TÍNH TRUNG THỰC CỦA NGƯỜI MỸ ĐANG TRƯỢT DỐC
Từ “nghề nghiệp” bắt nguồn từ tiếng La tinh : Professus, có nghĩa là “công khai khẳng định”. Lời thề về nghề nghiệp khởi nguồn từ tôn giáo và sau đó lan rộng sang y tế và luật. Lời thề - được nói và viết ra - là một lời nhắc nhở những người hành nghề phải điều chỉnh hành vi của mình. Các lời thề cũng đưa ra một hệ thống các quy tắc phải được chấp hành.
Vào những năm 1960, một phong trào mạnh mẽ đã diễn ra nhằm bãi bỏ các lời thề nghề nghiệp. Người ta đưa ra lý lẽ rằng những lời thề nghề nghiệp mang tính chất quý tộc và cần phải bị phơi bày ra ánh sáng. Đối với nghề luật thì điều này có nghĩa là phải có nhiều bản tóm tắt hồ sơ kiện tụng viết bằng tiếng Anh thẳng thắn và đơn giản; sử dụng máy quay phim trong phòng xử án. Những biện pháp tương tự nhằm chống lại chủ nghĩa quý tộc cũng áp dụng cho ngành y tế, ngân hàng và các nghề nghiệp khác nữa. Nhiều biện pháp trong số này cũng đã mang lại một số lợi ích. Chủ nghĩa chuyên nghiệp hà khắc được thay thế bằng tính linh hoạt, mềm dẻo.
Ví dụ, một nghiên cứu của tòa án bang California vào năm 1990 đã phát hiện ra rằng phần lớn các luật sư ở California đã chán ngấy tình trạng xuống cấp danh dự trong công việc và “rất bi quan” về thực trạng nghề nghiệp của họ. 2/3 trong số họ nói rằng những luật sư ngày nay đã phải bỏ qua “chủ nghĩa chuyên nghiệp” của mình như một kết quả của áp lực về kinh tế. Gần 80% nói rằng tòa án đã “không trừng phạt thích đáng những luật sư vô nguyên tắc”. Một nửa trong số họ nói rằng họ sẽ không trở thành luật sư nếu được quyết định lại.
Một nghiên cứu so sánh của Marylan Judicial Task Force cũng cho thấy sự chán nản tương tự trong số những luật sư ở bang đó. Theo các luật sư của Maryland, nghề nghiệp của họ đã tha hóa tồi tệ đến mức “họ thường cáu kỉnh, nóng tính, hay tranh cãi và chửi thề” hay “sống thu mình, lơ đãng, mất tập trung”. Khi các luật sư ở bang Virginia được hỏi những vấn đề trong nghề nghiệp của họ là do “một vài con sâu” hay do xu thế chung, phần lớn họ đều trả lời rằng đây là một vấn đề phổ biến.
Các luật sư ở bang Florida bị đánh giá là những luật sư tệ nhất. Năm 2003, Tòa án Florida báo cáo rằng một vài luật sư đang “chạy theo đồng tiền, quá mưu mẹo, lừa lọc, lén lút và không đáng tin; họ xem nhẹ chân lý về sự công bằng, sẵn sàng xuyên tạc, dùng mánh khóe và che giấu sự thật nhằm thắng kiện; kiêu căng, hạ mình và sỉ nhục người khác”. Họ còn “tự đắc và đáng ghét”.
Ngành y tế cũng bị chỉ trích. Các bác sỹ thì thực hiện các cuộc phẫu thuật không cần thiết và các thủ tục khác nhằm tăng thu nhập ... Khi nhìn vào bất kỳ nhóm ngành nghề nào, bạn cũng có thể thấy được các dấu hiệu tương tự.
Vậy Hiệp hội các nhà Địa chất học Dầu khí thì sao? Nhìn kỹ bạn sẽ thấy có rất nhiều rắc rối trong đó. Một thành viên của hiệp hội nói với đồng nghiệp :“Có những hành vi trái đạo đức đang diễn ra ở mức độ lớn hơn chúng ta có thể nghĩ”. Đó là những hiện tượng như : sử dụng dữ liệu kỹ thuật số hay địa chấn sai; ăn trộm bản đồ và nguyên vật liệu; thổi phòng về sự hứa hẹn của một mỏ dầu.
Nhưng hãy nhớ là các nhà địa chất học dầu khí không đơn độc. Hiện tượng suy thoái đạo đức nghề nghiệp diễn ra ở khắp nơi.
Vậy chúng ta phải làm gì?
Các khảo sát phát hiện ra rằng con người thực hiện hành vi gian lận khi họ có cơ hội nhưng họ không gian lận nhiều như họ có thể. Hơn nữa, ngay khi họ nghĩ về sự trung thực - bằng cách nhớ lại 10 Lời răn của Chúa hay ký một lời cam kết đơn giản - họ sẽ dừng hành vi gian lận ngay lập tức. Nếu chúng ta được nhắc nhở về đạo đức vào thời điểm chúng ta bị lôi cuốn, thì khi đó chúng ta có nhiều khuynh hướng trung thực hơn.
Liệu những biện pháp chung như vậy có đem lại hiệu quả không? Đọc lời tuyên thệ và cam kết trung thành với quy tắc thôi thì chưa đủ. Từ thí nghiệm khoa học rõ ràng là lời thề và các quy tắc phải được nhớ lại vào trước thời điểm chúng ta bị cám dỗ. Một khi đạo đức nghề nghiệp (tiêu chuẩn xã hội) đã suy thoái thì lấy lại chúng không hề dễ dàng.
Tại sao tính trung thực lại quan trọng đến như vậy?
Đừng bao giờ quên rằng Mỹ nắm một vị trí quyền lực kinh tế quan trọng trong thế giới ngày nay, một phần vì nó là quốc gia trung thực nhất xét về các chuẩn mực quản lý doanh nghiệp.
Năm 2002, theo một nghiên cứu, Mỹ đứng thứ 12 trên thế giới về mức độ liêm chính (Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand xếp đầu tiên; Haiti, Iraq, Myanmar và Somalia xếp cuối cùng, thứ 163). Thực chất, Mỹ đang trượt dốc, chứ không phải đi lên và điều này có thể gây tổn thất lâu dài và to lớn.
Theo DAN ARIELY