Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Liều thuốc chữa lành vết thương lòng

LIỀU THUỐC CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG LÒNG


Câu chuyện này xảy ra vào thời điểm chiến tranh diễn ra khốc liệt. Đứa con trai duy nhất của người mẹ vừa tử trận. Hung tin này cần nhanh chóng được báo cho người mẹ biết và nhiệm vụ này được giao cho người trưởng thôn.

Ông trưởng thôn quy tụ thêm một số người bà con để cùng đến nhà người mẹ bất hạnh. Lúc ấy, người mẹ bất hạnh đang loay hoay chùi sàn bếp. Ông cố tìm cách để báo cho bà tin dữ.

Ông nói khẽ:

- Tôi có một tin rất buồn báo cho chị biết. Cháu chị đã tử trận tại chiến tranh biên giới phía Bắ

Người mẹ dừng tay trong chốc lát nhưng ngay sau đó, bà lại tiếp tục công việc mà mình đang làm. Cuối cùng, khi đã xong việc bà đứng dậy nói:

- Nào, mời tất cả các bác ngồi xuống đây. Tôi sẽ làm cho các bác mỗi người một tách trà nhé.

Tất cả đều từ chối vì không muốn làm phiền người mẹ bất hạnh này. Nhưng bà vẫn khăng khăng:

- Các bác vui lòng ở lại với tôi đi mà. Tôi muốn mời mỗi người một tách trà.

Bà vừa nói vừa đi đun nước, sau đó mang ra một ít bánh, pha trà và ngồi xuống nói chuyện với những người mang hung tin đến.

Một thời gian dài sau tang lễ của người con trai, một người hàng xóm đã hỏi người mẹ:

- Tôi thật sự khâm phục cách tiếp nhận tin dữ của chị. Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được làm sao chị có thể làm được điều đó.

Người mẹ kiên cường trả lời:

- À, tôi làm được như vậy vì có lần bà ngoại tôi đã dạy rằng: "Bất cứ khi nào con nhận được tin chẳng lành, đừng ngừng công việc mà mình đang làm. Hãy cố gắng hoàn thành nó ngay tại thời điểm đó".

Lời bàn: 

Liều thuốc tốt nhất giúp con người loại bỏ sự phiền não chính là công việc

 

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Món quà đặc biệt tăng vợ yêu quí

 

MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT TĂNG VỢ YÊU QUÍ

Vợ chồng Tổng thống Jimmy Carter nhiều lần hục hặc với nhau chỉ vì chuyện giờ giấc. Xuất thân là một quân nhân, việc đúng giờ đã trở thành bản tính của Carter. Trong khi đó, dù cũng rất coi trọng chuyện đúng giờ nhưng Rosalyn, vợ ông, không chính xác đến từng giây từng phút như chồng. Chính vì vậy, trong suốt 38 năm, chuyện trễ hẹn trở thành nguyên nhân chính trong những lần bất hòa giữa hai người.

Ngày 18 tháng 8 năm 1984, Carter thức dậy sớm để viết nốt bài diễn văn của mình. Như thường lệ, ông bật đài lên nghe tin tức và nhờ đó mà ông nhớ ra hôm ấy chính là sinh nhật của vợ. Thế nhưng ngay lúc ấy, ông chưa có quà cho vợ và cũng không còn thời gian để mua quà nữa. Bất chợt, ông nghĩ ra một món quà đặc biệt để tặng vợ.

Ông lấy ra một tờ giấy và viết vào: “Mừng sinh nhật em, Rosalyn! Để minh chứng tình yêu của anh đối với em, anh sẽ không bao giờ càm ràm em về bất kỳ sự trễ nãi nào nữa”.
Ông ký tên, bỏ bức thư vào phong bao và đặt lên đó một nụ hôn.

Cho đến hôm nay, ông vẫn giữ lời hứa của mình và đó là một trong những món quà sinh nhật tuyệt vời nhất mà Rosalyn, vợ ông, đã nhận được trong đời.

---

Ảnh: Vợ chồng Tổng thống Jimmy Carter (Jimmy Carter Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (1977 - 1981), đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2002.

Ai nắm giữ niềm vui của bạn?

AI NẮM GIỮ NIỀM VUI CỦA BẠN?

Phóng viên Sydney Harries và một người bạn dừng chân mua tạp chí ở một quầy bán báo, người bạn mua xong rất lịch sự nói lời "Cám ơn" nhưng người chủ quầy báo thì ngược lại, mặt lạnh như tiền, một tiếng cũng không thèm mở miệng.

Hai người rời quầy báo tiếp tục đi về phía trước, Sydney Harries hỏi:

- Ông chủ đó thái độ kỳ quái quá phải không?

- Cứ mỗi buổi tối là anh ta đều như vậy cả - Người bạn đáp lại

- Như vậy, tại sao bạn lại đối xử tử tế với ông ta chứ? - Sydney Harries lại hỏi tiếp.

- Tại sao tôi để ông ta quyết định hành vi của tôi chứ?, người bạn trả lời.

Những chuyện khác tương tự:

- Một người phụ nữ thường than phiền trách móc: "Tôi sống rất buồn khổ, vì chồng tôi thường vắng nhà!", cô ta đã đem chìa khóa niềm vui của mình đặt vào tay chồng.

- Một người mẹ khác thì nói: "Con tôi không biết nghe lời, làm cho tôi thường xuyên nổi giận!", bà đã trao chìa khóa niềm vui của mình vào tay con.

- Một vị trung niên của một công ty thở dài nói: "Công ty không thăng chức cho tôi, làm tinh thần tôi giảm sút...!", anh ta lại đem chìa khóa niềm vui của cuộc đời mình nhét vào tay ông chủ.

- Bà cụ kia than thở: "Con dâu tôi không hiếu thuận, cuộc đời tôi sao mà khổ!", bà cụ đã đem chìa khóa niềm vui trao vào tay cô con dâu.

- Một thanh niên trẻ từ tiệm sách bước ra la lên: "Thái độ phục vụ của ông chủ đó thật đáng ghét...", thanh niên đó đang là khách thì mua xong cứ rời khỏi, việc gì phải chửi rủa như vậy.

Một người biết nắm chắc chìa khóa niềm vui của mình, thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Trong tâm của mỗi người đều có "Chiếc chìa khóa của niềm vui", nhưng chúng ta lại không biết nắm giữ mà đem giao cho người khác cầm giữ.

ST

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Nuôi dạy con theo thứ tự sinh

 

NUÔI DẠY CON THEO THỨ TỰ SINH

Cùng sống trong một nhà và tiếp thu cùng một nền giáo dục, nhưng suy nghĩ và hành vi của con cả, con thứ hay con út thường khác biệt khá rõ rệt. Thứ tự sinh có thể tạo nên những đặc trưng trong tính cách trẻ - đó là lý thuyết mà nhà tâm lý học Alfred Adler đã công bố. Chính vì vậy, bố mẹ cũng nên tham khảo để nắm rõ những đặc điểm này, và áp dụng những cách ứng xử, dạy dỗ phù hợp cho các con

Sinh con đầu lòng, cha mẹ thường chưa có nhiều kinh nghiệm nên cách nuôi dạy con có thể còn mông lung, thiếu nhất quán. Tâm lý cha mẹ với con đầu cũng thường hay lo lắng, bất an hơn, nên lại tìm cách giám hộ thật nghiêm cẩn, thậm chí còn trở nên áp đặt.  

Với các con sinh sau, phụ huynh đã có kinh nghiệm rồi nên thoải mái, xuề xòa hơn. Thời gian và tâm huyết cũng bị chia cho nhiều con hơn nên cha mẹ cũng không còn soi xét hay lo lắng về những tiểu tiết nữa.

Chính từ cách nuôi dạy khác nhau, cha mẹ đã vô tình góp phần tạo nên những đặc trưng tính cách của các con theo thứ tự sinh. Cụ thể như sau:

Con cả - trách nhiệm và cầu toàn

Bé lớn nhất trong nhà sẽ có năng lực định hướng, tinh thần trách nhiệm và tố chất lãnh đạo cao hơn hẳn các em. Bé phải chịu trách nhiệm với các em, biết chăm sóc em giúp cha mẹ, nên rất chủ động và giỏi ứng biến.

Bé thường trở thành con ngoan trò giỏi do luôn chăm chỉ và nỗ lực làm vui lòng cha mẹ thầy cô. Nhận sự nghiêm khắc và kỳ vọng của người lớn, cùng áp lực trở thành tấm gương sáng cho các em, nên con cả thường rất cầu toàn.

Theo nghiên cứu, đây cũng là đối tượng dễ bị căng thẳng, lo lắng, trầm cảm... Ngoài ra trẻ cũng dễ có cảm giác ghen tị và bất an khi cha mẹ ưu ái quan tâm các con bé hơn.

Con thứ - hòa đồng và công minh

Không có nhiều trách nhiệm và áp lực như con cả, cũng chẳng cần nhiều sự quan tâm chăm sóc như con út, nên con thứ là những đứa trẻ dễ thích nghi, biết điều chỉnh và hòa đồng. Bé có thể có kỹ năng giao tiếp tốt và biết kết nối mọi người. Điều này lại làm cho bé thích ở bên bạn bè hơn là cha mẹ, vì sự chú ý của cha mẹ thường đặt vào con cả hoặc con út nhiều hơn. Bé có tinh thần làm việc nhóm tốt, thân thiện và biết quan tâm giúp đỡ mọi người.

Tuy vậy, con thứ lại dễ bị mất tự tin, ít tự trọng hơn so với anh chị. Và đôi khi con có cảm giác mình như "kẻ ngoài cuộc" hay "người thừa".

Lý thuyết về thứ tự sinh khó áp dụng với con giữa, vì số lượng con giữa là rất đông, nên khó xác định đặc điểm tính cách.

Con út - sáng tạo nhưng phụ thuộc

Trong gia đình nhiều con, thì con út là đứa trẻ được tự do bay bổng nhất, và nhận được nhiều sự chăm sóc nhất của bố mẹ và các anh chị. Do vậy bé cũng liều lĩnh và sáng tạo hơn, thường có năng khiếu về thể thao hay nghệ thuật.

Động lực chính của bé là "Cần làm tốt hơn để vượt qua cái bóng của các anh chị mình".

Nhược điểm của con út lại thường là có khuynh hướng vô trách nhiệm và phụ thuộc vào gia đình. Đặc điểm này có thể khiến bé thiếu kiên trì và dễ bỏ cuộc, đến tuổi đi làm thì hay "nhảy việc" hơn.

Con một - "trung tâm vũ trụ"

Tự tin là đặc tính rõ rệt nhất của con một. Đa phần trẻ thoải mái khi ở một mình, vì vốn không có ai để trò chuyện và chơi chung từ ấu thơ. Và cũng cõ nghĩa là chẳng có ai để cạnh tranh hay noi theo.

Được dồn hết tình yêu và sự chăm sóc của cả nhà, thậm chí là bị bảo bọc quá mức, nên ta thường thấy con một ích kỷ, phụ thuộc và tự cho mình là trung tâm vũ trụ. Thiếu kỹ năng đối thoại, chia sẻ, nên trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong làm việc nhóm hơn so với các bé có anh chị em.

Con cả trách nhiệm, con thứ hòa đồng, con út sáng tạo, con một ích kỷ - Thứ tự sinh thật sự có ảnh hưởng khá rõ rệt đến tính cách trẻ đấy bố mẹ ạ!