) 10g, Trà xanh 3g (tươi 6g). Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-80° pha hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

- Trà Kinh giới, Bạc hà: Kinh giới 5g, Lá Bạc hà 3g, Trà xanh 3g. Các vị thuốc trên vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-80° hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

- Trà Kinh giới, Quế chi: Lá Kinh giới 5g, Quế chi 3g, Trà xanh 3g. Các vị thuốc trên vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần khoảng 70-80° hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

* Sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà

- Lá Trà tươi 10g, Sinh khương bỏ vỏ 10 lát; sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày.

- Hoắc hương tươi 10g, lá Tía tô tươi 10g, lá Bạc hà tươi 10g; rửa sạch, sắc hoặc hãm uống thay trà.

- Cam thảo 3g, Phòng phong 6g, hai thứ nghiền nhỏ, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.

- Hoắc hương 8g, Tử tô 8g, Kinh giới 8g, Bạc hà 8g, lá Trà 5g, sắc hoặc hàm với nước sôi uống thay trà.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K (Khẩu trang – Khoảng cách – Khai báo y tế – Khử khuẩn – Không tập trung), việc triển khai nhân rộng tiêm chủng vắc xin Covid-19 là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

BS CKI. Nguyễn Thị Vân Anh – BS. Bùi Đức Quảng (Khoa Y học cổ truyền)