Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Thú cưng của bạn có thể tiết lộ tính cách bạn

THÚ CƯNG CỦA BẠN CÓ THỂ TIẾT LỘ TÍNH CÁCH BẠN 


Bạn sẽ tự nhận mình là người “yêu mèo” hay “yêu chó”? Theo một nghiên cứu, câu trả lời của bạn cho câu hỏi này thực sự có thể tiết lộ thông tin quan trọng về tính cách bạn.

Trong một nghiên cứu trên 4,500 người, các nhà nghiên cứu đã hỏi các tham dự viên rằng liệu họ thấy bản thân mình ưa chó hơn hay mèo hơn. Những người này cũng hoàn thành một bảng khảo sát tính cách được đo lường bởi mô hình tinh cách 5 yếu tố. (Tính hướng ngoại, sự dễ chịu, sự tận tâm, tâm lý bất ổn, tính cởi mở)

.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tự nhận mình là người thích chó sẽ có xu hướng hướng ngoại hơn và luôn muốn làm vui lòng người khác, trong khi đó những người tự mô tả mình thích mèo có xu hướng hướng nội và hay tò mò hơn.

.

Theo nhà nghiên cứu Sam Gosling, một nhà tâm lý học tại Đại học Texas-Austin, thì kết quả này có thể là một gợi ý quan trọng trong lĩnh vực trị liệu bằng thú cưng. Bằng cách sàng lọc tính cách, các trị liệu viên có thể kết nối những người đang có nhu cầu với những con thú phù hợp nhất với tính cách của họ.

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

Bốn yếu tố của tình yêu: từ bi hỉ xả

 


BỐN YẾU TỐ CỦA TÌNH YÊU: TỪ BI HỈ XẢ

"Từ" là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.
.
"Bi" là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.
Như vậy, "từ bi" theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. "Từ bi" trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải "tu tập". Cần nhiều thời gian để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.
.
"Hỷ" là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.
.
"Xả" là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/anh, em/anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.
.
Trong truyền thống văn hoá ta, thân với tâm là "nhất như", tức là nếu ta không tôn kính thân thể người yêu thì cũng không tôn kính được tâm hồn người ấy. Yêu nhau là giữ gìn cho nhau, kính trọng nhau. Khi sự rẻ rúng xem thường xảy ra thì tình yêu đích thực không còn.

Món quà tặng nào cho tình yêu?

MÓN QUÀ TẶNG NÀO CHO TÌNH YÊU

 

Chúng ta đang sống trong thời đại cầu toàn lên ngôi và vật chất bùng nổ, vì vậy, quà cáp đôi khi đã vô tình trở thành thước đo cho tình yêu. Nhưng quà cáp liệu có thực sự cần phải hoàn hảo và xa xỉ trong mọi trường hợp? Tặng quà là một biểu hiện cho thấy sự quan tâm của bạn với đối phương, nhưng sự quan tâm đó còn phải thể hiện ở tất cả các ngày còn lại trong cuộc sống chứ không chỉ bộc phát vài lần rồi thôi.

.

Hãy nhớ rằng, không có món quà nào là đủ hoàn hảo trong tình yêu. Xã hội là thực tế, nhưng tình yêu vẫn luôn tồn tại và không thay đổi bản chất. Giá trị của món quà không nằm ở giá trị tiền tệ của nó, mà nằm ở “biểu tượng” khi bạn đã dành sự quan tâm, tận tụy và toàn bộ sự thấu hiểu để đổi lại nụ cười thỏa mãn khi đối phương nhận được. Và thậm chí, người “gặt hái” nhiều nhất từ việc tặng quà chính là người tặng, khi bạn biết rằng bản thân đã thực sự cố gắng và nỗ lực để trở thành nửa kia xứng đáng với người mình yêu.

Ai cũng muốn nhận được cảm giác an toàn trước khi nhận được bất kỳ món quà gì khác, lắng nghe, thấu hiểu và trao trọn chân tình là món quà cho tinh thần tuyệt vời nhất vượt lên trên tất thảy.

.

Có hiểu mới có thương, tình yêu được tạo nên bằng sự hiểu biết. Hạnh phúc không phải là đích đến, đó là cả một hành trình. Trong hành trình ấy, mỗi người cần rất nhiều thời gian để quan sát, lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi niềm của người mình yêu, giúp người ta vượt qua khó khăn, khổ đau và thêm hạnh phúc. Và rồi khi làm được, yêu thương sẽ mãi là niềm vui như những ngày đầu, ngày chúng ta còn chưa biết rõ về nhau nhưng khao khát thấu hiểu và trao trọn chân tình. Cuộc nhân duyên như thế, đã là thành công.

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Y khoa cộng nghiệp

 

Y khoa cộng nghiệp

Ngày nay, chúng ta đang ở ngưỡng cửa giai đoạn thứ ba của Y khoa. Chúng ta đã tìm thấy rằng có những yếu tố chữa trị ngoài cả thân lẫn tâm! Bệnh tật của chúng ta có thể tới từ một nguyên do không phải từ tâm hay từ thân của chúng ta.

Ảnh hưởng đó có thể đến từ một đối tượng rất xa ta, trong không gian cũng như trong thời gian. Tới từ trong không gian, ví dụ người thương của chúng ta ở quê nhà không có hạnh phúc, thì ở đây chúng ta bệnh!

Tới từ trong thời gian. Ví dụ hôm nay chúng ta bệnh, thì có thể là 20 đời về trước, tổ tiên của chúng ta đã làm một điều không lành! Hoàn cảnh thời gian và không gian có ảnh hưởng tới ta như vậy đó, rất lạ lùng, rất dễ sợ!

Giai đoạn y khoa thứ ba này, tạm đặt tên là Y khoa Cộng biểu, Collective manifestation, hay Cộng nghiệp, Collective Karma, hoặc là Cộng thức, tức là Tâm thức cộng đồng, Collective conciousness.

Vì tâm thức cộng đồng bệnh cho nên chúng ta bệnh theo. Mà tâm thức cộng đồng của xã hội ngày hôm nay đang bệnh lắm! Những nguyên do của bệnh hoạn nằm ở trong tâm, trong thân, và chúng còn nằm ở trong một môi trường lớn lao hơn, đó là môi trường của Tâm thức Cộng đồng.

Ví dụ ở ngoài đời có nhiều người nghĩ rằng khi mình không có khả năng đậu được một bằng cấp gọi là Tiến sĩ, hay tốt nghiệp một chương trình gọi là kỹ sư; hoặc khi mình không có một công ăn việc làm đàng hoàng; hay khi mình không có một chiếc xe hơi, thì mình không phải là một con người bình thường có giá! Mình được mô tả như là một con người không có khả năng. Cái giá trị của con người được đánh giá ở chỗ mình có một cái bằng cấp, mình có một công ăn việc làm, và mình có một chiếc xe hơi! Những suy nghĩ đó tạo thành một tâm thức cộng đồng. Khi mình không có những thứ đó thì chính mình cũng đánh giá mình rất thấp, mình cho mình không phải là người bình thường.

Nếu mình cứ để cho cái tâm và cái thân của mình bị ảnh hưởng bởi cái tư duy của cộng đồng kia, bởi những niềm tin kia, bởi cái quan niệm kia thì mình sẽ trách mình, mình nói mình là người bất lực, không có khả năng! Sự sầu khổ, sự thất vọng đó sẽ làm cho mình bị bệnh.

Trong khi đó thì  những người biết rằng hạnh phúc của họ không tùy thuộc vào bằng cấp ấy, vào công ăn việc làm ấy, vào chiếc xe hơi ấy, như vậy thì họ có sức khỏe, họ rất thảnh thơi.

Vì vậy cho nên trong giai đoạn Y khoa Cộng nghiệp này, bác sĩ phải biết cầu nguyện cho bệnh nhân. Tại vì cái năng lượng của bác sĩ, cái chánh niệm của bác sĩ và cái tình thương của bác sĩ, có liên hệ trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân. Bác sĩ không còn có thể làm việc với tư cách của một cái máy nữa.

Ví dụ như: "Cởi áo ra; thở vào đi; thở ra đi; há miệng ra và lè lưỡi ra cho tôi xem, nói "à" đi". Khám xong thì "Đây là toa thuốc, mua và về uống đi v.v..."

Trong giai đoạn thời nay, bác sĩ phải làm khác đi. Bác sĩ phải biết nói: Tôi sẽ cầu nguyện cho anh, tôi sẽ cầu nguyện cho chị, chúng ta ngồi đây, chúng ta thở đi, chúng ta dừng cái tâm của chúng ta lại cho nó an tịnh. Thế nào sức khỏe của anh, của chị cũng sẽ tăng tiến, bệnh tật của anh, của chị cũng sẽ thuyên giảm.

Bác sĩ Larry Dossey: Khi chữa bệnh, bác sĩ không chỉ chữa trị bằng cái kiến thức về y khoa của mình, mà còn phải chữa bằng trái tim của mình, bằng sự cầu nguyện của mình nữa.

Cái mà bác sĩ Larry Dossey gọi là vệ tinh viễn thông hay Thượng đế, là cái Nhất tâm. Trong cái Nhất tâm đó, có những khối năng lượng rất lớn.

Như vậy trong lịch sử Y học, giai đoạn đầu của y khoa là Y khoa Cơ giới. Giai đoạn thứ hai là Y khoa Thân tâm Nhất như, và giai đoạn hiện tại mà y khoa đang vươn tới là Y khoa Nhất tâm.

Y khoa ngày nay phải đi tìm nguồn gốc của bệnh tật ở trong cái tâm thức cộng đồng. Bác sĩ học sáu năm ở trường Y khoa không đủ, tại vì tại trường Đại học Y khoa người ta không dạy phép chẩn bệnh bằng cách đi thám hiểm trong vùng tàng thức. Tuy rằng các bác sĩ tâm lý có được dạy về phương pháp chẩn bệnh trong vùng vô thức, nhưng vùng vô thức chỉ là một phần nhỏ của A-lại-gia thức mà thôi.

Sống trong một môi trường bệnh hoạn, bị ảnh hưởng cách suy tư, nói năng, và hành động tiêu cực của môi trường ấy, sớm muộn gì ta cũng ngã bệnh. Muốn hết bệnh, ta phải cương quyết ly khai môi trường ấy, tìm tới một môi trường lành mạnh, thực tập sống một cuộc sống lành mạnh, đi trên đường hướng thiện thì ta mới được bảo hộ, và mới có cơ hội trị liệu.

Những viên thuốc, những chai thuốc mua ở nhà thuốc không đủ sức trị liệu chứng bệnh của chúng ta. Những phương pháp luyện tập mà bác sĩ dạy cho chúng ta, cũng vẫn còn không đủ trong việc trị liệu.

Bác sĩ phải tìm tới tâm thức cộng đồng và giúp ta đi vào một tâm thức cộng đồng lành mạnh thì sự chữa trị mới thêm phần hiệu lực.

Bác sĩ Larry Dossey phải chữa bằng trái tim của mình