Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Người cao hay thấp có nhiều lợi thế hơn

 

NGƯỜI CAO HAY THẤP CÓ NHIỀU LỢI THẾ HƠN?

Chiều cao của bạn là một yếu tố sinh học mà bạn khó lòng có thể thay đổi. Thế nhưng bản thân nó lại có thể tác động tới số phận của bạn theo cách mà bạn không nhận ra.

1. Tiền bạc và quyền lực

Với chiều cao 1m93, Abraham Lincoln cao hơn hẳn Barack Obama và cao hơn chiều cao trung bình của người Mỹ khoảng 8cm.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy những ứng viên tổng thống cao hơn thường nhận được nhiều phiếu bầu hơn.

Những người đàn ông và phụ nữ cao hơn thường chiếm ưu thế, khoẻ mạnh, thông minh và thường được chọn vào những việc mang tính cạnh tranh. Họ cũng thường kiếm được nhiều tiền hơn.

Thế nhưng chiều cao cũng phản ánh chế độ dinh dưỡng khi còn bé và vì vậy có lẽ là thước đo cách bạn được nuôi dưỡng

Chỉ dựa trên ấn tượng ban đầu, những người cao có thể có lợi thế.

Kết luận: Người cao thì có lợi thế hơn về tiền bạc và quyền lực

2. Quyến rũ

Những người cao thường khá hấp dẫn. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy những người đàn ông và phụ nữ cao thường được xem là quyến rũ hơn về mặt tình dục.

Điều khá thú vị là bạn có thể đoán chiều cao của một ai đó từ khuôn mặt của họ, đồng nghĩa với việc một bức hình trên một trang web hẹn hò sẽ khó giấu được chiều cao thực sự.

Tuy nhiên, phụ nữ cao lại ít khi có được cùng lợi thế như đàn ông cao trong vấn đề hẹn hò, bởi những phụ nữ có chiều cao trung bình vẫn được ưa thích hơn.

Ngay cả đối với đàn ông, chiều cao cũng mang lại những tác động lẫn lộn, bởi mọi người cũng quan tâm đến những ‘tài năng’ khác của bạn nữa.

Có lẽ chiều cao của một người đàn ông làm tăng sự kỳ vọng của phụ nữ và khiến họ bị đánh giá khắt khe hơn nếu không đạt được sự kỳ vọng đó.

Kết luận: Những người đàn ông cao nhiều khả năng giành chiến thắng trong hẹn hò, nhưng không phải điều này lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công.

3. Thể thao

Bạn chỉ cần nhìn sân bóng rổ hay đường đua để nhận ra chân dài thường mang lại ưu thế trong nhiều sự kiện vì giúp ta di chuyển nhanh hơn.

Bên cạnh đó, trong những môn thể thao đồng đội như bóng đá Mỹ, các cầu thủ cao hơn thường có thể nhìn qua đầu các đối thủ của mình, giúp việc chuyền bóng dễ hơn.

Tuy nhiên, đôi lúc chiều cao khiêm tốn cũng là một điểm cộng.

Những người này chỉ cần ít thời gian hơn để các sóng điện từ các chi truyền đến não bộ, đồng nghĩa với phản ứng của họ sẽ nhanh hơn và họ lanh lẹ hơn - vốn có lẽ là điều hiện diện ở một số võ sỹ như diễn viên võ thuật Thành Long (Jackie Chan).

Những người to lớn cũng khó cúi và xoay người hơn so với những người thấp, và điều này đồng nghĩa với việc những người có chiều cao khiêm tốn có thể trở nên xuất sắc trong những bộ môn như thể dục nhịp điệu, trượt tuyết, trượt băng, trượt ván tuyết và lặn.

Kết luận: Một điểm hoà rõ ràng. Tất cả tuỳ thuộc vào bộ môn thể thao mà bạn chơi.

4. Hậu đậu

Hãy nghĩ về cơ thể như một chiếc xe hơi: Phần thân xác càng to thì càng khó chậm lại để tránh va chạm. Bên cạnh đó, đà càng lớn đồng nghĩa với những tác động lớn hơn trong va chạm.

Theo một ước tính, một người cao hơn 20% sẽ tạo ra động lực lớn gấp đôi trong một cú ngã.

Điều này có thể giải thích vì sao những người cao thường dễ bị thương nặng hơn. Một phụ nữ cao trên 1m70 dễ bị tổn thương hông hơn gấp đôi so với những phụ nữ chỉ cao 1m55.

Kết luận: Những người nhỏ bé thường ít dễ bị tai nạn hơn những người to cao.

5. Tuổi thọ

Villagrande Strisaili ở Sardinia (Hòn đảo rộng 24.090 km2 với dân số hơn 1,6 triệu người, khu vực tự trị thuộc Ý) được biết đến là nơi có tỷ lệ dân sống trên 100 tuổi cao nhất châu Âu.

Mặc dù điều này là do nhiều yếu tố, trong đó có chế độ ăn uống vùng Địa Trung Hải và đời sống xã hội lành mạnh, một nguyên nhân khác là do có thể những người này khá thấp, với chiều cao trung bình của đàn ông chỉ khoảng 1m60 đối với thế hệ già nhất.

Đây là điều khá đáng ngạc nhiên, vì những trẻ em khoẻ mạnh thường cao hơn và bạn thường xem chiều cao là thước đo sự khoẻ mạnh.

Tuy nhiên khi những yếu tố khác như chế độ ăn và chăm sóc sức khoẻ được tính đến, những người to cao thường gặp nhiều bất lợi khi về già.

Ví dụ, càng to lớn, bạn sẽ càng có nhiều tế bào trong cơ thể và vì vậy, tăng nguy cơ của sự biến dạng tế bào, từ đó đẫn đến ung thư.

Một cơ thể lớn hơn cũng đốt nhiều năng lượng hơn, làm tăng những sản phẩm phụ độc hại của quá trình tiêu thụ năng lượng và do đó chóng bị già yếu đi hơn.

Điều này có thể làm bạn giảm nhiều năm tuổi. Đối với người dân ở Sardinia, những người cao nhất thường có tuổi thọ thấp hơn những người có chiều cao khiêm tốn khoảng 2 năm.

Một nghiên cứu khác đối với 1,3 triệu người Tây Ban Nha cho thấy nếu một người cao hơn chiều cao trung bình 1cm thì họ thường giảm tuổi thọ đi 0,7 năm.

Kết luận: Chiều cao khiêm tốn thường đồng nghĩa với tuổi thọ cao hơn.

6. Niềm vui

Bất chấp tất cả những rủi ro đối với sức khoẻ, nhiều nghiên cứu cho thấy càng cao, bạn càng cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Điều này có thể là do chiều cao của bạn có thể tác động đến sự nghiệp và giúp bạn kiếm tiền tốt hơn.

Kết luận: Người càng cao càng hạnh phúc (chỉ đơn thuần sự nghiệp và tiền bạc) .

Tất nhiên là tất cả những yếu tố này chỉ đơn thuần là sự tương quan. Đã có rất nhiều trường hợp ngoại lệ phá vỡ những quy tắc này.

Tất cả chúng ta đều là thành quả của sự xổ số sinh học - nhưng có vẻ như những giải thưởng luôn được chia đều, dù kích cỡ của bạn là gì đi nữa.

Có lẽ những thống kê này chỉ chứng minh một điều: Kích cỡ cơ thể bạn không quyết định số phận của bạn, mà chỉ là cách bạn sử dụng nó.

Làm sao để sống thọ trên 110 tuổi?

 

Bà Besse Brown Cooper, sinh năm 1896 ở Tennessee

 

Sống đến 100 tuổi luôn là dịp để ăn mừng, nhưng ngày nay có quá nhiều người 100 tuổi đến nỗi các nhà khoa học chẳng buồn theo dõi họ nữa.

Hồi năm 2012, Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 316.600 người trên 100 tuổi trên thế giới. Cho đến năm 2050, con số này được dự đoán sẽ tăng lên hơn ba triệu người.

Những người siêu thọ

Có một nhóm người còn đặc biệt hơn nữa, đó là những người sống trên 110 tuổi.

Nhóm nghiên cứu lão khoa, một nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu có trụ sở ở Los Angeles, theo dõi dữ liệu của những người cao tuổi nhất trên thế giới.

Tính đến cuối tháng Ba 2015, có 53 người trên 110 tuổi hiện đang còn sống. Điều đáng buồn là người lớn tuổi nhất thế giới, cụ bà Misao Okawa ở Nhật Bản, 117 tuổi, đã được thông báo đã qua đời hôm 1/4/2015.

Cụ Okawa sinh vào năm 1898 và hiện nay chỉ còn bốn người còn sống – ba người Mỹ và một người Ý, tất cả đều là nữ, có ngày sinh trước năm 1900.

Điều này có nghĩa là họ đã sống qua ba thế kỷ. Điều làm cho họ đặc biệt là thế giới sẽ phải chờ tới ít nhất là năm 2100 mới có thể có được một "bộ tứ đại thọ" khác - gồm bốn người sống qua ba thế kỷ.

Đồng hồ sinh học chậm

Những người trên trăm tuổi ‘dường như sinh ra với đồng hồ sinh học chậm hơn tất cả chúng ta’, Stuart Kim, một nhà sinh học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực phát triển sinh học ở Đại học Standford, nói. Khi họ 60 tuổi, họ trông như 40.

Khi họ 90 tuổi, họ chỉ giống như người 70. “Khi anh gặp họ,” Kim nói, “họ có bề ngoài và hoạt động trẻ hơn tuổi thật đến 20 tuổi.”

Hãy xem trường hợp của bà Besse Brown Cooper, sinh năm 1896 ở Tennessee. Bà sống thọ 116 tuổi 100 ngày và lập kỷ lục là người sống thọ thứ 10 từ trước đến nay mà thế giới biết được.

Bà không gặp chuyện gì để đi khám ở bác sỹ lão khoa. Bà sống ở nhà, ra vườn làm lụng cho tới khi 105 tuổi và bà đọc rất nhiều cho đến khi 113 tuổi.

Yếu tố di truyền

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu về nền tảng di truyền và môi trường vốn là lý do khiến cho cụ Besse sống lâu mà vẫn khỏe.

Đến nay, họ đã biết rằng yếu tố di truyền – tức là ai đó có họ hàng sống thọ – là một trong những yếu tố chính giúp cho họ sống lâu.

Theo ông Thomas Perls, một giáo sư y khoa và lão khoa tại Đại học Boston và giám đốc của Nghiên cứu Người trăm tuổi New England tại Trung tâm Y khoa Boston, những nghiên cứu này sẽ không giúp ích nhiều cho chúng ta để có thêm nhiều người sống siêu thọ nữa nhưng sẽ giúp chúng ta tránh được hoặc trì hoãn những chứng bệnh như Alzheimer, đột quỵ, tim mạch và ung thư.

Nói cách khác, có thể sẽ không bao giờ có việc đa số chúng ta sống đến 110 tuổi, nhưng việc hiểu làm sao có người sống được đến mức đó có thể giúp cho phần còn lại của nhân loại tăng cơ hội sống một cuộc sống trọn vẹn hay khỏe mạnh đến tuổi 85 hay 90.

Kho báu lịch sử sống

Mỗi một người lớn tuổi là một kho tàng tri thức. Một số người còn gọi họ là kho báu lịch sử sống. Điều quan trọng nữa là những gì họ kể không được lọc lại qua lăng kính của bên thứ ba – nhà sử học, nhà làm phim tài liệu hay nhà báo – do đó rất đáng để ghi lại.

“Đó còn là việc giúp chúng ta hiểu sâu hơn,” Doug Boyd, giám đốc Trung tâm Louie B Nunn về lịch sử truyền miệng tại Thư viện Đại học Kentucky, nói.

Đó là lý do tại sao Boyd đang số hóa toàn bộ bộ sưu tập của ông về lịch sử truyền miệng với 9.400 đoạn thâu âm được tổ chức thành hệ thống dữ liệu khoa học và miễn phí.

Khi những câu chuyện này được đưa vào lớp học hay mạng xã hội, chúng sẽ bắt đầu định hình lại cách chúng ta nghĩ về lịch sử và những giá trị về kiến thức và kinh nghiệm sống trong cuộc đời của những người lớn tuổi.

Góc nhìn khác

Cuộc đời kéo dài cũng giúp cho những người lớn tuổi những nhận định độc đáo về những gì xảy ra ở hiện tại.

Sự khôn ngoan của người lớn tuổi là điều mà các nền văn hóa ngoài phương Tây lâu nay vẫn rất trân trọng.

Bà Mayumi Hayashi, một nhà nghiên cứu tại Viện lão khoa tại Đại học King’s College London, lớn lên trong một gia đình ba thế hệ.

Ông bà của bà yêu thích sự hài hòa, chuộng trật tự cấp bậc trong xã hội và kính trọng hoàng đế Nhật Bản. Họ không ưa những ý kiến mạnh bạo và chủ nghĩa cá nhân. Họ đã đem đến một góc nhìn vào quá khứ của Nhật Bản.

“Văn hóa và giá trị của họ thật sự khác biệt đến nỗi đối với tôi chúng hoàn toàn lỗi thời,” Hayashi nói. “Tuy nhiên, có ông bà sống cạnh bên khi tôi trưởng thành khiến tôi càng ý thức hơn về người lớn tuổi và cho tôi thấy Nhật Bản đã du nhập các giá trị được Mỹ hóa như thế nào.”

Chúng ta thường quan niệm sai lầm là càng lớn tuổi thì con người ta càng yếu đi về mặt sức khỏe và tinh thần.

Nghiên cứu của Olshansky và các đồng sự cho thấy không có dữ liệu chứng minh cho quan niệm nhầm tưởng giữa sức việc sức khỏe đi xuống và tuổi tác cao lên.

“Hầu hết những vấn đề mà chúng ta cho rằng là do tuổi tác thực ra lại không phải là do tuổi tác mà là do những việc chúng ta làm, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu hay béo phì,” Perls nói.

Trên thực tế, nhiều người, thậm chí có những người 85 tuổi hoặc hơn, có sức khỏe như những người trẻ hơn 20 đến 30 tuổi. Tuổi tác theo nhiều các chuyên gia không phải là cách đánh giá đúng về sức khỏe.


Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Để mình và người sống hạnh phúc cần tin nhân quả

 

ĐỂ MÌNH VÀ NGƯỜI SỐNG HẠNH PHÚC CẦN TIN NHÂN QUẢ

Nhân quả theo ta như hình với bóng

Làm lành nhiều thì phước lớn

Phước sinh do tâm, tội sinh do ý.

Người trí tin sâu nhân quả

Kẻ mê chẳng biết tội phước là gì?


Câu chuyện kể rằng: Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy hình tượng Bồ-tát ngồi trên đài sen rất trang nghiêm, anh ta vô cùng ngưỡng mộ. Kẻ lang thang mới nói: Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Bồ-tát được không? Bồ-tát nghe nói vậy rất hoan hỷ nói rằng: Chỉ cần anh không mở miệng thì tôi chấp nhận. “lang thang” hứa khả rồi ngồi lên đài sen.

Trước mắt “lang thang” là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến lễ bái phần đông là cầu khẩn van xin đủ thứ điều, từ việc trong nhà cho đến việc ngoài đời. Nhưng “lang thang” vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng như lời đã hứa.

.

Hôm đó, một phú ông đến mới khấn rằng: “Con cầu xin Bồ-tát ban cho con một đức tính tốt. Nói xong ông dập đầu xuống lạy lia lịa, sau khi đứng dậy, ví tiền lại bị rớt ra ngoài. “lang thang” vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến lời dặn của Bồ-tát.

Sau khi lão phú ông đi ra, thì có một người quần áo rách rưới nghèo hèn mới bước vào. Người đó sau khi lễ lạy xong mới khấn: Con cầu xin Bồ-tát ban cho con một ít tiền để chữa bệnh cho mẹ con ạ. Cầu xong anh ta đứng dậy, nhìn thấy một túi tiền nằm gần đó. Người nghèo liền thốt lên: Hay thay Bồ-tát quá linh ứng, con xin thành tâm cảm niệm công đức của Bồ-tát. Nói xong, anh ta liền vui vẻ cầm túi tiền ra đi. “lang thang” muốn mở miệng nói không phải linh ứng gì đâu, đó là tiền của phú ông đánh rơi, nhưng nhớ lời dặn của Bồ-tát “lang thang” ngậm chặt miệng lại.

.

Đúng lúc này, một người ngư dân đi vào. Người ngư dân ấy cầu xin như sau: Con cầu xin Bồ-tát hiển linh ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng to gió lớn, để con có thể đánh bắt được nhiều cá. Sau khi lễ lạy xong anh ta liền đứng dậy đi ra, lại bị phú ông tiến đến túm chặt cổ áo, rồi bảo mày trả túi tiền cho tao, thế là hai người đánh nhau tơi bời.

Phú ông cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền của mình, còn anh ngư dân thì cảm thấy mình bị hàm oan mà tức tối vô cùng. “lang thang” lúc này không thể nhịn được nữa, “lang thang” liền hô to: “Hai người hãy dừng tay lại nghe ta nói nè! Rồi kể lại sự thật cho hai người nghe, nhờ vậy sự việc mới được sáng tỏ.

.

Đến lúc này Bồ-tát thật mới nói: Ngươi làm như vậy có đúng chăng? Ngươi hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang còn khả dĩ hơn! Ngươi mở miệng tự cho mình rất công bằng, có khả năng ban phước giáng họa cho mọi người? Nhưng, người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân, người giàu không có cơ hội tích lũy phước báo để tu hành, người ngư dân ra biển gặp sóng to gió lớn cuốn trôi. “lang thang” nghe nói như vậy, đành im lặng bước ra khỏi chùa…

.

Câu chuyện ngụ ngôn trên nhằm nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp. Không ai có thể ban phước giáng họa cho ta, mà chính bản thân mình làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau.

.

Mỗi người hãy tự suy ngẫm đạo lý chân thật từ nơi tâm mình, làm ác cũng do mình, làm thiện cũng do mình, chính vì vậy quả tốt hay xấu đều do mình tạo lấy, làm gì có ai ban phước giáng họa mà cầu khẩn van xin? Vậy mà đại đa số lúc nào cũng thích cầu xin hơn là tu tập, tâm biếng nhác, tâm tham lam làm cho chúng ta trở thành tín đồ của mê tín.