Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

Tình yêu đích thực tồn tại

 

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC TỒN TẠI

Tiến sĩ tâm lý học Jed Diamond: Tình yêu đích thực tồn tại, vấn đề là bạn có dám đi đến cuối con đường hay không.

 

“Cố ấy/anh ấy không phải là người phù hợp với mình” là câu giải thích quen thuộc của những người mới trải qua cuộc chia ly. Có lẽ, chúng ta đôi khi cũng xoa dịu bản thân mình như thế. Tuy vậy, rất nhiều người xung quanh lại nghĩ bạn hẳn phải đang ở trong 1 mối quan hệ hoàn hảo. Hay bạn cũng đã từng nghĩ thế trong lúc yêu. Thông thường, đa số chúng ta cũng tự hỏi tại sao tình yêu đẹp đẽ đó là tan biến thành hư không.

 

Tiến sĩ Jed Diamond, nhà tâm lý học nổi tiếng, đã đưa ra kết luận sau 40 năm nghiên cứu rằng trên thực tế rất nhiều người đã tìm ra được tình yêu đích thực cho cuộc đời mình. Nhưng vấn đề chính là họ không thể cùng nhau đi đến cuối con đường, hay 5 giai đoạn của tình yêu, mà chỉ dừng lại ở nấc thứ 3. Hãy cùng xem chúng là gì.

.

Giai đoạn 1: Phải lòng

Lúc mới yêu là giai đoạn mà cuộc sống của bạn sẽ ngập tràn hóc môn hạnh phúc. Đó là lúc bạn phóng chiếu tất cả những ham muốn và ước vọng lên người tình của mình. Người ấy sẽ nhanh chóng trở thành thần tượng của bạn; họ đơn giản là quá hoàn hảo trong mắt bạn. Bạn tin rằng chàng hay nàng sẽ luôn luôn đáp ứng mọi mong mỏi của mình, và bạn tin vào từng lời người ấy nói. Trong giai đoạn này, bạn tin vào sức mạnh của tình yêu đích thực tới mức không một ý kiến hoài nghi có nào làm bạn lung lay và suy nghĩ cẩn trọng hơn.

.

Giai đoạn 2: Trở thành 1 cặp

Ở giai đoạn này, tình yêu trở nên mạnh mẽ hơn, và sau nhiều lần đón đưa, 2 người cuối cùng sẽ dọn về ở với nhau. Bạn hiểu người ấy nhiều hơn, và sự hiện diện của bạn bắt đầu có sự ảnh hưởng lên mọi mặt trong cuộc đời của họ. Đây là thời gian của sự đoàn tụ và vui vẻ. Ở một thời điểm nào đấy, sau rất nhiều năm tháng, giai đoạn này sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những đứa trẻ, khiến càng gia tăng sự gắn bó giữa 2 người. Bạn cảm thấy muốn bảo vệ và khao khát người đó. Và bạn tin rằng chắc chắn mình đã tìm thấy đúng người - mối quan hệ này đã được vận mệnh an bài.

.

Giai đoạn 3: Vỡ mộng

Đây là giai đoạn khi bong bóng ảo tưởng bắt đầu vỡ. Nó là lúc bạn bắt đầu nhoi nhói ngợ rằng những cảm giác của mình dành cho người ấy một ngày sẽ tan biến, và không bao giờ trở lại. Và họ sẽ trở nên nhàm chán, không còn làm bạn ngạc nhiên như xưa, và hành vi của họ nhiều khi còn làm bạn khó chịu. Bạn bắt đầu cảm thấy cần 1 khoảng lặng hoặc thậm chí tự nhủ với mình rằng họ không phải là người phù hợp với bạn. Bạn sẽ nghĩ rằng thật vô ích khi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ tra tấn này và rất nhiều người nói chia tay ở đây

.

Giai đoạn 4: Xây dựng tình yêu vĩnh cửu

Nếu bạn cố nhắm mắt chịu đựng và tiếp tục đồng cam cộng khổ với người ấy, bạn có thể sẽ vượt qua giai đoạn 3 và bước sang chặng đường mới. Tâm trí của bạn sẽ được giải phóng khỏi những ảo tượng mà bạn đã phóng chiếu lên người yêu của mình trong những giai đoạn trước đó. Người đứng bên cạnh không phải là 1 nhân vật tưởng tượng trong đầu bạn, mà là 1 con người thực sự. Bạn chấp nhận – và quan trọng hơn – hiểu những khiếm khuyết của họ. Bây giờ là lúc chữa lành và chuyển sang giai đoạn cuối cùng.

.

Giai đoạn 5: Đồng tâm thay đổi thế giới

Giờ là lúc khi nhận ra rằng mình đã học được cách vượt qua những bất đồng và xây dựng 1 mối quan hệ sâu sắc, vững chắc và bền lâu, bạn sẽ đi đến 1 kết luận còn tự do hơn: 2 người sẽ có sức mạnh để thay đổi điều gì đó trong thế giới này. Chúng ta ở bên nhau có thể vì 1 mục đích gì đó lớn lao hơn. Có thể là 2 người sẽ làm việc cùng nhau, sáng tác văn cùng nhau, tạo ra thứ gì đó cùng nhau – nó có thể là bất cứ thứ gì. Nhưng khi cả 2 đồng lòng đồng chí, vượt qua được tất cả các giai đoạn trước, bạn sẽ có 100% tự tin khi nói răng “Đây là định mệnh của đời tôi.”

.

Theo Brightside 

 

 

2 mặt sáng tối của Big Data

 

2 MẶT SÁNG TỐI CỦA BIG DATA


Trong cuốn sách “Big Data” (tên tiếng Việt: Dữ liệu lớn), Viktor Mayer-Schönberger, một giáo sư về quản trị Internet tại Viện nghiên cứu Internet thuộc Đại học Oxford, cùng Kenneth Cukier, quản trị viên dữ liệu (data editor) cho tờ The Economist, đã chỉ ra rằng bản chất của hoạt động tình báo đã thay đổi.

.

Một việc mà Google làm. Amazon làm. Walmart làm. Và theo như các mẩu tin tức được công bố thì Chính phủ Mỹ cũng làm.

Amazon sử dụng dữ liệu khách hàng để đưa ra đề xuất dựa trên lịch sử mua hàng cũ. Google sử dụng dữ liệu tìm kiếm và các thông tin khác nó thu nhận được để bán quảng cáo và phục vụ cho các dịch vụ và sản phẩm khác.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cũng đang thu thập hàng triệu ghi âm cuộc gọi của các khách hàng sử dụng Verizon theo yêu cầu mật của tòa án – “không trừ ai và theo số lượng lớn” và “bất kể họ có đang bị nghi ngờ về hành vi xấu nào không”.

.

Theo tin từ The Guardian và The Washington Post, cơ quan này còn thực hiện chương trình tình báo khác tên là Prism, trong đó họ thu thập dữ liệu trong email, audio chat, video chat, ảnh, tài liệu, tên truy cập từ các công ty mạng hàng đầu như Microsoft, Google, Yahoo, Facebook và Apple, nhằm mục đích theo dõi các mục tiêu bên ngoài nước Mỹ.

.

Thành phố New York cũng sử dụng phân tích dữ liệu để tìm ra mô hình hiệu quả mới trong mọi thứ, từ cách phản ứng trước thiên tai tới nhận diện các cửa hàng bán thuốc lá lậu, tới việc thông tin cho các thanh tra nhà ở đến những ngôi nhà mà họ cần lưu ý nhất. Trong những năm tới, như Mayer-Schönberger và Cukier tranh luận, dữ liệu lớn sẽ dần dần trở thành “một phần trong những giải pháp đối với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, xóa bỏ bệnh dịch, củng cố hành chính và phát triển kinh tế.


Đương nhiên là dữ liệu lớn cũng có mặt tối của nó, và các tác giả cũng đã phân tích một cách khéo léo những mối nguy hại mà họ dự đoán sẽ xảy đến. Việc bảo hộ quyền riêng tư sẽ ngày một trở nên khó khăn. Đặc biệt, các chiến lược bảo hộ cũ như “thông báo cho cá nhân, thỏa thuận tự nguyện, hủy đăng ký và nặc danh hóa” sẽ ngày một kém hiệu quả hoặc thậm chí vô hiệu.


Mối nguy hiểm khiến Cukier và Mayer-Schönberger lo ngại trong tương lai gần, việc phân tích dữ liệu lớn  có thể làm nảy sinh tình huống là “việc phán quyết rằng ai có tội có thể được dựa trên việc dự đoán về hành vi tương lai của người đó”.


Hiện tại các công ty bảo hiểm và các hội đồng phán quyết phóng thích đã sử dụng việc phân tích dữ liệu để dự đoán các rủi ro, và cũng theo các tác giả, ngày càng nhiều nơi tại Mỹ sử dụng “chính sách dự báo” cùng “dữ liệu nghiền” để “lựa chọn xem phố nào, nhóm nào và các cá nhân nào nên được kiểm soát gắt gao hơn, bởi lẽ thuật toán đã chỉ ra rằng khu vực này có khả năng phạm tội cao”.


Cùng lúc đó, họ cũng quan sát được rằng, những dữ liệu lớn làm trầm trọng thêm “một vấn đề đã tồn tại rất lâu: là phụ thuộc vào số liệu, trong khi chúng còn có khả năng sai lệch cao hơn rất nhiều so với ta có thể hình dung”. 

.

Họ dẫn ra sự leo thang trong cuộc chiến tranh Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Robert S. McNamara (người nguyên là thư ký Bộ Quốc phòng dưới trướng Tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson) như là một case study điển hình trong “lỗi phân tích dữ liệu”: là người tiên phong áp dụng phân tích dữ liệu, McNamara đã phụ thuộc quá nhiều vào các ma trận như số lượng quân để đo lường tiến trình cuộc chiến tranh; trong khi rõ ràng cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến về ý chí nhiều hơn là về những con số.

.

Gần đây hơn, ta còn có thể thấy nhiều thất bại khác của phân tích dữ liệu, bao gồm vụ sụp đổ của phố Wall năm 2009, khi đó đã rơi vào khủng hoảng càng nghiêm trọng do các hệ thống giao dịch vô cùng rắc rối phụ thuộc vào thuật toán, nhà thống kê Nate Silver đã chỉ ra các sai lầm các của số liệu trong các lĩnh vực như khoa học động đất, tài chính và nghiên cứu sinh dược. Ông cũng biện luận rằng “việc dự báo trong thời đại của Dữ liệu lớn” đã “không diễn ra quá suôn sẻ”

.

Đáng ghi nhận là Cukier và Mayer-Schönberger cũng đã nhận ra những hạn chế của số liệu. Đây là cuốn sách có thể giúp chúng ta nhìn nhận được tầm quan trọng của dữ liệu lớn như một công cụ để “lượng hóa và thấu hiểu thế giới”, nhưng nó cũng đồng thời cảnh báo ta không nên trở thành nạn nhân của “nền độc tài dữ liệu”.

.

“Chúng ta nên cẩn trọng để không phụ thuộc quá đà vào dữ liệu, thay vì lặp lại sai lầm của Icarus, người đã quá tin tưởng vào năng lực bay của mình để rồi dùng nó sai cách và rơi xuống biển sâu”.

 

Theo New York Times  

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Tại sao trẻ em Anh Quốc kém hạnh phúc

 

TẠI SAO TRẺ EM ANH QUỐC KÉM HẠNH PHÚC?
Một báo cáo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) xem xét về cuộc sống hạnh phúc của trẻ em tại 21 quốc gia phát triển được công bố ngày 14-2-2007 đã xếp Mỹ đứng hàng thứ 20 và Anh đứng hàng thứ 21. Lần lượt các nước Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đứng thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này.

Bốn năm sau đó UNICEF thử lý giải vấn đề của người Anh. Câu trả lời dường như là người Anh dành quá ít thời gian cho gia đình và đặt quá nhiều tâm trí vào vật chất. Theo UNICEF, Anh Quốc "đã có những sai lầm trong ưu tiên" - "đã đánh đổi thời gian quý giá bên con cái để lấy những tủ đầy các đồ chơi đắt tiền không bao giờ dùng đến".
.
"Cha mẹ tại Anh muốn trở thành cha mẹ tốt, nhưng họ không biết phải làm thế nào", nghiên cứu chỉ rõ. "Họ cảm thấy họ không có thời gian, và đôi khi thiếu kiến thức, và thường cố gắng bù đắp thiếu hụt này bằng cách mua cho con cái đồ chơi và quần áo".
.
Nghiên cứu đã so sánh Anh với Thụy Điển và Tây Ban Nha. Trong khi Anh Quốc mỏi mòn ở vị trí 21 chót bảng về hạnh phúc của trẻ em, hai nước trên giữ vị trí thứ hai và thứ năm trong bảng. Lý do Thụy Điển và Tây Ban Nha xếp thứ hạng cao, theo UNICEF, là ở cả hai nước "thời gian của gia đình được bảo vệ" và mọi trẻ em "đều có cơ hội tham gia các hoạt động nhiều hơn".
.
"Chính sách xã hội ở Thụy Điển tạo điều kiện cho thời gian của gia đình và văn hóa nước này góp phần quan trọng để củng cố nó. Còn ở Tây Ban Nha, các ông bố thường làm việc nhiều giờ, nhưng đại gia đình vẫn rất quan trọng và phụ nữ ở nhà trông nom con cái".
.
Báo cáo của UNICEF đưa ra lý lẽ rằng áp lực của môi trường làm việc và chủ nghĩa trọng vật chất "đã phối hợp" hủy hoại tâm trạng con em chúng ta. Chúng muốn được quan tâm, nhưng chúng ta lại cho chúng tiền bạc.
.
Để cứu vãn tình hình trên, UNICEF đưa ra cho người Anh một "đơn thuốc": Hãy xem xét lại ưu tiên. Đồng thời, UNICEF cũng khuyến cáo chính phủ cân nhắc các biện pháp nhất định để trợ giúp gia đình, như cải cách luật quảng cáo, xây dựng mức lương phù hợp để các thành viên có điều kiện dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, bảo vệ các cơ sở của trẻ em để chúng có cơ hội tham gia hoạt động.
.
David Cameron đã có một bài diễn văn trong đó có đoạn "những gì quan trọng nhất đối với cơ hội cuộc đời của một đứa trẻ không phải là được nuôi dưỡng trong nhung lụa, mà là sự quan tâm ấm áp của cha mẹ".
.
Nghiên cứu mới công bố của UNICEF xem ra rất trùng hợp với quan điểm của nhà lãnh đạo Anh - nếu bạn quan tâm đến việc làm những điều tốt nhất cho con em mình, thì hãy dành cho chúng nhiều thời gian hơn nữa.

Người trẻ thích đau buồn online

 

NGƯỜI GIÀ ƯA HẠNH PHÚC, NGƯỜI TRẺ LẠI THÍCH ĐAU BUỒN ONLINE


Cái xã hội đang dần thay đổi thật khó hiểu. Thay vì nỗ lực xây dựng cuộc sống hoành tráng, thanh niên bây giờ thích buồn hơn. Chuyện tận hưởng cuộc sống dần nhường cho các anh chị trung niên hơn.

.

Thế hệ thanh niên hiện đại tìm niềm vui bằng cách đăng tải hoặc gửi gắm thông điệp gián tiếp đến người thân, xã hội về sự an nguy của bản thân. Họ muốn được quan tâm theo cách bị bỏ rơi - một nghịch lý khá khó hiểu, mang đầy sự rắc rối phức tạp của những tâm hồn đang tìm đường lớn.

Kiểu như, tôi thấy bạn đăng ảnh ngồi tơ hơ bên điếu thuốc, lại còn chỉnh đen trắng - bản năng thương cảm bên trong con người tôi sẽ nói rằng, à bạn trẻ kia đang có vấn đề. Niềm vui của xu hướng này đến từ việc kéo trùng tâm trạng của người khác xuống, được nhiều likes, tương tác và quan tâm tới tấp.

.

Thời gian ban đầu, ai cũng xót thương cho các cô gái chàng trai mới tuổi đôi mươi đã sống ngập trong thống khổ. Nhưng món lạ mấy, ăn mãi cũng nhàm. Chả biết từ lúc nào sự chán đời ấy bây giờ chỉ nhận được cái tặc lưỡi, bấm like qua loa và mặc kệ. Thóc đâu mà đãi gà rừng. Sức đâu cho sẵn mà dừng bi ai. 

Trên thực tế, phương tiện truyền thông xã hội đã ngày càng làm lu mờ ranh giới giữa sự thật và thói lố bịch, giả dối. Việc đăng bài về những rung cảm mông lung có thể là thật, nhưng với một số người, nó đơn giản là cách để "phù hợp hơn với trào lưu của mạng xã hội."

.

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, con người đang lo lắng và ngày càng chán nản hơn bao giờ hết - hoặc ít nhất, có thể nói về chuyện này một cách cởi mở hơn. Điều nguy hiểm ở chỗ, xu hướng đau buồn online có thể dẫn đến việc tự chẩn đoán sai hoặc, khiến giới trẻ coi thường triệu chứng của những người thực sự mắc bệnh tâm lý. Cũng từ đó dẫn đến hậu quả những người bị bệnh tâm lý thật sự luôn nhận được cái nhìn khắt khe từ cộng đồng, giả dụ như bệnh trầm cảm chẳng hạn. Phản ứng ái ngại đầu tiên từ xã hội sẽ là: "Trầm cảm cái gì, vẽ điều đú đởn".

Oái oăm hơn nữa, Rola Jadayel, chuyên gia nghiên cứu truyền thông xã hội từ Đại học Balamand ở Lebanon, cho hay: "Ngày càng có nhiều thanh niên tin rằng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực , chán ăn… là cách tuyệt vời để khiến họ trở nên đặc biệt."

Khái niệm "bi kịch tuổi teen" không hề mới. Các trường học đã dạy thiếu niên câu chuyện của Romeo và Juliet (bị kịch tự tử được lãng mạn hóa) từ hàng trăm năm trước. Những năm 90s cũng xuất hiện nhiều phiên bản "đau buồn thời thượng" khác. 

.

Theo Janis Whitlock, giáo sư Đại học Cornell thì: "Nó đã tồn tại từ lâu và thanh niên của thập niên 90 từng chọn ra ai hay buồn nhất, lo lắng nhất, có gia đình bi kịch nhất… Nhưng nó hiện hữu trong những cộng đồng nhỏ chứ không bùng nổ như bây giờ."

.

Quả thực, internet và mạng xã hội đã tạo ra số người "đau buồn" cực lớn với tốc độ chóng mặt. Đương nhiên, cho người khác biết rằng tôi đang đau buồn không phải lúc nào cũng xấu, nhưng tính độc hại của sự ngộ nhận là không thể chối cãi. 

.

Giới trẻ nên biết rằng, bệnh tâm lý không phải là trò đùa và nỗi đau sâu thẳm trong trái tim không phải lúc nào cũng hiện hữu. Bất cứ ai cũng có những bế tắc trong cuộc sống, tuy nhiên, chúng chỉ được giải quyết khi-và-chỉ-khi các bạn trẻ thành thực với bản thân và xã hội. Hay hơn hết, hãy nhường cơ hội được chữa lành, được cứu vớt cho những người thật sự đang gặp vấn đề. Trà trộn, ngụy tạo chỉ khiến cộng đồng khắt khe hơn, ái ngại hơn trong việc chìa tay cứu giúp người bị bệnh.

Cảm xúc buồn bã, tuyệt vọng không phải điều gì quá xấu xa, chúng là món quà của tạo hóa để bạn thêm hiểu và trân trọng cuộc sống này, chứ không phải để chìm đắm rồi cố tình không tìm ra lối thoát. 

Theo JJJ - DESIGN: BI