Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Đừng dấn thân vào phe nào cả

Nữ hoàng Elizabeth I

ĐỪNG DẤN THÂN VỚI PHE NÀO CẢ

Chỉ có người dại dột mới nhanh nhảu kết bè tạo phái. Đừng dấn thân với bất kỳ phe nào hoặc “đại nghĩa” nào, ngoại trừ phe của chính bạn. Giữ vững được độc lập ta sẽ đứng trên các phe khác – làm cho họ đối đầu với nhau và tìm cách tranh thủ ta.

***

Khi Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi trị vì nước Anh vào năm 1558, mọi người cứ rùm beng về việc tìm cho nữ hoàng một tấm chồng. Vấn đề được Nghị viện luận bàn chính thức, và mọi tầng lớp dân chúng ở Anh cũng tranh cãi về việc này. Tuy chưa thống nhất được xem ai xứng đáng làm chồng nữ hoàng, song mọi người đều nhất trí là nữ hoàng phải có chồng càng sớm càng tốt, bởi vì hậu tất phải có vua và tất phải có con nối dõi. Bàn bạc tranh cãi như thế suốt nhiều năm. Nhiều vị độc thân đẹp trai và xứng đáng nhất đều mong mỏi lọt vào mắt xanh nữ hoàng – Sir Robert Dudley, Bá tước xứ Essex, Sir Walter Raleigh. Nữ hoàng không ngăn cản họ đến, nhưng hình như cũng không lấy gì làm khẩn trương, tha hồ để mọi người đoán già đoán non xem ai là người trong mộng.


Năm 1566, Nghị viện cử phái đoàn đến giục nữ hoàng sớm lập gia đình trước khi quá tuổi sinh nở. Nữ hoàng không cãi, không bác bỏ ý kiến phái đoàn, nhưng nàng vẫn giữ nguyên tình trạng trinh nữ.

Cái trò tinh tế của Elizabeth đối với những người theo đuổi dần dần khiến mọi người tưởng tượng đủ thứ khoái lạc tính dục, hoặc biến nữ hoàng trở thành đối tượng để tôn thờ. Quan ngự y Simon Forman ghi nhật ký rằng ông mơ thấy mình phá trinh nàng. Họa sĩ vẽ nàng là nữ thần Diana đang vui vầy với những thiên nữ khác. Thi sĩ Edmund Spenser và nhiều thi sĩ khác làm thơ ca ngợi Virgin Queen, gọi nàng là “nữ hoàng của thế giới”, “Trinh nữ thánh thiện” trị vì thế giới và làm các vì sao chuyển động. Khi hầu chuyện với Elizabeth, các phe đeo đuổi nói bóng gió về chuyện gối chăn nhưng nữ hoàng vẫn không làm mặt giận. Trái lại nàng cứ để cho cơn khao khát của họ nóng bỏng thêm, nhưng đồng thời vẫn giữ khoảng cách vừa đủ.


Khắp châu Âu, các hoàng gia đều biết cuộc hôn nhân với Elizabeth sẽ bảo đảm cho sự giao hảo, liên minh giữa nước đó với nước Anh. Vua Tây Ban Nha ve vãn nàng, trong khi ông hoàng Thụy Điển và Thượng công nước Áo cũng vậy.


Vấn đề ngoại giao hàng đầu đối với Elizabeth chính là sự nổi dậy ở các khu vực Lowlands vùng Flander và Dutch, lúc ấy thuộc sở hữu Tây Ban Nha. Liệu nước Anh có nên đoạn giao với Tây Ban Nha để chọn Pháp làm đồng minh chính ở châu lục, và như thế lại khuyến khích dân chúng hai vùng Flander và Dutch nổi dậy đòi độc lập? Đến năm 1570 tình hình có vẻ như chọn liên minh với Pháp là khôn ngoan nhất. Lúc ấy Pháp có hai ứng viên thuộc dòng quý tộc, hai công tước xứ Anjou và xứ Alencon, bào đệ của vua Pháp. Vậy ai sẽ được người đẹp chọn? Người nào cũng có điểm mạnh, do đó Elizabeth đều để cả hai nuôi hy vọng. Vấn đề âm ỉ suốt nhiều năm. Công tước Anjou nhiều lần viếng thăm nước Anh, công khai hôn Elizabeth, thậm chí gọi nàng bằng tên thân mật, và nàng có vẻ chấp nhận tình cảm ấy.


Trong lúc nữ hoàng vờn cả hai anh em công tước, Pháp và Anh ký một hiệp ước hòa bình. Đến năm 1582 Elizabeth cảm thấy có thể chấm dứt sự tán tỉnh. Đặc biệt đối với công tước Anjou thì quả là nhẹ gánh cho nàng: Cũng vì ngoại giao mà nàng cắn răng cam chịu sự ve vãn của người mà chỉ nhìn thôi cũng muốn dội ngược. Một khi hòa ước được ký xong rồi, Elizabeth chọn cách lễ độ nhất để nói không với công tước.


Lúc ấy nữ hoàng đã quá tuổi sinh sản, có thế sống hết phần còn lại của cuộc đời như ý muốn, và thanh thản nhắm mắt với tư cách là Virgin Queen. Mặc dù không con nối dõi, nhưng nữ hoàng đã trị vì suốt một thời kỳ yên bình và phong phú về văn hóa.

Nguyên tắc 20 - (48 Quy Tắc Quyền Lực Robert Greene)

Thao túng nhu cầu về niềm tin

 

THAO TÚNG NHU CẦU VỀ NIỀM TIN


Con người có nhu cầu khẩn thiết phải tin vào điều gì đó. Bạn hãy trở thành tâm điểm của nhu cầu ấy bằng cách giương cao một đại nghĩa, một niềm tin mới để họ tuân theo. Hãy nói với họ bằng những lời mơ hồ nhưng đầy hứa hẹn, nhấn mạnh sự nhiệt tâm thay vì lý trí và tư duy rành mạch. Hãy tạo cho môn đệ của bạn những nghi thức mới để họ thực hành, yêu cầu họ phải hy sinh vì bạn. Tận dụng sự thiếu vắng một tôn giáo có tổ chức và một đại nghĩa, hệ thống niềm tin mới do bạn đề ra sẽ mang đến cho bạn quyền lực vô song.

****

Những tay lang băm ở các thế kỷ XVI và XVII đều là bậc thầy về việc tạo ra sùng bái, giáo phái. Lúc ấy họ đang sống trong thời kỳ chuyển tiếp: khoa học đang thắng thế, còn tôn giáo buồn như vầng trăng khuyết. Dân chúng có nhu cầu tập hợp dưới lá cờ một đại nghĩa hoặc niềm tin mới. Bọn lang băm bắt đầu bằng việc bán rao những lọ thần dược trị bá bệnh. Đi từ thị trấn này sang làng mạc khác, thoạt tiên họ chỉ để ý từng nhóm nhỏ, mãi cho đến khi tình cờ họ phát hiện ra sự thật về bản chất con người: Quy tụ được càng đông quần chúng thì càng dễ bịp.


Tay lang băm sẽ đứng trên một bục gỗ cao, rồi dân chúng bu quanh. Trong đám đông, mọi người sẽ có khuynh hướng tuân theo cảm xúc chứ không lắng nghe lý trí. Nếu tay lang băm nói chuyện riêng với từng người thì họ sẽ thấy hắn buồn cười, nhưng giữa đám đông, họ bị mắc trong cái bẫy tâm trạng tập thể là say mê chăm chú. Họ sẽ không có đủ cự ly cần thiết để ngờ vực. Mọi khiếm khuyết trong ý tưởng của tay lang băm đều bị nhiệt tình của đám đông che phủ. Niềm say mê và hăng hái quét qua đám đông như một trận dịch và đám đông sẽ phản ứng hung bạo với người nào dám gieo hạt giống nghi ngờ. Chủ động nghiên cứu động lực ấy suốt hàng chục năm kinh nghiệm và đồng thời áp dụng linh hoạt theo tình huống, giới lang băm đã hoàn chỉnh khoa thu hút và giữ chân đám đông, biến đám đông thành môn đồ và môn đồ thành giáo phái.


Với chúng ta, những cái mánh của giới lang băm xưa kia có vẻ cổ lỗ sĩ, nhưng giữa chúng ta ngày nay vẫn đầy dẫy đủ hạng lang băm, họ vẫn dùng những cái mánh mà tổ tiên họ từng hoàn chỉnh cách nay nhiều thế kỷ, chỉ khác là đổi tên thần dược và hiện đại hóa dáng vẻ của giáo phái họ chế ra. Những lang băm như thế có mặt đều khắp các lĩnh vực – kinh doanh, thời trang, chính trị, nghệ thuật.

Nguyên tắc 27 - (48 Quy Tắc Quyền Lực Robert Greene)

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Chùa nào có Phật ?

Chỉnh trang, phát quang cây cỏ tháp Tổ sư khai sáng dòng thiền Liễu Quán

Chùa nhỏ, chùa to, chùa ‘siêu to’... chùa nào có Phật ?

Có lẽ không nhiều người chú ý rằng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của đức Thích Ca đều gắn với cây với rừng: sinh ra dưới gốc cây Vô ưu, 6 năm tu khổ hạnh trong rừng già, chứng đạo dưới gốc cây Bồ đề, truyền giáo sinh hoạt tăng đoàn trong Vườn Cấp Cô Độc, nhập Niết Bàn trong rừng cây Sala... 

Sau nhiều năm kiên trì tu khổ hạnh ngày ăn vài hạt đậu, mè... sức khỏe suy kiệt nhưng vẫn không đạt được "Tuệ Giác", ngài chuyển qua pháp tu "Trung đạo". Đi khất thực chỉ đủ cơm ăn ngày 1 bữa, ngủ dưới gốc cây ngày 1 giấc (nhật trung nhất thực thọ hạ nhất túc), mặc "y bá nạp", áo được may từ trăm mảnh vải thừa ráp lại...  

Khi nhu cầu căn bản về dưỡng chất cho cơ thể được đảm bảo thì đạt được trạng thái tinh thần thơ thới, ngài liền đau đáu: chén cơm mình có ăn là mồ hôi công sức của cần lao bá tánh. Vì thế, Ngài đưa ra "Ba tiêu đề" và "Năm điều tưởng nhớ" để nhà chùa khi bưng bát cơm lên mà biết tự dặn lòng mình ăn sao cho xứng đáng... 

Thử liên hệ lịch sử Phật với thông điệp "Phát triển bền vững" của Liên hợp quốc, sau khi nghiên cứu về cuộc đời của ngài. Ăn một ngày một bữa là không mê đắm tiêu thụ vật chất, mặc y bá nạp là sử dụng năng lượng tái sinh, tiết kiệm tài nguyên, sống gần gũi thân thiện cỏ cây là bảo vệ rừng giảm thiểu khí thải Co2, phòng chống tình trạng trái đất nóng lên, đi khất thực là cập nhật với cuộc sống những khổ đau của chúng sinh mà tìm ra giải pháp thiết thực....  

Đệ tử của Ngài - các bậc chân tu qua nhiều thế hệ đều tu học theo lối ấy.  

Vùng Nam Giao ở Huế ngày xưa là núi rừng hoang vu đã được các tu sĩ chọn làm địa điểm lập am thất, nhiều đến nỗi sau này hình thành nên "xứ chùa". Trên nhiều tháp bia hàng trăm năm tuổi, để ghi nhận các vị có công lập chùa đã không ghi chữ "lập tự" hay "kiến tự" (dựng chùa) mà khắc chữ "khai sơn" (mở núi) là vì vậy. 

Trải qua bao thăng trầm dâu bể, ngày nay đô thị hoá vẫn chưa lan tới một số chùa ở đây, cho thấy nơi đây ngày xưa là vùng hẻo lánh, non thiêng nước độc. Phải chăng nơi núi rừng thanh tịnh dễ tu, cho nên ngày xưa vùng Nam Giao xứ Huế là vùng "địa linh" đã ra đời dòng Thiền Liễu Quán, nổi tiếng có nhiều vị chân tu, đắc thiền!? 

Đức Pháp chủ Phật Giáo Việt Nam hiện tại, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, năm nay bước vào tuổi 104 nhưng sức khỏe ổn định tinh thần minh mẫn. Ngài ở trong ngôi chùa giữa đồng không mông quạnh, tự nhận mình là một "lão nông sư". Ngoài việc tu tập giảng kinh trước đây ngài từng canh tác, làm ruộng để sinh sống. Ngài nói:“Sự học đâu cần chùa to cảnh lớn; Giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng cũng chỉ là phương tiện... 

Như vậy nhìn từ đức Phật đến các vị chân tu thời cận - hiện đại, một đặc điểm chung nổi bật là hạnh khiêm cung, lối sống tối giản về vật chất và không gian tu hành thanh tịnh... Không ai chơi đồ gỗ, khoe đá quý, đi xe tiền tỉ, không treo ảnh chụp chung với quan chức, không chưng bằng chứng nhận "kỷ lục"... Chùa thì nghèo nhưng các ngài thì giàu: giàu về tâm linh, thâm hậu về oai nghi, giới hạnh... làm lan tỏa một nguồn năng lượng bình an cho những người đi chùa, rộng ra cho cả vùng...

Trong văn hóa làng xã nước ta mái chùa, ngôi đình là những hình ảnh gần gũi thân thương, là nơi cất giữ hồn cốt của một ngôi làng, một địa phương. Có người ra nước ngoài sinh sống nhớ quay quắt chùa quê đã thốt lên: mái chùa che chở hồn dân tộc / nếp sống muôn đời của tổ tông... 

 

Đầu năm đi lễ, nhiều người bất ngờ với trạm bán vé giữa lưng chừng non thiêng Yên Tử. Ảnh: Tình Lê

Những giá trị văn hóa ấy ngày nay đang thay đổi nhanh chóng, đang bị đảo lộn gây sự hụt hẫng. Các nhà quản lý có bao giờ đặt câu hỏi chúng ta đang làm gì với văn hoá truyền thống, với đức tin tâm linh của người dân? Hay tất cả đều quy về một mẫu số chung là... tiền!? Tiền thu từ chùa chiền thì nhiều nhưng rơi vào tay ai?

Một số ngôi chùa là di sản của ông cha để lại nay người ta lập “BOT” thu tiền người dân đến viếng! Cúng sao giải hạn là mê tín là truyền bá đức tin ba sàm, năm nào cũng bị nhân sĩ trí thức và dư luận phê phán. Vậy nhưng một số chùa thì mũ ni che tai cứ việc ta ta làm, lại còn chốt giá theo đầu người không cho "cúng" thiếu... khác nào chốn mua bán! 

Nghịch lý là chùa "thập diện mai phục" đất nước, chùa trăm hoa đua nở, sư tăng hiện diện trong những nơi đô hội sầm uất... nhưng đạo đức xã hội lại trong tình trạng cảnh báo nguy cấp, giả dối và bạo lực lên ngôi. 

Hoành tráng, hào nhoáng, vĩ đại, "kỷ lục", vô đối... không phải là những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, càng không phải giá trị của chùa chiền. Tôi tin tưởng đức Phật sẽ không ở trong những ngôi chùa như vậy.

Theo Trúc Nguyễn (Vietnamnet)