Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Nghịch lý của sự lựa chọn

 

Nghịch lý của sự lựa chọn

Người ta thường cho rằng nhiều hơn lúc nào cũng tốt hơn, điển hình như tự do lựa chọn. Iphone đỏ, vàng, xám tốt hơn là chỉ có Iphone đen. Có vài bạn trai dự phòng còn hơn là ký gửi cả trái tim mình cho người đàn ông duy nhất. Có nhiều quần áo, nhiều giày, nhiều sách, nhiều đồ hàng…sẽ luôn tốt hơn là chỉ được chọn một hoặc một vài.

Nhưng điều này có phải lúc nào cũng đúng? Nhà tâm lý học Barry Schwartz đã viết nguyên một cuốn sách đầy ảnh hưởng mang tên, Nghịch lý của sự lựa chọn, với một quan điểm hoàn toàn đối lập rằng: Nhiều lựa chọn không những không tốt hơn, mà nó còn làm đời bạn bất hạnh, hối tiếc, thất vọng, chán nản…nói chung là đau khổ hơn.

Trọng tâm của Nghịch lý của sự lựa chọn bàn đến câu hỏi trên, sử dụng hàng trăm các nghiên cứu từ các ngành tâm lý học, kinh tế học hành vi, xã hội học, và lý thuyết ra quyết định để chứng minh rằng ngược lại mới đúng: quá nhiều lựa chọn đang làm chúng ta ngột thở và làm giảm hạnh phúc của mỗi cá nhân. Nó tạo ra cảm giác hối tiếc, băn khoăn khôn nguôi, nó tạo ra sự tê liệt phân tích (Chiếc váy nào cũng đẹp, làm sao để chọn được một cái đây), nó tạo ra cảm giác so sánh xã hội, kẻ thù số một của hạnh phúc (Nhưng nhà hàng xóm có chiếc xe đẹp hơn chiếc mình mới mua)…

Tác giả tâm sự: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khả năng của con người đang ở đỉnh điểm, bị choáng ngợp bởi sự dư thừa vật chất. Xét về khía cạnh xã hội, những gì chúng ta đã đạt được chắc hẳn là những thứ mà tổ tiên chúng ta từng mơ ước, nhưng chúng ta cũng phải trả giá đắt cho những thành tựu đó. Chúng ta có được những thứ mà chúng ta muốn, rồi sau đó khám phá ra rằng những gì chúng ta muốn đó không đủ để thỏa mãn chúng ta như chúng ta mong đợi.

Bao quanh chúng ta là những thiết bị hiện đại, tiết kiệm thời gian, nhưng dường như chúng ta vẫn không có đủ thời gian. Chúng ta được tự do làm tác giả của kịch bản cuộc đời mình, nhưng chúng ta lại không biết chính xác mình muốn “viết” nên loại cuộc đời nào."

Lựa chọn không chỉ giới hạn trong những quyết định tiêu dùng thông thường, mà ngày nay bạn còn có thể lựa chọn mình là ai, công việc của mình là gì, mục đích sống của mình là gì...

Chỉ mới đây thôi, con người mới bắt đầu có tự do để chọn những thứ lớn lao đó. Cách đây vài trăm năm, nếu ông bạn làm nông dân, bố bạn làm nông dân thì chẳng có lý do bạn phải băn khoăn tương lai của mình lại không bám với cánh đồng làm gì cả. Bạn là ai, bạn nên làm gì, bạn nên sống thế nào không phải do bạn quyết định, mà do tổ tiên của bạn, sắc tộc của bạn, hoàn cảnh xã hội của bạn, các cuốn Kinh Thánh, Kinh Phật, Luận Ngữ quyết định. Bạn không có nhiều tự do lựa chọn, nhưng bù lại bạn không phải gánh trên vai sức nặng của những câu hỏi "nguy hiểm" đó. 

Tuy nhiên đến thời hiện đại, Chúa, nhà vua, giá trị truyền thống lần lượt xuống mồ để chứng kiến sự lên ngôn của chủ nghĩa cá nhân, nơi mỗi con người được đưa lên làm trọng tâm của vũ trụ. Người dân xưa nay vẫn sống phụ thuộc vào quyết định của "bề trên", nay lại được tự do quyết định...muốn làm gì với cuộc đời mình thì làm. Nhưng nhiều tự do có đồng nghĩa với nhiều hạnh phúc, hay bạn sẽ trở nên bơ vơ giữa cuộc đời này, không có ai chỉ cho mình nên làm gì, phải làm gì, đâu là đúng sai hay bạn sẽ đi tìm những ông chủ mới để tìm lại cảm giác thân thuộc xưa kia? 

Đại văn hào Dostoyevsky viết trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov, ông đã tiên đoán trước được những gánh nặng của tự do và hậu quả của nó lên thế kỉ 20 khi chúng ta sát hại Chúa, mất niềm tin vào tôn giáo và lý trí lên ngôi.  “Tự do, trí tuệ tự do và khoa học sẽ đẩy họ [đại chúng] vào những mê lộ và đặt họ trước những phép lạ và những bí nhiệm không thể giải đáp được, khiến cho một số trong bọn họ, những kẻ bất khuất và hung dữ, sẽ tiêu diệt chính bản thân mình, những kẻ khác bất khuất nhưng suy yếu thì sẽ tiêu diệt lẫn nhau, còn loại thứ ba yếu đuối và bất hạnh sẽ bò đến dưới chân chúng tôi mà kêu van: "Vâng, các ngài có lý - chỉ có các ngài nắm được bí nhiệm của Chúa, chúng con trở lại với các ngài, xin các ngài cứu vớt chúng con khỏi chính bản thân chúng con".

Đối với con người, không có gì quý hơn độc lập, tự do, không có gì sướng hơn được tự do chọn lựa, nhưng cũng không có gì khổ ai hơn tự mình phải đi tìm lối sống cho mình. Đừng nghĩ cứ làm ông chủ là sướng. Đến khi bạn phải tự gánh lấy sức nặng khủng khiếp của tự do lựa chọn, biết đâu bạn lại muốn quay đầu lại để tìm mệnh lệnh cho cuộc đời mình.

Đó cũng chính là Nghịch lý của sự lựa chọn: quá nhiều lựa chọn sẽ khiến bạn đau khổ, quá ít cũng sẽ khiến bạn khổ đau, thoái thác lựa chọn cho người khác sẽ khiến bạn trở thành nô lệ, Vậy Bạn phải làm gì, con người phải làm gì? có lẽ, sách sẽ cứu rỗi và chỉ đường cho chúng ta.

Bí quyết để con học giỏi

 

Người cha nông dân nghèo có 2 con đỗ 2 trường đại học danh tiếng

Có người hỏi ông: "Cả hai người con đều đỗ hai trường đại học danh tiếng, ông có bí quyết gì vậy?”. Câu trả lời của ông thật bất ngờ. "Tôi không có trình độ văn hóa gì. Thực tế, không có bí quyết nào cả, chỉ là để mấy đứa nhỏ dạy tôi mà thôi!''

Người cha nông dân kể rằng khi ông còn nhỏ, gia đình vốn nghèo khổ nên ông không được đi học, đương nhiên không có trình độ văn hóa để dạy con, chỉ có thể quanh quẩn bên con, nên ông đã nghĩ ra một cách:

Mỗi ngày khi đứa trẻ đi học về, ông sẽ yêu cầu con kể lại cho mình nghe giáo viên ở trường đã giảng những gì. Khi con làm bài tập về nhà, ông cũng ngồi bên cạnh đọc sách giáo khoa, có gì không hiểu ông liền hỏi con, nhờ con giảng giải, nếu đứa trẻ cũng không hiểu thì ông dặn dò con hãy hỏi lại thầy cô giáo vào ngày mai. 

Theo cách này, đứa trẻ vừa là học sinh vừa là "thầy giáo", sẽ phấn khích học hành hơn! Ngay cả khi con của nhà khác đang chơi bóng ở bên ngoài, những đứa trẻ nhà ông vẫn say sưa học bài, vì vậy kết quả học tập của chúng từ tiểu học đến trung học đều xuất sắc, cuối cùng đỗ vào trường đại học danh tiếng...

Có lẽ nhiều phụ huynh sẽ nói rằng: “Tôi làm gì có thời gian như vậy! Cả ngày đã phải đi làm để kiếm tiền nuôi sống gia đình, quá mệt mỏi rồi, tối về còn phải nghe con giảng bài cho. Sự tôn nghiêm của cha mẹ còn đâu nữa chứ?”

Đừng vội lo lắng như vậy, hãy xem cảm hứng mà câu chuyện này mang đến cho chúng ta.

Mục đích của việc để đứa trẻ trở thành một giáo viên là gì? Là để thi cử đạt điểm cao và cạnh tranh xếp hạng? Không phải vậy.

Một số người đã sử dụng cà rốt và thỏ như một phép ẩn dụ cho việc học của trẻ em: tiếp cận và đặt cà rốt trước thỏ, và thỏ sẽ tiếp tục chạy về phía trước. Ví dụ, cha mẹ nói với con cái: "Tại sao con phải học giỏi? Vì con có thể vào các trường điểm, con sẽ có một công việc tốt và thu nhập tốt trong tương lai". Tuy nhiên, đây chỉ là cảnh giới sơ cấp của việc học, học vì để sinh tồn và lợi ích, và cần phải cạnh tranh với những người khác trong xã hội...

Cảnh giới cao nhất của việc học, chính là không cần cà rốt, thỏ vẫn sẽ tiếp tục chạy nhanh về phía trước. Vì cái gì vậy? Bởi vì con thỏ này thích chạy! Nó cảm thấy rằng quá trình chạy này giúp nó thu được rất nhiều cảm giác thành tựu. Vì vậy, nó sẽ tự động chạy về phía trước, không kể cà rốt hay các ưu đãi bên ngoài có tồn tại hay không.

Học để khám phá những kiến ​​thức mới một cách tự giác và hứng thú, đây là trạng thái tốt nhất của học tập.

Do đó, mục đích cuối cùng của việc khiến trẻ "trở thành" một giáo viên là khiến trẻ thực sự yêu thích việc học và chủ động tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo. Nếu cha mẹ có thể đạt được mục tiêu này, trẻ sẽ không còn chú ý đến việc so sánh với người khác, mà chỉ so sánh với chính bản thân mình, mỗi ngày học hỏi thêm một chút và chúng sẽ tiến bộ, điều này chắc chắn đáng để vui mừng.

Bằng cách giảng bài cho người cha, một mặt đứa trẻ sẽ củng cố các kiến ​​thức trọng điểm, mặt khác sẽ có được sự tự tin và động lực, đặc biệt là nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ người cha. Đánh giá cao là một điểm quan trọng trong giáo dục, là điều kiện cần để một đứa trẻ có thể phát triển tâm lý khỏe mạnh.

Có một sự kỳ diệu khi nhận được sự đánh giá cao : Enrico Caruso, nam ca sĩ opera Ý nổi tiếng, nhưng lúc 10 tuổi, giáo viên âm nhạc của ông nói: "Ngũ âm của cậu không hoàn chỉnh, không thể hát được. Lời hát của cậu giống như gió thổi tung rèm cửa vậy". 

Sau khi trở về nhà, Caruso buồn bã và khóc với mẹ mình. Lúc đó, mẹ ông nói một cách đầy chắc chắn: "Con à, thực tế là con có tài năng âm nhạc tuyệt vời. Nghe này. Con hát hôm nay hay hơn hôm qua rất nhiều. Mẹ tin con sẽ trở thành ca sĩ xuất sắc!" 

Caruso nhớ lại con đường thành công của mình, ông nói: "Chính sự khẳng định của mẹ đã mang lại kết quả ngày hôm nay của tôi"


Khi một đứa trẻ đạt được thành quả, chúng tràn đầy tự hào và tự tin. Lúc này, chúng cần một người để sẻ chia hạnh phúc và thành công. Vì vậy, cha mẹ hãy chọn đúng thời điểm, “thiết kế kịch bản” và đánh giá cao con cái một cách thích hợp nhất.